Mathi ơ 26 Phần 4 " Phiên Toà đêm xử Chúa Giê su"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại!" Giăng 2: 19

Mathi ơ 26 Phần 4 " Phiên Toà đêm xử Chúa Giê su"

 

Đọc Ma thi ơ 26: câu 56-75

 

Câu hỏi:

1/ Phiên toà xử Chúa Giê su có hợp pháp không?
2/ Tại sao Chúa không phản kháng khi bị tố gian?
3/ Tại sao Đức Chúa Trời không can thiệp khi Con Ngài bị đánh đập và bị sỉ nhục?
4/ Tại sao Chúa Giê su công nhận Ngài là con Đức Chúa Trời trong khi trước đó Chúa làm thinh?


5/ Phi e rơ đã chối Chúa trong hoàn cảnh nào và với ai?
6/ Điều nầy có làm Phi e rơ bị suy giảm sự tôn trọng dưới chức vụ là người đứng đầu Hội Thánh sau nầy không?
7/ Chúng ta học được bài học gì qua câu chuyện của Phi e rơ?

 


                " Phiên Toà đêm xử Chúa Giê su" câu 56:

 

"Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm. Khi ấy, hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi."

 

**" Một Phiên Toà xử bất hợp pháp vào ban đêm" Câu 57-68



" Những kẻ đã bắt Đức Chúa Jêsus đem Ngài đến nhà thầy cả thượng phẩm Cai-phe, tại đó các thầy thông giáo và các trưởng lão đã nhóm lại. Phi-e-rơ theo Ngài xa xa cho đến sân của thầy cả thượng phẩm, vào ngồi với các kẻ canh giữ đặng coi việc ấy ra làm sao. Bấy giờ các thầy tế lễ cả và cả tòa công luận kiếm chứng dối về Ngài, cho được giết Ngài. Dầu có nhiều người làm chứng dối có mặt tại đó, song tìm không được chứng nào cả. Sau hết, có hai người đến, nói như vầy: Người nầy đã nói Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày. Thầy cả thượng phẩm bèn đứng dậy mà nói với Ngài rằng: Những người nầy làm chứng mà kiện ngươi, ngươi không thưa lại gì sao? Nhưng Đức Chúa Jêsus cứ làm thinh. Thầy cả thượng phẩm lại nói với Ngài rằng: Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống. Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm thượng; chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao? Chúng trả lời rằng: Nó đáng chết! Họ bèn nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài, lại có kẻ vả Ngài, mà nói rằng: Hỡi Đấng Christ, hãy nói tiên tri đi; cho chúng ta biết ai đánh ngươi."

 

   Ngay trong đêm đó, những kẻ đã bắt Chúa Giê-xu dẫn Ngài đến thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe, sách Giăng đoạn 18 nói, trước khi dẫn Chúa Giê-xu đến nhà Cai-phe, Ngài đã bị dẫn đến nhà của An-ne, cựu thầy tế lễ thượng phẩm là “người có quyền sau ngôi” của Cai phe, cũng là cha vợ của Cai phe.


    Trong ban đêm, các Thầy Tế lễ và Trưởng lão đã họp phiên khẩn cấp tại nhà riêng Cai Phe để xử Chúa Giê su, và sau đó hợp thức hoá thêm một phiên toà khác vào ban ngày như trong Luca 22 đã diễn tả.

Tất cả hội đồng, gồm những người làm luật và thi hành luật đều đã vi pham luật:

 

1/ Về Thời gian:

Phiên tòa diễn ra vào ban đêm là bất hợp pháp, chiếu theo luật và quy định, tất cả các phiên tòa hình sự phải bắt đầu và kết thúc vào ban ngày. Do đó, khi đã có quyết định kết án Chúa Giê-xu trong phiên toà ban đêm, họ vẫn tiến hành phiên xử thứ hai, giữa ban ngày, vì họ biết phiên tòa đầu tiên, không có giá trị pháp lý.(Lu-ca 22:66-71)

 

2/ Về Nơi chốn:

Cũng theo luật Do Thái, chỉ những phán quyết được đưa ra tại địa điểm họp chính thức mới có hiệu lực. Phiên tòa được tổ chức tại nhà của Caiphe là bất hợp lệ.

