Mathi ơ 28 Phần 2: " Đại mạng lệnh"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin Lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus Christ;" Ê phê sô 3: 6

Mathi ơ 28 Phần 2: " Đại mạng lệnh"


Đọc Mathi ơ 28: 16-20

 

Câu hỏi:


1/ Vì sao các môn đồ lại thờ lạy Chúa Giê su khi gặp lại Ngài? Tại sao có vài người bối rối?
2/ Chúa Giê su bảo họ sẽ làm công việc gì?
3/ Muốn làm được công việc đó, các môn đồ phải thay đổi gì?
4/ Ai là người được biệt riêng ra cho dân ngoại? người ấy có đặt điểm gì?
5/ Chúa Giê su có mâu thuẩn với chính mình khi bảo các môn đồ đi ra dạy dỗ người ngoại?

 

6/ Ban đầu Đức Chúa Trời có định cứu dân ngoại không?
7/ Một người tin Chúa sẽ được chứng nhận bằng cách nào? Qua cách đó họ được ai công nhận?
8/ Môn đồ hoá là gì? Có quan trọng không? Ngày nay chúng ta còn làm không?
9/ Theo tinh thần của bài học nầy, một người đi ra dạy dỗ người khác có cần phải học biết lời Chúa không?
10/ Đấng nào đồng công với người đi truyền giảng khi họ làm công việc đó?

 


                     Đại Mạng lệnh câu 16-20

 

" Mười một môn đồ, đi qua xứ Ga-li-lê, lên hòn núi mà Đức Chúa Jêsus đã chỉ cho. Khi môn đồ thấy Ngài, thì thờ lạy Ngài; nhưng có một vài người nghi ngờ. Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế."

 

   Mười một môn đồ đã gặp Chúa Giê su trên núi Ga li lê, trong khi họ định rằng họ sẽ trở lại nghề đánh cá để mưu sinh, vì nghĩ Chúa Giê su đã chết. Cũng giống như những người đàn bà kia, họ không thể tin được là Chúa Giê su có thể sống lại như lời Ngài nói, dù vậy, ở đây, chữ dịch đúng là bối rối,chứ không phải nghi ngờ, chỉ có một người nghi ngờ làThô ma, nên Chúa đã đưa tay và sườn Ngài cho ông sờ như lời ông yêu cầu.
      Bất ngờ gặp Chúa Giê su trong hình hài mới, các môn đồ không còn cho phép mình giữ cách thân mật giữa người và người như xưa, họ bắt đầu thờ lạy Chúa. Khi họ chấp nhận xem Chúa Giê su là Con Đức Chúa Trời, thì lời dặn của Ngài ở đây có ý nghĩa rất lớn, đã thay đổi đời sống, tư tưởng và niềm tin của họ.

 

 ** Thay đổi công việc:

 

   Chúa Giê su ra lệnh cho tất cả phải đi ra để rao truyền danh Chúa và lời Ngài, đó là sứ mệnh chính thức được công bố - Chúa không nói họ sẽ sống bằng gì? Ở đâu? Nhưng có lời hứa rằng, Ngài luôn ở với họ đến tận thế. Lời hứa kéo dài đến tận thế, có phải chỉ cho các môn đồ thời xưa không? Câu trả lời là không, đó cũng là lời hứa cho tất cả những ai, xưa và nay, dấn thân ra đi, đều có thể tin cậy nơi lời hứa đó.

 

** "Tất cả quyền phép trên Trời và dưới đất đã giao cho ta:"

  Lúc nầy Chúa Giê su đã được Đức Chúa Trời ban cho mọi sự, không những quyền lực trên Trời, dưới đất, mà còn là sự tôn qúi, vinh hiển tột bực, trên trời, dưới đất và bên dưới đất.

 

" Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha." Phi Líp 2: 6-11

 

  Nếu chúng ta được vua nào trên đất hứa bảo vệ cho, chắc chúng ta sẽ rất vui mừng vì lời hứa đó. Ở đây, các môn đồ nhận được lời hứa của Vua trên muôn vua, vua quyền lực trên Trời, vua tối cao dưới đất, vua đời đời, luôn ở bên cạnh họ, thì chắc các môn đồ không còn gì lo lắng về những công việc hay con đường họ sẽ đi trong tương lai.

 

** " Dạy dỗ muôn dân:


   Tấm màn trong đền thờ được xé ra hoàn toàn, không phải cho riêng dân Do Thái mà cho mọi dân, mọi nước, vì họ đều là con Đức Chúa Trời, đang mang hình ảnh của Ngài, họ cũng cần được thấy cứu rỗi - Khi bảo môn đồ đi ra dạy dỗ muôn dân, một cách gián tiếp, Chúa Giê su muốn họ phải thay đổi tư tưởng và dẹp bỏ thành kiến.


    Ở đây nên nêu ra câu hỏi, Chúa Giê su có mâu thuẩn với chính Ngài trong câu chuyện về người đàn bà xin bánh vụn cho chó con trong Mathi ơ 15: 21-28 không? vì Chúa Giê su đã nói:

" Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi."

