Mathi ơ 26: Phần 3:" Chúa Giê su Hát và Cầu nguyện"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Hỡi các nước, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va; Hỡi các dân, khá ca tụng Ngài! Vì sự nhân từ Ngài rất lớn cho chúng ta; Sự chân thật Đức Giê-hô-va còn đến đời đời. Ha-lê-lu-gia!" Thi Thiên 117

Mathi ơ 26: Phần 3:" Chúa Giê su Hát và Cầu nguyện"

 

Đọc Kinh Thánh Mathi ơ 26: 29-49

 

Câu Hỏi:

 

1/ Các bạn có chút ngạc nhiên khi Kinh thánh nói Chúa Giê su hát không?
2/ Khi trong nhà Hội, Chúa Giê su thường làm gì?
3/ Có bao giờ Chúa Giê su nói " Vĩnh biệt" các môn đồ và sẽ không gặp lại không?
4/ Tại sao các môn đồ dường như không để ý là Ngài hẹn gặp họ ở bờ biển Ga li lê? Tại sao là biển Ga li lê?

 

5/ Chúa tiên đoán khi Ngài bị bắt, các môn đồ sẽ làm gì đối với Ngài?
6/ Có ai công nhận họ sẽ chối Chúa không? Ai là người khẳng định nhất?
7/ Chúa nói với Phi e rơ thế nào khi nghe ông mạnh mẻ nói là mình không làm như thế?
8/ Chúng ta có nên tin cậy chính mình trong cái bẩy mà Satan sắp đặt không?

 

9/ Vườn Ghết sê ma nê ở đâu? Tên đó có nghĩa gì?
10/ Chúa đem hai anh em nhà Xê bê đê theo Ngài để làm gì?
11/ Tai sao họ ngủ mãi mà không thức dậy?
12/ Chúng ta nghĩ sao khi họ mạnh miệng nói họ uống được chén đắng mà Chúa uống?

 

13/ Tai sao Chúa Giê su phải đau khổ tột cùng trong đêm đó?
14/Chén đắng có ý nghĩa gì? Chúa có ngần ngại khi uống nó không? Tại sao?
15/ Nhờ đâu mà Chúa chiến thắng trong trận chiến thuộc linh quan trọng đó?
16/ Nếu trận chiến ở vườn Ghết sê ma nê thất bại, loài người sẽ ra sao?

 


                            " Chúa Giê su Hát và Cầu nguyện"

 

             *** Hẹn gặp nhau ở buổi tiệc cưới trên Trời: Câu 29

 

" Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta."


Khi nói như vậy, Chúa Giê-su muốn các môn đồ biết Ngài đang trông đợi gặp lại họ ở một buổi Tiệc khác trên trời trong tương lai, để dự được buổi Tiệc đó, tất cả dân sự của Ngài ở mọi nơi, mọi nước, được quy tụ lại với nhau và sẽ cùng nhau dự buổi Tiệc Cưới Chiên Con


(Khải Huyền 19: 9).
" Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con! Người lại tiếp rằng: Đó là những lời chân thật của Đức Chúa Trời."

Đó là sự hoàn thành cuối cùng trong vương quốc của Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-su hằng mong ước.

 

*** Chúa Giê su hát ngợi khen Đức Chúa Trời:

 

"Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đi ra mà lên núi Ô-li-ve." Câu 30

 

Ít khi chúng ta để ý rằng Chúa Giê su thường hát ngợi khen Đức Chúa Trời, như con cái Chúa vẫn thường làm, sách Hê bơ rơ nói, khi ở giữa Hội chúng, Chúa Giê su cũng đã hoà lòng với họ, hát ngợi khen Cha và cũng làm chứng cho người khác. Ngài còn nói, Ngài phó thác luôn chính mình cho Cha. Qua những dòng Kinh Thánh nầy, chúng ta chắc chắn rằng, Đức Chúa Trời rất muốn nghe chúng ta ca ngợi Ngài qua tiếng hát.

 

" khi Ngài có phán: Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi; Và ngợi khen Chúa ở giữa hội. Ngài lại phán: Ta sẽ phó thác ta cho Chúa. Lại phán: Ta đây, ta với các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho ta." Hê bơ rơ 12: 12&13

 

Có thể chúng ta hơi tò mò, không biết Chúa Giê su đã hát bài ca nào? Điều nầy không khó, vì thường khi kết thúc Lễ Vượt qua, luôn kết thúc bằng ba bài hát trong Thi thiên được gọi là Hallel, Thi Thiên 116-117118. Chúng ta hãy xem lại những lời trong các Thi thiên này sẽ tác động thế nào trên Chúa Giê su vào đêm trước khi Ngài bị đóng đinh, chúng ta có thể hát trong một hoàn cảnh như vậy không?
Chắc không có tiếng hát nào ngọt ngào, tha thiết hơn, vang lên giữa bóng tối của đêm buồn thế giới, hơn tiếng hát của Chúa Giê-su và các môn đồ đầu tiên của Ngài lúc ấy.

 

"Hỡi linh hồn ta, hãy trở về nơi an nghỉ ngươi; Vì Đức Giê-hô-va đã hậu đãi ngươi. Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết, Mắt tôi khỏi giọt lệ, Và chân tôi khỏi vấp ngã. Tôi sẽ đi trước mặt Đức Giê-hô-va Trong đất kẻ sống. Tôi tin, nên tôi nói. Tôi đã bị buồn thảm lắm. Trong cơn bối rối tôi nói rằng: Mọi người đều nói dối. Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va Về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ cầm cái chén cứu rỗi, Mà cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các sự tôi hứa nguyện, Tại trước mặt cả dân sự Ngài." Thi Thiên 116: 7-14

 

*** " Tôi không bao giờ chối Thầy đâu" Câu 31-35

 

"Ngài bèn phán rằng: Đêm nay các ngươi sẽ đều vấp phạm vì cớ ta, như có chép rằng: Ta sẽ đánh kẻ chăn chiên, thì chiên trong bầy sẽ bị tan lạc. Song sau khi ta sống lại rồi, ta sẽ đi đến xứ Ga-li-lê trước các ngươi. Phi-e-rơ cất tiếng thưa rằng: Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, chính đêm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần. Phi-e-rơ thưa rằng: Dầu tôi phải chết với thầy đi nữa, tôi chẳng chối thầy đâu. Hết thảy môn đồ đều nói y như vậy."



Chúa Giê-su tiên báo việc các môn đồ sẽ chạy trốn và chối bỏ Ngài. Chúa lấy câu nói tiên tri trong sách Xa cha ri 13: 7


" hãy đánh kẻ chăn, cho những chiên tản lạc; và ta sẽ trở tay lại trên những con nhỏ."


Diễn tả cảnh trạng khi Chúa bị bắt đi, thì các môn đồ sẽ hoảng sợ, không còn giữ được niềm tin với Ngài và cũng không nhớ lại lời Ngài đã nói. Chúa không lên án họ vì họ sẽ làm như vậy, nhưng Chúa cho họ biết, Ngài vẫn nắm giữ mọi điều sắp xảy ra, điều quan trọng mà các môn đồ không để ý, là Chúa Giê su không bao giờ nói hai chữ Vĩnh biệt như một người sắp phải lìa đời, lúc nào Chúa cũng hẹn gặp lại họ, chỗ nầy hay chỗ kia, thậm chí còn nói rõ là Ngài sẽ sống lại.


Thế mà Phi e rơ đã để ý điều gì? Ông đã không hỏi: " Ngài sống lại cách nào?" hay " Chết rồi làm sao sống lại?" Nhưng Phi e rơ lại đính chính về lòng trung thành của ông với Chúa: " tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy"
Một câu xác định chắc chắn như thế, mà chưa qua đủ 12 giờ đã bị vi phạm. Trong văn chương thời đó có nói, những con gà trống ở Palestine thường gáy vào khoảng 12:30, 1:30 và 2:30 sáng; vì vậy, người La Mã khi ở vùng đất Do Thái đã đặt thuật ngữ ‘gà gáy’ cho đồng hồ từ 12 giờ đến 3 giờ sáng ”.

