Giăng 12 " Chúa Giê su vào Khải hoàn Môn"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy cứu; Đức Giê-hô-va ơi, xin ban cho chúng tôi được thới thạnh. Đáng ngợi khen đấng nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến! Từ nơi nhà Đức Giê-hô-va chúng tôi đã chúc tụng người." Thi Thiên 118: 25-26

Giăng 12 " Chúa Giê su vào Khải hoàn Môn"

 

Đọc Giăng 12: 12-33

 

Câu hỏi:

 

1/ Hô sa na và lá kè có nghĩa gì? Dân chúng mong mỏi gì nơi Chúa Giê su?

 

2/ Vì sao Chúa Giê su cưỡi lừa vào thành? có được tiên tri trước không?
    qua cửa gì? Tại sao cửa đó bị đóng lại?

 

3/ Khi Chúa Tái lâm được mô tả trong Khải huyền 19. Chúa Giê su còn cưỡi lừa đến nữa không?
     Tại sao?

 

4/ Những Thầy Tế lễ thêm một lần nữa nói tiên tri về Chúa Giê su trong câu 19 có nghĩa gì?

 

5/ Những người Hy lạp tìm đến Chúa Giê su là dấu hiệu gì?
    Vì sao Chúa Giê su lại nói về sự chết với họ?

 

6/ Tại sao Chúa Giê su kêu gọi họ hầu việc Đức Chúa Trời?
   Điều nầy cho thấy Chúa Giê su kỳ vọng họ đem Tin lành đến cho ai?




        "Chúa Giê su vào Khải hoàn môn"

 

**" Hô sa na là đấng cưỡi lừa mà đến" câu 12-16

 

"Qua ngày sau, có một đám dân đông đến đặng dự lễ, biết Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem, bèn lấy những lá kè ra đón Ngài, và reo lên rằng: Hô-sa-na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là Vua của Y-sơ-ra-ên! Đức Chúa Jêsus gặp một con lừa con, bèn lên cỡi, y như lời chép rằng: Hỡi con gái thành Si-ôn, chớ sợ chi, nầy, Vua ngươi đến, cỡi trên lừa con của lừa cái. Môn đồ trước vốn không hiểu điều đó; nhưng đến khi Đức Chúa Jêsus đã được vinh hiển, mới nhớ lại những sự đó đã chép về Ngài, và người ta đã làm thành cho Ngài."

 

Cả bốn sách Tin lành đều thuật lại cảnh dân chúng đón Chúa Giê su vào thành Giê ru sa lem bằng con lừa con. Hãy xem thêm chi tiết ở sách Ma thi ơ 21: 1-11

"Vừa khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ gần đến thành Giê-ru-sa-lem, và đã tới thành Bê-pha-giê, bên núi Ô-li-ve rồi, thì Ngài sai hai môn đồ, mà phán rằng: Hãy đi đến làng ở trước mặt các ngươi, tức thì sẽ gặp một con lừa cái bị cột, với một con lừa con; hãy mở ra và dắt đến cho ta. Nếu có ai nói chi với các ngươi, hãy trả lời rằng Chúa cần dùng hai con lừa đó; tức thì họ sẽ gởi lừa đi. Vả, điều ấy xảy ra để cho ứng nghiệm lời của đấng tiên tri rằng: Hãy nói với con gái thành Si-ôn rằng: Nầy, vua ngươi đến cùng ngươi, Nhu mì, cỡi lừa Và lừa con, là con của lừa cái mang ách.Hai môn đồ bèn đi, và làm y theo lời Đức Chúa Jêsus đã dạy. Hai người dắt lừa cái và lừa con, trải áo mình trên lưng lừa, và nâng Ngài cỡi lên.Bấy giờ phần nhiều trong đám dân đông trải áo mình trên đường; kẻ khác chặt nhánh cây mà rải ra giữa đường. Đoàn dân đi trước và theo sau đều kêu lên rằng: Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao! Khi Ngài đã vào thành Giê-ru-sa-lem, thì cả thành đều xôn xao, nói rằng: Người nầy là ai? Chúng trả lời rằng: Ấy là Đấng tiên tri Jêsus ở thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê. "

 

" Hô sa na và lá kè"

Hô sa na có nghĩa là "Hãy cứu liền", chữ nầy được Vua Đa vít dùng để kêu cứu Đức Chúa Trời trong cơn nguy khốn.