Hay trong lúc Chúa sai các môn đồ ra thực tập lúc Ngài còn sống với họ, Ngài đã dặn rằng:

" Ấy đó là mười hai sứ đồ Đức Chúa Jêsus sai đi, và có truyền rằng: Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên." Mathi ơ 10: 5&6


    Chúa Giê su đã chết cho tất cả mọi người. Ngài không hề mâu thuẩn với chính ý định của Cha Ngài. Từ xưa, Áp ra ham đã được đặt tên là " Cha của nhiều dân " và khi kết ước với dân sự lúc khánh thành đền tạm, Đức Chúa Trời cũng đã dặn Môi se đem hết những người ngoại, vì đức tin, đi ra theo dân Do Thái đều được có mặt. Chúa Giê su cũng đã làm chứng cho nhiều người ngoại và cho môn đồ thấy những đức tin lớn nơi người ngoại.

 

        Trong những câu chuyện tiếp theo, các môn đồ đã tỏ ra dễ chấp nhận khó khăn trong công vụ, hơn là dẹp bỏ thành kiến. Người Do thái luôn cho rằng họ mới là con cháu thật sự của Áp ra ham, và chỉ có dân tộc họ, mới được đón nhận tình yêu của Đức Chúa Trời, vì họ là dân sự của Đức Chúa Trời.
       Trước khi được sai đến nhà đội trưởng Cọt nây, Đức Thánh Linh đã cho Phi e rơ thấy một dị tượng, có lời giải thích, thì ông mới chịu đi làm chứng cho gia đình nầy. Mặc dù Chúa sai các môn đồ ra đi với tấm lòng mở rộng, không phân biệt chủng tộc, nhưng, Chúa vẫn có chọn một người tốt nhất, hiểu biết nhiều nhất và hy sinh tất cả, dành trọn tấm lòng cho dân ngoại đó là Phao Lô. Chính Phao Lô là một người trong các sứ đồ áp dụng được chữ :"Dạy dỗ muôn dân" trong mạng lệnh nầy. Và khi mọi dân, mọi nước đều được nghe Tin Lành thì Chúa Giê su sẽ trở lại.

"hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi."

       Điều làm người ta phạm tội lớn, là khi họ áp dụng sai lời dạy nầy trong ý nghĩa của nó. Khi Chúa Giê su bảo các môn đồ nhân danh, Ngài cho phép các môn đồ được dùng danh của Đức Chúa Trời, danh Chúa Giê su và danh Đức Thánh linh mà công nhận đức tin của một người, họ sẽ được làm phép Báp têm để tự nguyện chết con người cũ và chịu Đức Thánh Linh làm sống lại một con người mới và cũng công khai tuyên xưng đức tin của mình.

       Từ giờ phút đó, họ sẽ được cả ba ngôi Đức Chúa Trời dẫn dắt. Họ được cầu nguyện với Đức Chúa Cha qua danh Chúa Giê su, được Đức Thánh linh dạy dỗ và được cảm hoá để dần dần được nên thánh trong lời Chúa.

   Đây là một nguyên tắc trong sự cứu rỗi, trong đó không ai được có quyền nhân danh mình mà đứng chung với ba ngôi để ban Đức Thánh Linh cho người khác. Có hai điều xưa và nay người ta vấp phạm- Chúa Giê su không bảo người tin Chúa phải cắt bì như người Do Thái và cũng không bảo con người có quyền ban Đức Thánh Linh cho con người.

     Các môn đồ chỉ được thi hành thủ tục được dạy như trên cho người tin Chúa. Chỉ có ba ngôi Đức Chúa Trời mới có thể ấn chứng một đức tin thật. Kinh Thánh còn nói thêm rằng Đức Thánh Linh đồng công trong công việc truyền giáo, Ngài làm cho người ta tin nhận Chúa, Ngài dẫn dắt người truyền giáo để có kết quả, Đức Thánh Linh sẽ như lời Chúa Giê su nói rằng: " Đức Thánh Linh sẽ làm trổi hơn mọi việc Ta làm."

" và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế."

 

   Môn đồ hoá là một trách nhiệm không kém phần quan trọng, đó là một công tác được tiếp nối và được liên tục nhân rộng. Người đi trước dạy lại cho những người đi sau và số nguời được nhân lên. Bắt đầu từ Phao lô và mười một môn đồ, ngày nay, Tin Lành đã có mặt khắp mọi nơi, mọi nước, được truyền ra bằng mọi ngôn ngữ. Tất cả các phương tiện thông tin đều được dùng để phục vụ công tác trong đại mạng lệnh. Xin Chúa là Đấng ở cùng những người truyền giảng Tin Lành, những người mang lời Chúa đến cho người khác, đến tận thế, xin Ngài giúp đở chúng con trong công tác đặc biệt nầy, để người giảng cũng như người nghe đều được phước như sách Đa niên 12 chép:

"Bấy giờ, trong vòng dân sự ngươi, kẻ nào được ghi trong quyển sách kia thì sẽ được cứu. Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời. Những kẻ khôn sáng sẽ được rực rỡ như sự sáng trên vòng khung; và những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi..."

 

"Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng, nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội thánh, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, trải các thời đại, đời đời vô cùng. A-men." Ê Phê sô 3: 20 &21