Giăng 6: " Bị ngăn trở vì nghĩ rằng không thể được"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Ngài làm cho cỏ đâm lên cho súc vật, Cây cối để dùng cho loài người, Và khiến thực vật sanh ra từ nơi đất." TT 114:14

Giăng 6: " Bị ngăn trở vì nghĩ rằng không thể được"

 

Giăng 6 nói lên 4 điều

1 -13 : Nghĩ là không thể được


14 -21: Sợ hải


22 - 46 : Đối đầu với những người đòi phép lạ


47 - 71: Vấp phạm vì không hiểu biết

 

Chúng ta lần lượt học qua các điều trên:

 

Đọc Giăng 6: 1-13

 

Câu hỏi:

 

1/ Đoàn dân theo Chúa Giê su vì lý do gì?
        Chúa có biết điều đó không? Ngài vẫn tiếp tục giúp họ điều gì?

 

2/ Tại sao Chúa Giê su hỏi Phi líp một câu hỏi khó? Mục đích của Chúa khi hỏi câu nầy để làm gì?

 

3/ Phi líp trả lời ra sao? Chứng tỏ Phi Líp là người có cá tính gì?

 

4/ Đứa nhỏ đã góp phần như thế nào? Có được Chúa Giê su dùng không?

 

5/ Qua việc góp phần của đứa nhỏ, chúng ta học được điều gì?

                         Chúa có muốn dùng sự đồng công của chúng ta không?

 

6/ Hình ảnh Chúa Giê su ban phát thức ăn cho hơn 5 ngàn người, khiến chúng ta nhận ra bài học gì?

 


                                 " Bị ngăn trở vì nghĩ rằng không thể được"

 

*** " Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn?" Câu 1-13

 

" Rồi đó, Đức Chúa Jêsus qua bờ bên kia biển Ga-li-lê, là biển Ti-bê-ri-át. Một đoàn dân đông theo Ngài, vì từng thấy các phép lạ Ngài làm cho những kẻ bịnh. Nhưng Đức Chúa Jêsus lên trên núi, ngồi đó với môn đồ. Vả, lễ Vượt Qua, là lễ của dân Giu-đa gần tới. Đức Chúa Jêsus ngước mắt lên, thấy một đoàn dân đông đến cùng mình, bèn phán với Phi-líp rằng: Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn? Ngài phán điều đó đặng thử Phi-líp, chớ Ngài đã biết điều Ngài sẽ làm rồi. Phi-líp thưa rằng: Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít. Một môn đồ, là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ, thưa rằng: Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường nầy, thì ngằn ấy có thấm vào đâu? Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hãy truyền cho chúng ngồi xuống. Vả, trong nơi đó có nhiều cỏ. Vậy, chúng ngồi xuống, số người ước được năm ngàn. Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bèn phân phát cho những kẻ đã ngồi; Ngài cũng lấy cá phát cho chúng nữa, ai muốn bao nhiêu mặc ý. Khi chúng đã ăn được no nê, Ngài phán với môn đồ rằng: Hãy lượm những miếng còn thừa, hầu cho không mất chút nào. Vậy, môn đồ lượm những miếng thừa của năm cái bánh mạch nha, sau khi người ta đã ăn rồi, chứa đầy mười hai giỏ."

 

  Các sách Tin lành khác cũng có đề cập tới sự kiện của đoàn dân đông nầy, nhưng chỉ có Giăng nói thêm rằng lúc đó gần ngày lễ Vượt qua, vì thế, trong đám họ có nhiều người từ xa đến, có thể họ không có đủ thức ăn như khi họ ở nhà.

   Động cơ mà họ theo Chúa Giê su cũng được Giăng nhắc đến, Mục sư Morris Leon diễn giải Giăng 6:2 cho sát nghĩa, theo tiếng Hy Lạp như sau:

 " Đám đông dân chúng theo Chúa Giê-su vì họ luôn thấy những dấu lạ mà Ngài thường làm trên người bệnh”.

  Như vậy, điều họ nhắm tới là phép lạ, dù vậy, Chúa Giê su cũng động lòng thương xót đoàn dân, Ngài vừa chữa bệnh cho họ vừa giảng về nước Trời, để họ được lành về thuộc thể và cũng nhận được món quà thuộc linh. Luca 9: 11 chép:

 

"Nhưng dân chúng nghe vậy, thì đi theo Ngài. Đức Chúa Jêsus tiếp đãi dân chúng, giảng cho họ về nước Đức Chúa Trời, và chữa cho những kẻ cần được lành bịnh."



