Mathi ơ 23: "Các Thầy Pha ri si trong mắt Chúa Giê su"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

bởi chưng luật pháp không làm trọn chi hết, lại có một sự trông cậy hay hơn đem vào thay cho luật pháp, và bởi sự trông cậy đó chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 7 :19

Mathi ơ 23: "Các Thầy Pha ri si trong mắt Chúa Giê su"

 

cùng với:
          "Bảy tai họa được báo trước cho những người lạm dụng quyền lực"

 

Câu hỏi:

 

1/ Ghế của Môi se có nghĩa gì? Ai đã ngồi trên đó? Họ có xứng đáng không?
2/ Các Thầy Thông giáo có áp dụng luật pháp đúng nghĩa mà Đức Chúa Trời đã truyền cho Môi se không? Họ đã làm gì?
3/ Việc họ thêm thắc vào luật pháp khiến cho luật của Chúa trở thành thế nào?
4/ Có phải họ thêm thắc hay diễn giải luật như ý Chúa muốn không? Chúa gọi họ là gì khi dạy luật như vây?
5/ Chúa có bảo người ta không tuân theo luật pháp mà họ đưa ra không? Nhưng Ngài bảo gì?

 


6/ Xin kể ra hai điều đầu tiên mà các Thầy bị rủa sả
7/ Điều thứ ba hiện nay còn có trong thời chúng ta không?
8/ Điều thứ tư nguyên nhân chính là gì? Chúa sửa lại như thế nào?
9/ Điều thứ năm có nghĩa gì khi nói " lọc con ruồi mà nuốt con lạc đà ?" Chúng ta có mắc phải điều nầy không?
10/ Điều thứ sáu Chúa có bảo người ta chỉ chọn bên nào không? Điều đó có nghĩa gì?
11/ Điều thứ Bảy Chúa Giê su muốn ngăn chặn họ việc gì? Ngài muốn đoán xét hay muốn họ ăn năn

 


***Các Thầy Pha ri si trong mắt Chúa Giê su:

               

  @ Ngồi trên ghế của Môi se:



                 Ghế của Môi se ám chỉ thẩm quyền xử đoán, 

Môi-se là nhà lập pháp vĩ đại của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã soi dẫn Môi se, để rao giảng luật pháp của Ngài, viết trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, gọi là Ngũ kinh.

      Đối với dân Do Thái, ảnh hưởng của Môi se rất lớn, dù ông đã chết, nhưng nhiều thế kỷ sau, Môi se vẫn được vinh dự có một chiếc ghế trong các hội đường Do Thái- Ghế của Môi-se là chiếc ghế được tôn trọng, lúc nào cũng được đặt trên một bục cao. Chỗ ngồi ấy được dành cho những Thầy dạy luật, người được tuyên bố là có vị trí cao trong việc giảng dạy, đang nắm trong tay quyền lực của Môi-se, dùng luật mà xử đoán dân sự.


   Không hẳn chỉ là phái Pha ri si, hay các Thầy Thông Giáo, mà cả người Sa đu sê cũng có ngồi trên ghế ấy.

 

  Đằng sau chiếc ghế, là lời cảnh báo của Chúa Giê-su. Ngài tuyên bố trước mặt mọi người, về những gì mà Đức Chúa Trời đã thấy, nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo đang chiếm giữ nó. Chúa Giê su cũng tuyên án luôn cho họ - Bảy lời cảnh cáo có trong đoạn kinh văn nầy, dành cho những người ngồi ghế xử đoán dân sự, mà chính mình cũng đang bị Đức Chúa Trời xử đoán.

   Để dân chúng không hiểu lầm về lời nói của mình, Chúa Giê su tuyên bố trước, là Ngài vẫn biểu người ta tuân thủ luật pháp của Toà, nhưng đừng bắt chước lối ăn, nết ở của các quan toà, câu 2&3:

 

" Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đều ngồi trên ngôi của Môi-se. Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt
chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm. "

 

   Lời Cáo buộc thẳng thừng của Chúa hôm nay, sẽ là ngọn lửa châm ngòi cho án tử hình dành cho Chúa.

Cáo buộc đầu tiên: " Đặt gánh nặng luật pháp lên dân sự "

 

 " Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào."

 

  Đức Chúa Trời chọn dân Y sơ ra ên làm dân tộc Thánh, Ngài dạy họ những điều thánh khiết, yêu thương, được tóm tắt trong hai ý nghĩa Kính    Chúa, Yêu người. Luật pháp của Chúa không hề nặng nề như chính Chúa Giê su đã nói :

 

                   "Ách ta dễ chịu, Gánh ta nhẹ nhàng.."

