Ma thi ơ 27 phần 3: " Chúa Giê su chịu đau thương"
" Ḍng dơi ấy sẽ đến rao truyền sự công b́nh của Ngài, Thuật cho dân tộc sẽ sanh ra rằng Đức Giê-hô-va đă làm việc ấy." Thi Thiên 22: 31
Ma thi ơ 27 phần 3: " Chúa Giê su chịu đau thương"
Câu hỏi:
1/ Cuộc gặp gở của Si Môn với Chúa Giê su xảy ra trong hoàn cảnh nào?
2/ Sự lựa chọn Si Môn với lính La mã là tình cờ, nhưng với Chúa có tình cờ không? Sau nầy gia đình Si môn ra sao?
3/ Chúa Giê su có hoàn toàn chịu đau khổ trong tình trạng một con người không? Ngài tự nguyện hay bị bắt buộc?
4/ Tại sao Chúa không tự cứu mình?
5/ Tại sao Chúa Giê su bị Đức Chúa Trời từ chối?
6/ Chúng ta nghĩ sao nếu chính chúng ta bị Đức Chúa Trời từ chối?
" Chúa Giê su chịu đau thương"
"Người tên Si Môn và Đồi Sọ" Câu 31- 33
"Khi đã nhạo báng Ngài rồi, thì họ cổi áo điều ra mà mặc áo của Ngài lại, rồi đem Ngài đi đóng đinh trên cây thập tự. 32 Khi họ đi ra, gặp một người ở thành Sy-ren tên là Si-môn; thì bắt người vác cây thập tự của Đức Chúa Giê-xu. Đã đi tới một chỗ gọi là Gô-gô-tha, nghĩa là chỗ cái Sọ,"
Ở ngay ngoài bức tường thành Giê ru sa lem, có một nơi mang cái tên ghê gớm là Đồi Sọ - Người Do Thái gọi là Golgotha, và tiếng La tinh gọi là Calvary - Golgotha có nghĩa là một cái sọ người - Có thể cái đồi từ xa trông như một cái sọ, và cũng có thể, nơi đó có cái sọ của ai đó, vì đồi sọ là nơi hành hình của người La mã.
Ngày nay, người ta không còn chắc chắn đồi sọ ở đâu, nhưng phải rất gần thành Giê ru sa lem, vì Kinh Thánh ghi, Chúa Giê su có thể vác thập giá mà đi bộ ra đó, thường khi, chính quyền La mã vì muốn răn đe người ta, nên cũng chọn một nơi gần đường cái, có người qua lại, để họ trông thấy cảnh hành hình tội nhân. Nơi đó bây giờ ở đâu không quan trọng, nhưng qua nó, cái tên ghê gớm đã được ghi lại là có một người, là Giê su, vì tình yêu mà chết thế cho nhân loại.
" Một người tên Si Môn, quê ở Sy ren"
Mãi mãi về sau, cái tên Si môn người Si ren, luôn được gắn kết với thập tự giá của Đấng Christ trên đường đi tới đồi Sọ.
Cyrene là một thành phố ở tận Bắc Phi, rất xa thành Giê ru sa lem (khoảng 800 dặm hay1300 km) không biết vì sao Si Môn lại đến ở đây. Giữa đám đông, Si Môn được chọn, vì anh ta rõ ràng là một người nước ngoài và dễ thấy hơn hết, anh là một nguời da đen gốc Phi Châu.
Nếu Si Môn chỉ là người giúp Chúa Giê su vì bị bắt buộc trong lúc đó, thì công việc của anh không còn ý nghĩa gì với thời gian, nếu Kinh Thánh không ghi lại bằng chứng cho thấy rằng, các con trai của ông đã trở thành những người lãnh đạo trong số các Cơ đốc nhân đầu tiên (Mác 15:21 và Rô-ma 16:13). Sách Mác chép Si Môn là cha của A-léc-xan-đơ và Ru-phu - Và trong sách Rô ma, Phao Lô chào Ru Phu, gọi ông là người được chọn của Chúa và cả mẹ ông, tức vợ của Si Môn đều là cơ đốc nhân thời đó.
Si Môn được lính La mã chọn tình cờ trong đám đông, nhưng Si Môn đã được Chúa chọn, để được dự phần trong sự thương khó của Chúa Giê su. Thật là phước hanh cho ai đã cùng chạm vào thập giá của Đấng Christ.
*** "Tấm bảng đề Vua dân Giu Đa." Câu 34-37
" họ cho Ngài uống rượu trộn với mật đắng; song Ngài nếm, thì không chịu uống. Họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự rồi, thì bắt thăm mà chia nhau áo xống của Ngài. Rồi họ ngồi đó mà canh giữ Ngài. Phía trên đầu Ngài họ để cái bảng đề chữ chỉ về án Ngài, rằng: Người Nầy Là Jêsus, Vua Dân Giu-đa.!"
