Ma thi ơ 21 Phần 1: " Vua ngươi đến nhu mì và cưỡi lừa"
"Sự công bình của ta đã gần; sự cứu rỗi của ta đã ra, cánh tay ta sẽ xét đoán các dân. Các cù lao sẽ trông đợi ta, và chúng nó sẽ nhờ cậy cánh tay ta." Ê sai 51:5
Ma thi ơ 21 Phần 1:
" Hôsana , Vua ngươi đến nhu mì và cưỡi lừa"
Đọc Ma thi ơ 21: 1-11 **Lu ca 1:67-79 **Lu ca:19: 29-44 **Xa cha ry 9 : 9 **Xa cha ry 14 -** Khải Huyền 19
Câu Hỏi:
1/ Tại sao Chúa Giê su phải trở về Thành Giê ru sa lem? Trong dịp nào?
2/ Ngài và môn đồ dừng lại ở thành nào? Cách thành Giê ru sa lem bao xa? kế bên ngọn núi nào? Về hướng nào của Thành Giê ru sa lem?
3/ Chúa bảo môn đồ đi tìm gì? Môn đồ có tuân lời không? Mọi việc có y như lời Ngài dặn không?
4/ Chúa Giê su cưỡi lừa con hay lừa mẹ? Tại sao phải có hai con?
5/ Chúa Giê su cưỡi lừa con có ý nghĩa gì?
6/ Chúa Giê su vào thành Giê ru sa lem cưỡi lừa là hình ảnh của ai được tiên tri trong Kinh Thánh?
7/ Chúa được dân chúng đón tiếp như thế nào?
8/ Họ hát bài hát gì? Do ai sáng tác?
9/ Mục đích của Chúa Giê su có giống như họ mong đợi không? Tại sao?
10/ Hình ảnh Chúa Giê su trở lại lần thứ hai, giống và khác lần nầy như thế nào?
" Hôsana , Vua ngươi đến nhu mì và cưỡi lừa"
Chúa Giê su cùng các môn đồ đến làng Bê pha giê, dừng lại ở đó, để chuẩn bị vào thành Giê ru sa lem. Bê pha giê là ngôi làng nhỏ ngay bên sườn núi Ô li ve, phía đông thành Giê ru sa lem. Từ đó vào thành chỉ có gần hai cây số (1 mile) - Chúa Giê su đã biết, khi đến thành Giê ru sa lem, Ngài sẽ bị bắt nộp và bị giết- Thế nên, Chúa muốn tỏ chính mình công khai cùng dân chúng, Ngài muốn thấy dân chúng chào đón Ngài vào thành Giê ru sa lem như một Đấng Mê si, đấng mà mọi người đang mong đợi y như lời Kinh thánh chép.
Ở Bê pha giê, Chúa Giê su đã chuẩn bị cho mình một lừa con để cưỡi. Lừa và La là hai con vật chỉ có thể đi thong thả, những nhà qúi phái thời đó hay cưỡi lừa, nếu lừa con chưa được huấn luyện để cưỡi, thì người ta sẽ cho nó đi bên cạnh mẹ nó, và dùng lừa cái để mang đồ đạc của chủ, Ma thi ơ câu 2 &3 nói rằng:
" Hãy đi đến làng ở trước mặt các ngươi, tức thì sẽ gặp một con lừa cái bị cột, với một con lừa con; hãy mở ra và dắt đến cho ta. Nếu có ai nói chi với các ngươi, hãy trả lời rằng Chúa cần dùng hai con lừa đó; tức thì họ sẽ gởi lừa đi."
Nói như vậy, chúng ta có thắc mắc, không biết Chúa Giê su sẽ cưỡi lừa nào? Và tại sao lại dùng đến hai con lừa? Sách Mác nói rõ là Chúa cưỡi lừa con, phù hợp với lời tiên tri trong Xa cha ri đoạn 9 câu 9 như sau:
" Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái. "
Tại sao lừa con được nhấn mạnh ở đây?
Có bốn ý nghĩa khi Chúa Giê su cưỡi lừa con vào thành Giê ru sa lem:
1- Theo như sách Dân số ký 19, khi dâng một con bò cái tơ lên làm của lễ cho Đức Chúa Trời, con bò đó phải chưa mang ách, và trong dân gian, khi dâng một con vật cho vua cưỡi, thì không ai được cưỡi trước đó. Vua Chúa Y sơ ra ên hay dùng Lừa và La để cưỡi - Chính vua Sa lô môn trong ngày lễ nhậm chức, cũng đã cưỡi một con La (Mule)
2- Đấng Mê si được tiên tri là sẽ cưỡi lừa con, con của lừa cái, tức là lừa con đó chưa được huấn luyện để cưỡi, vẫn còn đi bên cạnh mẹ mình. Cho nên khi Chúa bảo dẫn lừa con, thì sẽ có lừa cái đi theo.
3- Khi một người cưỡi lừa đến cửa thành, sẽ mang hai ấn tượng cho dân trong thành: Người ấy thuộc hàng qúi phái, và đến trong hoà bình ( trái với ngựa, dùng trong chiến tranh) Chúa Giê su lần nầy vào thành Giê ru sa lem với ý nghĩa đó - Ngài cưỡi lừa con, mang dấu hiệu của ân điển, hoà bình đến cho dân chúng, y như lời kinh thánh tiên tri trong sách Xa cha ri 9: 9:
" Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái. "
Hôm nay, điều nầy xảy ra hệt như lời tiên tri trong Kinh Thánh- Dân chúng reo mừng, trải áo trên đường cho Chúa Giê su đi qua, lấy lá kè vẫy chào hô lên:
" Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!"