 

Nhưng những người làm đầu, đứng trên luật pháp, vì lòng tự tôn và cũng không hiểu biết, nên đã tự thêm thắt, chòng chéo, làm cho những nét trong sáng của luật Chúa thành ra cái bẩy cho mọi người.

  Dân sự không còn tuân theo luật vì sự kính mến, mà vì sợ hải, và luôn cảm thấy như có một cái ách đè nặng trên vai mình. Trong cộng đồng, sanh ra tệ nạn, người nầy rình rập, tố cáo người kia, công lý và sự chính trực bị bóp méo - Luật pháp Chúa thời ấy dựa trên 10 điều răn, thế mà họ thêm ra thành 613 điều gồm cả luật và lệ gọi là 613 mitzvot - Sách Tiên tri Ê sai đã có lần lên án các bậc cầm quyền tôn giáo rằng:

 

" Thầy tế lễ và đấng tiên tri đều choáng váng vì rượu mạnh, bị rượu nuốt đi, nhân các thứ rượu mạnh mà xoàng ba; xem sự hiện thấy thì cắt nghĩa sai, xử kiện thì vấp ngã; mửa ra ô uế đầy bàn tiệc, chẳng có chỗ nào sạch! Vậy người sẽ dạy khôn cho ai, và khiến ai hiểu sự dạy dỗ mình? Có phải là dạy cho những trẻ con thôi bú, mới lìa khỏi vú chăng? Vì, với họ phải giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia! Vậy nên Đức Giê-hô-va sẽ dùng môi lạ lưỡi khác mà phán cùng dân nầy. Ngài đã phán cùng nó rằng: Đây là nơi yên nghỉ; hãy để kẻ mệt nhọc được yên nghỉ. Nầy là lúc mát mẻ cho các ngươi. Thế mà họ chẳng chịu nghe. Lời Đức Giê-hô-va đối với họ sẽ là giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia; hầu cho họ bước tới, thì ngã nhào và giập nát, sập bẫy, và bị bắt! " Ê sai 28: 7-13

 

Kinh Thánh viết rằng môi của thầy tế lễ phải giữ gìn kiến ​​thức, Đức Chúa Trời đã giao chìa khóa kiến ​​thức cho các bậc tiên kiến, cũng là người hướng dẫn Hội thánh Ngài, không phải để họ lấy đi, nhưng để dân chúng tìm kiếm luật pháp nơi miệng họ, bởi vì họ là sứ giả của Đức Chúa Trời.

 

Sách Ma la chi đoạn 2: 7 chép:

" Vì môi miếng của thầy tế lễ nên giữ sự thông biết, người ta tìm luật pháp trong miệng nó, vì nó là sứ giả của Đức Giê-hô-va vạn quân. 8 Nhưng, trái lại, các ngươi đã xây khỏi đường lối, làm cho nhiều người vấp ngã trong luật pháp, và đã làm sai giao ước của Lê-vi, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. "

 

Chúa Giê su gọi họ là những kẻ giả hình, tự làm ra tôn trọng trước mắt dân, và muốn người khác nghe lời mình như Thầy, tôn kính như Cha, và tuân theo như Chủ.

 

" Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy, mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài; ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội; muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy! Nhưng các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ. Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi. Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên."

 

***Trước mắt dân họ đuợc tôn trọng, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời họ đang bị rủa sả:

 

1/ Bị rủa sả vì đóng cửa Nước Thiên Đàng-

 

       Chính họ không chấp nhận Tin Lành nơi Chúa Giê su và còn ngăn trở người ta đến với Ngài

 

"Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đóng nước thiên đàng trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn trở."

 

2/ Bị rủa sả vì gạt gẩm, tham lam nhà người goá bụa ( devour widows's houses)

 

" Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi làm bộ đọc lời cầu nguyện cho dài mà nuốt nhà đàn bà góa; vì cớ đó, các ngươi sẽ bị đoán phạt nặng hơn."

 

Thay vì giúp đỡ người goá bụa, như lời Chúa thường dạy, thì họ lại phỉnh gạt các bà goá, giả vờ cầu nguyện lâu dài trước mặt Chúa. Do đó, Chúa sẽ kết án họ nhiều hơn. Cầu nguyện giả dối mà không có đức tin. Họ là những người được xem kề cận Chúa nhất, phải tin rằng Chúa thấy mọi sự:

 

" Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài." Hê bơ rơ 11:6

 

3/ Bị rủa sả vì bỏ công sức cho người ta nhận đạo, nhưng dẫn họ vào con đường sai lầm:



" Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi."