Lá kè được dùng nhiều nhất trong ngày lễ Hanukkah, kỷ niệm ngày mà ngôi đền Giê ru sa lem được giải phóng khỏi sự thống trị của Hy lạp qua cuộc nổi dậy Maccabee. ( xem chú thích về Maccabee ở chú thích phần dưới)

 

   Cả tiếng kêu " Hô sa na" và lá kè, liên quan đến việc yêu cầu được cứu khỏi áp bức của La mã.


  Dân chúng thấy Chúa Giê su làm được phép lạ phi thường trên La xa rơ, họ đồng lòng muốn tôn Ngài lên làm vua. Chúa Giê su cưỡi lừa đến với họ trong ý nghĩa hoà bình, Chúa đến giải cứu tâm linh, không phải làm cách mạng.

 

  Theo lời dặn trong sách Xuất Ê díp tô ký, khi bước vào lễ Vượt qua, ngày mồng 10, người ta phải bắt ra một con chiên tơ một năm, không tì vít, để sẳn, rồi tối mười bốn, cả hội chúng Y sơ ra ên phải giết con chiên của họ mà ăn, rồi bôi huyết lên cửa. Xuất 12: 1-7

"Tại xứ Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Tháng nầy định làm tháng đầu cho các ngươi, tức là tháng giêng trong quanh năm. Hãy nói cho toàn hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Đến ngày mồng mười tháng nầy, mỗi gia trưởng tùy theo nhà mình phải bắt một con chiên con. Nếu nhà ít người quá ăn không hết một chiên con, hãy chung cùng người rất lân cận mình, tùy theo số người; và hãy tính cho mỗi chiên con tùy sức người ăn hết. Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên, hoặc trong bầy dê, chiên con đực hay là dê con đực, tuổi giáp niên, chẳng tì vít chi, đoạn để dành cho đến ngày mười bốn tháng nầy; rồi cả hội chúng Y-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào lối chiều tối. Họ sẽ lấy huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó."

Đây là thời gian mà Chúa Giê su được dân Y sơ ra ên tiếp đón như hình bóng của con chiên được đem về trong ba ngày . Chúa Giê su cũng cưỡi lừa mà vào, ứng nghiệm lời tiên tri trong Xa cha ri 9:9

"Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái."

 

  Vì sao cưỡi lừa? Ở các xứ trung đông thời đó, một người đến mà cưỡi lừa, người ấy đến trong hoà bình. Chúa Giê su đến thế gian lần đầu, Ngài mang phước hạnh với sự cứu rỗi đến trong hoà bình cho nhân loại.


   Có người lại thắc mắc, thế thì Chúa cưỡi lừa cái hay lừa con? Vì trong các câu Kinh Thánh đều nói có hai con lừa, thật sự Chúa Giê su chỉ cưỡi trên lừa con.

  Tiếng Việt chỉ dùng chung tên "con lừa" nhưng trong tiếng anh là Donkey cho lừa cái và colt cho lừa con. Sách Mác và Luca chép môn đồ trải áo trên lừa con cho Ngài cưỡi, vì lừa con chưa có ai cưỡi lên nó, nên cần có mẹ nó đi cùng.

Chúa Giê su từ Núi Ô li ve mà vào, Ngài vào qua Cửa Vàng, sau đó, Cửa Vàng bị niêm phong qua các thời đại y như lời tiên tri trong Ê xê chiên 44: 1-3 khi Tiên tri Ê xê chiên được Đức Thánh linh dẫn đi xem đền thờ.

