Mathi ơ 14 - "Hê rốt chém đầu Giăng Báp tít"
"Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến, mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá.." Ê sai 55:1
Mathi ơ 14 - "Hê rốt chém đầu Giăng Báp tít"
Bài học hôm nay trình bày qua 3 hình thức cần thiết khi học Kinh thánh:
1- Liên kết với bối cảnh lịch sử 2- Tìm hiểu cách Chúa hành động 3- Bồi dưỡng đức tin qua các câu chuyện
Câu Hỏi:
1/ Hê rốt vua chư hầu nghĩ Chúa Giê su là ai? Tại sao?
2/ Đầu tiên Hê rốt có định giết Giăng Báp tít không? Tại sao?
3/ Cuối cùng vì âm mưu của ai mà Giăng Báp tít bị chém đầu?
4/ Vì sao Đức Chúa Trời không giải cứu Giăng Báp Tít?
5/ Đoàn dân khắp các làng đi theo Chúa Giê su, Ngài có từ chối họ không? Họ đến để làm gì?
6/ Chúa Giê su muốn thử gì trên môn đồ khi bảo họ ban dồ ăn cho đoàn dân quá đông nầy?
7/ Môn đồ trả lời sao trong Giăng 6: 7-9?
8/ Khác với cách bà Ma ry nói với Chúa Giê su khi thiếu rượu trong Giăng 2: 1-5 thế nào?
Môn đồ và Ma ry, ai được được chứng kiến phép lạ của Chúa Giê su nhiều hơn? tại sao có sự khác biệt trong suy nghĩ nầy?
9/ Nếu bé trai không đưa năm cái bánh và hai con cá ra thì Chúa Giê su có cách khác không? Nhưng em đã đưa ra, chúng ta học được bài học gì?
10/ Có gì khiến chúng ta suy nghĩ về Chúa Giê su đối với những nhu cầu của mình khi chúng ta xin có đồ ăn đủ dùng mỗi ngày?
11/ Tại sao đám đông muốn tôn Chúa Giê su làm vua? Chúa tránh đi đâu?
12/ Lúc gió bão xảy ra có mặt Chúa Giê su ở đó không? Ngài đến với các môn đồ để làm gì?
Chúng ta có tin rằng Chúa Giê su vẫn biết và cứu giúp chúng ta trong khi chúng ta không thấy Ngài không?
13/ Khi thấy Chúa Giê su đi trên biển, môn đồ sợ tưởng đó là ai? Vì sao?
14/ Khi Phi e rơ muốn thử đi trên biển Chúa có từ chối ông không? Hãy bàn luận với nhau, lời xin của ông hợp lý hay không hợp lý?
Kết quả ra sao? Nguyên nhân thất bại là gì?
15/ Sau sự kiện nầy, các môn đồ được chứng kiến điều gì nơi Chúa Giê su và xưng Ngài là ai?
*** Hê rốt chém đầu Giăng Báp Tít:
Hê rốt An ti ba không bao giờ có được danh vị là Vua của toàn thể xứ Giu Đa:
Ông là một trong bốn con trai của Vua Hê rốt đại đế, Hê rốt đại đế là người đã tìm giết Chúa Giê su lúc còn nhỏ -
Hê rốt An ti ba thật sự không phải là Vua của toàn đất nước Giu Đa như cha mình- Anh trai của ông là Archelaus cai trị phía nam và em trai là Philip cai trị phía bắc, còn Hê rốt Anti ba chỉ được quyền hạn ở trong vùng Ga li lê mà thôi nên được gọi là Hê rốt chư hầu ( Herod Tetrarch -Người cai trị thứ tư - trong bốn anh em) Hê rốt An ti ba đã ngỏ ý xin Hoàng đế Caligula cho danh hiệu là Vua Giu đa, nhưng Caligula từ chối. Sự sỉ nhục này là một phần nguyên nhân sau đó khiến Hê rốt An ti pa phải bị lưu đày ở Gaul, xứ Spain.