 

3/ Những ngày cấm xử:

Các vụ án hình sự không thể xét xử trong mùa Lễ Vượt Qua. Ngày lễ nầy, biểu hiện sự cứu rỗi, lòng thương xót của Đức Chúa Trời trên dân sự, Luật có ghi rằng, không được xử án đặt biệt trong những ngày nầy.

 

4/ Không được tuyên án lập tức ngay sau khi xử:

· Theo luật Do Thái, chỉ có thể tuyên bố trắng án vào ngày xét xử, nhưng nếu có tội, bản án phải đợi một đêm, để cho cảm xúc thương xót dâng lên rồi mới quyết định hình phạt.

 

5/ Bằng chứng và nhân chứng phải được đảm bảo:

Tất cả bằng chứng phải được đảm bảo bởi hai nhân chứng, những người này được thẩm vấn riêng rẽ, và không được tiếp xúc với nhau. Làm chứng gian sẽ bị trừng phạt bằng cái chết, hơn nữa, một phiên tòa luôn được bắt đầu bằng việc đưa ra bằng chứng về sự vô tội của bị cáo, trước khi đưa bằng chứng để buộc tội bị cáo.

 

    Đây là những quy tắc căn bản của Tòa công luận, họ tuyên bố bộ luật nầy đi đúng với lời dạy của Đức Chúa Trời, để chứng tỏ sự cao qúi, công bằng và thương xót đối với dân sự, nhưng, rõ ràng vì quá háo hức muốn kết án Chúa Giê-su, họ đã phá vỡ những quy tắc của chính mình, tất cả đã trở thành một toà án xấu xa, để bảo đảm một án tử hình, mà họ không ngần ngại dùng mánh khoé bất hợp pháp, làm chứng dối, và cả việc đánh đập, nhục mạ tội nhân.

 

**Toà Công luận gồm những ai?



   Người Do Thái gọi toà Công luận là Hội đồng Sanhedrin, cơ quan có thẩm quyền cao nhất thời Chúa Giê su. Tên gọi Sanhedrin phiên âm từ tiếng Hy Lạp synedrion có nghĩa là “Hội đồng" Trong công vụ 5:21 Hội đồng cũng đã họp lại để xử các sứ đồ. Lúc đó, còn được gọi là “Viện nguyên lão,” "Gerousia" Hội đồng Công luận được nhắc đến 21 lần trong Tân Ước.

Hội đồng được lập ra để xử đoán dân sự, dựa trên một sự kiện ngày xưa, lúc Môi se mệt nhọc khi một mình phải xử quá nhiều chuyện trong dân sự.

"Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy nhóm hiệp cho ta bảy mươi người trong bực trưởng lão Y-sơ-ra-ên, tức là những kẻ ngươi biết là trưởng lão và cai quản dân sự; hãy dẫn các người ấy đến hội mạc, đứng tại đó với ngươi. Đoạn, ta sẽ ngự xuống, nói chuyện tại đó với ngươi; ta sẽ lấy Thần cảm ngươi mà ban cho những người đó, để họ chịu gánh nặng về dân sự với ngươi, và ngươi không phải gánh một mình." Dân số ký:11:16&17

 

   Như vậy, chính Đức Chúa Trời đã cho phép thiết lập nên Hội đồng nầy, nếu so sánh với những chức vụ trong toà án ngày nay, toà Công luận cũng có những công tố viên và cả luật sư. Theo cách nhìn của họ, họ sẽ nói lên các khía cạnh khác nhau cho bản án.
  Công vụ 5:34-35 cho biết rằng, Thầy Thông giáo Pha ri si nổi tiếng Ga-ma-li-ên cũng là thành viên của Hội đồng, ông đã đưa ra lời biện hộ hùng hồn đòi công lý cho Phi-e-rơ và các sứ đồ. Ni cô đem và Giô sép người A ri ma thê cũng đều là nghị viên trong toà Công luận.

