Mathi ơ 22 phần 3: " Điều răn nào lớn hơn hết?"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta. Roma 6:23

Mathi ơ 22 phần 3: " Điều răn nào lớn hơn hết?"
và " Đấng Mê si là con của ai?"

 

Câu hỏi:

1/ Thầy dạy luật hỏi câu hỏi gì trong luật pháp?
2/ Các Thầy Pha ri si hy vọng sẽ bắt bẻ Chúa Giê su điều gì?
3/ Tại sao họ phân lớn, nhỏ trong luật pháp? Dựa trên lời Kinh Thánh Ê xê chi ên 18:20 "Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết"
hay Rô ma 6:23 " Vì tiền công của tội lỗi là sự chết" thì có phân lớn nhỏ không?
4/ Chúa Giê su trả lời ra sao? Chúa tóm tắt luật pháp thành mấy điều?
5/ Những điều đó có phải là tiêu chuẩn mà Chúa mong muốn con người đạt đến không?
6/ Có phải Chúa Giê su muốn trả đủa họ khi trả lời như vậy không? Chúng ta có được học hỏi qua câu trả lời của Ngài không?


7/ Cuối cùng Chúa hỏi lại họ câu hỏi gì?
8/ Câu nầy Chúa đã hỏi các môn đồ chưa? Họ trả lời ra sao? Ai trả lời? Có đúng không?
9/ Các Thầy Pha ri si trả lời đúng hay sai? Chúa hỏi thêm câu gì từ nơi câu trả lời của họ?

               Lấy từ đâu trong Kinh Thánh? Họ có trả lời được không?
10/ Đấng Mê si có hai bản tính nào? Có quan trọng với việc cứu rỗi không?
11/ Tại sao các Thầy Pha ri si không muốn công nhận phần Thần tính của Đấng Mê si?
12/ Họ cố tình bỏ qua chi tiết nào của Chúa Giê su về Nhân tính?

 

Đọc Kinh Thánh Ma thi ơ 22: 34-46

 

      ** " Điều răn nào lớn hơn hết?"

 

     Khi những người Pha-ri-si nghe Chúa Giê su đã làm cho người Sa-đu-sê im lặng, họ nhóm lại. Sau đó, một Thầy dạy luật trong số họ, hỏi Chúa một câu, để kiểm tra Chúa Giê su về luật pháp:

 

                 "Thưa Thầy, điều răn nào trong luật pháp là lớn nhất?"

 

   Khi yêu cầu Chúa Giê-su chọn ra một điều răn lớn nhất, họ hy vọng có thể bắt bẻ Chúa, nếu Ngài chọn một điều răn nào đó cho là lớn nhất, mà tỏ ra lơ là đối với các điều răn khác của luật pháp, thì họ sẽ từ đó mà công kích Chúa.
Các Thầy Thông giáo đã đặt ra tổng cộng 613 điều răn trong luật pháp; và phân loại chúng thành những luật lớn và luật nhỏ. Những luật nhỏ đó, họ nghĩ là có thể được bỏ qua nếu vi phạm hoặc có thể cho đó là ít tội lỗi.

Chúa Giê su trả lời:

 

" Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra. "

 

   Câu trả lời của Chúa Jêsus tỏ ra Ngài hiểu rõ bản chất của luật pháp hơn cácThầy Thông giáo. Thay vì đề cao điều nầy lớn hơn điều khác, Chúa Giê-su xác định luật pháp trong nguyên tắc cốt lõi của nó, trước hết là yêu mến Đức Chúa Trời, và sau đó yêu người lân cận. Quả thật, Đức Chúa Trời, cũng là Chúa Giê su đã ban luật pháp của Ngài, dựa trên hai ý niệm căn bản đó. Môi se đã tóm tắt luật pháp thành 10 điều răn căn bản- Nhưng Chúa Giê su lại càng làm gọn hơn nữa, chỉ còn hai điều mà thôi.