**Hô sa na có nghĩa là :"Xin giải cứu"
Dân Giu đa đang ở dưói quyền thống trị của La mã, sau khi nghe danh Chúa Giê su với nhiều phép lạ, họ tin rằng Chúa Giê su chính là đấng Mê si, trong dòng Vua Đa vít, đến để làm vua Giu Đa, và giải phóng họ ra khỏi ách đô hộ của La Mã -
Đã từ lâu, dân Giu đa chưa bao giờ được tung hô một vị vua, từ sau khi vua Sa lô môn qua đời, tiếp theo là nhiều đời vua suy bại, đất nước Y sơ ra ên bị chia đôi - Mười chi phái miền bắc đã tan lạc mất rồi, chỉ còn chi phái Giu đa và một nửa chi phái Bên gia min còn lại, bấy giờ, người ta không gọi đất nước nầy là Y sơ ra ên nữa, mà gọi là xứ Giu đa - Thời Chúa Giê su, dân Giu đa bị đô hộ triền miên trong tay đế quốc - Những vua của họ đều là tay sai của La mã, bốc lột dân chúng, tàn bạo giết chóc, chẳng có vua nào mà dân yêu mến -
Chỉ còn vài ngày nữa đến lễ Vượt Qua, một lễ trọng thể nhất trong năm mà tất cả dân Y sơ ra ên khắp nơi, đều muốn về Thành Giê ru sa lem để thờ phượng và dự lễ Vượt qua, nên ở đó nên có rất đông người, họ chào đón Chúa Giê su với bài hát của tiên tri Zachary gọi là Beneditus of Zachary được chép trong sách Lu ca đoạn 1: 67-79:
" Bấy giờ, Xa-cha-ri, cha con trẻ ấy, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì nói tiên tri rằng: Ngợi khen Chúa, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Vì đã thăm viếng và chuộc dân Ngài, Cùng sanh ra cho chúng tôi trong nhà Đa-vít, tôi tớ Ngài, Một Đấng Cứu thế có quyền phép! Như lời Ngài đã dùng miệng các thánh tiên tri phán từ thuở trước, Ngài cứu chúng tôi khỏi kẻ thù và tay mọi người ghen ghét chúng tôi; Ngài tỏ lòng thương xót đến tổ tông chúng tôi, Và nhớ lại lời giao ước thánh của Ngài, Theo như Ngài đã thề với Áp-ra-ham là tổ phụ chúng tôi, Mà hứa rằng khi chúng tôi đã được cứu khỏi tay kẻ nghịch thù, Ngài sẽ ban ơn lành cho chúng tôi, trước mặt Ngài, Lấy sự thánh khiết và công bình mà hầu việc Ngài, trọn đời mình không sợ hãi gì hết. Hỡi con trẻ, người ta sẽ kêu con là tiên tri của Đấng Rất Cao; Con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn đường Ngài, Để cho dân Ngài bởi sự tha tội họ mà biết sự rỗi. Vì Đức Chúa Trời chúng tôi động lòng thương xót, Và mặt trời mọc lên từ nơi cao thăm viếng chúng tôi, Để soi những kẻ ngồi chỗ tối tăm và trong bóng sự chết, Cùng đưa chân chúng tôi đi đường bình an."
Sách Ma thi ơ nói các con trẻ cũng hát bài hát đó, bài hát được lưu truyền từ thời của cha của Giăng Báp tít là Za cha ry- Chứng tỏ lòng mong đợi của dân Giu đa hướng về Đấng Cứu Thế tha thiết đến chừng nào- Các Thầy Thông giáo đã giận dữ với Chúa Giê su, khi nghe bài hát, nhưng Chúa trả lời họ trong Lu ca 19:
" Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên. "
*** Ngày Chúa Giê su trở lại lần thứ hai, cũng từ núi Ô li ve về hướng đông, nhưng Chúa không cưỡi lừa con, mà là Ngựa trắng, Ngài không còn đến với sứ điệp Hoà Bình nữa mà là xét đoán và chiến đấu, ảnh tượng Chúa Giê su sẽ hoàn toàn khác:
"Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông; và núi Ô-li-ve sẽ bị xé ra chính giữa về phía đông và phía tây, đến nỗi thành ra một trũng rất lớn; phân nửa núi dời qua phương bắc, phân nửa dời qua phương nam." Xa cha ri 14: 4
Và Khải Huyền 19: 11-16:
" Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, và có một con ngựa bạch hiện ra: Đấng cỡi ngựa ấy gọi là Đấng Trung Tín Và Chân Thật; Ngài lấy lẽ công bình mà xét đoán và chiến đấu. Mắt Ngài như ngọn lửa; trên đầu có nhiều mão triều thiên, lại có đề một danh, ngoài Ngài ra không ai biết được. Ngài mặc áo nhúng trong huyết, danh Ngài xưng là Lời Đức Chúa Trời. Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài. Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân, và cai trị họ bằng một cây gậy sắt. Ngài giày đạp thùng rượu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời toàn năng. Trên áo tơi và trên đùi Ngài, có đề một danh là Vua Của Các Vua Và Chúa Của Các Chúa."
****
Chúa Giê su nhận Ngài là Vua dân Giu Đa, nhưng Ngài không đến để giải cứu họ ra khỏi tay La mã - Ngài đến để cứu họ ra khỏi tội.