Ma thi ơ phần 2: " Ba Câu hỏi Thử Chúa"
Ma thi ơ phần 2: " Ba Câu hỏi Thử Chúa"
Đọc Kinh Thánh Ma thi ơ: 15-46
Câu hỏi:
1/ Câu hỏi thứ nhất cho Chúa Giê su từ ai? Tại sao họ kết hợp được với nhau?
2/ Họ hỏi gì? Ý họ sắp đặt như thế nào?
3/ Chúa Giê su dạy gì? Ngày nay lời dạy ấy còn thích hợp không?
4/ Câu hỏi thứ hai từ ai? Họ thuộc giai cấp gì?
5/ Họ có rành KT như phái Pha ri si không? Họ theo trường phái nào?
6/ Họ hỏi câu hỏi gì? Nhắm vào điều gì?
7/ Chúa Giê su trả lời ra sao?
*** Câu hỏi của đảng Hê rô đê và nhóm Pha ri si -
"Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa" KT 15-22
Lần trước, chúng ta được biết Chúa Giê su và Phi e rơ đã đóng thuế thân cho đền thờ ( là thuế chuộc mạng trong Xuất 30: 12-14) mỗi người nửa siếc lơ lấy từ miệng con cá. Nhưng dưới thời La mã, dân Giu đa còn phải đóng thêm 3 thứ thuế khác là thuế hoa màu, 10% trên ngũ cốc, 20% cho dầu và rượu, cũng có thuế 1% trên thu nhập của một người nam. Và ngoài ra, còn có thuế đầu người, cho mọi người nam từ 14 đến 65 tuổi và cho mọi người nữ từ 12 đến 65 tuổi; Mỗi người một đơ ni ê một năm.
Giữa khi đế quốc La mã bành trướng, từ thành phố Bẹt Găm, đã có nảy sinh phong trào thờ phượng hoàng đế, thoạt đầu, người ta chỉ thờ phượng các hoàng đế đã chết, sau đó, họ đòi hỏi dân chúng phải thờ phượng luôn vua còn sống. Ở Giu đa, có Đảng Hê rô đê (Herodians) là đảng chính trị, dưới lớp tôn giáo, thoạt đầu họ thờ phượng Hê rốt đại đế, người mà họ cho là anh hùng ( Hê rốt đai đế là người xây lại đền thờ Giê ru sa lem và cũng là người tìm giết Chúa Giê su lúc Ngài mới sinh) đảng Hê rô đê nầy, luôn là tay sai của các vua Hê rốt, dưới dạng tu sĩ, họ dẫn vua đi theo bước đường của các hoàng đế La mã, khiến dân chúng phải thờ phượng họ. Sau nầy, Vua Hê rốt cũng bắt chước, tổ chức một buổi chầu, khi đó, vua ngồi trên ngôi cao,cho mọi người Giu đa quỳ lạy, vì thế, vua đã bị Thiên sứ Đức Chúa Trời đánh chết tai chỗ, câu chuyện được chép trong sách Công vụ 12: 21-23
" Đến kỳ, vua Hê-rốt mặc áo chầu, ngồi trên ngai, truyền phán giữa công chúng. Dân chúng kêu lên rằng: Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu! Liền lúc đó, có thiên sứ của Chúa đánh vua Hê-rốt, bởi cớ chẳng nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời; và vua bị trùng đục mà chết. "
Chúng ta cũng biết, dân Giu đa ghét tai sai của La mã, đảng Hê rô đê và Pha ri si không bao giờ hoà thuận nhau, mà nay lại liên kết cùng nhau, để đưa Chúa Giê su vào bẩy - Đầu tiên, chúng dùng miệng lưỡi giả dối, ca ngợi Chúa Giê su là Đấng chân thật, dạy lời chân thật, để rào đón, trước một câu hỏi mà đôi bên đã sọan thảo với nhau cho là rất hoàn hảo, vì trả lời cách nào thì Chúa Giê su cũng bị vướng.