Sách Lu ca 22: 66 cho biết Hội đồng gồm các trưởng lão, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, còn Công vụ 23:1-7 tiết lộ Hội đồng có cả Pha-ri-si, Sa-đu-sê và thầy tế lễ cả. Sách Mác 14 cho biết Thầy tế lễ thượng phẩm là chủ tịch của Hội đồng. Theo Mishnah, thì Hội đồng có bảy mươi mốt thành viên, và không rõ tại sao Hội đồng lại có bảy mươi mốt, trong khi Đức Chúa Trời chỉ lập có bảy mươi người, ngoài ra, các hội đồng khác cấp dưới còn có 23 thành viên.

 

** Đức Chúa Jêsus không biện hộ cho mình:

Có hai người làm chứng dối, cho rằng họ nghe Chúa Giê su tuyên bố muốn phá huỷ đền thờ:


"Người nầy đã nói Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày."


  Lúc trước, khi dân Giu đa đòi xem phép lạ, Chúa Giê su có nói: " Hãy phá đền thờ nầy đi thì Ta sẽ dựng lại trong ba ngày " để nói về một đền thờ trên Trời sẽ được lập nên sau ba ngày. Ngài không nói Ngài sẽ phá đền thờ.

   Tuy vậy Chúa Giê su vẫn giữ im lặng và không biện minh gì cả, vì Ngài biết lý do tại sao Ngài cho phép mình đứng trước mặt họ để bị nhóm đông người này thẩm vấn, Chúa biết lòng họ toan tính gì, lời biện minh của Ngài hoàn toàn không có tác dụng và Ngài cũng không có ý định làm nó có tác dụng.

 
  Sự im lặng của Chúa Giê su làm Thầy Tế lễ cả khó chịu, ông ta cho ra một kế sách quyết liệt, để Chúa Giê su thừa nhận Ngài là Con của Đức Chúa Trời, và quả thật vậy, dù ở đâu, hoàn cảnh nào,Chúa Giê su cũng không bao giờ từ chối các danh xưng của Ngài, chẳng những Ngài công nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời, mà Ngài còn tuyên bố cách Ngài sẽ tái lâm trở lại trong vinh hiển.


  Quả thật, đến đó thì cả Thầy Thượng phẩm và cả Hội đồng đều bậc ra sự giận dữ tột độ, họ đánh và hạ nhục tội nhân ngay trước toà, kẻ vả, người đấm, nhổ vào mặt Chúa vô cùng thô tục, rất tương phản với bề ngoài uy nghi của họ trong một toà án tối cao - Hội đồng tuyên án tử hình Chúa Giê su cho bằng được, không ai nghĩ rằng nếu câu trả lời đó là sự thật, thì họ là người giết đấng Mê si, và hơn ai hết, họ biết Kinh Thánh đã tiên tri về Đấng Mê si sẽ đến, họ cũng hoài nghi Chúa Giê su là Đấng ấy. Một phiên toà bất công, một Hội đồng xấu xa và những tên làm chứng gian dối.

  Khi những nhà lãnh đạo tôn giáo dùng luật của Đức Chúa Trời cách sai trật, trút sự căm ghét, giận dữ lên Chúa Giê-su, nhổ vào mặt Ngài và đánh đập Con Đức Chúa Trời, thì sự phán xét của Đức Chúa Trời đã không từ trời giáng xuống tức thì. Đoàn thiên sứ hùng mạnh cũng không lao vào bảo vệ Chúa Giê-su. Điều này cho thấy sự kiên nhẫn vì lòng thương xót đáng kinh ngạc đối với tội lỗi mà Đức Chúa Trời có, cũng như sự chịu đựng tận cùng của Đấng Cứu chuộc không tì vết.

  Thế là Chúa Giê su lãnh án tử hình ngay trong đêm, về tội phạm danh Đức Chúa Trời, nhưng chính quyền La mã không cho phép chính quyền Do Thái thi hành án tử hình, ngày mai, Hội đồng sẽ làm lại phiên toà cho hợp lệ, rồi dẫn Chúa Giê su qua toà án La mã.