Các Thầy Thông giáo đã nổ lực đưa người ta vào đạo, nhưng không biến người ta tránh khỏi tội lỗi, mà chỉ là chuyển đổi họ qua một quan điểm nào đó, làm cho họ đi sai lạc hoàn toàn với mong muốn của Đức Chúa Trời. Mang đến cho người lạc mất một thông điệp sai lầm, ngày nay cũng có những giáo phái chịu khó đi truyền giáo, nhưng cũng với thông điệp sai lầm.

 

4/ Bị rủa sả vì đặt luật thề nguyện dối trá trước những vật vô nghĩa thay vì chính Đức Chúa Trời.

 

" Khốn cho các ngươi, là kẻ mù dẫn đường, các ngươi nói rằng: Nếu người nào chỉ đền thờ mà thề, thì không can chi; song chỉ vàng của đền thờ mà thề, thì phải mắc lời thề ấy. Hỡi kẻ dại và mù, vàng, và đền thờ làm cho vàng nên thánh, cái nào trọng hơn? Lại các ngươi nói rằng: Nếu người nào chỉ bàn thờ mà thề, thì không can chi; song chỉ của lễ trên bàn thờ mà thề, thì phải mắc lời thề ấy. Hỡi kẻ mù kia, của lễ, và bàn thờ làm cho của lễ nên thánh, cái nào trọng hơn? Vậy thì người nào chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và cả của lễ trên bàn thờ mà thề; người nào chỉ đền thờ mà thề, là chỉ đền thờ và Đấng ngự nơi đền thờ mà thề còn ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngôi của Đức Chúa Trời và Đấng ngự trên ngôi mà thề vậy."

 

  Đối với người Do Thái, một lời thề có khả năng ràng buộc, miễn là đó là một lời thề ràng buộc. Nói một cách rộng rãi, một lời thề ràng buộc là một lời thề chắc chắn và không ngụy biện khi sử dụng danh của Đức Chúa Trời; một lời thề như vậy phải được giữ, bất kể giá nào. Bàn thờ là nơi gặp gỡ được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và con người,Thật đáng để suy nghĩ về sự vĩ đại của bàn thờ trong Cựu Ước:

 

 -Mục đích của bàn thờ là thánh hóa những gì được đặt trên nó.
     -Vị trí của bàn thờ cho chúng ta đến với Chúa trước tiên, bàn thờ không được nâng lên, nhưng đủ thấp để mọi người tiếp cận.
         -Chất liệu của bàn thờ rất quan trọng: nó là đồng thau, được rèn trong lửa và có thể chịu đựng được sự phán xét của ngọn lửa.
           -Và bàn thờ được nhận biết bởi huyết của con sinh.

 

  Chúa Giê su muốn nhắc rằng: Ai thề bởi đền thờ hay bởi Đấng ngự trong đền thờ đều bị ràng buộc, và Đức Chúa Trời bắt người lập lời thề phải giải trình trước Chúa khi không giữ lời thề.

 

5/ Bị rủa sả vì coi nhẹ những điều quan trong mà chỉ chăm chú đến những việc tầm thường:

 

" Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là sự công bình, thương xót và trung tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia. Hỡi kẻ mù dẫn đường, các ngươi lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc đà!."

 

Các Thầy Pha ri si đã chăm chú vào việc dâng phần mười về lợi tức hoa màu của họ, để chứng tỏ họ tuân thủ luật pháp, nhưng họ lại bỏ đi những điều quan trọng hơn, là lòng thương xót với tha nhân, sự công bình trong xét đoán, và lòng trung tín với Đức Chúa Trời.

 Chúa Giê su dùng cách mỉa mai khi ví họ như những người Kosher (chỉ ăn những thức ăn tinh sạch) cố tránh ăn nhầm con nhặn nhỏ xíu, nhưng lại nuốt trọng một con lạc đà, theo sách Lê vi ký kê ra, là con vật không tinh sạch.

 

6/ Bị rủa sả vì chỉ quan tâm đến bên ngoài mà bên trong thối rữa:

 

" Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi rửa bề ngoài chén và mâm, nhưng ở trong thì đầy dẫy sự ăn cướp cùng sự quá độ. Hỡi người Pha-ri-si mù kia, trước hết phải lau bề trong chén và mâm, hầu cho bề ngoài cũng được sạch sẽ. Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi."