   Chúa Giê su còn nói thêm, dựa trên hai điều răn này, mà tất cả Luật pháp và lời Tiên tri được hình thành: Sự mong đợi về căn bản đạo đức mà Đức Chúa Trời muốn nơi con người thật ngắn gọn, và đầy sức mạnh trong hai điều răn này. Chúa không dùng nó để trả đủa các Thầy Pha ri si, nhưng để dạy dỗ mọi người, nếu không hiểu rõ luật pháp của Chúa đặt trọng tâm chỗ nào, thì điều nầy vẫn hữu ích cho chúng ta ngày nay.
Nếu sự sống của Đức Chúa Trời có trong chúng ta, thì sự sống đó sẽ thể hiện qua tình yêu, mà chúng ta tỏ ra với Đức Chúa Trời và với người khác. Nếu không có hai điều đó, chúng ta đã không hội đủ căn bản đạo đức mà Đức Chúa Trời mong đợi nơi chúng ta.

 

          *** " Đấng Christ là con của ai?"

      Sau khi bị các phe phái đặt nhiều câu hỏi, bây giờ Chúa Giê su hỏi lại họ:

 

               " Về Đấng Christ, các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai?"

 

Câu hỏi nầy không mới, Chúa Giê su cũng đã từng hỏi câu tương tự như vậy với các môn đồ, trong Ma-thi-ơ 16: 13-15

"Các ngươi nói ta là ai?" để các môn đồ xác định đức tin của mình đối với Ngài.

 

  Ở đây, Chúa Giê-xu cũng đặt câu hỏi tương tự với các Thầy Thông giáo, để xem họ kết nối thế nào với sự hiểu biết của họ trong Cựu Ước về Đấng Mê-si, câu hỏi hướng về dòng tộc:

                            "Ngài là con ai?

Họ trả lời không chút do dự là " Con vua Đa-vít." chắc họ cho là câu hỏi quá dễ, người mù, nguời què ngoài kia, khi van xin Chúa Giê su chữa cho họ, cũng đã gọi Ngài là Đấng Mê si, là " Con cháu Vua Đa vít"

  "Con vua Đa-vít" Là một danh xưng trang trọng trong Cựu ước nói về Đấng Mê-si. "Con vua Đa-vít" thật sự là một lời hứa, được thiết lập dựa trên giao ước mà Đức Chúa Trời lập với Vua Đa-vít trong 2 Sa-mu-ên đoạn 7: 10-16, lời hứa đó xác định Đấng Christ là hậu duệ được chọn trong dòng dõi hoàng tộc của Vua Đa-vít và bởi đó mà ngôi vua của Đa vít không bao giờ mất.

 

" Ta đã sắm sẵn một chỗ cho dân Y-sơ-ra-ên ta, làm cho nó châm rễ tại đó, và nó sẽ ở nơi mình, chẳng còn bị quấy rối nữa; các con loài ác sẽ chẳng hà hiếp nó nữa như ngày xưa, tức là như lúc ta lập quan xét trị dân Y-sơ-ra-ên ta. Ta đã giải cứu ngươi khỏi các thù nghịch ngươi mà ban bình an cho ngươi. Rốt lại, Đức Giê-hô-va phán hứa rằng Ngài sẽ dựng cho ngươi một cái nhà.Khi các ngày ngươi đã mãn, và ngươi ngủ với các tổ phụ ngươi, thì ta sẽ lập dòng giống ngươi kế vị ngươi, là dòng giống do ngươi sanh ra, và ta sẽ khiến cho nước nó bền vững. Nó sẽ xây một đền thờ cho danh ta, và ta sẽ khiến cho ngôi cùng nước nó bền đổ đời đời.Ta sẽ làm cha nó, nó sẽ làm con ta. Nếu nó phạm tội ác, tất ta sẽ sửa phạt nó bằng roi và thương vít loài người; nhưng ta sẽ không rút ân điển ta khỏi nó như ta rút khỏi Sau-lơ, là kẻ ta đã trừ diệt khỏi trước mặt ngươi. 16 Như vậy, nhà ngươi và nước ngươi được bền đổ trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững lập đến mãi mãi."