 

***Phi e rơ phạm tội vào lúc nào? Câu 69-75

 

" Bấy giờ Phi-e-rơ vẫn ngồi ngoài sân. Có một người đầy tớ gái đến gần, mà nói cùng người rằng: Ngươi cũng là kẻ ở với Jêsus, người Ga-li-lê. Song Phi-e-rơ chối trước mặt chúng mà rằng: Ta không hiểu ngươi nói chi. Khi đi ra ngoài cửa, lại có một đầy tớ gái khác thấy người, bèn nói cùng kẻ ở đó rằng: Người nầy cũng ở với Jêsus, người Na-xa-rét. Song Phi-e-rơ lại chối và thề rằng: Ta chẳng hề biết người ấy. Một chặp nữa, những kẻ ở gần đó đến gần nói với Phi-e-rơ rằng: Chắc thật, ngươi cũng thuộc về đảng ấy, vì tiếng nói của ngươi khai ngươi ra. Người bèn rủa mà thề rằng: Ta không biết người đó đâu! Tức thì gà gáy. Phi-e-rơ nhớ lại lời Đức Chúa Jêsus đã phán rằng: Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần. Đoạn, người đi ra và khóc lóc cách đắng cay."

 

  Kinh thánh có chủ ý, để câu chuyện của Phi e rơ được đan xen trong khi Chúa Giê su bị xử án. Câu 56 nói vì Chúa Giê su bị bắt, nên các môn đồ sợ hải, đã bỏ Ngài mà trốn đi hết, thế thì tại sao Phi e rơ vẫn còn lẩn quẩn ở chỗ đó? Và trong hoàn cảnh nào mà Phi e rơ phải chối là không biết Chúa, đến ba lần?

Chắc hẳn Phi e rơ là người thương mến Chúa Giê su nhiều nhất, ông đã chém đầy tớ của Thầy Tế Lễ khi Chúa bị bắt, và rồi, khi Ngài bị Hội đồng xét xử thì Phi e rơ đã không nở bỏ Thầy mình mà trốn đi như mấy môn đồ kia, Phi e rơ cứ ngồi ngoài sân và chờ đợi.


   Phi e rơ đã không ẩn mình, vì nôn nóng, ông muốn nghe ngóng tin tức về Chúa Giê su qua bọn người hầu- Trong khi hồi hộp và sợ hải, chắc Phi e rơ có vẻ khẩn trương, nên ông bị người ta phát hiện.

  Hai người đầu tiên là hai đầy tớ gái đã nhớ mặt Phi e rơ, khi ông đi cùng Chúa Giê su, những người sau đó thì nhận ra Phi e rơ qua giọng nói của người miền biển Ga li lê.

    Cứ mỗi lần mà Phi e rơ từ chối về mối quan hệ của ông với Chúa, thì càng lúc, càng tăng cường độ, lần đầu tiên, ông vờ như không hiểu đầy tớ gái nói gì, lần thứ hai, Phi e rơ thề và bảo: Ta không biết người ấy, đến lần thứ ba, ông vừa thề vừa rủa, rằng: " Ta không biết người đó đâu!" Vừa khi nghe gà gáy báo trời sáng, thì Phi e rơ sực nhớ lời Chúa Giê su nói với mình, ông đi ra và khóc lóc đắng cay vì lòng hối hận.

 Sách Lu ca 22 nói thêm rằng lúc ấy, người ta dẫn Chúa Giê su ra ngoài sau khi xét xử, Ngài nhìn Phi e rơ với ánh mắt yêu thương, làm cho Phi e rơ càng thêm đau đớn.


   Khi Phi e rơ khẳng định ông không chối Chúa, Phi e rơ có thể nghĩ, ông sẽ đứng trước một Toà án tối cao, mà hùng hồn tuyên bố điều đó, nhưng thực sự ông đã thất bại trước những đầy tớ gái, không có thẩm quyền. Nhiều khi chúng ta quá tự tin vào chính mình và phạm tội, chúng ta thường phạm tội trong những tình huống rất tự nhiên và rất thông thường, đó là lý do tại sao mà mỗi ngày chúng ta nên đọc, và suy nghĩ về bài Cầu nguyện chung mà Chúa Giê su đã dạy, là xin Chúa gìn giữ để chúng ta không sa vào sự cám dỗ.

 

Tấm lòng hối hận đó đã đi với Phi e rơ suốt cuộc đời theo Chúa- Cũng không có gì xấu hổ, khi Kinh Thánh nêu ra người đứng đầu Giáo Hội đầu tiên đã phạm tội và đã ăn năn-