" Đoạn người đem ta đến hiên cửa ngoài của nơi thánh, ngó về phía đông. Cửa ấy vẫn đóng. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng ta rằng: Hiên cửa nầy sẽ đóng luôn không mở nữa. Chẳng ai được vào bởi hiên cửa nầy, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã vào bởi đó; vậy cửa ấy sẽ đóng lại. Chỉ có vua, vì người là vua, thì có thể đến ngồi tại đó đặng ăn bánh trước mặt Đức Giê-hô-va. Vua sẽ vào bởi nhà ngoài của hiên cửa, và cũng ra bởi đường ấy."

 

  Người Do Thái niêm phong cửa Vàng, không cho dân chúng đi vào, vì là cửa của Thượng đế, họ chờ đợi khi nào Thượng đế là Đấng Mê si đến, sẽ cúng tế một con bò sắc hoe, rồi đi ra cũng bằng cửa ấy. Họ không tin Chúa Giê su là Đấng Mê si, thật ra Ngài đã vào bằng cửa đó rồi.

 

Người Hồi Giáo càng không muốn tin có Đấng Mê si, họ chỉ công nhận năm sách đầu của Môi se, khi họ chiếm lấy vùng đất của Giê ru sa lem, họ phong toả khu đó lại để không ai nói có Đấng Mê si sẽ bước vào.

 

  Chúa Giê su sẽ trở lại thế gian lần thứ hai, không cưỡi lừa con cách nhu mì, đem hoà bình đến nữa, mà lần thứ hai đến để chiến tranh, Ngài cưỡi ngựa chiến, cảnh trạng kinh khủng, đầy máu lữa, được mô tả trong Khải huyền 19: 11-16

 

"Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, và có một con ngựa bạch hiện ra: Đấng cỡi ngựa ấy gọi là Đấng Trung Tín Và Chân Thật; Ngài lấy lẽ công bình mà xét đoán và chiến đấu. Mắt Ngài như ngọn lửa; trên đầu có nhiều mão triều thiên, lại có đề một danh, ngoài Ngài ra không ai biết được. Ngài mặc áo nhúng trong huyết, danh Ngài xưng là Lời Đức Chúa Trời. Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài. Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân, và cai trị họ bằng một cây gậy sắt. Ngài giày đạp thùng rượu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời toàn năng. Trên áo tơi và trên đùi Ngài, có đề một danh là Vua Của Các Vua Và Chúa Của Các Chúa."

 

** Giờ đã đến : 17-26

 

" Đoàn dân ở cùng Ngài, khi Ngài kêu La-xa-rơ ra khỏi mộ và khiến từ kẻ chết sống lại, đều làm chứng về Ngài. Ấy cũng tại điều đó mà đoàn dân đi đón Ngài, vì có nghe rằng Ngài đã làm phép lạ ấy. Nhân đó, người Pha-ri-si nói với nhau rằng: Các ngươi thấy mình chẳng làm nổi chi hết; kìa, cả thiên hạ đều chạy theo người! Vả, trong đám đã lên đặng thờ lạy trong kỳ lễ, có mấy người Gờ-réc, đến tìm Phi-líp, là người ở thành Bết-sai-đa, thuộc xứ Ga-li-lê, mà xin rằng: Thưa chúa chúng tôi muốn ra mắt Đức Chúa Jêsus. Phi-líp đi nói với Anh-rê; rồi Anh-rê với Phi-líp đến thưa cùng Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus bèn đáp rằng: Giờ đã đến, khi Con người sẽ được vinh hiển. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời. Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người."

 

   Thêm một lần nữa, kẻ thù nói tiên tri về Chúa Giê su, khi họ nói trong câu 19:


"Nhân đó, người Pha-ri-si nói với nhau rằng: Các ngươi thấy mình chẳng làm nổi chi hết; kìa, cả thiên hạ đều chạy theo người!"

 

câu nầy được Chúa Giê su lập lại cho rõ nghĩa trong câu 32:

"Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta."