Mật đắng:
Lính La mã cho Chúa Giê su uống rượu Poska pha mật đắng. Nhưng khi nếm rồi, Ngài không uống: Người ta thường cho những người sắp bị đóng đinh uống một thứ đồ uống làm tê liệt và đau đớn, để họ bớt nhận thức về nỗi thống khổ đang chờ đợi họ. Nhưng Chúa Giê-su từ chối bất kỳ loại thuốc mê nào. Ngài đã chọn đối mặt với nỗi kinh hoàng về tinh thần và thể chất với giác quan tỉnh táo.
Kinh thánh không cho chúng ta những mô tả đẫm máu về sự thống khổ về thể xác của Chúa Giê-su, chỉ nói rằng “sau đó họ đóng đinh Ngài”. Việc tội nhân bị treo lên có nguồn gốc từ Ba Tư; xuất phát từ việc trái đất được coi là linh thiêng đối với thần Ormuzd, và tên tội phạm đã được nâng lên khỏi nó để hắn không thể làm ô uế trái đất, vốn là tài sản của thần, đó là cách suy nghĩ của loài người, nhưng đối với Chúa, Ngài dạy dân sự rằng, chớ làm đổ máu người vô tội, đất nào có máu người vô tội, đất đó sẽ bị rủa sả.
Mặc dù người La Mã không phát minh ra việc đóng đinh, nhưng họ đã hoàn thiện nó, như một hình thức tra tấn và tử hình, nhằm tạo một cái chết từ từ với sự đau đớn, khổ sở tối đa. Một công dân La Mã không thể bị đóng đinh trừ khi có lệnh trực tiếp của Caesar; nó được dành riêng cho những tội phạm tồi tệ nhất và những tầng lớp thấp nhất.
Trước khi bị đóng đinh, tội nhân sẽ bị đánh bằng roi có nhiều móc sắt, toàn thân sẽ chảy máu, rồi họ cũng sẽ lột trần tội nhân, chắc chắn Chúa Giê su cũng không được ngoại lệ, Ngài cũng bị đánh tan nát thịt da, và cũng bị treo trần truồng trên cây gỗ, với một tội danh được gắn trên đầu là " Vua dân Giu Đa" Tấm bảng đúng với cáo trạng mà dân Do Thái và các Thầy tế lễ đã gán cho Ngài, sau bị Phi Lát mĩa mai, họ sửa lại lời trong bảng, nhưng Phi Lát từ chối, nói rằng: " Lời ta đã viết, thì đã viết rồi!"
"Các thầy tế lễ cả của dân Giu-đa bèn nói với Phi-lát rằng: Xin đừng viết: Vua dân Giu-đa; nhưng viết rằng, người nói: Ta là Vua dân Giu-đa. 22 Phi-lát trả lời rằng: Lời ta đã viết, thì ta đã viết rồi." Giăng 19: 21&22
Quả thật, Chúa Giê su muốn mang danh vị nầy đi với mình, vì Ngài mãi mãi là vua Giu Đa, cũng là vua của nhân loại trên nước Trời.
***" Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được" Câu 38-44
" Cũng lúc đó, họ đóng đinh hai tên trộm cướp với Ngài, một tên ở cây thập tự bên hữu, một tên ở cây thập tự bên tả. Những kẻ đi ngang qua đó chê cười Ngài, lắc đầu, mà nói rằng: Ngươi là kẻ phá đền thờ và dựng lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự! Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo và các trưởng lão cũng nhạo Ngài rằng: Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được. Nếu phải Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì chúng ta mới tin. Nó nhờ cậy Đức Chúa Trời; nếu Đức Chúa Trời yêu nó thì bây giờ Ngài phải giải cứu cho, vì nó đã nói rằng: Ta là Con Đức Chúa Trời. Hai tên trộm cướp bị đóng đinh trên cây thập tự với Ngài cũng nhiếc móc Ngài như vậy."
*** Cho đến thời điểm Chúa Giê su bị treo trên thập giá, chỉ có một mình Đức Chúa Trời và Chúa Giê su biết Ngài đang làm gì, Ngài phải gánh hình phạt của cả thế gian để thoả mãn sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời, để loài người có một con đường cứu rỗi, để cánh cửa của âm phủ và sự chết được đóng lại. Chúa Giê su muốn tự mình thực hiện chương trình kinh khủng nầy vì tình yêu. Giăng 10: 18 nói:
"Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta. "
Mấy ngàn năm sau, con loài người khi đọc lại những lời nhiếc móc vẫn còn xấu hổ, con loài người thường luôn sẳn sàng có đôi chân chạy đến làm đổ huyết, dễ dàng tuôn ra những lời độc dữ, luôn có bên mình cái nhìn thù hận, hẹp hòi, và cả tấm lòng kiêu ngạo _Những lời thách đố trong đoạn Kinh Thánh ở đây, nói lên được tất cả những điều xấu xa đó.
Kinh Thánh Ê sai 53 đã viết, cho tới tận cùng sự đau đớn và nhục nhã, Chúa Giê su vẫn nín chịu, như con chiên trước mặt kẻ hớt lông, như con chiên câm trước hàng làm thịt - Những kẻ tự xưng mình đạo đức, được Đức Chúa Trời ban phát cho bao nhiêu lời răn dạy về tình yêu thương, sao nỡ lòng lăng mạ một người vô tội, trong hình ảnh đau đớn như thế? Khi về nhà, người ấy sẽ đọc bao nhiêu bài kinh sám hối mới vơi được những hồi tưởng việc mình đã làm?