  Cứ như vậy mà cả đám đông và Chúa Giê su cùng các môn đồ đều nhịn đói cả ngày, bấy giờ trời gần tối, các môn đồ nhắc Chúa Giê su nên để họ về vì ở đó vắng vẻ, không thể tìm thức ăn.


  Bất ngờ Chúa Giê su hỏi Phi Líp: "Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn?"

  Số người ở đó nhiều đến năm ngàn, mà Chúa Giê su lại hỏi một câu hỏi dường như không ngờ được. Tại sao Chúa Giê su lại hỏi Phi Líp? Vì Phi Líp là người ở Bết sai đa, rất gần những chỗ mà Chúa Giê su đã làm nhiều phép lạ để chữa bệnh. Chúa muốn thử Phi líp, cũng để dạy dỗ các môn đồ khác.

   Câu trả lời của Phi líp giống hệt như chúng ta ngày nay, ông lấy kinh nghiệm của chính mình, và dùng một bài toán để trả lời, dĩ nhiên, câu trả lời là không thể:

"Phi-líp thưa rằng: Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít."

 

  Phi Líp đưa ra một nhận xét rất cụ thể: Không thể được.

 

   Hai trăm đơ ni ê là số tiền lớn, gần bằng tám tháng lương của người làm công, dù có số tiền lớn như vậy, cũng không đủ chia. Phi-líp rõ ràng là một người thực tế, tính toán nhanh và giỏi kinh doanh, thường dựa vào những tính toán khôn ngoan của chính mình, Giăng 14:6-9 chép:

"Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Ví bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta; và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài. Phi-líp thưa rằng: Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi? "

   Đoạn trên cho thấy Phi líp rất nhanh lẹ trong tính toán, tìm con đường ngắn nhất để đi, nhưng ông quên tính một yếu tố quan trọng ở bên cạnh là Chúa Giê su. Ông quên Chúa Giê su có năng quyền. Chính ông đã thấy Chúa Giê su làm nhiều phép lạ cách đó không lâu.


                        Cân đong, đo đếm, vốn là một thói quen làm ngăn trở lòng tin cậy của chúng ta với Chúa.

 

*** " Năm cái bánh và hai con cá của đứa nhỏ"


  Kinh thánh tiếng Việt đã dịch chữ " barley loaves" là bánh mạch nha vì ở Việt Nam, chúng ta không hay dùng barley là lúa mạch -Lúa mạch luôn được coi là thức ăn thô sơ, thường phù hợp với động vật hơn là người. Điều này có nghĩa cậu bé xuất thân từ một gia đình nghèo.Trong kinh Talmud có đoạn kể:


"Một người nói: “Có một vụ lúa mạch tốt” và một người khác trả lời: “Hãy kể cho ngựa và lừa nghe”.



Sách Khải huyền 6:6 cũng cho biết chi tiết, giá lúa mạch chỉ bằng 1/3 giá lúa mì:

 

" Tôi lại nghe ở giữa bốn con sanh vật như có tiếng nói rằng: Một đấu lúa mình bán một đơ-ni-ê, ba đấu mạch nha bán một đơ-ni-ê, còn dầu và rượu chớ động đến."



Đám đông dân chúng có hàng ngàn, nhưng không thấy ai đưa đồ ăn của mình ra chia sẻ, chỉ có đứa nhỏ nhà nghèo, muốn góp năm ổ bánh và hai con cá muối.

Chúa Giê su đã dùng sự đóng góp nhỏ bé của đứa nhỏ để làm cho nó lớn hơn nhiều gấp bội. Chúa quyền năng, có thể làm phép lạ mà không cần một sự đóng góp nào, nhưng Chúa thường muốn để con người góp sức vào, dù nhỏ, dù lớn, rồi Chúa làm cho nó thành lớn hơn.