Người ta không biết những người Hy lạp có gốc tích như thế nào mà muốn tìm Chúa Giê su, họ gặp Phi líp và Anh rê nói muốn ra mắt Chúa.

Có lẽ những người ngoại nầy là dấu hiệu để Chúa Giê su tuyên bố về cái chết của mình, mà rằng: "Giờ đã đến, khi Con người sẽ được vinh hiển."

Chúa Giê su bảo những người Hy lạp nầy hãy tìm kiếm Ngài bên kia thập tự giá, khi Ngài chết đi và sống lại, sẽ đem đến một tin mừng mới cho sự sống đời đời.


Những người Hy lạp nhận lấy lời của Chúa Giê su mà không thắc mắc gì, Chúa Giê su còn bảo họ hãy làm việc cho Đức Chúa Trời, họ sẽ được Cha tôn qúi.


  Sau nầy có nhiều người Hy lạp tin Chúa, và đem Tin lành của Chúa cho dân ngoại của mình, Ti mô thê là một điển hình. Ti mô thê là tên của người nam, có nguồn gốc từ Hy Lạp, xuất phát từ tên “Timotheos”, có nghĩa là “tôn vinh Chúa” là một cách tuyệt vời để giới thiệu đức tin của cha mẹ cho đứa bé. .

"Giờ Ta đã đến" cho thấy thì giờ của Chúa Giê su nằm trong tay Ngài và Đức Chúa Cha. Chúa Giê su biết trước hết mọi chi tiết về cái chết của mình. Trong xác thịt con người, Chúa Giê su can đảm vô biên, và Ngài cũng được dân chúng tôn vinh, đón chào như một vị Vua. Vua của Thiên đàng.

 



Phần chú thích: Maccabee là tên ai?

Maccabee

Đó là năm 167 trước Công nguyên, Mattathias người Hasmonean là một người Do Thái và ông rất tức giận khi vua Hy Lạp cai trị vùng này đã cử các quan chức của mình đến với Mattathias ở Judea. Họ cố ép Mattathias, năm người con trai và những hàng xóm của họ đến Giê ru sa lem hiến tế cho các vị thần của họ.


Khi một người Do Thái khác nghe lời các quan, bước tới dâng lễ vật cho các thần, thì Mattathias đã giết anh ta ngay trên bàn thờ, tiếp theo là viên quan của nhà vua Hy Lạp. Cuối cùng, Mattathias xé nát bàn thờ.

Cuộc nổi dậy Hasmonean đã ra đời.

Hơn một thế kỷ trước, các thế lực Hy Lạp đã nắm quyền kiểm soát xứ Judea và áp đặt nền văn hóa cũng như tôn giáo của họ lên người dân. Theo cuốn sách đầu tiên của Maccabees, một trong những vị vua Hy Lạp đã làm ô uế đền thờ, cấm cắt bao quy đầu và thậm chí còn lập bàn thờ cho các vị thần của mình.


Một số người Do Thái đã đồng tình với những thay đổi đó. Nhưng nhiều người Do Thái khác, như Mattathias, đã đấu tranh để giữ lòng trung thành với Luật pháp.
Cuộc nổi dậy còn được biết đến với cái tên Maccabee, theo tên người con trai nổi tiếng nhất của Mattathias, Judah the Maccabee (có nghĩa là "cái búa Judah").


Khi Mattathias qua đời, hai năm sau cuộc nổi dậy, các con trai của ông vẫn tiếp tục. Cuối cùng, Maccabees chiếm lại Jerusalem và giành lại tự do. Lễ hội Hanukkah kỷ niệm việc trùng tu ngôi đền. Gia đình Mattathias và Judah cai trị cho đến khi Herod nổi lên vào năm 63 trước Công nguyên. Cuộc nổi dậy Maccabean đã in sâu vào ký ức người Do Thái. Nó định hình cách suy nghĩ của người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất về các thế lực ngoại bang và sự trung thành với Luật pháp. Người ta dùng lá kè, biểu tượng cho cuộc cách mạng trong nagyf lễ Hanukkah kể từ đó.