Chúng hỏi Chúa:
"Vậy, xin thầy nói cho chúng tôi, thầy nghĩ thế nào: có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không?"
Họ chờ đợi câu trả lời của Chúa - Nếu Ngài bảo: nên nộp thuế cho Sê sa thì sẽ làm mất lòng dân Giu Đa, còn nếu Ngài bảo không, thì Ngài sẽ bị tội với La mã. Họ muốn Chúa bị khó xử khi chọn "cho Vua Hay cho Chúa?"
Chúa Giê su đã mắng họ là kẻ giả hình, trước khi trả lời theo như ý tưởng trong lòng họ, "Vì Chúa hay vì Vua?"
Chúa Giê su bảo họ đưa đồng tiền để xem hình ai trong đó, đồng tiền có hình Sê sa, có nghĩa là Sê sa đang trị vì. Chúa muốn nói, nếu là dân, phải theo lệnh vua, trả thuế cho vua, vì vua đang tể trị - Nhưng, nếu là người, chúng ta đã mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, hơi thở Ngài ban cho, linh hồn thuôc về Chúa, thì cũng phải có bổn phận với Chúa, vì Chúa đã ban cho mình những thứ đó. Câu trả lời của Chúa Giê su làm cho bọn họ ngạc nhiên và lui đi.
Chẳng phải chỉ ngày xưa Chúa Giê su dạy họ những điều đó, nhưng, trong lời Kinh Thánh, chúng ta cũng được dạy rằng: trước hết kính mến Chúa rồi sau đó tuân phục nhà cầm quyền, vì phải làm tròn bổn phận người công dân, Phi e rơ 1: đoạn 2:17
"Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua."
Giả sử như đảng Hê rô đê và các thầy Pha ri si đến hỏi Chúa " Làm sao được cứu?" như Ni cô đem đã hỏi, thì chắc họ sẽ có phước hơn.
*** Câu hỏi của người Sa đu sê:
" Khi sống lại người ấy sẽ là vợ ai?"
Nội trong một ngày, mà gần như các phe phái của tôn giáo đều đến, họ thi nhau hỏi đố Chúa Giê su. Lần nầy đến lượt nhóm Sa đu sê, nhóm nầy không nhiều về số lượng; nhưng họ là những người giàu có, quý tộc và là giai cấp thống trị- Tư tưởng Sa đu sê giống hệt như tư tưởng của các nhà thần học tự do hiện đại, họ chống lại chủ nghĩa siêu nhiên, chỉ chấp nhận năm cuốn sách đầu tiên của Môi-se mà thôi- và cũng không quan tâm đến những gì được viết trong năm quyển sách đó. Vào thời Chúa Giê-su, người Do Thái nói chung, có những quan điểm đa dạng, đáng ngạc nhiên về cái chết và sau cái chết. Họ dùng câu hỏi mà thường khi họ cũng đã dùng để châm biếm nhóm Thầy giáo Pha ri si, vì họ không tin có sự sống lại còn nhóm Pha ri si thì tin. Câu hỏi hy vọng cho thấy rằng ý tưởng về sự sống lại là vô nghĩa. Dựa theo Phục truyền luật lệ ký 25: 5-10
" Khi anh em ruột ở chung nhau, có một người chết không con, thì vợ của người chết chớ kết đôi cùng người ngoài; anh em chồng phải đi đến cùng nàng, cưới nàng làm vợ, y theo bổn phận của anh em chồng vậy. Con đầu lòng mà nàng sanh ra sẽ nối danh cho người anh em chết, hầu cho danh của người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên. Ví bằng người kia không đẹp lòng lấy nàng, nàng phải lên đến cửa thành, tới cùng các trưởng lão mà nói rằng: người anh em chồng tôi không chịu lưu danh anh em người lại trong Y-sơ-ra-ên, và không muốn cưới tôi y theo phận sự anh em chồng. Các trưởng lão của thành ấy sẽ gọi người và nói cùng người; nếu người cứ nói rằng: Tôi không đẹp lòng cưới nàng, thì chị em dâu người sẽ đến gần, trước mặt các trưởng lão, lột giày khỏi chân người, khạc trên mặt người, đoạn cất tiếng nói rằng: Người nào không lập lại nhà anh em mình sẽ bị làm cho như vậy! Trong Y-sơ-ra-ên sẽ gọi nhà người là nhà kẻ bị lột giày."
