Ma thi ơ 27 phần 2: " Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi..."
"Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm." Thi Thiên 2: 9
Ma thi ơ 27 phần 2: " Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!"
Câu hỏi:
1/ Kể ra những lý do mà Phi lát muốn tha Chúa Giê su?
2/ Có thật là Phi Lát tuyên bố mình vô tội trước Đức Chúa Trời khi rửa tay không?
3/ Ba na ba là người thế nào? Tại sao dân Do Thái lại muốn tha một người như thế?
4/ Tại sao dân Do Thái dám thề độc cho mình và cả hậu tự của mình?
5/ Chúng ta có suy nghĩ gì khi thấy Chúa Giê su bị nhục hình? Có liên quan gì đến chúng ta không?
" Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!"
*** " Các ngươi muốn ta tha ai?" câu 12-26
"Trong lúc các thầy tế lễ cả và các trưởng lão kiện Ngài, Ngài không đối đáp gì hết. Phi-lát bèn nói cùng Ngài rằng: Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao? Song Đức Chúa Jêsus không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm. Phàm đến ngày lễ Vượt qua, quan tổng đốc thường có lệ tha một tên tù tùy ý dân muốn. Đang lúc ấy, có một tên phạm nổi tiếng, tên là Ba-ra-ba. Khi chúng đã nhóm lại, thì Phi-lát hỏi rằng: Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay là Jêsus gọi là Christ? Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài. Quan tổng đốc đang ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao. Song các thầy tế lễ cả và các trưởng lão dỗ chúng hãy xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Jêsus Quan tổng đốc cất tiếng hỏi rằng: Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai? Chúng thưa rằng: Ba-ra-ba. Phi-lát nói rằng: Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào? Chúng đều trả lời rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự! Quan hỏi: Song người nầy đã làm việc dữ gì? chúng lại kêu la lớn hơn rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự! Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi. Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi! Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự."
Có 3 lý do khiến Phi Lát muốn tha Chúa Giê su:
1/ Phi lát đã trải qua rất nhiều phiên toà, ông ta thường thấy người ta luôn mở miệng để biện luận rằng mình vô tội, nhưng ở đây, Chúa Giê su không nói lời nào. Một người bị vu oan là muốn làm vua để phản lại đế quốc La mã, mà trong tay không có vủ khí hay binh lính, lại trông không giống người có thể làm những công việc đó chút nào, Phi Lát không muốn làm quan toà mà để người ta giật dây cho mình, tỏ ra mình không biết chi hết. Câu 18 nói rõ:" Vì quan ấy biết bởi lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài."
2/ Phi lát ghét các Thầy Tế lễ của Do Thái- Họ được nắm giữ quyền lực theo giáo quyền- Thường khinh dễ quan chức La mã, thậm chí ngay lúc giải giao Chúa Giê su vào công đường La mã, họ và dân Do Thái còn đứng bên ngoài và không vào, vì sợ bị ô uế trong những ngày lễ Vượt qua, vì bước vào khu ngoại giáo. Họ tẩy chay những người thu thuế, những người làm việc cho đế quốc, họ cũng khinh dễ luôn cả Vua Hê rốt, là vua đương thời của họ, cho là Hê rốt làm tai sai của La mã, hà hiếp dân Do Thái.
3/ Một lý do rất bí mật được tiết lộ trong câu 19:
" Quan tổng đốc đang ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao."
Tại sao Chúa cho vợ Phi lát có một giấc chiêm bao rất trùng hợp và hy hữu nầy? Sự bồn chồn, cáo trách trong lòng bà không yên, đến nỗi bà phải sai người đến ngay trong lúc phiên toà đang xử, có đông đảo mọi tầng lớp dân Do thái? Nếu chúng ta đọc sách Công vụ các sứ đồ, trước khi Phao lô đi tới hoàng đế César, thì Phao lô đều dùng những cơ hội ở toà để làm chứng với nhà cầm quyền về Chúa Giê su.
Ở đây Đức Chúa Trời cũng đã cảnh cáo Phi Lát, khi ông nhúng tay vào vụ án Chúa Giê su bởi người Do Thái. Phi Lát đã có toàn quyền tha Chúa Giê su khi thấy Ngài vô tội, nhưng, áp lực của đám đông đã làm cho Phi lát chọn cách khôn ngoan, theo đường lối chính trị, Phi lát thay vì dùng sự công chính của quan toà tối cao để khẳng định Chúa Giê su vô tội, nhưng ông đã không làm thế, ông đi một nước cờ chính trị, dùng cơ hội là tục lệ xá miễn cho một tội nhân trong ngày lễ Vượt qua, Phi lát chọn một tên nguy hiểm và gian ác nhất là Ba na ba để đổi lấy Chúa Giê su.
Ba na ba, một tù nhân khét tiếng của Do Thái mà sách Mác 15:7 cho chúng ta biết, anh ta mới đúng là người làm cách mạng, anh ta cũng đã phạm tội giết người trong cuộc nổi dậy.
"Bấy giờ có một đứa tên là Ba-ra-ba bị tù với kẻ làm loạn, vì trong khi nổi loạn, chúng nó phạm tội giết người."