***"Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" Câu 45-50
"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Có mấy người đứng đó, nghe kêu, thì nói rằng: Nó kêu Ê-li. Liền có một người trong bọn họ chạy lấy một miếng bông đá, và thấm đầy dấm, để trên đầu cây sậy mà đưa cho Ngài uống. Nhưng kẻ khác thì lại nói rằng: Hãy để vậy, coi thử có Ê-li đến giải cứu nó chăng. Đức Chúa Jêsus lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn. "
Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín:
Theo cách tính thời gian của người La Mã, đây là khoảng từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Sự tối bất thường này kéo dài khoảng ba giờ, lâu hơn nhiều so với bất kỳ hiện tượng nhật thực nào.
Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín không phải là toàn bộ thời gian Chúa Giê-su ở trên thập tự giá, mà là phần sau của thời gian đó. Mác 15:25 &34, chúng ta có thể phỏng đoán Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá trong suốt 6 giờ (khoảng từ 9:00 sáng đến 3:00 chiều).
Ba giờ đầu tiên trong cuộc thử thách của Chúa Giê-su trên thập giá là trong ánh sáng ban ngày bình thường, để mọi người có thể thấy rằng đó thực sự là Chúa Giê-su trên thập tự giá.
Ba giờ sau đó, cả xứ đều tối tăm, mù mịt, bóng tối này rất bất thường, vì sao nó lại xảy ra vào lúc trăng tròn? -Lễ Vượt Qua lúc nào cũng vào ngày trăng tròn, khó mà có hiện tượng nhật thực trong những ngày nầy - Bóng tối bao trùm khắp đất hoà đồng cùng sự thống khổ của chính Đấng Tạo Hóa, cũng là biểu tượng của cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.
" Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni?"
Trước khi tắt hơi, Chúa Giê su đã kêu lên trong thống khổ bằng tiếng A ram: "Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni?" Kinh Thánh dịch là: "Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" Mấy lời nầy nói lên sự đau khổ về tâm linh của Chúa Giê su khi Ngài đang hấp hối- Chúng ta chắc sẽ ngạc nhiên, khi điều nầy cũng được diễn tả sẳn trong Thi Thiên 22, trong đó cũng bắt đầu bằng câu nói nầy:
"Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Nhân sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi, và chẳng nghe lời rên siếc tôi?"
Thi Thiên 22, đoạn kinh Thánh mầu nhiệm, đã tiên tri cả nỗi thống khổ trong tâm linh của một người qua 14 thế hệ sau đó (gần 500 năm) là Chúa Giê su. Đây cũng là lần đầu tiên mà Chúa Giê su không gọi Đức Chúa Trời là Cha, mà gọi danh xưng của Ngài là Đức Chúa Trời. Trên thập tự giá, Chúa Giê su đã gánh hết mọi tội lỗi ghê gớm trên mình, Ngài bị Đức Chúa Trời từ bỏ, Ngài không thể còn nắm giữ mối liên hệ cha con với Đức Chúa Trời.
Lần nầy thì bọn người xem ở chung quanh nói đúng, là Chúa kêu Ê li là Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời từ chối.
Chúa Giê su đã kêu thêm một tiếng lớn rồi trút linh hồn, một cái chết đau thương, dày vò, tủi nhục và thật cô đơn - Chắc từ xưa tới nay, chưa có ai chết thảm thương như Chúa. Chúng ta hãy đọc thêm một chút trong Thi thiên 22: 10-20
" Từ trong tử cung tôi đã được giao cho Chúa; Chúa là Đức Chúa Trời tôi từ khi tôi lọt lòng mẹ. Xin chớ đứng xa tôi, vì sự gian truân hầu gần, Chẳng có ai tiếp cứu cho. Có nhiều bò đực bao quanh tôi, Những bò đực hung mạnh của Ba-san vây phủ tôi. Chúng nó hả miệng ra cùng tôi, Khác nào sư tử hay cắn xé và gầm hét. Tôi bị đổ ra như nước, Các xương cốt tôi đều rời rã; Trái tim tôi như sáp, Tan ra trong mình tôi. Sức lực tôi khô như miếng gốm, Và lưỡi tôi dính nơi ổ gà; Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết. Vì những chó bao quanh tôi, Một lũ hung ác vây phủ tôi; Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi; Tôi đếm được các xương tôi. Chúng nó xem và ngó chân tôi; Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi. Đức Giê-hô-va ôi! chớ đứng xa tôi; Hỡi Đấng cứu tiếp tôi ôi! hãy mau mau đến giúp đỡ tôi. Hãy giải cứu linh hồn tôi khỏi gươm, Và mạng sống tôi khỏi loài chó...."
Xin để một giây phút riêng tư cho chúng ta - Ngài chết như thế vì ai?
"V́ Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đă ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." Giăng 3:16