Mathi ơ 21 phần 2: " Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện"
"Hãy cất bỏ đồ đó khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán." Giăng 2: 16
Mathi ơ 21 phần 2: " Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện"
Có 2 câu chuyện chính trong phần 2 của sách Mathi ơ 21 : 10-46
- " Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện"
( Cây vả bị quở, chết khô)
- " Bởi quyền phép nào mà thầy làm những sự nầy"
( Câu chuyện Hai Con Trai )
( Vườn Nho và Bầy Đầy tớ dữ)
Câu Hỏi:
1/ Tại sao có người buôn bán trong đền thờ?
2/ Tại sao Chúa Giê su nổi giận với họ? Đây là lần thứ mấy Chúa đánh mắng những người buôn bán?
3/ Ngài gọi nhà Cha Ngài là nhà gì? Nếu nhà thờ cần tiền thì có nên buôn bán ở đó không?
4/ Tai sao Chúa quở cho cây vả chết khô? Nghe điều nầy chúng ta có sợ không? Vì sao?
5/ Các môn đồ có hiểu được ý Chúa khi quở cây vả không? Ý Chúa ám chỉ ai là cây vả không trái?
6/ Khi Chúa Giê su giảng dạy trong đền thờ thì có ai đến chất vấn Chúa? Thành phần đó có ý nghĩa gì?
7/ Họ hỏi Chúa điều gì? Chúa hỏi lại họ điều gì?
8/ Cuối cùng Chúa có trả lời đúng câu hỏi họ không? Tại sao?
9/ Câu chuyện hai con trai có ý nghĩa gì?
10/ Câu chuyện vườn nho ám chỉ ai? Xin cho biết ý nghĩa của từng chi tiết trong vườn nho?
11/ Câu chuyện vườn nho, điều gì đã xảy ra và điều gì chưa xảy ra?
12/ Tai sao các Thầy nổi giận?
13/ Chúa Giê su báo cho họ biết Đức Chúa Trời sẽ quyết định gì về vườn nho?
14/ Đá góc nhà là đá gì? Tại sao quan trọng?
15/ Nhà mà Chúa Giê su làm đá góc nhà - sẽ là kiểu mẫu cũ hay mới?
16/ Đá đó sẽ nghiền nát ai bỏ nó ra, có ý nghĩa gì?
** "Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện" KT: 10-16
Hê rốt Đại Đế đã xây lại đền thờ Giê ru sa lem lần thứ hai, trong 46 năm, từ năm 37 trước công nguyên đến năm thứ 4 sau công nguyên. Diện tích của thành đã được nới ra gấp đôi, khoảng 35 mẫu. Các tường thành phía trước, đều được lát đá cẩm thạch trắng. Bốn phía Thành đều có những Cửa lớn.
Từ hướng Đông, Chúa Giê su đã vào Cửa Vàng (Golden Gate) nơi dẫn đến khu dành cho người ngoại, là khu ở ngoài nhất. Những người không phải Do Thái, chỉ được phép ở trong khu Dân ngoại mà thôi, và họ bị cấm đi xa hơn khu dành cho họ.
Sân trong của đền thờ, là nơi dành riêng cho người Do Thái, được bao quanh bởi một lan can, tại các lối vào, nó được dán thông báo bằng cả tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh, cảnh báo người nước ngoài, và những người không cắt bì, nếu băng qua một trong các sân khác, sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Những thông báo cổ xưa đó hiện đang được trưng bày trong một viện bảo tàng ở Istanbul.