 

  Khi xưa, lúc trời hạn hán, Chúa bảo tiên tri Ê li sê đến nhà bà goá để tị nạn, bà đã dâng lên cho tiên tri cái bánh cuối cùng của hai mẹ con bà, và sau đó, Chúa ban cho bà dư dật dầu và bột cho suốt những năm hạn hán, Các Vua 1 đoạn 17: 13-16

 

"Nhưng Ê-li tiếp rằng: Chớ sợ chi, hãy trở về, làm y như ngươi đã nói; song trước hãy dùng bột ấy làm cho ta một cái bánh nhỏ, rồi đem ra cho ta; kế sau ngươi sẽ làm cho ngươi và cho con trai ngươi. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán như vậy: Bột sẽ không hết trong vò, và dầu sẽ không thiếu trong bình, cho đến ngày Đức Giê-hô-va giáng mưa xuống đất. Vậy, nàng đi và làm theo điều Ê-li nói. Nàng và nhà nàng, luôn với Ê-li ăn trong lâu ngày. Bột chẳng hết trong vò, dầu không thiếu trong bình, y như lời Đức Giê-hô-va đã cậy miệng Ê-li mà phán ra."



             Hãy dâng lên sự đóng góp của chúng ta, dù nhỏ bé, Chúa cũng sẽ làm cho nó thành lớn mạnh và hữu ích.

 

***" Mười hai giỏ bánh thừa"

   Dù bánh và cá là những món rất tầm thường, nhưng Chúa Giê su cũng tạ ơn Đức Chúa Cha, vì Ngài là đấng cung cấp thức ăn cho mọi loài.

           Thi thiên 145: 15-16 nhắc một câu mà con cái Chúa vẫn nhớ là khi Chúa xoè bàn tay ra thì muôn vật có ăn:

 

"Con mắt muôn vật đều ngửa trông Chúa, Chúa ban cho chúng đồ ăn tùy theo thì. Chúa sè tay ra, Làm cho thỏa nguyện mọi loài sống."

 

Chúa Giê su đã làm gương cho chúng ta, hãy nhớ cảm tạ Chúa khi có thức ăn, vì Ngài đã nuôi nấng chúng ta, cho chúng ta đồ ăn mỗi ngày, chúng ta vẫn có thức ăn dù không chăn nuôi cũng không cày cấy.

 

  Hình ảnh Chúa Giê su ban phát thức ăn trong đoạn nầy, giống như Thi Thiên 23 diển tả Chúa Giê su là Đấng Chăn Chiên hiền lành, vừa dọn bàn cho Chiên cũng vừa bổ lại linh hồn cho chúng nó.

"Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh. Ngài bổ lại linh hồn tôi, Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài. Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi. Chúa dọn bàn cho tôi Trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, Chén tôi đầy tràn. Quả thật, trọn đời tôi Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi; Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va Cho đến lâu dài."

 

Câu 11 và 12 diễn tả cảnh Chúa Giê su chăm sóc đàn chiên, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý, và mọi người được ăn no nê, lại còn dư 12 giỏ đầy.


Phép lạ nằm trong tay Chúa Giê su. Trong tay người chăn hiền lành.

Những toan tính, lo ngại đã biến mất, lòng tin cậy và sự thoả lòng làm mọi người vui vẻ.

Chúa Giê su muốn dạy các môn đồ một bài học về sự dựa cậy, Ngài là Đức Giê hô va Di rê, là Đức Chúa Trời sắm sẳn, Ngài yêu mến và muốn con cái nương dựa nơi Ngài, mong đợi những gì Ngài ban phát cho.

  Hãy tập xin Chúa đồ ăn mỗi ngày và đừng lo lắng. Ngài có thể làm những việc mà loài người nghĩ rằng không thể. Đức tin không được tính bằng những con số. Cánh tay Ngài là cánh tay quyền năng.


Hãy nói như Đa vít trong Thi thiên 104: 27& 28

 

" Hết thảy loài vật nầy trông đợi Chúa, Hầu cho Chúa ban đồ ăn cho chúng nó theo giờ. Chúa ban cho chúng nó, chúng nó nhận lấy; Chúa sè tay ra, chúng nó được no nê vật tốt."

 

 

 

 

"Còn tôi khác nào cây ô-li-ve xanh tươi trong nhà Đức Chúa Trời; Tôi nhờ cậy nơi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đến đời đời vô cùng." TT 52:8