Mathi ơ 20 : " Chủ vườn nho lạ lùng "
"Trong ngày đó, các ngươi khá hát bài nói về vườn nho sanh ra rượu nho! 3 Ấy chính ta, Đức Giê-hô-va, là Đấng giữ nó, sẽ chốc chốc tưới nó, và giữ nó đêm ngày, kẻo người ta phá hại chăng" Ê sai 27: 2&3
Mathi ơ 20 : " Chủ vườn nho lạ lùng "
&
**Ai được ngồi hai bên tả hữu của Chúa Giê su?"
Câu Hỏi:
1/ Ông chủ vườn nho tìm người làm ở đâu? Ông ra đó bao nhiêu lần?
2/ Ông có từ chối người nào không? Và hứa trả bao nhiêu tiền cho người làm của ông?
3/ Công nhân có đồng ý với mức lương mà Ông chủ đề nghị với mình không? Tại sao lúc trả lương lại phàn nàn?
4/ Ông chủ trả lời ra sao khi bị phàn nàn? Cách Ông làm có giống như người ta nghĩ không?
5/ Nếu Ông chủ bảo trả lương cho người làm việc sớm trước thì những người sau nghĩ gì?Tại sao Ông chủ lại chọn cách đó để bị phàn nàn?
6/ Ví dụ đó có ý nghĩa gì? Ông chủ / Vườn nho/ Người làm công/ Tiền công?
7/ Những người luôn đứng ở chợ mà không có việc làm có tương phản với việc mời gọi của Ông chủ không?
8/ Chúa Giê su cùng môn đồ lên thành Giê ru sa lem để làm gì?
9/ Tại sao môn đồ không để ý đến việc Chúa Giê su báo truớc Ngài sẽ chết?
10/ Mẹ Gia cơ và Giăng đã xin gì làm cho môn đồ giận?
11/ Chúa Giê su hỏi họ điều gì? Họ trả lời ra sao?
12/ Kinh Thánh chứng minh Họ đã làm được không?
13/ Họ có bảo đảm được ngồi hai bên tả hữu như lời xin không? Tại sao?
14/ Điều gì mới được ghi nhận nơi Nước Trời?
***" Nước Thiên Đàng giống như một " Chủ vườn nho lạ lùng "
Chúa Giê-su dùng câu chuyện "Nước Thiên Đàng giống như một chủ vườn nho " để trả lời câu hỏi của Phi e rơ, đại diện cho các môn đồ trong Ma-thi-ơ 19:27:
"Nầy chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy; vậy thì chúng tôi sẽ được chi?"
Trong đoạn trước, Chúa Giê su nói về phần thưởng, còn đoạn nầy, Ngài cho biết cách thức phân phát phần thưởng của Đức Chúa Trời, không nhất thiết phải là cách thức của loài người thường nghĩ, câu chuyện ví dụ nầy giải nghĩa cho câu cuối cùng của Ma-thi-ơ 19:30:
" Song có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu."
Chúng ta thử xem cách chủ vườn nho mướn người có gì lạ?
Để thuê nhân công cho vườn nho mình, Chủ đất đã ra chợ, chợ là nơi tập trung của những người lao động ban ngày.
Thời đó, một người đàn ông muốn làm việc, trước tiên phải đến chợ vào buổi sáng, mang theo dụng cụ của mình, và đợi cho đến khi có người thuê anh làm việc. Công việc có thể không giống nhau, và người ta có trả giá.
Trong câu chuyện, dường như chủ đất rất cần người, ông đã đi ra chợ đến 4 lần một ngày, từ sáng sớm cho đến chiều tối, lúc nào ông cũng đều muốn mướn người, đặt biệt, ông định công giá cho mỗi người chịu làm cho ông là một đơ ni ê, không hơn, không kém, không kể thời gian vào làm lúc nào. Dầu người đã làm từ sáng sớm đến tối, hay chỉ mới vào buổi tối, làm có một hai giờ, thì cũng được trả đồng một giá. Một đơ ni ê thời ấy có giá trị khoảng 20 đô la theo thời giá bây giờ.
Tảng sáng, có lẽ là 6 giờ sáng, giờ thứ ba là 9 giờ sáng, giờ thứ sáu là 12 giờ trưa, giờ thứ 11 là 5 giờ chiều - Hình ảnh câu chuyện cho thấy, ruộng nho đang rất cần người, và Chủ ruộng nho không muốn bỏ lỡ ai đang ở chợ, Ông ra đó thăm nhiều lần, đang khi mùa màng rất cần nhân công, thì lại có nhiều người trễ nãi và nhàn rỗi. Nguyên buổi sáng trong câu 3 nói "có những kẻ khác rảnh việc đứng trong chợ" rồi đến chiều tối cũng còn người đứng đó.
