Ma thi ơ đoạn 4 ** Trong Đồng Vắng ** Đánh Lưới Người
"Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài. " Gia Cơ 1: 12
Câu hỏi trong Ma thi ơ đoạn 4:
8/ Chúa Giê su ngoài giảng dạy trong các nhà hội, Ngài còn làm gì mà đã gây sự chú ý trong dân chúng?
** Đánh Lưới Người
Kinh Thánh chép trong những ngày đầu của chức vụ, Chúa Giê su đã sớm chiêu mộ môn đồ, cách kêu gọi của Ngài thật kỳ lạ và người đi theo cũng bất thường không kém - Trong đoạn Kinh thánh Ma thi ơ 4 nầy ghi rằng: "Khi Ngài đang đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy hai anh em kia, là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, với em là Anh-rê, đang thả lưới dưới biển, vì hai anh em vốn là người đánh cá. Ngài phán cùng hai người rằng: Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người. Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài."
"Ngay lập tức hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài.." Ma-thi-ơ nhấn mạnh đến tốc độ quyết định của hai anh em, thật dứt khoát và nhanh chóng, khi Chúa kêu gọi, Si môn và Anh rê đang thả lưới dưới biển, họ bỏ ngay thuyền, lưới và cá của mình để theo Chúa, đoạn dưới cũng nói Giăng và Gia cơ đi đột ngột như vậy trước sự chứng kiến của cha họ - Chúa đã hứa với họ điều gì? Chẳng phải là một câu nói không liên quan gì đến sự sống của họ hay sao? Rằng: " Ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người!" Một câu nói như vậy nào có hứa hẹn gì để giải quyết những nhu cầu trong cuộc sống mà họ và gia đình họ đang cần đến, đến nỗi họ chấp nhận lời mời ấy không chút do dự?
Nhưng, chúng ta đừng quên rằng có những lời kêu gọi dường như mơ hồ, không hề hấp dẫn đối với người nầy nhưng lại là điều mà người kia lại đang mong đợi và nghe rất rõ, đây mới là một yếu tố quan trọng và thực tế. Chính Chúa Giê-su muốn tìm những môn đồ như vậy, chỉ cần một lời bỏ ngỏ là họ có thể bỏ lại mọi thứ để bắt đầu lại trên một con đường mới.
Trong sách Giăng đoạn 1: 34 -42 cho biết Phi e rơ và Anh rê thoạt đầu là hai môn đồ của Giăng Báp tít, Ngày Chúa Giê su làm Báp têm, họ không có ở đó nhưng ngày hôm sau, khi Chúa Giê su đi ngang qua, nghe Giăng Báp tít giới thiệu:"Đó là Chiên con của Đức Chúa Trời" thì hai người liền bỏ Giăng Báp tít mà theo Chúa Giê su, và họ nói với nhau rằng họ đã gặp Đấng Mê si. Kinh Thánh còn ghi lại giờ mà họ đã gặp Chúa, đó là giờ thứ mười, giờ của sự phước hạnh đổ xuống cho cuộc đời đánh cá của họ, cuộc đời thay đổi theo ý muốn của Chúa vì Chúa Giê su vì Ngài đã nói: " Ta sẽ làm cho ngươi thành tay đánh lưới người !" Trong câu chuyện Chúa Giê su, chúng ta thấy đã có nhiều người mong đợi lời hứa của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, họ ấp ủ trong lòng và hy vọng thấy được Đấng ấy - Điều trở ngại duy nhất của một người Do Thái tin kính lúc bấy giờ là có nhận ra Chúa Giê su là Đấng Mê si như lời Kinh Thánh hứa hay không? Chúng ta đã thấy có cha mẹ của Giăng Báp Tít và Giăng Báp Tít, ông Giô sép, bà Ma ry, các Mục đồng, các nhà Thông thái ở phương Đông rồi ông già Si mê ôn trong đến thờ cũng như bà An ne và có lẽ còn rất nhiều người trong dân chúng mà điển hình là các môn đồ, những người nầy theo Chúa theo cái nhìn của tâm linh chứ không phải nhìn phép lạ - Tất cả các môn đồ của Chúa không ai nhìn phép lạ mà theo và tuỳ theo mỗi người mà Chúa có cách kêu gọi riêng - Theo Chúa bằng tiếng gọi của tâm linh và nhìn biết Chúa là Đấng Cứu rỗi như tên của Ngài là một quyết định đúng đắn nhất vậy.
"Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ." Ê phê sô 6:11
***Trong Đồng Vắng
Rỏ ràng trong trong đoạn nầy Kinh thánh nói Đức Thánh Linh đã đem Chúa Giê su vào trong đồng vắng để bị thử nghiệm. Một cuộc thử nghiệm mà trong sách Ê phê sô đoạn 6: 12 & 13 có dạy chúng ta rằng: " Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng."
Có lẽ chúng ta tự hỏi: " Vì sao Chúa Giê su là Đức Chúa Trời mà còn bị thử nghiệm?" và câu hỏi thứ hai là " Chúa Giê su bị thử nghiệm trong khả năng của một con người trong chúng ta hay có sự vùa giúp của Thiên sứ?"
Hai câu hỏi nầy rất quan trọng, không thể lấy sự suy diễn mà chinh phục người đọc, chúng ta hãy xem xét lời Kinh thánh trong Hê bơ rơ đoạn 2: 17 &18
" Nhân đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân. Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy."