Vì cai trị ở Ga li lê, nên Hê rốt chư hầu nghe nhiều về Chúa Giê su, nỗi ám ảnh về tội lỗi mà ông đã giết Giăng Báp tít, làm cho ông luôn nghĩ rằng Chúa Giê su là Giăng Báp Tít sống lại - Thời điểm nầy, có hai nguồn dư luận đầy mê tín, phía dân chúng cho là Giăng Báp tít từTiên tri Ê li đầu thai vì không hiểu lời Tiên tri của Kinh Thánh ( xem lại Mathi ơ 11) và Hê rốt thì nghĩ là Chúa Giê su từ Giăng báp Tít sống lại (vì bị ám ảnh)
Câu chuyện Hê rốt chư hầu chặt đầu Găng Báp tít để làm vừa ý nàng Hê rô đia được sách Ma thi ơ 14 mô tả chi tiết - Hê rô đia cũng là cháu gái của Vua Hê rốt đại đế, bà nầy trước lấy chú mình là Phi líp, em Hê rốt An tipa, nay lại lấy anh chồng, bất chấp lời phản đối của Giăng Báp Tít - Kinh Thánh chép, Hê rốt không dám giết Găng vì sợ đám đông chứ không sợ Chúa nhưng cuối cùng lại giết Giăng vì muốn làm vừa lòng Hê rô đia trong âm mưu của bà và con gái- Lịch sử ghi lại sự thất bại của Hê rốt chư hầu với lời châm biếm của dân gian là " Tai nạn luôn xảy ra khi con gà mái gáy" vì sau đó Vua Aretas của Petra, cha vợ trước mà Hê rốt ly dị, nổi giận vì bị sĩ nhục nên đã đem quân đánh Hê rốt làm ông thua trận, sau còn bị cháu là Hê rốt Ạt ríp ba cáo buộc phản bội hoàng đế La mã nên Hê rốt Anti pa bị đi đày cho đến chết.
Giăng Báp tít qua đời trong một trang sử buồn, nhưng hình ảnh của người dọn đường sẽ phải phai nhạt đi khi Đấng phải đến đã đến.
***Bửa ăn tối đáng nhớ:
Chúa Giê-su nghe Giăng Báp tít bị giết thì lặng lẽ lánh đi, điều này không phải vì Ngài hèn nhát mà Ngài có sự hiểu biết về thời điểm của Đức Chúa Trời, và cũng là thời điểm tiên tri. Chúa Giê su muốn tránh né bạo lực của Hê rốt nhưng Ngài vẫn không tránh né đám đông vì họ đang cần Ngài, các nhà lãnh đạo chống đối Chúa nhưng đám đông vẫn yêu mến Ngài - Một lần nữa Chúa Giê su lại mở bục giảng ngay bên bờ hồ với hàng ngàn thính giả, có rất nhiều người đã đi bộ theo Chúa từ các làng xa xôi đến - Từ sau sự kiện của Giăng Báp tít, cả Chúa Giê su lẫn đoàn dân đều đã bỏ ngoài tai những ảnh hưởng chính trị, quyền lực đang diễn ra quanh họ, để cùng nhau hướng đến chuyện Nước Trời, ở đó cũng có sự chữa lành, sự an ủi, có hy vọng và chân lý-
Buổi học rất dài mà dân chúng vẫn say mê, trời gần tối, họ không có gì ăn, Chúa Giê su động lòng thương xót và bảo các môn đồ cho họ ăn, với điều này, Chúa Giê-xu đã thử thách lòng nhân ái và đức tin của các môn đồ. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, điều đầu tiên mà người ta có trong đầu là những câu hỏi khó, trong sách Giăng đoạn 6 ghi lại: Các môn đồ đã tính tiền và nói rằng không đủ cho mọi người, họ quên là có đấng có thể làm phép lạ ở ngay kế bên, thay vì hành xử như bà Ma ri nói với Chúa Giê su khi đám cưới hết rượu, bà báo cáo với Chúa " Người ta hết rượu và dặn đầy tớ làm theo những gì Chúa Giê su bảo để có rượu (Giăng 2: 1-11) Khi đong đếm như thường làm, các môn đồ đã quên ai đang ở cùng mình.
Bắt đầu từ năm cái bánh và hai con cá lấy được từ một cậu bé giữa đám đông (Giăng 6: 9)- Chúa Giê su mời đoàn dân ngồi xuống, dự một bửa tiệc thông công dư dật sau khi Ngài chúc tạ, ban phước, bẻ bánh ra và trao lại cho các môn đồ để phân phát - Không ai biết bánh và cá này thực sự đến từ đâu, Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời có thể cung cấp những nguồn vật thực mà chúng ta không thể nhìn thấy hoặc nhận thức được theo bất kỳ cách nào dưới mắt con người. Sẽ dễ dàng cho chúng ta hơn khi chúng ta tin rằng Chúa có thể cung cấp mọi nhu cầu của chúng ta đúng lúc và theo cách của Ngài.
Bửa tiệc thông công dư dật nầy được ghi lại trong cả bốn sách Phúc âm, là hình ảnh Hội Thánh luôn được Ba ngôi Đức Chúa trời quan tâm và chăm sóc- Các môn đồ được phụ giúp trong buổi tiệc và sự đóng góp nhỏ nhất cũng thành hữu ích nhất cho mọi người với ba tiêu chuẩn: Yêu thương- Quan tâm và Chia sẽ. Qua câu chuyện nầy khi chúng ta xin đồ ăn đủ ngày trong bài Cầu nguyện chung, chúng ta sẽ biết nhờ cậy Chúa hơn vì Ngài là Đấng luôn chăm sóc cho chúng ta bằng những cách mà chúng ta không biết.
***Đức Tin khi sóng gió:
Sau khi ban bánh cho đoàn dân, Chúa Giê su phải lánh đi một mình để cầu nguyện trên núi, sách Giăng 6:15 ghi rằng Ngài phải lánh đi vì đoàn dân muốn tôn Ngài lên làm Vua - Chúa Giê su cần bổ lại linh hồn mình qua một ngày làm việc mệt nhọc với rất nhiều người. Đọc câu chuyện trong sách Mathi ơ 14, nhiều cơ đốc nhân được kinh nghiệm qua câu nói :" Những mảnh vụn bí mật nuôi thân thể nhưng giờ cầu nguyện làm bổ lại lại linh hồn"
Trong lúc Chúa Giê su ở trên núi thì các môn đồ chèo thuyền trở về thành Ca bê na um -Họ đã đi gần cả đêm trên hồ, bổng dưng sóng gió nổi lên dữ dội, các môn đồ vô cùng sợ hãi, sau khi họ đã kiệt sức chèo chống trong sóng gió bão thì họ thấy Chúa Giê su đến với họ vào canh tư, khoảng từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng (Mác 6: 47-52), Chúa Giê-su đi bộ trên biển làm mọi người ngạc nhiên và sợ lắm, tưởng là ma, sau khi Chúa Giê su lên tiếng để mọi người an lòng thì Phi e rơ lại có một quyết định táo bạo là muốn thử làm như Chúa Giê su, chúng ta có thể giải thích điều nầy nơi Phi e rơ khi nhớ lại lúc gởi các môn đồ đi ra, Chúa Giê su cũng đã trao cho họ những quyền phép, nên bây giờ Phi e rơ muốn thử nghiệm một điều lớn hơn.
Phi e rơ đã can đảm bước ra khỏi thuyền đi trên mặt nước để đến với Chúa Giê-xu, nhưng khi thấy gió thổi, ông sợ hãi; và bắt đầu chìm xuống: Đây là một bức tranh tuyệt vời diễn tả những bước đi trong đức tin, Phi-e-rơ có sự dạn dĩ lúc ban đầu, nhưng để có thể làm được điều kỳ diệu dường ấy, khi ông chỉ nhìn vào Chúa Giê-su mà thôi. Phi e rơ cầu cứu, thì Chúa đưa tay nắm lấy ông nhưng Ngài cũng chỉ ra rằng nguyên nhân của sự thất bại là " hồ nghi trong đức tin !" Thêm một bài học cho chúng ta, hồ nghi trong đức tin làm cho mọi việc mình xin và ao ước không thành.
Qua bài học nầy, những người theo Chúa lâu năm muốn chia sẻ với chúng ta những điều ngộ nghĩnh mà ai đó đã kinh nghiệm khi mình "Ít đức tin"
** Phi e rơ bị nguy hiểm không phải vì gió lớn mà vì đức tin nhỏ,
** Đức tin nhỏ thường được tìm thấy ở những nơi mà người ta mong đợi một đức tin lớn.
** Quá háo hức đối với các dấu hiệu lớn trong khi đức tin chưa đủ là một thất bại.
** Ít đức tin thường có xu hướng quá cao về năng lực của mình.
** Đức tin nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.
** Ít đức tin hay nhanh chóng phóng đại nguy cơ.
Tuy vậy Phi e rơ cũng cho chúng ta thấy những lợi điểm của Đức tin nhỏ:
** Đức tin nhỏ là đức tin chân chính.
** Ít đức tin sẽ cần vâng theo lời của Chúa Giê-su chỉ dạy
** Ít đức tin sẽ tiếp tục đấu tranh để đến với Chúa Giê-xu.
** Đức tin nhỏ sẽ đạt được những điều lớn lao hơn khi tăng trưởng
** Đức tin nhỏ sẽ cầu nguyện khi gặp khó khăn.
Và điều cuối cùng là: Đức tin nhỏ sẽ được Chúa luôn ở cạnh bên để giúp đỡ..
Chúc mọi người yên lòng làm theo lượng đức tin mình có như trong Kinh Thánh dạy rằng: " Ngươi có đức tin chừng nào, hãy vì chính mình ngươi mà giữ lấy trước mặt Đức Chúa Trời." Rô ma 14: 22a