Sách Công vụ đoạn 21 có chép, khi Phao-lô đến thăm thành Giê-ru-sa-lem lần cuối, ông đã bị đám đông Do Thái bắt tại trong đền thờ, cáo buộc rằng Phao lô đã đưa Trô Phim, người Gờ réc, vào trong sân cấm (Công vụ 21: 27–29). Phao-lô được chứng minh vô tội, nhưng đám đông đã đánh Phao Lô với ý định giết ông; một chỉ huy La Mã đã bảo toàn mạng sống Phao-lô lúc đó ( câu 30–34)
Cũng ở trong khu vực người ngoại nầy - Người ta buôn bán, đổi bạc, buôn con sinh tế, để phục vụ cho nhu cầu ở đền thờ - Chúa Giê su đã đánh đuổi họ đến hai lần - Lần đầu được chép trong sách Giăng đoạn 2, khi Chúa Giê su mới thi hành chức vụ, khi ấy, Ngài bện roi, đánh và mắng họ:
"Hãy cất bỏ đồ đó khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán."
Lần nầy, cũng trong sân người ngoại, được các sách lịch sử mô tả, có một toà nhà rất dài và đẹp với nhiều hàng cột cao, chiếm cả một mặt trong của hướng Đông đền thờ, được gọi là Royal Stoa - Người Do Thái dùng nơi nầy để hội họp và dùng cho các sinh hoạt khác. Hàng giáo phẩm đã hợp thức hoá việc buôn bán, xem như đó là một phần dịch vụ của đền thờ. Thật mâu thuẫn, họ phân biệt các sân trong để biệt riêng ra thánh, nhưng ở sân ngoài, thì tự làm cho ô uế.
Chúa Giê su vì lòng yêu mến nhà Cha, Ngài đã mạnh mẻ phản đối bằng hành động, ngài đánh họ, lật bàn của họ và đuổi họ. Ít khi Chúa Giê su biểu lộ một trạng thái như vậy - Trong Thi Thiên 69: 9 đã nói " Vì sự sốt sắng về đền Chúa tiêu nuốt tôi" nên Ngài có hành động như vậy -
Đôi khi trên thực tế, vì lòng yêu mến Chúa, mà con cái Ngài, khi thấy nhà Chúa bị hư hoại, cũng thường lên tiếng, và có hành động mạnh mẽ, có thể không đem lại một kết quả lâu dài thiết thực, nhưng, đó là tấm lòng mà một con cái thật của Chúa cần phải có.
Sân người ngoại cũng đã được tiên tri trong sách Khải Huyền đoạn 11:
" Bấy giờ có người ban cho tôi một cây lau giống như cây gậy, và biểu tôi rằng: Hãy đứng dậy đo đền thờ Đức Chúa Trời, bàn thờ, và những kẻ thờ lạy tại đó. Còn sân ngoài đền thờ thì hãy để nó ra ngoài, đừng đo làm chi; vì chỗ đó đã phó cho dân ngoại, họ sẽ giày đạp thành thánh đủ bốn mươi hai tháng."
** Cây vả bị quở, chết khô: (KT 17-22)
Lễ Vượt qua là lúc thành Giê ru sa lem hội tụ rất đông người, tìm một chỗ ở vùng ngoại ô, vẫn thường được mọi người nghĩ tới, Chúa Giê su và môn đồ cũng vậy, Ngài đến làng Bê tha ni, xa hơn làng Bê pha giê hôm trước một chút, có thể đó là nhà của Ma ri, Ma thê và La xa rơ, để ngủ tạm một đêm. Sáng mai, Ngài cùng môn đồ trở lại Thành Giê ru sa lem, trên đường đi, Chúa Giê su muốn tìm trái vả để ăn, nhưng cây vả chỉ có lá mà thôi, Chúa Giê su quở cây vả:
"Mầy chẳng khi nào sanh ra trái nữa! " thì cây vả chết khô -
Hiếm khi môn đồ thấy Chúa Giê su phán lời huỷ diệt, dù họ chứng kiến Chúa làm phép lạ đủ kiểu, nhưng bây giờ họ thắc mắc tại sao cây vả đang tươi tốt lại có thể chết khô tức thì?