Câu nầy trả lời cho cả câu hỏi thứ nhất và thứ nhì, Chúa Giê su bị thử thách trong khả năng của con người để có thể thông cảm sự yếu đuối của con người và thương xót tội nhân để Ngài mới trở thành một Thầy Tế Lễ Thượng phẩm mà dâng lời cầu nguyện cho chúng ta.
Sách Ma thi ơ đoạn 4 còn cho chúng ta biết Đức Thánh Linh đem Chúa Giê su vào đồng vắng, giao vào tay Sa tan để chịu thử nghiệm một mình, không ai giúp đỡ, chẳng những vậy, Ngài còn rất đói vì kiêng ăn 40 ngày với một kẻ giảo quyệt nhất trần gian là ma qủi mà sách Ê phê sô đoạn 6 nói: " đánh trận cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời" Và nếu chúng ta biết rằng Chúa Giê su chiến đấu một mình thì có thể chúng ta lo ngại không biết Ngài có thể thắng được một kẻ thù như vậy không?
Chúng ta hãy phân tích chiến thuật của kẻ thù trước, xem Kinh Thánh có đánh giá quá cao về sự khôn ngoan, qủi quyệt của Sa tan không?
Nếu chiến thuật của Satan trong sách Gióp là huỷ diệt và làm cho đau khổ thì khung cảnh ở đây có thể gọi hai chứ là " dụ dỗ"
***Dùng hai chữ nầy không sai vì trong câu 3 gọi nó là " Qủi Cám dỗ"
1/ Dụ dỗ thứ nhất : Dựa vào "Đòi hỏi của Xác thịt"
Satan biết Chúa Giê su đã kiêng ăn 40 ngày, Ngài đang đói, nó bảo Chúa Giê su": Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi." Thoạt nghe, chúng ta thấy lời đề nghị có lý, đúng lúc có cần, nhưng ở đây Satan muốn Chúa Giê su phục theo đòi hỏi xác thịt mà làm theo lời nó quên đi mục đích của mình - Nếu Chúa Giê su làm theo , hoá đá thành bánh ăn thì chức vụ của Chúa không phải là Giảng lời Chúa để người nghe theo được cứu mà Chúa Giê su sẽ thành Người làm phép lạ cung cấp bánh cho những người đói bụng ăn bánh mà thôi. Satan muốn Chúa Giê su quên đi mục đích của mình.
Bởi vậy Kinh Thánh nhiều lần nói Chúa đã không hài lòng khi đoàn dân đến với Ngài chỉ vì phép lạ, nhưng Kinh Thánh cũng nói rõ:" Phép lạ được ban ra để làm cho vững đạo! "
2/ Dụ dỗ thứ hai: Nhắm đến sự " Kiêu ngạo của Lòng"
Satan không tự bỏ ý định của mình qua một lần thua trận, nó bày một trận khác sâu sắc hơn, kích động lòng kiêu ngạo để Chúa Giê su thử Đức Chúa Trời, bây giờ nó bảo: "Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, Thì các Đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, Kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng."
Nó dùng Thi Thiên 91 để gợi lòng kiêu hãnh Chúa Giê su bằng sự thách thức trong hai chữ nếu và vì - Nó muốn Chúa Giê su thay vì thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời làm một con chiên khiêm nhu, âm thầm chịu khổ, nín chịu trước kẻ hớt lông thì bây giờ lại thành kẻ hênh hoang đứng trên nóc đền thờ có bao nhiêu cặp mắt thán phục của dân chúng - Bấy giờ thì Chúa Giê su quả thật thành một kẻ dùng lời hứa của Đức Chúa Trời đu bay trước mặt mọi người để lấy lời tán thưởng trong chốc lát mà thật chướng mắt cho Đức Chúa Trời cho nên Kinh Thánh vẫn thường nhắc " Chúa ghét kẻ kiêu ngạo"
Phải chăng Satan muốn Chúa Giê su làm cho Đức Chúa Trời ghét?
3/ Dụ dỗ thứ ba: " Mê tham của Mắt"
Trận cuối cùng mà Satan đưa ra là quyền trên cả Thế gian - với một điều kiện: "Qùi lạy nó"
Kinh Thánh cho chúng ta biết trước khi Satan bị cầm tù, Thế gian thuộc về ma qủi, nó đang có chủ quyền trên Thế gian, lời hứa cho Chúa Giê su cả thế gian là tất cả những gì nó có- Nó muốn dùng tất cả những gì nó có để phá huỷ chương trình Cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê su. Satan luôn tranh chiến với Đức Chúa Trời - Trong Ê sai 14 nói " Hỡi sao mai, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào! 13 Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. 14 Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao. 15 Nhưng ngươi phải xuống nơi âm phủ, sa vào nơi vực thẳm! "
Satan muốn Chúa Giê su qùi xuống trước nó để có được thế gian nhưng Chúa Giê su không màng đến một thế gian đầy tội lỗi - Ngài muốn một thế gian được cứu chuộc, trở lại với Đức Chúa Trời, câu trả lời khẳng định của Chúa Giê su làm ma qủi phải lui đi và Đức Chúa Trời thuận ý cho Chúa Giê su kết thúc sự thử thách- Chúa Giê su đã từ chối Thế gian của Satan nhưng Phi líp đoạn 2: 6-11 ghi :" Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; 7 chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8 Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. 9 Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, 10 hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, 11 và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha."