Giăng 7: "Các ngươi không biết Ngài.Ta thì biết Ngài "
" Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong. Nầy, Ngài đến, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy." Ma la chi 3:1
Giăng 7: "Các ngươi không biết Ngài.Ta thì biết Ngài "
Câu hỏi:
1/ Theo sách Ma la chi đoạn 3 - Đức Chúa Trời sai sứ giả bất thình lình đến để làm gì?
2/ Tại sao Chúa Giê su so sánh việc cắt bì với việc chữa bệnh trong ngày Sa bát của Ngài?
Cả hai có gì sai nếu thực hiện trong ngày Sa bát?
3/ Nêu ra một thí dụ như vậy, Chúa Giê su muốn nói lên điều gì về các nhà cầm quyền, đang xử dụng luật?
Có ai từng dám lên tiếng phê bình như vậy không?
4/ Dân Giu đa thấy Chúa Giê su nói mạnh mẻ như vậy mà không bị bắt thì nghĩ đến ai trong Kinh Thánh?
5/ Nhưng họ hoài nghi điều gì về Sứ Giả được nói đến? Lời họ nói có đúng không?
6/ Nếu chúng ta đang thờ phượng Chúa trong Hội Thánh, mà bị cho là chúng ta không biết Đức Chúa Trời là ai, thì chúng ta sẽ có thái độ nào?
" Các ngươi không biết Ngài.Ta thì biết Ngài "
Chúng ta còn nhớ trong đoạn trước, Chúa Giê su đã vào đền thờ Giê ru sa lem, cùng với rất nhiều người Giu đa trong kỳ lễ Lều Tạm, tuy những bậc cầm quyền trong đền thờ muốn bắt và giết Chúa, nhưng không thành, vì chính miệng Chúa Giê su nói: "Thì giờ Ta chưa đến!"
Bối cảnh ở đây cho thấy vì sao người Giu đa không tra tay vào Chúa Giê su được, cũng như qua những câu đối thoại, nói lên hai thái độ của người Tin và kẻ không Tin Chúa.
Thời điểm mà Chúa Giê su vào đền thờ, thích ứng với một đoạn Kinh Thánh trong Ma la Chi 3: 1-4
" Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong. Nầy, Ngài đến, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Nhưng ai sẽ đương nổi ngày Ngài đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra? Vì Ngài giống như lửa của thợ luyện, như tro thợ giặt. Ngài sẽ ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch; Ngài sẽ chùi các con trai Lê-vi, làm cho chúng nó sạch như vàng và bạc; chúng nó sẽ dân của lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công bình. Bấy giờ của lễ của Giu-đa và của Giê-ru-sa-lem sẽ được đẹp lòng Đức Giê-hô-va, như những ngày xưa, và như những năm thượng cổ. "
Chữ sứ giả ở đây được hiểu là một " Messenger" hay là người " Thay mặt, mang lời đến". Đức Chúa Trời thấy dân Ngài đang phạm tội, các Thầy Tế Lễ cũng đang phạm tội, Ngài muốn đem lời Ngài đến, qua Chúa Giê su, để cho họ biết họ sai ở đâu-
Đáng buồn thay, "Các con trai Lê vi" là những Thầy Tế lễ mà Chúa chùi sạch, thì chống cự lại, muốn giết "Messenger" của Đức Chúa Trời vì bị vạch trần tội lỗi.