Phi lát không ngờ dân Do Thái quyết định rất dứt khoát, chẳng thà lấy Ba na ba, một mầm mống nguy hiểm cho xã hội, hơn là một Giê su hiền lành, đã làm nhiều phép lạ cứu giúp họ.
Phi lát cố gắng thêm một lần nữa mà hỏi rằng:
" Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào?" đám đông trả lời " Đóng đinh nó trên cây thập tự!"
Phi lát lại hỏi "Song người nầy đã làm việc dữ gì?" họ không cần trả lời Phi lát chỉ la lớn hơn " Đóng đinh nó trên cây thập tự!"
Cây thập tự của La mã là một điều sĩ nhục của Do Thái, mọi người đều rất ghét và ghê tởm nó, nó thể hiện cho một hình phạt rất đáng ghê sợ. Rất hiếm khi chính dân La mã bị đóng đinh trên Thập tự, chỉ có tội nhân nô lệ, lính đào ngủ và dân ngoại quốc mới bị đóng đinh mà thôi.
Đến đây thì Phi lát đã hết cách, kinh thánh ghi Phi lát rửa tay và nói rằng: "Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi."
Đừng hiểu lầm Phi Lát trong sạch trong việc làm đổ huyết Chúa Giê su, ông ta vì áp lực chính trị mà lờ đi sự vô tội của một người công chính, trước mắt Chúa, Phi lát vẫn là người có nhúng tay vào bản án, ông ta là một quan toà không làm theo lương tâm và cũng không kính sợ Chúa, mặc dù Ngài có nhắn nhủ ông qua người vợ.
Phi Lát rửa tay trước cơn giận của dân Do Thái, đổ hết trách nhiệm lên dân Do Thái. Trước thái dộ đó, dân Do Thái đã kết thúc tận cùng sự gian ác của mình bằng một lời thề độc trước Đức Chúa Trời:
"Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi! "
Trong lời thề ấy, họ quên mất cảnh trạng lúc họ vừa mới vào đất hứa thì Đức Chúa Trời đã bảo Môi se khiến 6 chi phái đứng trên núi Ga ri xim và 6 chi phái kia đứng trên núi Ê banh tuyên bố rằng:
" Đáng rủa sả thay kẻ nào nhận của hối lộ để giết người vô tội! Cả dân sự phải đáp: A-men! " Phục truyền 27:25
Họ đã làm một trong những điều Đức Giê hô va ghét nhất được chép trong Châm ngôn đoạn 6 16-18
"Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét, Và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc: Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, Tay làm đổ huyết vô tội Lòng toan những mưu ác, Chân vội vàng chạy đến sự dữ, Kẻ làm chứng gian và nói điều dối, Cùng kẻ gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em."
*** "Chúa Giê su bị hạ nhục bởi người ngoại" Câu 27-31
"Lính của quan tổng đốc bèn đem Đức Chúa Jêsus vào công đường, và nhóm cả cơ binh vây lấy Ngài. Họ cổi áo Ngài ra, lấy áo điều mà khoác cho Ngài. Đoạn, họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu, và để một cây sậy trong tay hữu Ngài; rồi quì xuống trước mặt Ngài mà nhạo báng rằng: Lạy Vua của dân Giu-đa. Họ nhổ trên Ngài, và lấy cây sậy đánh đầu Ngài. Khi đã nhạo báng Ngài rồi, thì họ cổi áo điều ra mà mặc áo của Ngài lại, rồi đem Ngài đi đóng đinh trên cây thập tự."
Sau khi trút hết tội lên dân Do Thái, Phi lát giao Ngài cho bầy sói dữ, kinh thánh ghi, cả một cơ binh vây lấy Ngài, tha hồ hạ nhục Chúa Giê su, trong màn kịch giả vua Do Thái đó, lính La mã cũng dùng để hạ nhục luôn dân Do Thái, họ cho Chúa mặc áo choàng màu đỏ của vua, mà bên trong bị cởi quần áo, đội cho Ngài mão bằng gai nhọn, cho Ngài cầm cây sậy rồi đánh trên đầu và nhổ vào mặt Ngài, chế nhạo Ngài như một vì vua yếu đuối. Chúa Giê su đã bị các Thấy Tế lễ đánh đập nhiều, khi giải đến toà La mã thì thân hình Ngài đã đẩm máu, chịu nhiều đau đớn, Ngài còn phải bị nhục nhã về tâm linh. Chúa lặng thinh để người ta hành hạ y như lời kinh Thánh chép trong Ê sai 53:
" Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. Bởi sự ức hiếp, và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt? "
Trước khi lên Thập tự, Chúa Giê su đã gánh tội thế cho một người gian ác, không biết sau nầy cuộc đời người đó có thay đổi không? Có nghĩ đến Chúa Giê su không? Nếu anh ta vẫn đi trên con đường cũ mà anh ta đã đi, thì anh ta đã không biết trân trọng cái giá mà Chúa Giê su đã trả thế cho mình.
"Kẻ nào thắng, và giữ các việc của ta đến cuối cùng, ta sẽ ban cho quyền trị các nước: kẻ đó sẽ cai trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm, khác nào chính ta đã nhận quyền cai trị đó nơi Cha ta.Ta sẽ cho kẻ ấy ngôi sao mai." Khải huyền 2: 26-28