Chúa Giê su là Đức Chúa trời, Ngài thấy có một sự tranh chiến thuộc linh, sẽ xảy ra cho các môn đồ, nhưng Phi e rơ lại không thấy - Bây giờ Phi e rơ đang tuyên bố cách dũng cảm, nhưng ông không biết rằng, chút nữa đây, ông không còn chút can đảm nào trước mặt chỉ một đầy tớ gái, và ông sẽ nói rằng " Ta không biết Giê su là ai?"


 Từ khi Chúa Giê su tuyên bố Phi e rơ được chọn là người sẽ đứng đầu Hội Thánh, thì Sa tan cũng đã để mắt đến ông- Khi Phi e rơ chối Chúa, Ngài không trách ông vì Ngài biết đó không phải là chiến trận giữa thịt và huyết mà là với quyền lực chốn không trung - Chúa Giê su báo cho Phi e rơ biết:

" Satan muốn sàng xảy ngươi như lúa mì"

đó là điều mà Phi e rơ không thể thấy - Chúng ta cũng vậy, có những trận chiến thuộc linh mà chúng ta sẽ không thấy kẻ thù ở đâu, chúng sẽ làm gì, thì chúng ta không thắng nổi - Sự cầu nguyện, và gươm của Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta thoát được âm mưu của ma qủi.
Khi tiết lộ như vậy, Chúa Giê su muốn Phi e rơ cũng như chúng ta xem lại sự yếu đuối của mình, với một kẻ thù như Satan quyền phép, qủi quyệt, thì chúng ta không trụ được lâu đâu, mà sẽ chóng vánh, không phải một lần, mà sẽ nhiều lần thất bại, nếu không nương cậy vào sức Chúa - Ở đây, chúng ta cũng nên nhớ lại lời tâm sự của một người mà trong chúng ta không ai dám so sánh với ông đó là Phao lô, Phao lô nói rằng:

 

"Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ." IICô rinh tô 12: 7-10

 


***" Ghết sê ma nê, buổi tối buồn: câu 36


"Rồi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đến một chỗ kêu là Ghết-sê-ma-nê. Ngài phán rằng: Hãy ngồi đây đợi ta đi cầu nguyện đằng kia. "

 

  Núi Ô li ve nằm ngay phía đông của đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, khi băng qua khe núi Brook Kidron, là đến sườn núi Ô-li ve, có một khu vườn từ đời xưa bao quanh núi, với nhiều cây ô liu cổ thụ, Gethsemane có nghĩa là “máy ép ô liu”. Ở đó, ô liu từ khu vực lân cận được đem đến đây, nghiền nát để lấy dầu. Cũng ở nơi nầy Chúa Giê su cũng sẽ bị nghiền nát, đối mặt với trận chiến trong tâm linh, rồi bị bắt và giao nộp trong tay kẻ cầm quyền. Người Do Thái có thói quen cầu nguyện trên nóc nhà, hay dưới một gốc cây nào đó trong khu vườn của họ, đó là những nơi yên tỉnh, biệt riêng để cầu nguyện. Khi Chúa Giê su nhắn với Na tha na ên khi chưa từng gặp ông là Ngài đã thấy ông dưới gốc cây vã (fig) Na tha na ên đã thốt lên: " Ngài thật là Đức Chúa Trời"
Vườn Gết sê ma nê là nơi hẹn phước hạnh của cả nhóm, thế mà đêm nay, khu vườn đó sẽ được cả thế giới biết với một câu chuyện buồn.

 

***" Chén đắng" câu 37-45

 

" Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. Ngài bèn phán: Linh hồn ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta. Rồi Ngài bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha. Kế đó, Ngài trở lại với môn đồ, thấy đang ngủ, thì Ngài phán cùng Phi-e-rơ rằng: Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được! Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối. Ngài lại đi lần thứ hai, mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên. Ngài trở lại nữa, thì thấy môn đồ còn ngủ; vì mắt họ đã đừ quá rồi. Đoạn, Ngài bỏ mà lại đi cầu nguyện lần thứ ba, và lặp xin như lời trước. Rồi Ngài đi đến với môn đồ, mà phán rằng: Bây giờ các ngươi ngủ và nghỉ ngơi ư! Nầy, giờ đã gần tới, Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ có tội."