Sau đây là những lời cáo buộc của Chúa Giê su dành cho "Các Con Trai Lê vi" của Giê ru sa lem:
** "Các ngươi không có một ai tuân theo luật pháp!" Câu 19-29
"Môi-se há chẳng ban luật pháp cho các ngươi sao? Mà trong các ngươi không có một ai tuân theo luật pháp! Cớ sao các ngươi kiếm thế giết ta? Dân chúng trả lời rằng: Ngươi bị quỉ ám, nào ai là người tìm thế giết ngươi? Đức Chúa Jêsus đáp lại rằng: Ta đã làm một việc, các ngươi thảy đều lấy làm lạ. Môi-se đã truyền phép cắt bì cho các ngươi (phép đó không phải bởi Môi-se, nhưng bởi tổ tông), và các ngươi làm phép cắt bì cho người đàn ông trong ngày Sa-bát! Nếu người đàn ông chịu phép cắt bì ngày Sa-bát, cho khỏi phạm luật pháp Môi-se, thì sao ta chữa cho cả mình người bịnh được lành trong ngày Sa-bát, mà các ngươi lại nổi giận? Đừng cứ bề ngoài mà xét đoán, nhưng phải xét đoán theo lẽ công bình. Có mấy kẻ trong dân thành Giê-ru-sa-lem nói rằng: Đó có phải là người mà người ta tìm giết chăng? Kìa, người nói tự do, mà không ai nói chi người hết. Dễ thường các quan đã nhận thật người là Đấng Christ? Thế mà, chúng ta biết người nầy từ đâu lại; song khi Đấng Christ sẽ đến, thì không ai biết Ngài từ đâu đến. Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus đang dạy trong đền thờ, thì kêu lên rằng: Các ngươi quen ta, các ngươi biết ta từ đâu lại! Ta đã đến chẳng phải tự ta, nhưng Đấng đã sai ta đến là thật, mà các ngươi không biết Ngài. Ta thì biết Ngài; vì ta từ Ngài đến, và Ngài là Đấng đã sai ta đến. Vậy, họ kiếm thế bắt Ngài; nhưng không ai tra tay trên Ngài, vì giờ Ngài chưa đến. "
Khi Chúa Giê su cho dân chúng biết, vì cớ áp dụng sai luật Môi se, mà người ta tìm giết Ngài - Dân chúng đã tỏ ra rất giận với lời tuyên bố đó, họ nói Chúa bị qủi ám, vì họ chưa bao giờ có ý định phạm một tội lớn dường ấy. Nhưng các bậc cầm quyền không lên tiếng, họ biết Chúa Giê su muốn nói họ.
** Cắt bì hay chữa bệnh trong ngày Sa bát?
Bậc cầm quyền của dân Giu đa, là các nhà lãnh đạo Giê ru sa lem đã làm cho ngày Sa bát, một ngày phước hạnh, thành ra một cái bẫy được dùng rất tuỳ tiện trong luật pháp - Ai có thể lên tiếng để chỉnh đốn nó? Nếu không phải chính Đức Chúa Trời? Đấng Đã ban luật pháp cho Môi se?
Chúa Giê su đang nói đến một điểm trong luật Môi se, có liên quan đến Ngài:
Phép cắt bì không phải đến từ Môi se, nhưng đến từ Áp ra Ham, tổ phụ dân Do Thái - Cắt bì là một giao ước bằng Thịt giữa Áp ra Ham và dòng dõi của ông với Đức Chúa Trời. Sáng thế ký 17: 9-14
"Đoạn, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta. Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi. Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi. Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì. Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy. Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta."
Cho nên luật Môi se có nhắc lại trong Lê vi ký: 12: 3
" Qua ngày thứ tám, người ta phải làm phép cắt bì cho đứa trẻ."
Ngày thứ Tám của đứa trẻ có thể rơi đúng vào ngày Sa bát - Thời gian của qui định cắt bì ( gọi là Brit) có mâu thuẩn với luật không làm việc (Work) nhưng vì sự cần thiết của nó để thoả mãn Luật Môi se và Giao Uớc với tổ tông, mà các Thầy làm Luật đã phải chấp nhận cho một trẻ nam, mà ngày thứ Tám rơi đúng vào ngày Sa bát thì được cắt bì (dĩ nhiên là có băng bó, chăm sóc vì chảy máu...)
Như vậy tại sao với sự cấp thiết chữa bệnh cho một người trong ngày Sa bát lại bi xem là phạm tội ? Chúa Giê su nêu ra một sự suy nghĩ nông cạn và thiếu hiểu biết của họ, không công bình và không theo Lẽ Thật.