" Sao các ngươi đứng đây cả ngày không làm gì hết? Họ trả lời rằng: Vì không ai mướn chúng tôi"
Ông chủ đã nhận hết những người chịu làm cho ông - Không từ chối một người nào. Khi trả công giá cho mọi người bằng nhau, và có điều lạ hơn nữa là theo lệnh Ông chủ, người vô sau cùng sẽ được trả lương trước, đó là lý do mà Ông chủ bị người ta phàn nàn sao một người làm lâu hơn lại không được trả nhiều hơn? Nhưng Ông chủ cho rằng người ta đã đồng ý với giá đó, và Ông có quyền xử dụng tiền theo ý muốn của Ông. Ông chủ cho rằng những người lằm bằm đã có lòng ganh tỵ và con mắt ác. Mắt ác là một cụm từ được người Do Thái cổ đại sử dụng, để biểu thị một kẻ hay đố kỵ, thèm muốn, mắt ác được diễn tả trong Phục Truyền đoạn 15:9 như sau:
" Khá coi chừng kẻo mắt ngươi chẳng đoái thương anh em nghèo của mình, không giúp cho người gì hết, e người kêu cùng Đức Giê-hô-va về ngươi, và ngươi sẽ mắc tội chăng?."
Câu chuyện được kể cho người theo Chúa chứ không phải người ngoại - Ông chủ là Đức Chúa Trời- Vườn Nho là Công việc nhà Chúa trên đất- Người làm công là con cái Chúa và một đơ ni ê là sự ban cho.
Một ấn tượng khiến cho người con cái Chúa đọc bài nầy,sẽ so sánh mình có giống như những kẻ ở chợ chăng? Hoặc nhàn rỗi, hoặc không để ý đến công việc đáng ra mình phải làm, hoặc tệ hơn nữa là nói không ai mướn mình làm, để đến cuối cuộc đời, vẫn còn đứng ở chợ.
Đức Chúa Trời vẫn luôn kêu gọi, Ngài không hỏi " Ngươi có làm được không?" nhưng Ngài luôn mời: " Hãy đi vào vườn nho ta.." và ở đó luôn có thưởng. Câu hỏi của Phi e rơ, rằng họ muốn biết họ sẽ được phần thưởng gì? Và qua ví dụ, Chúa Giê-su đảm bảo rằng họ đều sẽ có phần thưởng - nhưng nguyên tắc về phần thưởng có thể không như con người mong đợi - Có người Tin Chúa cả đời, trải qua bao thừ thách, hay người mới Tin Chúa mà bất chợt, khi Chúa Tái lâm đều được lên nước Trời, thì người Tin Chúa trước cũng không thể đòi thêm. Ông chủ bảo trả lương cho người đến sau trước, chỉ để khai triển cách nghĩ của con người mà dạy dỗ chúng ta. Xin thử xem một đơ ni ê có giống các lời hứa cho 7 Hội Thánh sau đây không? Đó có phải là " Được vào Nước Trời không?"
Hãy xem sách Khải huyền đoạn 2 &3, Chúa hứa với 7 Hội Thánh, các lời hứa như sau:
" Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Ba-ra-đi của Đức Chúa Trời." (HT Ê phê sô)
" Kẻ nào thắng, sẽ chẳng bị hại gì về lần chết thứ hai." ( HT Si miệc nơ)
" Kẻ nào thắng, ta sẽ ban cho ma-na đang giấu kín; và ta sẽ cho nó hòn sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới, ngoài kẻ nhận lấy không ai biết đến." ( HT Bẹt găm)
" Kẻ nào thắng, và giữ các việc của ta đến cuối cùng, ta sẽ ban cho quyền trị các nước:" (HT Thi a ti rơ)
" Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài." (HT Sạt đe)
" Kẻ nào thắng, ta sẽ cho làm trụ trong đền Đức Chúa Trời ta, và người sẽ không ra khỏi đó nữa; ta lại sẽ lấy danh Đức Chúa Trời ta, danh của thành Đức Chúa Trời ta, là Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, bởi Đức Chúa Trời ta mà xuống, cùng danh mới ta, mà viết trên người." ( HT Phi la đen phi)
" Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài." ( HT Lao đi xê)
Xin chúc cho mọi người thấy vui vẻ về phần thưởng mà Cha ban cho nơi nước Trời. Ân điển của Đức Chúa Trời ban cho, không theo điều mà chúng ta cho là xứng đáng, nhưng dựa trên ân sủng, không phải công việc.