 

Nhiều lần trong Cựu ước, chén rượu là một hình ảnh mạnh mẽ về cơn thịnh nộ và sự phán xét của Đức Chúa Trời.


"Vì trong tay Đức Giê-hô-va có cái chén Sôi bọt rượu; chén ấy đầy rượu pha, Ngài rót nó ra: thật hết thảy kẻ ác nơi thế gian sẽ hút cặn rượu ấy, Và uống nó. Thi Thiên 75:8

"Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán cùng tôi như vầy: Hãy lấy chén rượu của sự giận khỏi tay ta, khá cho các dân mà ta sai ngươi đến đều uống lấy. Chúng nó sẽ uống, sẽ đi xiêu tó, và điên cuồng, vì cớ gươm dao mà ta sẽ sai đến giữa chúng nó. Vậy tôi lấy chén khỏi tay Đức Giê-hô-va, và khiến cho mọi nước mà Đức Giê-hô-va sai tôi đến đều uống lấy: cho Giê-ru-sa-lem và cho các thành của Giu-đa, cho các vua các quan trưởng nó, làm cho chúng nó hoang vu, gở lạ, bị chê cười, chịu rủa sả như ngày nay; " Giê rê mi: 25:15-18

 

Chén không đại diện cho cái chết mà là sự phán xét. Chén đó dành cho tội nhân, khi Chúa Giê-su uống chén thạnh nộ, Ngài đã trở thành tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời, Ngài sẽ bị phán xét và buộc phải uống chén giận dữ của Chúa Cha, đây cũng là nguồn gốc sự thống khổ của Chúa Giê-su. Ngài uống chén để thỏa mãn sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời Cha đối với tội lỗi của chúng ta. Trong xác thịt, Chúa Giê su sợ hãi, Ngài càng sợ hãi khi biết rõ cơn giận của Cha lớn tới chừng nào, Ngài có sờn lòng, có sự tranh chiến, Kinh Thánh không tô vẽ rằng trong xác thịt, con người luôn đứng vững, nhưng Kinh Thánh tiết lộ Chúa Giê su chiến thắng bằng sự cầu nguyện.

Cuộc chiến thuộc linh tai vườn Ghết sê ma nê có một vị trí quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Nếu Chúa Giê-xu thất bại ở đây, thì Ngài sẽ thất bại trước thập tự giá. Loài người sẽ ra sao nếu Chúa Giê su không chiến thắng?

Thật cảm động khi Ngài hỏi :" Bạn ơi, bạn không thể thức và chia sẽ nỗi đau với tôi chỉ trong một giờ sao?"
Chúng ta có thể tưởng tượng ra giọng của Chúa Giê su nài nĩ ai đó ở gần mình, Ngài đang rất cần sự chia sẽ. Không ai đáp lại.
Trước đó, Chúa Giê su đã nói với họ rằng, đêm nay, Ngài sẽ bị nộp, đêm nay, nỗi đau khổ trong lòng Ngài đang lên tới mức tột cùng. Những người bạn ở kế bên đó đã không chia sẽ với Ngài trong cơn đau thương. Họ ngủ mãi và ngủ mãi, Chúa nài họ đến ba lần mà không ai thức với Ngài.
Tuy Chúa biết Ngài sẽ phải chiến đấu một mình trong cô đơn, nhưng Ngài không sờn lòng, Ngài trở đi, trở lại, cầu nguyện tiếp tục cho đến khi kẻ thù đến gần.
Hai người con của Xê bê đê là Gia cơ và Giăng được Chúa chọn ra để cho họ dự vào buổi cầu nguyện đầy thử thách, trước khi uống chén đắng - Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ, khi họ đề nghị với Chúa cho mình được ngội bên tả và bên hữu của Ngài, Chúa Giê su hỏi: " Các ngươi có uống được chén mà ta uống không?" và họ trả lời " Được!" Bây giờ, trong giây phút quyết liệt của chén đắng, thì họ ngủ mê. Sau nầy, khi họ nhớ lại chắc trong lòng đầy hối tiếc.

 

Cám ơn Chúa Giê su, Ngài đã uống cạn chén đắng để chúng ta không phải uống.