Ma thi ơ 25 phần 3 : "Sự phán xét trên muôn dân"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo." Ê Phê sô 2:10

Ma thi ơ 25 phần 3 : "Sự phán xét trên muôn dân"

Đọc Kinh Thánh Ma thi ơ 25: 31-46

 

Câu Hỏi:


1/ Đoạn Kinh Thánh nầy mô tả cảnh gì? Ai sẽ là quan toà?
2/ Ai sẽ có mặt trong lúc đó?
3/ Chúa Giê su phân chia mọi người ra mấy nhóm? Chúa dùng biểu tượng gì cho hai nhóm nầy?
4/ Tại sao là Chiên và Dê? Hai nhóm có sự phán quyết giống nhau không?

 

5/ Một trong những lý do được nêu ra khi phán xét là gì?
6/ Đối tượng thật sự trong các hành động cần có đó là ai?
7/ Chúng ta có thêm chữ không trong đó không? Nếu toàn là không thì chúng ta sẽ đi về đâu?
8/ Câu chuyện ví dụ nầy có khích lệ chúng ta trong việc lành cho người lân cận không?

 


                            "Sự phán xét trên muôn dân"

 

      ***Cảnh toà án:

" Khi Con người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh hiển của Ngài. Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra;"

Đoạn Kinh Thánh nầy có tên riêng của nó là: "Sự phán xét mọi dân tộc" (all nations) Chúa Giê su sẽ là người ngồi trên Toà để phán xét, chung quanh có sự chứng kiến của toàn thể các Thiên sứ, chưa bao giờ có cảnh toàn thể Thiên sứ tham dự như vậy - Không những Thiên sứ, mà còn tất cả mọi dân, mọi nước dều đứng trước mặt Chúa - Đó là một phiên toà công khai và rất đông đảo - Sẽ không có một lời biện hộ nào sau khi Chúa tuyên xử, và những người đứng đó gồm tất cả con cái của Chúa được cất lên trong cơn đại nạn và những người không được cất lên, còn sống sót sau cơn đại nạn.

 

              ***Chiên và Dê:

Tại sao Chúa Giê su lại dùng ví dụ Chiên và Dê trong bối cảnh nầy? Điểm nổi bật là chỉ có hai nhóm được phân ra như Chiên với Dê, không có nhóm thứ ba.

    Người Do Thái xưa, vẫn thường nuôi Chiên và Dê chung, vì chúng có thể có những lợi ích cộng hưởng với nhau, trong đời sống của người Hê-bơ-rơ, cả Cừu và Dê đều có nhiều công dụng. Cả hai con vật đều là nguồn cung cấp sữa, và thịt - Cừu cho len và da Dê dùng làm bình rượu hay chứa nước.


   Chiên và Dê đã được thuần hóa rất sớm ở Cận Đông. Có nhiều cổ vật của Do Thái có vẽ hình bầy Chiên và Dê được nuôi chung. Khi Kinh Thánh đề cập đến bầy đàn (flock) thì có thể là bầy Dê hoặc bầy Chiên hoặc cả hai - Tuy nhìn thoáng qua, chúng giống nhau, nhưng thật sự khác nhau: Chiên Cừu có len mềm, còn Dê chỉ có lông cứng, sừng Dê chỉa lên, sừng Cừu thì cong xuống, Môi trên Cừu có chẻ, môi Dê không chẻ, tai Cừu cụp xuống nhưng tai Dê vễnh lên, và trong tính cách cũng khác biệt, Cừu thường dựa vào bầy đàn để sống, còn Dê rất tự lập -

 

      ***"Con Dê mang Tội Lỗi" (a scapegoat)

"Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra; để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả. Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất."

 

  Dựa vào đoạn Kinh Thánh nầy, Chiên được tượng trưng cho những người được cứu, còn Dê là nhóm bị trừng phạt - Có nhiều bàn luận cố giải thích tai sao Chúa dùng hình ảnh Dê để diển tả nhóm bị từ chối? Có người cho rằng căn cứ trên Lê vi Ký đoạn 16: 21-22

" A-rôn sẽ nhận hai tay mình trên đầu con dê đực còn sống, xưng trên nó các gian ác và sự vi phạm, tức những tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên, và chất trên đầu nó, rồi nhờ một người chực sẵn việc nầy mà sai đuổi nó ra, thả vào đồng vắng. Vậy, con dê đực đó sẽ gánh trên mình các tội ác của dân Y-sơ-ra-ên ra nơi hoang địa."

 

- Trong buổi lễ chuộc tội, Thầy Tế Lễ dùng một con Dê để mang tội lỗi của hết thảy dân sự, và con Dê đó sẽ bị đuổi ra ngoài đồng vắng - Sách Mishnah có ghi, để giữ cho con dê trong buổi lễ mang biểu tượng tội lỗi đó, không quay trở lại làng của người dân, họ thuê một người đàn ông dẫn nó đến một khe núi bên ngoài Jerusalem và đẩy con dê qua một vách đá để nó không thể quay về (Mishnah Yoma 5,3-6).