Cây vả thường trơ trụi vào mùa đông, nhưng xuân đến lại ra lá, trong nách lá lúc nào cũng có trái, như vậy, trái phải ra đồng lượt với lá. Cây vả chỉ có lá là rất bất thường, là biểu tượng phô trương của người Giu Đa trước mắt Chúa - Nó xoè lá làm như xinh tươi, đầy sức sống, nhưng lại gần, thì không kết quả. Chúa Giê su quở một cây vả như thế để cảnh cáo mọi người, nếu chỉ có bề ngoài, mà không đem kết quả gì cho Chúa thì sẽ bị bỏ -
Y như lời Chúa phán với Hội Thánh Sạt đe trong Khải huyền đoạn 3:
“Ta biết công việc ngươi; ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết."
Ngài cũng ngăm đe Hội thánh Sạt đe là sẽ xoá tên họ khỏi sách sự sống nếu không ăn năn và trở lại sốt sắng như lúc ban đầu.
Các môn đồ đã không hỏi lý do tại sao Chúa Giê su quở cho cây vả chết khô, họ chỉ muốn hỏi:"Làm sao được như thế?"
Một lần nữa, Chúa Giê su dạy họ phải có đức tin, một đức tin có thể kết hợp được với Đức Chúa Trời trong suy nghĩ và mục đích của Ngài, thì những gì họ xin khi cầu nguyện, dù lớn lao, cũng sẽ được ban cho.
" Bởi quyền phép nào mà thầy làm những sự nầy ?" ( KT 23-27)
Chúa Giê su trở vào đền thờ lần nữa, Ngài giảng dạy cho đám đông, lần nầy phái đoàn đến thẩm vấn Ngài không phải là các thầy thông giáo thông thường, mà là Thầy Tế lễ cả, đại diện cho toà án tôn giáo, và các Trưởng lão trong dân, đại diện cho quần chúng. Với thành phần như thế, đủ biết người Giu đa đã bắt đầu việc bắt Chúa Giê su theo hệ thống.
Sau khi được chứng kiến tận mắt Chúa Giê su chữa lành cho kẻ mù và kẻ què ngay trong đền thờ, Thầy tế Lễ và các Trưởng lão chắc đã có bàn luận với nhau, về quyền phép của Chúa Giê su. Mặc dù, mọi điều xảy ra đều thể hiện y như lời tiên tri về Đấng Mê si - Cả việc Ngài cưỡi lừa, được tung hô như vị vua, cùng với trẻ con hát bài đồng ca, đều có chép y như trong Kinh Thánh, nhưng vì lòng cố chấp, chẳng tin, nên họ đến mà hỏi Chúa:
" Bởi quyền phép nào mà thầy làm những sự nầy ?"
Chúa Giê su cũng hỏi họ " quyền phép của Giăng Báp Tít là do đâu?" họ biết là do Đức Chúa Trời, nhưng không công nhận, cũng không dám từ chối - Do đó Chúa Giê su không trả lời câu hỏi của họ.
***" Hai Đứa Con Trai" KT 28-32
Chúa Giê su lại kể tiếp cho họ nghe ví dụ về chuyện " Hai đứa con trai" và giải thích luôn ý nghĩa của nó, lúc có mặt rất nhiều người, ví dụ đó ẩn ý cho rằng các bậc tôn trọng như Thầy tế lễ cả, hay Trưởng lão hoặc dân Giu đa có chức sắc hôm nay, giống như con trai cả, nghe và biết lời Chúa mà không làm theo, nên trước mắt Đức Chúa Trời, họ còn thua những phường rất thấp kém trong xã hội về đức tin, chỉ nói lời Chúa trên miệng, mà không làm theo. Tuân giữ hình thức bên ngoài của tôn giáo, nhưng lòng họ không đúng với lời Đức Chúa Trời.
Ngài cũng kể cho họ nghe một ví dụ, phân nửa câu chuyện còn chưa xảy ra, là lời tiên tri:
*** Chuyện vườn nho và các đầy tớ dữ -( KT 33-46)
Chủ vườn nho là Đức Chúa Trời - Vườn nho là hình ảnh dân I sơ ra ên - Đầy tớ dữ là những người nắm chức sắc trong đền thờ - Con trai của chủ là chính Chúa Giê su.