** " Đấng Mê si phải đến bất ngờ "
Phải công nhận rằng dân Giu đa rất giỏi Kinh Thánh, nhưng không có nghĩa là họ hiểu Kinh Thánh. Ý nghĩ : Đấng Mê si phải đến bất ngờ, cũng phát xuất từ sách Ma la chi đoạn 3: 1 mà chúng ta đọc ở trên nói về " Sứ Giả của Đức Chúa Trời đến bất thình lình trong đền thờ"
Họ nêu ra câu Kinh Thánh đúng, nhưng cách suy luận lại không đúng:
Theo cách họ nói, thì họ đang hoang mang, người nầy tuyên bố dạn dĩ và mạnh mẻ quá, nêu lên các sai phạm của bậc cầm quyền mà sao không bị bắt? Hay các Thầy Lê vi đã nhận ra đó là Đấng Christ đến thình lình để xét đoán họ?
** " Song khi Đấng Christ sẽ đến, thì không ai biết Ngài từ đâu đến"
Nếu dừng lại như ở trên để phù hợp với lời tiên tri trong sách Ma la chi đoạn 3 thì phưóc hạnh thay vì họ nhận ra Đấng Christ, nhưng những kẻ chẳng Tin lại thêm thắt rằng: "Song khi Đấng Christ sẽ đến, thì không ai biết Ngài từ đâu đến" Câu nầy là câu của miệng loài người, chứ không phải từ Kinh thánh.
Kinh Thánh nói rất rõ là Đấng Mê si sinh ra như một người trong dòng dõi Vua Đa vít, thì tai sao người ta không biết Ngài từ đâu đến?
Những kẻ chẳng Tin, dùng miệng lưỡi mình để dẫn dụ, làm sai lạc người Tin.
Hãy Tin vào chính lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh - Qua đó Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ chúng ta trong Lẽ Thật.
*** " Ngài là Đấng đã sai ta đến "
Khi nghe dân Giu đa nói rằng "Chúng tôi biết Người này đến từ đâu?" có lẽ họ đã liên kết Ngài với Na xa rét, một xứ sở nghèo nàn, bị kinh miệt.
Khi nói kiểu đó, người ta cũng muốn bóp méo sự thật, đến từ đâu có nghĩa xuất phát từ đâu, và cũng làm người ta hiểu lầm rằng nguồn gốc ở đâu?
Chúa Giê su sinh ra ở Bết lê hem y như lời Kinh Thánh đã tiên tri, nhưng khi nhắc đến Chúa, người ta liên kết Ngài với nơi ở của gia đình Ngài là Na xa rét để xoá bỏ lý lịch của Chúa.
Chúa Giê su không tranh cãi với họ về Bết lê Hem hay Na xa rét, Chúa muốn họ hiểu y như điều họ nghĩ trong sách Ma la chi đoạn 3:
" Ta được Đức Chúa Trời sai đến để sửa sai". Nhà cầm quyền Giê ru sa lem rất ghét điểm nầy, vì nếu là đúng, thì họ phải tự công nhận: Tất cả đều đang sai, đang không tuân theo luật pháp Môi Se. Hơn nữa, Chúa Giê su khẳng định đối với Đức Chúa Trời, bọn họ như người xa lạ, dù họ đang ở trong đền thờ và đang dâng hương, tế lễ lên Đức Chúa Trời.
" Các ngươi không biết Ngài.Ta thì biết Ngài " Lời tuyên bố nầy làm dân Giu đa rất mất thể diện, và họ nhất quyết giết Ngài...
Không phải dân Giu đa thờ một Thần mà họ không biết, nhưng họ có lối hành xử như chẳng bao giờ được Đức Chúa Trời dạy bảo, và họ thật sự cũng không tuân theo lời Ngài.
"Qua ngày thứ tám, người ta phải làm phép cắt bì cho đứa trẻ." Lê vi Ký 12:3