Ma thi ơ 26 phần 2 " Bửa Tiệc cuối cùng"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, 24 tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta." I Cô rinh tô 11: 23&24

Ma thi ơ 26 phần 2 " Bửa Tiệc cuối cùng"

 

Đọc Kinh Thánh: Mathi ơ 26: 17-35

 

Câu hỏi:


1/ Lễ Vượt qua có ý nghĩa gì với dân Do Thái?
2/ Ai dặn họ phải làm kỹ niệm tưởng nhớ mỗi năm?
3/ Trong buổi tiệc thường có những thức ăn gì?
4/ Ai chuẩn bị lễ Vượt qua Chúa và các môn đồ?

 

5/ Chúa tuyên bố điều gì làm mọi người thấy áy náy trong buổi tiệc?
6/ Họ có biết đó là ai không? Tại sao Chúa không nói rõ tên người đó?
7/ Các môn đồ có nghi ngờ ai không? Tại sao Giu đa cũng hỏi câu giống mọi người?
8/ Giu đa có ăn năn khi Chúa còn cho ông cơ hội không?

 

9/ Lễ Vượt qua của Chúa Giê su khác với lễ vượt qua theo truyền thống chỗ nào?
10/ Bánh và chén tượng trưng cho gì?
11/ Chúa mời họ ăn uống gì? Lời mời ấy có ý nghĩa với chúng ta ngày nay không?
12/ Tiệc Thánh được dành cho ai? Kỷ niệm ai?

 

13/ Tại sao các môn đồ không hỏi Chúa Tại sao Ngài mời họ ăn thịt và uống huyết Ngài?
14/ Các bạn nghĩ nếu Giu đa còn ở lại dự Tiệc Thánh thì câu Kinh Thánh nào thích hợp nhất cho Giu đa lúc đó?
15/ Tại sao chúng ta phải dự Tiệc Thánh cách trân trọng?

 

                                  *** " Bửa Tiệc cuối cùng"

 


" Con Chiên ở đâu?" Câu 17-20



Bửa ăn tối cho Lễ Vượt qua hôm nay được Kinh thánh ghi lại rất chi tiết, vì đó là một kỷ niệm cuối cùng, cảm động của Chúa Giê su với các môn đồ.

 

"Trong ngày thứ nhất ăn bánh không men, môn đồ đến gần Đức Chúa Jêsus mà thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu? Ngài đáp rằng: Hãy vào thành, đến nhà một người kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi. Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua."

 

Từ khi được Đức Chúa Trời dẫn dân Y sơ ra ên ra khỏi Ai Cập, cho đến thời điểm nầy là 1986 năm, dân Do Thái vẫn giữ lễ Vượt qua cách nghiêm túc, vì đó là lời dặn của Đức Chúa Trời qua Môi se:

 

Xuất ê díp tô ký 13: 3


" Môi-se nói cùng dân sự rằng: Hãy kỷ niệm ngày nầy, vì là ngày Đức Giê-hô-va dùng tay quyền năng rút các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là khỏi nhà nô lệ; nên chớ ai ăn bánh có men. Ngày nay, nhằm tháng lúa trỗ, các ngươi ra đi. "


Và câu 14:


" Vả, một mai con trai ngươi hỏi rằng: Điều đó có ý nghĩa chi? thì hãy đáp rằng: Ấy vì cớ Đức Giê-hô-va đã dùng tay quyền năng rút chúng ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là nhà nô lệ;"



Bây giờ là vào ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không Men. Lễ Vượt Qua đối với người Do Thái là một niềm tự hào rất lớn, vì họ mà Đức Chúa Trời đã làm nhiều phép lạ lớn lao, để giải cứu dân sự ra khỏi Ai Cập sau 400 năm làm nô lệ, và làm cho họ thành một dân Thánh. Đó là trọng tâm sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Giờ đây, Chúa Giê-su cũng sắp thực hiện một chương trình cứu chuộc mới, được ghi nhớ bằng một bữa ăn trong nghi lễ mới.

 

Sách Giăng đoạn 13:1 hay Giăng 18: 28 nói rõ, bửa ăn nầy xảy ra trước Lễ Vượt Qua và Chúa Giê su sẽ bị đóng đinh đúng vào ngày lễ Vượt qua, là ngày 15 của tháng Nisan trong lịch Do Thái.

 

   Buổi tiệc Lễ Vượt qua mà người Do Thái gọi là Passover Seder, lúc nào cũng phải có một con Chiên con quay, ăn với bánh không men và rau đắng, nhưng buổi tiệc ở đây không thấy có Chiên con, chỉ có bánh và rượu - Chúng ta chắc tự hỏi:"Con Chiên ở đâu? Tại sao không có? Tất cả các môn đồ đều không hỏi câu đó, vì họ đã biết rằng chính Thầy của họ, là Chúa Giê su sẽ là con Chiên bị giết trong ngày Lễ Vưọt qua ngày mai.