Có người lại nói Dê mang bản tính ngỗ ngược, rất tranh cạnh và có mùi hôi hám. Nhưng hình ảnh Cừu và Dê có thể không phức tạp như vậy. Cả hai con vật đều hòa nhập với nhau trong cùng một bầy - giống như những người công bình và người không công bình, vẫn có thể sống hoà hợp với nhau trên thế giới - nhưng dưới mắt của một người chăn, nhất là một Người Chăn Chiên vĩ đại, thì người ấy không thể nào lộn Chiên với Dê.


  Chúa Giê su muốn nói, khi Ngài ngồi trên ghế vinh hiển của quan Toà, thì không có một người công bình nào bị bỏ sót mà không được cứu, và cũng không có một kẻ vô tín nào mà được đứng trong hàng ngũ người công bình- Chẳng những vậy, còn có muôn vàn Thiên sứ thánh đứng đó - Chung cuộc, chỉ có hai nhóm mà thôi, nhóm bị từ chối sẽ vào hoả ngục đời đời. Nhóm người công bình được ở cùng với Chúa mãi mãi. Đó là Thiên đàng đã được thiết lập từ buổi sáng thế.

  "Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời."

 

  *** " Những lý do được ban thưởng hay bị buộc tội"

 

" Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy. "

 

   Cũng những câu giống hệt, mà nhóm bị buộc tội, có thêm chữ không trong các câu đó. Có điều lạ là cả hai nhóm đều phải hỏi lại, vì họ nghĩ là không chính xác. Đối tượng được dùng ở đây làm mọi người phân vân, Chúa dùng chữ Ta để chỉ chính Ngài, Ngài có ở trên đất để họ gặp sao? và Ngài cần phải giúp đỡ khi nào? Câu hỏi của cả hai bên không thắc mắc về những sự tốt lành mà Chúa kể ra, nhưng họ chỉ hỏi hai chữ " Khi Nào?"

Chúa Giê su trả lời câu hỏi " Khi nào?" cho hai nhóm, có khác nhau một chút, Ngài dùng chữ " anh em Ta " cho nhóm được chuộc và chỉ dùng chữ "một người trong những người rất hèn mọn nầy" cho nhóm kia. Ngài không xưng anh em với họ.


  Chúa đã đại diện cho đối tượng của lòng thương xót.

  Nếu trong suốt cuộc đời của một người, mà người đó không bao giờ làm ơn được cho một người nào, trong nhu cầu cấp bách của họ, thì liệu có xứng đáng được cứu không?

" Khi Nào?" là một câu hỏi mà Chúa nêu ra để dạy dỗ: Đón tiếp khách lạ, ban thức ăn, nước uống cho người cần, mặc cho người thiếu, thăm viếng anh em mình lúc khó khăn- là lòng tử tế, là tình yêu thương, mà tất cả chúng ta đều được học hỏi nhiều từ lời Chúa -

  Con cái Chúa đã thường làm những điều đó cho anh em mình theo bản chất thiện lành, đã được đổi mới của mình, dĩ nhiên, sự cứu rỗi không căn cứ trên việc làm, và Kinh Thánh khẳng định đức tin là yếu tố căn bản để được cứu, nhưng người có đức tin thật thì phải có nẩy sinh bông trái -

   Những điều Chúa kể trên nếu chúng ta đều nói không thì quả thật chúng ta không phải là con cái thật, không kính Chúa cũng không yêu Người.

Cám ơn Chúa nhắc nhở chúng ta về những thiếu sót trong tình yêu thương, thể hiện tình yêu thương không hề khó, vì có biết bao người khốn khổ chung quanh chúng ta, hãy tự mình kiểm điểm xem mình có thiếu sót trong việc nầy không? Không có Tình Yêu Thương có thể làm chúng ta bị bỏ lại khi Chúa đến, hay bị đứng trong hàng ngũ của Dê bị phán xét.

 

Cả đoạn Ma thi ơ 25 Chúa Giê su muốn chúng ta:



Thức tỉnh - Chuẩn bị - Khai trình và Kiểm điểm xem mình có thiếu sót gì chăng?

 

 

 

 

Ô Sê 6: 1-7

1 Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va; vì Ngài đã xé chúng ta, song Ngài sẽ chữa lành cho; Ngài đã đánh chúng ta, song sẽ buộc vết tích. 2 Trong hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta tỉnh lại; ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy, chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài. 3 Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai, Ngài sẽ đến cùng chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất. 4 Ta sẽ làm gì cho ngươi, hỡi Ép-ra-im? Ta sẽ làm gì cho ngươi, hỡi Giu-đa? Vì lòng nhân từ của các ngươi giống như mây buổi sáng, như móc tan ra vừa lúc sớm mai. 5 Vậy nên ta đã dùng các tiên tri sửa phạt chúng nó; ta đã giết chúng nó bởi lời nói từ miệng ta: những sự phán xét của ta mọc lên như ánh sáng. 6 Vì ta ưa sự nhân từ mà không ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu. 7 Nhưng, theo cách người ta, chúng nó đã phạm lời giao ước, và ở đó chúng nó đã phỉnh dối ta.