*** "Ai được ngồi hai bên tả hữu của Chúa Giê su?"
Đức Chúa Jêsus cùng các môn đồ đi lên thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt qua cuối cùng. Đây là lần thứ ba, Chúa Giê su tha thiết nói với họ rằng Ngài sẽ bị giết. Dường như môn đồ không thực sự lắng nghe. Sự mong đợi của họ quá tập trung vào việc Ngài sẽ thiết lập một vương quốc chính trị, sách Lu-ca nói, họ không hiểu, nghĩa là họ không tin, câu nói bị giết đó đã bị giấu kín với họ vì họ đang mong đợi chuyện khác.
_"Con Người sẽ bị phản" đó là lời Chúa nói trong nguyên văn câu 18- Có thể 11 môn đồ kia không biết, nhưng có một người biết, là Giu đa Ích ca ri ốt- Lòng anh ta không giao động, khi Chúa tỏ lộ điều tiên tri. Đã không có sự hối hận nào đến thăm trái tim của người ấy. Sự đau khổ của Chúa cũng được nhân lên gấp bội khi Ngài biết chuyện gì sẽ xảy ra cho Ngài. Không kể việc đau đớn về thể xác, nhưng về mặt tinh thần, Chúa Giê su có ba điều đau khổ lớn:
· Đau khổ vì bị phản bội từ trong môn đồ thân tín - chịu án trong sự bất công và bị cố ý xúc phạm.
Lần nào Chúa Giê su nói về sự chết của mình đều kết lại bằng câu " đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại."
Chắc vì lý do đó, mà sau câu chuyện bi thương về cái chết, lại là một sự chuẩn bị cho "Ngai vàng"
Nếu không có một tâm tình bình thường, chắc độc giả có ác cảm người phụ nữ đã gặp Chúa để ra lời đề nghị kỳ cục:
" Thưa rằng: Xin cho hai con trai tôi đây, ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, ở trong nước Ngài."
Ma thi ơ chép, khi nghe bà nói như thế, 10 môn đồ còn lại, trong đó có cả Ma thi ơ đều giận. Bà ấy là ai? Bà là vợ ông Xê bê đê, mẹ của Gia cơ nhỏ và Giăng mà Chúa yêu, bà cũng là thành viên thường xuyên của nhóm môn đồ đi cùng Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 27:56), vì vậy, việc bà bày tỏ ý tưởng đầy tham vọng cho các con trai mình không có gì đáng ngạc nhiên.
. “‘ Tay phải ’và‘ tay trái ’cho thấy sự gần gũi đặt biệt với Vua, do đó, sẽ có sự chia sẻ về uy tín và quyền lực của Vua.
Dường như hai con trai Gia cơ và Giăng cũng đồng tình với mẹ, nên Chúa hỏi hai người:
" Các ngươi không hiểu điều của mình xin. Các ngươi uống được chén mà ta hầu uống không? Hai người thưa rằng: Chúng tôi uống được."
Chúa Giê su hỏi câu nầy với họ cho mai sau, không phải bây giờ, vì muốn hiểu câu nầy, phải đợi đến sau ngày Chúa hoàn thành nhiệm vụ trên Thập tự giá. Nhưng họ đã nhanh miệng trả lời: " Chúng tôi uống được"
Chúa Giê su tiên tri rằng:
" Thật các ngươi sẽ uống chén ta, nhưng mà ngồi bên hữu hay bên tả ta, thì chẳng phải tự ta cho được; ấy là cho những người nào mà Cha ta đã sửa soạn cho."
Quả thật, Gia cơ và Giăng đã uống đuợc chén đắng của họ cách khác nhau - Gia cơ là người tử đạo đầu tiên, bị Hê rốt giết bằng gươm ( CV 12:2) còn Giăng là người duy nhất trong các môn đồ, không tử đạo, sau khi bị giam cầm ở đảo Bát mô, ông được ra và chết ở Ê phê sô. Ông đã sống cuộc đời Cơ đốc nhân lâu dài nhất, so với các môn đồ, đã làm chứng cho Chúa trong thời gian khó khăn nhất.
và khi Chúa nói
"ngồi bên hữu Ta và bên trái Ta thì không phải Ta ban cho"
Chúa Giê-xu đã tỏ sự phục tùng Cha Ngài. Ngài không đòi quyền ban phát phần thưởng cho người theo mình, nhưng nhường quyền đó cho Cha Ngài.
Trong Nước Trời, địa vị, tiền bạc, sự nổi tiếng không bao giờ là điều kiện tiên quyết để lãnh đạo. Phục vụ và khiêm nhường mới được nghi nhận, điều nầy được thể hiện qua chức vụ của chính Chúa Giê-su, như trong sách Phi líp đoạn 2: 5-11:
" Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha."