Ma thi ơ 25 phần 2 : " Đầy tớ dữ và biếng nhác"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

Khi ăn rồi, Đức Chúa Jêsus phán cùng Si-môn Phi-e-rơ rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, "ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng?" Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta. Giăng 21: 15

Ma thi ơ 25 phần 2 : " Đầy tớ dữ và biếng nhác"

 

Đọc Ma thi ơ 25: 14-30

 

Câu hỏi:


1/ Món tiền chủ giao cho đầy tớ có phải là món tiền lớn không? Chủ mong đợi họ làm gì với các khoản tiền đó?
2/ Mỗi người có lãnh tiền bằng nhau không? Trong câu 15 nói tại sao?
3/ Khi chủ đã đi, hai người đầy tớ đầu tiên bắt đầu làm gì và người thứ ba bắt đầu làm gì?
4/ Như vậy suốt thời gian vắng chủ, đầy tớ thứ ba làm gì?
5/ Khi chủ về, hai người đầu tiên khai trình ra sao? Được chủ khen thế nào? Tại sao chủ khen và thưởng họ giống nhau?
6/ Người thứ ba khai trình gì? Bị chủ quở như thế nào? Người ấy có đáng bị quở như thế không?

7/ Theo nghĩa bóng- câu chuyện trên có ý gì?
8/ Nếu chúng ta giống đầy tớ dữ, thì Tin Lành sẽ bị thu hẹp lại hay được bành trướng ra như ngày nay?
9/ Tại sao Chúa xem điều nầy là quan trọng để nhắc chúng ta trong ngày Chúa trở lại?
10/ Chúng ta có thể viện cớ là chúng ta không có ta lâng nào để không làm việc không?
11/ Đầy tớ dữ chôn ta lâng là hình ảnh gì của chúng ta theo nghĩa bóng?

 


           **" Đầy tớ dữ và biếng nhác"

 

      Đây là một câu chuyện dụ ngôn (ví dụ) của Chúa Giê su nói về ngày Chúa trở lại, mà nhiều con cái Chúa đọc thấy trong lòng mình bị cáo trách, vì sự cảnh báo cho đời sống tín đồ thờ ơ của họ.


Câu chuyện kể về một người chủ rất giàu có, trước khi đi xa, ông gọi ba đầy tớ thân tín nhất, giao tiền cho họ để họ thay mặt chủ mà đầu tư, trong khi mình đi vắng. Chuyện ông chủ đi xa và tin cậy đầy tớ như vậy, vẫn thường xảy ra ở các nước Trung đông thời xưa, chủ đi giao dịch, buôn bán có khi cả năm mới về. Chúng ta cũng đã thấy Áp ra ham giao của cải cho đầy tớ quản lý, luôn cả việc kiếm vợ cho con trai mình. Giô sép cũng được quan Phô ti pha cho quyền coi sóc hết gia tài của ông.


  Trong câu chuyện nầy, ông chủ đã giao cho đầy tớ, mỗi người một món tiền rất lớn - Ở đây đã có nhiều bàn cãi về số tiền đó - Thời cựu ước, Ta lâng (talent) là đơn vị đo trọng lượng, một ta lâng tương đương với khoảng 75 pound hoặc 35 kg.

     Nhớ lại câu chuyện vua Đa vít thắng quân thù, Đa vít đã lấy vương miện của vua Am môn đội lên đầu mình, vương miện ấy bằng vàng, nặng 1 ta lâng là 35 kg:


" Vậy, vua Đa-vít nhóm hiệp cả dân sự, kéo đến đánh Ráp-ba, vây và hãm lấy nó. Người lột cái mão triều thiên của vua dân Am-môn đội trên đầu; mão đó cân nặng một ta-lâng vàng, có trang sức những bửu thạch; Đa-vít đặt nó ở trên đầu mình. Người cũng đoạt lấy rất nhiều của cải thành mà đem đi.(2 Sa-mu-ên 12:30)

 

Trong sách Khải Huyền 16:21, chúng ta đọc thấy những ngày sau rốt có mưa đá lớn từ trên trời rơi xuống loài người, mỗi cục mưa đá có sức nặng một ta lâng:

 

"Những cục mưa đá lớn, nặng bằng một ta-lâng, ở trên trời rớt xuống trên loài người; loài người bèn nói phạm đến Đức Chúa Trời bởi cớ tai nạn mưa đá ấy, vì là một tai nạn gớm ghê."

 

Còn trong Tân ước, thì Ta lâng lại là một đơn vị tiền tệ - Một Ta lâng bằng 3000 Siếc lơ (shekel) và tương đương với khoảng 50.000 dollar bây giờ, như vậy, người đầy tớ thứ nhất được giao cho 5 ta lâng sẽ bằng 250.000 dollar và người đầy tớ thứ hai được 2 ta lâng là 100.000 dollar, còn người thứ ba được 50.000 dollar.


  Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi chủ trở về, ông không khen thưởng dựa trên số tiền họ kiếm được, nhưng lời khen dựa trên phẩm chất của họ - Theo bản dịch đúng, thì lời khen của chủ như vầy: " Con đã hoàn thành tốt công việc, ngay lành và trung tín" ( Well done, good and faithful )
Mặc dù hai người đầu tiên kiếm được hai số tiền khác nhau, nhưng cùng được khen thưởng như nhau, ông chủ cho rằng với khả năng của họ, mỗi người họ đã làm hết sức mình vì khi giao tiền, ông chủ cũng đã căn cứ trên tài năng của mỗi người

( câu 15: Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường.)

 

 

     Mặc dù không có mặt chủ, họ vẫn siêng năng làm việc để có một lợi tức gấp đôi lần số vốn.


Người đầy tớ thứ ba rất đặt biệt, suốt thời gian chủ vắng nhà, anh ta không làm gì cả, quyết định chôn luôn số bạc ấy ngay từ đầu cho khoẻ, và bây giờ khi chủ về hỏi, thì anh ta không ngại mà đổ thừa cho chủ, cho là chủ nghiêm nhặt, bòn chắt:

"Người chỉ nhận một ta-lâng cũng đến mà thưa rằng: Lạy chúa, tôi biết chúa là người nghiêm nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm lặt trong chỗ mình không rải ra, nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa."

 

 Thật là một đầy tớ nguỵ biện, lười biếng, không hiểu chủ, không yêu chủ, cũng không để tâm đến nhà chủ - Đầy tớ ấy bị quở trách là vô ích, bị lấy lại tiền và bị đoán phạt nặng.

Câu chuyện trên là nghĩa đen-

      Chúa Giê su muốn so sánh Ngài như ông chủ, Ngài sẽ đi vắng một thời gian dài lâu, Chúa muốn giao công việc nhà Ngài cho chúng ta quản lý- Chúa cũng biết mỗi người chúng ta có khả năng đến mức nào để có thể nhận lãnh công việc mình.


   Các tín hữu không làm công việc giống nhau, người có khả năng sẽ làm việc nhiều hơn, khó hơn, cũng có người làm việc ít hơn, dễ hơn -

  Bấy giờ những Ta lâng được xem như những cơ hội, những chức vụ, những tài chánh, những khả năng tự nhiên, do Chúa ban cho, nếu người ấy, đứng trong chỗ của mình, dùng hết những khả năng Chúa ban cho mình để làm công việc ích lợi cho nhà Chúa, thì cũng sẽ đạt được kết quả như hai người đầy tớ kia, có lời khen của Chúa là "hoàn thành công việc, ngay lành và trung tín".

      Chúa không bao giờ so sánh người nầy với người kia bằng con số, chúng ta thường thấy Kinh Thánh nói đến những kết quả không giống nhau, đều được chấp nhận, thí dụ câu chuyện về gieo giống, nói một hạt sinh hai chục, hạt sinh bốn chục, hạt khác sinh sáu chục, không có lời bình phẩm nào về hạt sinh hai chục là kém nhất.


   Khi kể ví dụ nầy, Chúa cảnh báo chúng ta, ngày Chúa trở lại bất thình lình, chúng ta phải khai trình trước Chúa về những gị mà chúng ta làm cho nhà Chúa. Trước khi giao Hội Thánh cho Phi e rơ, Chúa Giê su đã hỏi Phi e rơ ba lần " Ngươi yêu ta chăng?"

    Người nào yêu Chúa cũng sẽ hết lòng cho nhà Chúa, giả sử người xưa không hết lòng đi rao truyền Tin Lành, để những người tin Chúa được nhân rộng ra như ngày nay, thì làm sao sẽ có ngày Tin lành được giảng ra khắp đất? Người đầy tớ dữ là con cái Chúa thờ ơ, không muốn phục vụ, không rao giảng, cũng không đóng góp gì cho nhà Chúa, người ấy không phải là một con cái thật - Người ấy sẽ bị xử đoán như người không tin Chúa, sẽ bị lấy đi mọi thứ và cũng sẽ không được vào nước Trời, còn những người đã hết lòng trong công việc Chúa, sẽ được ban thưởng và được cho thêm.

Qua câu chuyện nầy, chúng ta cần xét lại trách nhiệm của chúng ta trước mặt Chúa, hãy suy nghĩ xem mình đã đầu tư được gì ích lợi cho nhà Chúa? Khi Ngài trở lại chúng ta sẽ khai trình ra sao? Đó cũng là một phần trong việc sửa soạn cho ngày Chúa trở lại- Như vậy, Chúa muốn chúng ta sẳn sàng để:

 

                            Thức canh - Chuẩn bị và Khai trình