Hình bóng con chiên năm xưa, nay đã trở thành thực hữu, sáng ngày mai, Chiên con sẽ bị người ta giết đi, để huyết vô tội của Ngài được bôi lên cho từng tội nhân và khiến họ được sạch tội.

 

I Cô rinh tô đoạn 5:7


"Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi."

 

***" Cơ hội cuối cùng cho kẻ phản Chúa" câu 21 -25

 

" Khi đang ăn, Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng có một người trong các ngươi sẽ phản ta. Các môn đồ lấy làm buồn bực lắm, và lần lượt hỏi Ngài rằng: Lạy Chúa, "có phải tôi không?" Ngài đáp rằng: Kẻ nào để tay vào mâm với ta, ấy là kẻ sẽ phản ta. Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn! Giu-đa là kẻ phản Ngài cất tiếng hỏi rằng: Thưa thầy, có phải tôi chăng? Ngài phán rằng: Thật như ngươi đã nói. "

 

    Đang giữa bữa tiệc của họ, Chúa Giê-xu đã đưa ra một thông tin đáng kinh ngạc. Ngài nói với các môn đồ rằng, một trong số họ sẽ phản bội Ngài.

Đối với các môn đồ, là những người đã tình nguyện chịu khổ, theo Chúa Giê su rày đây, mai đó, sống cùng nhau trong suốt ba năm, thì việc thông báo một người trong số họ, phản bội Chúa Giê su, sẽ làm trong lòng họ nghe khó chịu đến mức nào.
Có một nhà thơ mang cảm xúc thay cho các môn đồ hôm đó là Dante, ông làm một bài thơ về thiên đàng và địa ngục, Dante đã đặt cho Giuđa vào nơi thấp nhất của địa ngục.

  Đây là một sự kiện cay đắng nhất trong bữa tiệc, nhưng nó lại thích hợp cho Lễ Vượt qua, vì lệnh truyền của Đức Chúa Trời căn dặn người ta sẽ ăn thịt Chiên con với một loại thảo mộc cay đắng là rau đắng. Ngày xưa, rau đắng tượng trưng cho những năm tháng làm phu tù, bị bóc lột của họ- Hôm nay, rau đắng là một sự phản bội của một người bạn.

 

Xuất 12: 8
"Đêm ấy họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng."

 

Khi Chúa Giê su nói: " Kẻ nào để tay vào mâm với ta, ấy là kẻ sẽ phản ta." không phải để chỉ ra cụ thể một môn đồ nào, vì tất cả họ đều nhúng tay vào
mâm với Ngài. Thay vào đó, Chúa Giê-su xác định kẻ phản bội là một người đang cùng ăn với Ngài. Chúa Giê su thật nhân từ, vì bản tính Ngài nhân từ, Ngài rất kiên nhẫn với tội nhân, Ngài muốn Giu Đa suy nghĩ lại khi cho Giu đa biết rằng Ngài đã biết hết, Chúa Giê su đã không vạch trần kẻ phản bội, để nó có một con đường lui là con đường hối cải.

 

Mạch văn về "kẻ để tay vào mâm" nầy giống hệt trong sách Thi Thiên 41: 9: đã nói lời tiên tri:

" Đến đỗi người bạn thân tôi, Mà lòng tôi tin cậy, và đã ăn bánh tôi, Cũng giơ gót lên nghịch cùng tôi."

 

Thật đau lòng vì đó là một người bạn đang ăn cùng mâm với mình đang phản bội mình.

Vì mọi người đều có nhúng tay vào mâm với Chúa, nên tất cả đều muốn thanh minh " Có phải tôi không?" Một con sâu đã làm cho cả nồi canh sầu não - Nếu 11 môn đồ kia hỏi " có phải tôi không?" vì sự trong sạch của họ, thì tại sao Giu Đa lại cũng hỏi như thế? Mặc dù anh ta biết mình đang làm gì, anh ta quả thật đang hoàn toàn ở dưới sự khống chế của tội lỗi, và không muốn quay đầu. Chúa Giê su biết sẽ có ai đó nộp Chúa vào tay kẻ đối nghịch, để chương trình cứu rỗi được thực hiện, nhưng Ngài không muốn người đó là một môn đồ thân yêu của Ngài.

  Giu Đa Ích ca ri rốt đã làm cho buổi chia tay thành cay đắng, nhưng trong đó người ta nhận ra một nét đẹp giữa các môn đồ khi tất cả đều hỏi: " Có phải tôi không?" mà không hỏi là có phải " anh kia không?" Tình yêu thương trong nhóm đã thể hiện trong lời Kinh Thánh: " Tình yêu thương không nghi ngờ sự dữ" Mọi người muốn thanh minh, nhưng không nghi ngờ anh em khác của mình, thật là một gốc nho, có những cành đẹp đẽ.

