Công vụ 2: " Chúng ta phải làm chi để được cứu?"
" Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, Cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát." Thi Thiên 16:10
Công vụ 2: " Chúng ta phải làm chi để được cứu?"
Câu hỏi:
1/ Phi e rơ dùng đoạn Kinh Thánh nào để chứng minh Chúa Giê su là Đấng Mê si?
2 / Phi e rơ có e sợ khi tuyên bố nguời Giu đa phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê su không?
3/ Lời quở trách của Phi e rơ được đám đông phản ứng như thế nào?
4/ Phản ứng đó có phải do Đức Thánh Linh tác động không?
5/ Kết quả có bao nhiêu người vào Hội thánh đầu tiên?
6/ Nếu lấy Hội Thánh đầu tiên làm mẫu, thì có những phương thức nào nên noi theo?
" Chúng ta phải làm chi để được cứu?"
*** Phi-e-rơ giới thiệu trọng tâm của bài giảng: Chúa Giê-su thành Nazareth là Đấng Mê si đã sống lại: Câu 22 - 24
" Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết. 23 Người đó bị nộp, theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi. 24 Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó."
Trong phần trước, Phi e rơ giải thích hiện tượng Đức Thánh Linh được ban xuống, bằng lời Kinh Thánh trích dẫn trong sách Giô ên. Những dấu hiệu và phép lạ liên quan đến Ngày của Chúa cùng với lời mời gọi kêu cầu danh Chúa.
Bài giảng của Phi e rơ không dừng tại đó, ông bắt đầu giới thiệu một nhân vật, mới vừa nổi tiếng khắp trong dân Giu đa, bị hành hình đau thương, đó là Giê su người Na xa rét.
Trước khi vào phần chính của bài giảng, Phi e rơ kêu gọi sự chú ý: "Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy"
Chỉ trong vài câu, Phi e rơ đã đưa những người Y sơ ra ên có mặt ở đó, cảm thấy mình bị đứng trước vành móng ngựa của toà án Đức Chúa Trời.
Người mà các người vu cáo, là người Đức Chúa Trời sai đến.
Người mà các ngươi chạy theo để xin chữa bệnh, là người các ngươi bội phản.
Người mà các ngươi được chứng kiến nhiều phép lạ để làm chứng cho các ngươi, thì các ngươi không tin.
Người mà các ngươi mượn tay độc ác của La mã để đóng đinh, là người thực hiện công việc cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Vì thế, để cho các ngươi chính mắt thấy, Đức Chúa Trời đã khiến người đó sống dậy, người đó đã bức khỏi dây trói của sự chết cho mọi kẻ tin. Đồng thời, những người từ chối Chúa Giê su lại có dự phần trong việc hành quyết Ngài, phải chịu trách nhiệm cho hành động gian ác của mình trước Đức Chúa Trời.
Phi-e-rơ không hề nao núng khi nói rằng: “Các ngươi đã đóng đinh Người mà Đức Chúa Trời đã sai đến”.
Mối quan tâm đầu tiên của ông không phải là làm hài lòng người nghe, mà là nói cho họ biết sự thật. Phi-e-rơ mới được đầy dẫy Đức Thánh Linh là một người khác với Phi-e-rơ cũ, người mà vài tháng trước đó đã chối đến ba lần rằng mình không hề biết Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 26:69-75).
*** Phi e rơ dùng Kinh Thánh giải thích sự sống lại của Chúa Giê su: câu 25-33
" Bởi chưng vua Đa-vít có nói về Người rằng: Tôi từng thấy Chúa ở trước mặt tôi luôn, Vì Ngài ở bên hữu tôi, hầu cho tôi chẳng bị rúng động chút nào. 26 Bởi cớ đó, lòng tôi vui vẻ, lưỡi tôi mừng rỡ, Và xác thịt tôi cũng sẽ yên nghỉ trong sự trông cậy; 27 Vì Chúa sẽ chẳng để linh hồn tôi nơi âm phủ, Và chẳng cho Đấng Thánh của Ngài hư nát đâu. 28 Chúa đã cho tôi biết đường sự sống; Cũng sẽ cho tôi đầy lòng vui mừng trước mặt Ngài. 29 Hỡi anh em, ta thật có thể nói cách vững vàng với anh em về tổ Đa-vít rằng người đã chết và chôn rồi, ngày nay mồ mả người còn ở giữa chúng ta. 30 Nhưng, vì người là đấng tiên tri, và biết Đức Chúa Trời đã thề hứa với người sẽ cho một hậu tự người ngồi trên ngai mình, 31 thì người đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi âm phủ, và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát. 32 Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó. 33 Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài đổ Đức Thánh Linh ra, như các ngươi đang thấy và nghe."