 

 Trả lời là " Con vua Đa vít" Các Thầy Pha ri si đã công nhận một nửa sự thật là Đấng Mê si cũng như Chúa Giê su phải ở trong dòng vua Đa vít. để hướng dẫn ý tưởng của họ, Chúa Giê su lại hỏi:

 

" Vậy, vì cớ nào vua Đa-vít được Đức Thánh Linh cảm động, gọi Đấng Christ là Chúa, mà rằng: Chúa phán cùng Chúa tôi: Hãy ngồi bên hữu ta, Cho đến khi nào ta để kẻ thù nghịch ngươi dưới chân ngươi? Vậy, nếu vua Đa-vít xưng Ngài là Chúa, thì Ngài làm con vua ấy là thể nào?"

 

  Họ không trả lời được, vì nếu họ trả lời, họ phải công nhận Đấng Mê si, là Chúa Giê su, cũng là Chúa mà Đa vít thờ phượng.


Nói về Nhân tính, Đấng Christ được sanh ra trong dòng dõi vua Đa vít, nhưng về Thần tính Ngài cũng là Chúa của Đa vít.

  Các thầy Pha ri si hằng ngày đọc Cựu ước rất nhiều, cũng đã biết Đấng Mê si được sanh ra như con người, nhưng cũng là Chúa, mặc dù họ có thể không rõ hai trạng thái Nhân tính và Thần tính của Ngài -

Câu hỏi của Chúa Giê su vào thời ấy, nếu không bởi Đức Thánh Linh cảm hoá cách đặt biệt, thì hầu như không ai hiểu, trừ vua Đa vít và các Tiên tri.
Người Pha ri si không trả lời được vì để chối bỏ Chúa Giê su, họ đã lờ đi chi tiết là Chúa Giê su cũng sinh ra trong dòng dõi vua Đa vít.
Chúa Giê su đã dùng Thi thiên 110 để hỏi họ, Thi Thiên 110 là chương Cựu ước được trích dẫn nhiều nhất trong Tân ước.

Hai mặt Nhân tính và Thần tính của Chúa Giê su, đã thể hiện rất rỏ ràng trong trang cuối cùng sách Khải huyền 22: 16

 

" Ta là Jêsus, đã sai thiên sứ ta đến làm chứng về những sự đó cho các ngươi trước mặt các Hội thánh. Ta là chồi và hậu tự của Đa-vít, là sao mai sáng chói."

 

Sao Mai sáng chói là danh xưng của Chúa Giê su theo Thần tính - Ngài thực sự là người và cũng thực sự là Đức Chúa Trời.

Lời giải thích đơn giản tuyệt vời về Kinh thánh của Chúa Giê-su khiến những người Pha-ri-si thành bị động. Vì dân chúng gọi Chúa Giê su là Đấng Mê-si theo dòng vua Đa vít nhưng Ngài cũng là Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-su muốn chứng minh cho thấy điều này là đúng trong Kinh thánh.


  Đó cũng là lý do, khi Chúa bị đóng đinh, Ngài không trả lời câu hỏi nào, ngoại trừ câu: " Ngươi có phải là vua dân Giu đa không?"
Ngài đáp " Phải!" và trên thập tự giá có đề bảng: " Người nầy là Vua dân Giu Đa" . Tất cả đều đúng trong lời hứa của Kinh Thánh.

Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, Cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi. 2 Đức Giê-hô-va từ Si-ôn sẽ sai đến cây phủ việt về sự năng lực ngươi; Hãy cai trị giữa các thù nghịch ngươi. 3 Trong ngày quyền thế Chúa, dân Chúa tình nguyện lại đến; Những kẻ trẻ tuổi ngươi mặc trang sức thánh cũng đến cùng ngươi Như giọt sương bởi lòng rạng đông mà ra. 4 Đức Giê-hô-va đã thề, không hề đổi ý, rằng: Ngươi là thầy tế lễ đời đời, Tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc. 5 Chúa ở bên hữu ngươi Sẽ chà nát các vua trong ngày Ngài nổi giận. 6 Ngài sẽ đoán xét các nước, làm khắp nơi đầy xác chết; Cũng sẽ chà nát kẻ làm đầu của nước lớn. 7 Ngài sẽ uống nước khe trong đường, Và nhân đó ngước đầu lên. TT 110