Khi Giu-đa cất tiếng hỏi rằng: Thưa thầy, có phải tôi chăng? Ngài phán rằng: Thật như ngươi đã nói."

Trong sách Giăng 13 có nói rõ chi tiết, khi trao bánh cho Giu đa, Chúa Giê su nói: " Sự ngươi làm hãy làm mau đi." nhưng mọi người còn không rõ Giu đa chính là kẻ phản bội.

 

*** "Tiệc Thánh được thiết lập" câu 26 -30

 

" Khi đang ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta. Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đi ra mà lên núi Ô-li-ve."

 

   Trong Lễ Vượt Qua, người chủ trì bữa ăn, sẽ cầm bánh đưa lên và nói: “Đây là bánh đau khổ mà tổ phụ chúng ta đã ăn trong xứ Ê-díp-tô. Hãy để những kẻ đói khát đến ăn; hãy để mọi người thiếu thốn đến ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua ”.


   Mọi thức ăn trong Lễ Vượt Qua đều có ý nghĩa tượng trưng. Rau đắng đất gợi lại nỗi cay đắng của kiếp nô lệ; nước muối nhớ lại những giọt nước mắt đã rơi dưới sự áp bức của Ai Cập. Món chính của bữa ăn - là một con Chiên mang ý nghĩa hiến tế cho gia đình cụ thể đó - Chính sự hy sinh, mang tội lỗi của con sinh tế đã cho phép sự phán xét của Đức Chúa Trời vượt qua hộ gia đình mà tin tưởng lời của Đức Chúa Trời, bánh và rau, họ sẽ ăn với thịt chiên, còn huyết nó thì bôi trên cửa - Đặt biệt khi ăn thịt con chiên, họ không được bẻ gãy một cái xương nào, đó là dấu hiệu Chúa Giê su là hình ảnh của con Chiên chịu chết thay, cũng sẽ không bị gãy một cái xương nào.

  So với những tập tục được nêu ở trên, Lễ Vượt qua với Chúa Giê su có gì lạ? Chúa Giê su đã làm một cách mới - Ngài không gợi lại kiếp nô lệ trong thời cựu ước, Ngài cũng không giải thích về thức ăn tượng trưng trên bàn, nhưng Ngài lại ví nó bằng chính thân thể mình -
Bánh là thịt của Chúa và rượu là huyết của Ngài - Chúa Giê su đã đưa bánh lên và nói : " Đây là thịt Ta, vì các ngươi mà phó cho" và Ngài cũng đưa chén lên nói: " Đây là huyết Ta, đã đổ ra để các ngươi được tha tội..."


Chắc con cái Chúa thật sẽ khóc khi Chúa Giê su nói cách tha thiết: " Hãy ăn đi - Hết thảy hãy uống đi!"
Thật chẳng ai trên thế giới nầy có can đảm mời gọi mọi người đến hưởng ân sủng trong thịt và huyết của chính mình.



      Có một lần trong Kinh thánh, Giăng 6, Chúa Giê su nói đến thịt và huyết của Ngài đem đến sự cứu rỗi trong nhà hội Ca bê na um, tất cả người Giu đa và các môn đồ đều không lãnh hội được, họ nói : " Lời nầy thật khó; ai nghe được? "

 Bây giờ, các môn đồ không hỏi gì cả, họ đều hiểu Chúa Giê su nhắn nhủ điều gì, họ đều cầm bánh, nâng ly, chấp nhận, uống cạn sự hy sinh của Chúa với lòng biết ơn sâu sắc.


   Khi chấp nhận cách chuộc tội của Chúa Giê su, chúng ta đón nhận " Thịt và huyết Chúa" cách trân trọng.


" Tất cả hãy ăn đi, hãy uống đi!" Để có lời mời gọi nầy, Chúa Giê su phải để thịt Ngài tan nát và huyết Ngài đổ ra, Ngài còn nói huyết đổ ra trong giao ước mới, một giao ước cho tất cả mọi người bước vào đó và cũng là giao ước bền vững mãi mãi và chỉ một lần, nơi một người là đủ cả cho mọi người.

  Từ đó Lễ Vượt qua trong Chúa Giê su được gọi bằng tên mới trong giao ước mới với kỷ niệm về Chúa Giê su gọi là " Tiệc Thánh"

         Mời mọi người lắng lòng nghe bài hát Tiệc Thánh mà chúng ta vẫn thường hát trong Hội Thánh:

TIỆC THÁNH