* Phi e rơ nêu sự kiện Chúa Giê su sống lại, ứng nghiệm với lời Kinh Thánh trong Thi thiên 16: 8-11
" Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi. 9 Bởi cớ ấy lòng tôi vui vẻ, linh hồn tôi nức mừng rỡ; Xác tôi cũng sẽ nghỉ yên ổn; 10 Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, Cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát. 11 Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng."
để giải thích tại sao Vua Đa vít nói là Đức Chúa Trời không để cho xác của Đấng Thánh Ngài bị hư nát, linh hồn người xuống âm phủ. Lại còn được ngồi bên hữu của Đức Chúa Trời, được ban thưởng, tôn vinh, đầy dẫy vui mừng.
Những lời tiên tri của Đa vít muốn nói về ai? Dĩ nhiên không phải là chính Đa vít, vì Vua đã chết, đã được chôn và thân thể cũng đã mục nát. Còn Đấng đó chính là Chúa Giê su vừa sống lại, chẳng ai thấy được thân thể mục nát của Ngài, chính Ngài cũng đang ở bên hữu của Đức Chúa Trời toàn năng, để Đức Thánh Linh được ban xuống như mọi người đang thấy và nghe, thì hãy biết rằng Chúa Giê su là Đấng Thánh đó, đang ngự bên hữu của Đức Chúa Trời.
Phi e rơ cũng cho mọi người biết, Chúa Giê su không phải là tội nhân, Ngài là Đấng Thánh như vua Đa vít nói, nên Đức Chúa Trời không để Đấng Thánh Ngài thấy sự hư nát. Mặc dù Chúa Giê-xu gánh chịu tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài không trở thành tội nhân, Ngài không bị Đức Chúa Trời trừng phạt, trái lại, Chúa Giê su được tôn vinh, đầy dẫy vui vẻ, khi Ngài trở về Trời.
Vào thời của Phi e rơ, người Do Thái biết rất ít về sự sống lại, cho nên trong khi người Pha ri si tin rằng có sự sống lại, thì bên Sa đu sê lại không tin.
Dùng lời Tiên tri để chứng minh và giải thích về sự sống lại cho dân Y sơ ra ên trong giây phút ngắn ngủi của bài giảng, không đủ để làm cho người ta
tin, chính quyền phép Đức Thánh Linh lúc nầy làm cho mọi người khuất phục. Phi e rơ, mười một sứ đồ và nhiều môn đồ ở đó có thể làm chứng về Chúa Giê su sống lại, và cả khi Ngài thăng thiên, cũng có rất nhiều người trông thấy.
*** Lời hăm doạ của Phi e rơ: câu 34-36
" Vì vua Đa-vít chẳng hề lên trời, nhưng chính người có nói: Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, 35 Cho đến chừng nào ta để kẻ thù nghịch ngươi dưới chân ngươi, đặng làm bệ cho ngươi. 36 Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ."
Đây là đoạn thứ ba trong Cựu Ước sau Giô ên và Thi thiên 16 mà Phi-e-rơ dùng trong bài giảng của mình, Phi e rơ nhắc đến Thi thiên 110:1.
" Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, Cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi."
Câu Kinh Thánh Thi thiên 110:1 này của Cựu Ước được trích dẫn trong Tân Ước nhiều hơn bất kỳ câu nào khác; được nhắc đến ít nhất 25 lần.
Trong Thi thiên 110, Đa-vít hiểu và tuyên bố về thần tính của Đấng Mê-si. Nhờ sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, Đa vít viết ra rằng Chúa Giê su chính là Đức Chúa Trời, Ngài sẽ là Thầy Tế lễ trên nước Trời, và Ngài cũng sẽ trở lại để đoán xét thế gian với một sự kinh khiếp, chứ không nhu mì như một Giê su mà dân Giu đa từng hiếp đáp.
Phi-e-rơ muốn nói, “Các ngươi đều sai về Chúa Giê-xu. Các ngươi đã đóng đinh Ngài như thể Ngài là một tên tội phạm, nhưng qua sự phục sinh, Đức Chúa Trời đã chứng minh rằng Chúa Giê su là Chúa và là Đấng Mê-si.”
" Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ."