 

  Theo phong tục của người Do Thái, họ quét vôi trắng các ngôi mộ trong thành phố Jerusalem trước Lễ Vượt Qua, để không ai vô tình chạm vào, như vậy sẽ khiến họ trở nên ô uế về mặt nghi lễ.

   Chúa Giê-su nói rằng những nhà lãnh đạo tôn giáo này giống như những ngôi mộ quét vôi trắng - bên ngoài có màu trắng nhưng bên trong đầy thối rữa. Chúa Giê su không gợi ý là chỉ chọn một trong hai, nhưng Ngài nói hãy làm cho sạch bên trong lẫn bên ngoài, để bên ngoài nói lên phần bên trong. Hai chữ chan chứa tội lỗi, nói lên sự đầy rẫy sự vô độ và vô luật pháp.

 

7/ Bị rủa sả vì họ tôn vinh các nhà tiên tri đã chết, nhưng giết các nhà tiên tri còn sống.

 

" Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi xây đắp mồ mả của đấng tiên tri, trau giồi mồ mả của người công bình, và nói rằng: Nếu chúng ta ở cùng một thời với tổ phụ, thì không hùa theo người mà làm đổ máu các đấng tiên tri vậy. Ấy đó, các ngươi tự làm chứng cho mình rằng thật là con cháu những người giết các đấng tiên tri. Vậy thì hãy làm cho đầy dẫy cái lường của tổ phụ các ngươi! Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được? Vậy nên, nầy, ta sai những đấng tiên tri, kẻ khôn ngoan, và thầy thông giáo đến cùng các ngươi; trong những người ấy, kẻ thì các ngươi sẽ giết và đóng đinh trên cây thập tự, kẻ thì các ngươi sẽ đánh đập trong nhà hội mình, và các ngươi sẽ đuổi bắt họ từ thành nầy qua thành kia, hầu cho hết thảy máu vô tội bị tràn ra trên mặt đất, đổ về các ngươi, từ máu A-bên là người công bình cho đến máu Xa-cha-ri là con của Ba-ra-chi, mà các ngươi đã giết ở giữa khoảng đền thờ và bàn thờ. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi điều đó sẽ xảy đến cho dòng dõi nầy. Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang! Vì, ta bảo, các ngươi sẽ không thấy ta nữa, cho đến lúc các ngươi sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!"

 

" Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn lục kia" Cụm từ này cho người ta liên tưởng đến “gia đình của ma quỷ”. Những nhà lãnh đạo tôn giáo vô cùng tự hào về di sản dòng dõi của họ, họ nghĩ rằng họ là những người con thiêng liêng của Áp-ra-ham.Thay vào đó, Chúa Giê su phán là họ giống con trai của quỷ hơn, không phải của Áp-ra-ham.


 Lời buộc tội kinh khủng của Chúa Giê su đã đổ ra, như lời buộc tội của Chiên Con trong sách Khải huyền. Ngài nêu tên những người công chính bị đổ máu theo thứ tự trong Kinh Thánh từ A bên ( Sáng thế ký) đến Thầy tế lễ Xa cha ry bị ném đá chết ngay trong hành lang của đền Đức Chúa Trời ( 2 Sử ký 24:21)

   Qua đoạn kinh văn nầy, Chúa Giê su đã lên án mạnh mẻ các nhà lãnh đạo tôn giáo, Ngài không muốn dân chúng bị họ lừa dối. Tuy vậy Ngài cũng còn yêu họ. những người lãnh đạo đang bị xa cách Chúa, họ cần được cảnh báo về sự phán xét sắp tới. Chúa Giê-su thực sự muốn họ ăn năn hơn là bị phán xét. Trước khi họ phạm thêm một tội nữa là giết " Chiên Con" của Đức Chúa Trời, Ngài vẫn tha thiết muốn họ nhận biết tình trạng của mình và ăn năn như Đức Chúa Trời vẫn thường nói:

      "Ngày nay, nếu ngươi nghe tiếng Ta thì chớ cứng lòng, nhưng hãy ăn năn"

 

Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ trở nên mão triều thiên chói sáng và mão miện rực rỡ của dân sót Ngài; 6 sẽ trở nên thần công chánh cho kẻ ngồi trên tòa xét đoán, và sức mạnh cho những kẻ đuổi giặc nơi cửa thành. Ê-sai 28: 5&6