Những người Sa đu sê đã tưởng tượng ra những tình tiết phức tạp, dọc theo những dòng này và đặt ra câu hỏi,
“Vậy, trong sự sống lại, nàng sẽ là vợ của ai trong bảy người?”
Ngôn ngữ Hy Lạp thời đó đã có dùng một từ riêng cho việc kết hôn kiểu nầy, trích ra từ chữ La tinh gọi anh em chồng là "Lavir" và kết hôn như vậy gọi là " Levirate" thực hiện như bị đóng thuế thay vì " Nubo" là kết hôn, thực hiện với tình yêu - Khi phân biệt như vậy, sẽ biến điều răn trong Kinh Thánh thành châm biếm, bóp méo động cơ vì tình yêu, mà Chúa đã dạy đối với anh em qua đòi của mình, hơn thế nữa, không phải để chia gia sản, hậu tự cho anh em mà thôi, nhưng cũng là tiếp tục nuôi dưỡng chị em dâu của mình, nếu người ấy không con cái. Người có ý tưởng xấu nầy cũng đã bị chính Đức Chúa Trời giết chết được chép trong sách Sáng Thế Ký 38: 3-10
"Giu-đa bèn biểu Ô-nan rằng: Con hãy lại gần vợ anh con, kết bạn cùng nàng như em chồng, đặng nối dòng dõi cho anh. Ô-nan biết rằng dòng dõi nầy sẽ chẳng thuộc về mình, nên đang khi đến cùng nàng, thì làm rơi rớt xuống đất, để đừng sanh dòng dõi cho anh. Nhưng điều người làm vậy không đẹp lòng Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng giết người luôn đi. "
Sa đu sê đã bị Chúa Giê su chê là " Nhầm lẫn, Không hiểu biết Kinh thánh, và cũng không biết quyền năng của Đức Chúa Trời."
Sa-đu-sê đã kết nối suy nghĩ của họ với một đoạn Kinh thánh ngắn, nhưng không suy nghĩ thấu đáo đoạn văn đó cách chính xác.
Chúa chỉ ra sai lầm của họ bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Đầu tiên, họ không biết Kinh thánh (mặc dù họ nghĩ là có). Thứ hai, họ không biết quyền năng của Đức Chúa Trời, vì họ không tin nơi quyền năng siêu nhiên. Điều này đúng với họ, mặc dù tôn giáo là sự nghiệp của họ và họ được đào tạo rất bài bản.
Nhân câu hỏi nầy, Chúa Giê su cũng dạy chúng ta rằng cuộc sống trong sự phục sinh, hoàn toàn khác với cuộc sống trên đất. Nó không tiếp tục thế giới này, mà có một trật tự khác với suy nghĩ của chúng ta. Khải huyền 21 tỏ lộ một góc nhìn của ông Giăng trong quang cảnh ở thiên đàng:
" Ở đó, tôi không thấy đền thờ nào; vì Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng và Chiên Con đều là đền thờ của thành.Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng; vì vinh hiển của Đức Chúa Trời chói lói cho, và Chiên Con là ngọn đèn của thành. Các dân sẽ đi giữa sự sáng thành đó và các vua trên đất sẽ đem vinh hiển mình vào đó. Những cửa thành ban ngày không đóng, vì ở đó không có ban đêm. Người ta sẽ đem vinh hiển và phú quí của các dân đến đó; kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không hề được vào thành; nhưng chỉ có những kẻ đã biên tên trong sách sự sống của Chiên Con."
Những người Sa đu sê nầy sẽ không có cơ hội được thấy một điều gì trong nước Thiên đàng.
***Chúng ta sẽ học câu hỏi thứ ba trong lần tới