" Làm Chúa" trong tiếng anh, chữ "Lord" là " Chúa" được dùng trong cựu ước với danh hiệu cao nhất, đồng nghĩa với tên "Yahweh" của Đức Chúa Trời,
các cơ đốc nhân đầu tiên đã dùng tên cao trọng nhất nầy cho Chúa Giê su. Họ muốn tôn danh hiệu thật của Ngài, y như lúc Chúa Giê su tuyên bố với người Pha ri si rằng:
" Ta với Cha là một."
*** Câu hỏi của người được gọi " Chúng ta phải làm gì?" câu 37- 40
" Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? 38 Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. 39 Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi. 40 Phi-e-rơ lại lấy nhiều lời giảng nữa mà giục lòng và khuyên lơn chúng rằng: Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà nầy!"
** Câu hỏi chủ động: “Chúng ta phải làm gì?” Đây rõ ràng là sự góp phần quan trọng của Đức Thánh Linh. Đám đông đang lắng nghe bài giảng của Phi-e-rơ đã vô cùng xúc động trước lời tuyên bố táo bạo của Phi-e-rơ về lẽ thật. Họ hỏi Phi-e-rơ rất trực tiếp là họ nên đáp lại tình thế nầy như thế nào?
Ở đây chúng ta có thêm một hình ảnh về Đức Thánh Linh làm việc trên người nghe đạo, khi được cảm động, họ sẽ có một phản ứng tích cực, chúng ta cũng thử phân tích là Phi e rơ có kêu gọi không?
Có chứ, Đức Thánh Linh đã hành động trên Phi e rơ để ông có lời kêu gọi trên một bình diện rộng lớn, bình diện của Đức Chúa Trời, chứ không phải của Phi e rơ. Nên nhớ, trong tâm tư người Do Thái bấy giờ, họ không mở rộng cửa cho người ngoại, Phi e rơ cũng không ngoại lệ, nhưng ông đã tuyên bố gì?
"Hể ai kêu cầu danh Chúa thì được cứu" chữ " Hể" nầy chỉ có một chữ, nhưng bao gồm toàn thế giới.
Rồi sau đó,ông nói:
" Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi."
Phi e rơ nói đến dòng dõi Y sơ ra ên trước, mà Phao lô gọi là những kẻ ở gần là dân Do Thái, và người ở xa là " người ngoại" chúng ta.
Phạm trù nầy cũng không giới hạn, tức có nghĩa, bất cứ ai mà Đức Chúa Trời sẽ gọi, giống như trong Ê phê sô 2: 12-18
" Trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, ở thế gian không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời. 13 Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi. 14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức thường ngăn cách, 15 là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài, 16 và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời. 17 Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa, và sự hòa bình cho kẻ ở gần. 18 Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh."
Phi e rơ còn khuyên bảo họ rằng: “Hãy cứu khỏi dòng dõi gian tà này.” Rõ ràng Phi-e-rơ đã khuyên bảo họ đáp lại lời mời của ông, cũng là lời mời của Đức Chúa Trời. Phản ứng của đám đông cũng giúp chúng ta hiểu được cách Đức Thánh Linh làm việc trong Ngày Lễ Ngũ Tuần.
Các phép lạ làm họ kinh ngạc và chú ý, nhưng chính Lẽ thật mới chinh phục lòng người. Phải đến khi phúc âm được rao giảng thì sự thuyết phục từ Đức Thánh Linh mới đến. Đây là công việc mà Đức Chúa Trời thực sự muốn hoàn thành. Chúng ta không nên bỏ qua sự rao giảng, vì trọng tâm của nó là giới thiệu Đấng cứu rỗi và sự cứu rỗi. Chúng ta cũng nên đọc bằng tiếng anh câu nầy:
" Now when they heard this, they were cut to the heart"
Từ " Cut to the heart" nghe chính xác và mạnh mẻ hơn là hai chữ " cảm động"
Ai có thể cắt xé tận sâu lòng họ? Nếu không phải là Đức Thánh Linh? Đây là một cách hay để mô tả sự cáo trách, thuyết phục của Đức Thánh Linh. Trong đám đông đó, không thiếu những kẻ từng la to: " Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!"
Bây giờ họ biết rằng, họ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Chúa Giê su, và họ phải làm gì đó để đáp lại trách nhiệm này. " Hỡi anh em, chúng ta phải làm gì?"
Khi Đức Chúa Trời tác động vào tấm lòng của một người, họ muốn đến với Ngài; họ sẽ hành động để đến với Đức Chúa Trời. Bình thường, người truyền giáo tìm kiếm tội nhân, nhưng trong những trận phục hưng mà Đức Chúa Trời khiến xảy ra, tội nhân sẽ tìm kiếm nhà truyền giáo để hỏi làm sao được cứu?