Đức Chúa Trời đã giao nhiệm vụ cho các Thầy Tế lễ, thầy Thông Giáo, Thầy Pha ri si cùng các Trưởng Lão chăm sóc con dân Y sơ ra ên của Chúa, nhưng họ vì quyền lực và quyền lợi, đã bắt, giết, đánh đập rất nhiều người trung tín của Chúa.
Lịch sử đã làm nhân chứng cách trung thực, tất cả được ghi chép lại ró ràng trong sách Các Vua, sách Sử ký, sách Tiên tri...Họ đã không dạy dân sự đứng vững trong lúc khó khăn để thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng họ chạy trốn, lúc gặp vua xấu thì cũng theo mà phục vụ cho thần tượng- Lúc hưng thịnh thì Kinh Thánh diễn tả họ thường say sưa, Kinh Thánh diễn tả họ '' Uống chén xoàng ba và nói tầm bậy " Bỏ mất luôn quyển luật pháp trong bao nhiêu năm- Trước mắt mọi người, họ giả đò đạo đức, thêm thắc luật lệ của Chúa, làm cho nó thành nặng nề mà chính họ không làm theo, không có kết quả cho Chúa, chỉ huỷ hoại vườn nho của Ngài.
Chúa Giê su cũng nói thẳng về ý định giết con trai của chủ, là chính Chúa Giê su, là con Đức Chúa Trời -
" Người nầy là kẻ kế tự đây; hè! hãy giết nó đi, và chiếm lấy phần gia tài nó."
Hình ảnh đó mô tả một bè lũ dữ tợn, tham lam, không còn một chút gì kính nể chủ, y như một bọn cướp. Ngài cũng cảnh cáo họ rằng chính Ngài sẽ là " Đá góc nhà " đá làm chuẩn, mà sẽ bị loại ra như Thi Thiên 118: 22-23 chép:
"Hòn đá mà thợ xây loại ra, Đã trở nên đá đầu góc nhà. Điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va, Một sự lạ lùng trước mặt chúng tôi. "
Một kiểu mẫu đền thờ mới sẽ được cất lên với viên đá làm chuẩn là Chúa Giê su. Ngài sẽ tiêu diệt hết những kẻ chống lại Ngài - Chúng nó dầu được kính trọng trước mắt người ta, nhưng không bao giờ được vào Nước Trời, số phận của họ sẽ vô cùng thảm hại - Vườn nho sẽ bị giao cho dân tộc khác để có những đầy tớ tốt làm cho vườn nho sanh hoa lợi. Hãy xem lời Đức Chúa trời trong Ê sai 65:
" Những kẻ vốn chẳng cầu hỏi ta thì đã hỏi thăm ta; những kẻ vốn chẳng tìm ta thì đã gặp được ta. Ta đã phán cùng một dân chưa kêu cầu danh ta, mà rằng: Ta đây, ta đây! Ta đã giang tay ra trọn ngày hướng về một dân bội nghịch, là những kẻ đi trong đường không tốt, theo ý riêng mình, là một dân kia hằng chọc giận ta trước mặt ta, tế trong vườn, đốt hương trên đống gạch, ngồi trong mồ mả, trọ trong nơi kín, ăn thịt heo, đựng nước của vật gớm ghiếc trong khí mạnh nó, và dám nói rằng: Hãy đứng riêng ra, đừng lại gần ta, vì ta thánh sạch hơn ngươi! Bọn đó là khói nơi lỗ mũi ta, như lửa cháy cả ngày. Nầy, đã ghi chép trước mặt ta rằng ta sẽ không làm thinh đâu, song ta sẽ báo trả, thật ta sẽ báo trả vào ngực nó, tức là tội ác các ngươi, luôn với tội ác tổ phụ các ngươi, là những kẻ đã đốt hương trên các núi, và nói phạm đến ta trên các gò: nên ta sẽ đo lường việc trước chúng nó vào ngực chúng nó. Đức Giê-hô-va phán vậy."