Hiện tượng sự đáp lời của tội nhân sau bài giảng của Phi e rơ là một ví dụ.
**Lời mời của Phi e rơ:
" Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh."
Chắc hẳn Phi-e-rơ vô cùng kinh ngạc khi thấy Đức Chúa Trời làm việc trong tình huống này. Thay vì mọi người muốn hành hung ông, vì Phi e rơ lên án họ trong cái chết của Chúa Jêsus, hàng ngàn người lại muốn tin vào Chúa Jêsus là Chúa và là Đấng Mê-si.
Điều đầu tiên Phi-e-rơ bảo họ làm là phải "Ăn năn" (hối cải).
Ăn năn không có nghĩa chỉ là cảm thấy hối tiếc, mà có nghĩa là thay đổi suy nghĩ hoặc hướng đi của một người.
Chấp nhận Chúa Giê su là Chúa, và là Đấng Mê si mà chịu Báp têm. Phải là phép Báp têm nhân danh Chúa Giê su mới được công nhận.
Đối với người tin Chúa ngày nay, tin nhận Chúa Giê su để làm phép Báp têm, có lẽ dễ hơn là những người Giu đa thời đó, mới chẳng bao lâu, họ còn coi Chúa Giê su là thù nghịch, là phạm thượng, bây giờ phải xưng Ngài ngang bằng với Đức Chúa Trời, và công nhận Ngài là Đấng sẽ cứu họ khỏi sự đoán phạt ngày sau, là việc rất khó.
Chẳng phải chính quyền đang cai trị Giu đa thay đổi, các Thầy Tế lễ giết Chúa Giê su vẫn còn đó, vẫn bắt bớ ( Lời thú tội của Phao lô là một bằng cớ) thì việc xưng nhận Chúa Giê su công khai quả là một thách thức vô cùng lớn.
Ngày lễ Ngủ tuần đánh dấu Hội Thánh Chúa được công khai thành lập. Các hội viên đều công khai xưng nhận.
Vi Phi e rơ trả lời như thế, nên hai chữ "Ăn năn" đã được gọi là “Lời đầu tiên của phúc âm”.
Giăng Báp tít kêu gọi dân Y sơ ra ên Ăn năn, Chúa Giê su cũng kêu gọi mọi người Ăn năn, bây giờ Phi e rơ cũng bảo họ Ăn năn.
*** Ăn năn, quay đầu, và nhân danh Chúa Giê su làm Báp têm là bày tỏ đức tin của mình hoàn toàn vào Ngài.
Khi người nào ăn năn và thể hiện đức tin và sự vâng lời qua phép báp têm, thì ân tứ của Đức Thánh Linh cũng sẽ được ban cho họ như đã được ban cho môn đồ hôm nay mà họ đang thấy. Chẳng những vậy, Phi-e-rơ cũng nói cụ thể rằng, lời hứa về Đức Thánh Linh sẽ được ban tiếp nối cho đến tận các thế hệ sau, dòng dõi con cháu và cả đến những người ở xa, là những người mà Đức Chúa Trời sẽ gọi.
Lời hứa không giới hạn, lời hứa không cấm đoán tội nhân bước vào, lời hứa quá dễ dàng cho bất cứ ai muốn đến, đó là lời hứa đầy tình thương và đầy ân điển của một Đức Chúa Trời quá nhân từ, thương xót, trước ngày đoán phạt uy nghiêm xảy đến. Ngày mà Kinh Thánh mô tả là thùng rượu của cơn thạnh nộ sẽ nổ ra. Phi e rơ nài nĩ họ:
"Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà nầy!"
Vì thế gian tội lỗi, mà Chúa Giê su phải chết để đền tội cho, thì dù ở thời gian nào và ở đâu, thì con người thuộc thế gian, đều nằm trong dòng dõi gian tà, dưới mắt Chúa, thế gian có cái tên như vậy. Không phải chỉ Phi e rơ dùng chữ nầy đâu, nhưng Đức Chúa Trời và Chúa Giê su cũng đã dùng để nói về con người trên thế gian.
*** Đám đông đáp ứng lại bài giảng của Phi e rơ: câu 41
"Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong này ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh."
Như vậy, Hội Thánh đầu tiên được khai trương với hơn 3.120 tín hữu, đó là kết quả lớn lao mà Đức Thánh Linh thể hiện quyền năng của Ngài trên những kẻ Tin và trên Hội Thánh. Thế rồi, Hội thánh sẽ hoạt động ra sao với con số nhiều như vậy? Chúng ta đọc tiếp trong câu 42-47
*** Giữ lời dạy, Sống chung, Chia sẽ và Thờ phượng:
" Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. 43 Mọi người đều kính sợ vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ. 44 Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. 45 Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. 46 Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, 47 ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh."
***Những Tín dồ mới được dạy dỗ:
Đây cũng là một sứ mạng nằm trong lời dạy của Chúa Giê su trong Ma thi ơ 28: 19 &20
"Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế."
Những người mới tin Chúa tiếp tục kiên trì trong việc học hỏi các giáo lý của các sứ đồ: Họ dựa vào các sứ đồ để được truyền đạt sự hiểu biết về Chúa Giê-su là ai và Ngài đã làm gì. Chỉ mới tin vào Chúa Giê su thì chưa đủ, một niềm tin vững mạnh phải được thông hiểu và bồi dưỡng. Các sứ đồ được giao cho trọng trách nầy vì họ học được từ Chúa Giê su, nay họ truyền đạt lại cho kẻ đến sau.
Những sứ đồ lúc nầy có thể được coi như những Mục sư, với số tín hữu đông như thế, dường như mỗi Mục sư phải chăm sóc 260 tín hữu. Một con số vượt bực, nhưng không phải chỉ giảng dạy, còn Thờ phượng, và cả ăn uống cùng nhau.
Có những từ được diễn tả bằng tiếng Hy Lạp mà thiết nghĩ chúng ta cần biết:
"Longenecker" trong việc học lời Chúa với các sứ đồ - "Longenecker" có nghĩa là kiên định và nhất quán. Không có thay đổi hay không đồng nhất trong việc truyền đạt và học lời Chúa.
"Koinonia" là sự Hiệp thông, từ nầy có ý tưởng về sự kết hợp qua sự hiệp thông và sự tham gia; nó có nghĩa là chia sẻ với nhau điều gì đó. Cuộc sống Cơ Đốc nhân phải tràn đầy sự hiệp thông và chia sẻ:
Chia sẻ cùng một Chúa Giê su / Chia sẻ cùng một hướng dẫn cho cuộc sống / Chia sẻ cùng một tình yêu dành cho Chúa / Chia sẻ cùng một mong muốn thờ phượng Ngài./ Chia sẻ cùng một cuộc đấu tranh, cùng chiến thắng và cùng niềm vui cho Tin lành /Chia sẻ cả những vui buồn, vật chất trong đời sống.
Hội Thánh dầu tiên được trình bày như một nhà thờ mẫu mực, nhưng điều này không có nghĩa là nó hoàn hảo. Vài chương sau, chúng ta sẽ thấy rằng có những khó khăn rất thực tế mà Hội Thánh phải đối đầu. Nhưng họ quả thật đã làm một gương mẫu rất tốt trong việc học lời Chúa, thờ phượng, thông công, chia sẽ và cầu nguyện, thậm chí là bán cả nhà cửa để ở cùng nhau vui vẻ, thật thà.
Hình ảnh đó đã lôi cuốn được nhiều người khác, để mỗi ngày đều có người mới gia nhập, thật là một hình ảnh vô cùng đẹp đẻ của Hội thánh đầu tiên. Mọi người đều kính sợ Đức Chúa Trời là một dấu hiệu của Hội thánh lành mạnh, vì vậy, Chúa thực hiện nhiều dấu kỳ phép lạ trên các sứ đồ để Chúa dùng họ mà đụng chạm đến mọi khía cạnh của Tín đồ trong Hội Thánh, làm cho vững đạo.
**Bán tài sản riêng và chia cho mọi người, tùy theo nhu cầu là bằng chứng của sự nóng cháy bởi quyền năng Chúa, được thể hiện rõ ở điểm nầy vì Chúa Giê-su trở nên quan trọng hơn nhiều đối với họ so với tài sản của họ.
Hình mẫu của Hội Thánh ban đầu là phương thức để Hội Thánh ngày nay được phát triển:
Học và dạy lời Chúa kiên định - Thờ phượng và Cầu nguyện không bỏ sót - Cùng nhau thông công trong sự hiệp nhất - Chia sẽ và giúp đỡ nhau trong nhu cầu, và điều quan trọng mà chính Chúa sẽ làm là cho thêm người vào Hội Thánh.
Xin chúng ta đọc bài viết của Giáo sư Douglas A. Campbell teaches New Testament at Duke Divinity School.
phân tích về Hội Thánh Cô rinh tô qua bức thư của Phao lô gởi cho Hội Thánh Cô rinh tô.