Giăng 6: " Ăn Thịt và Uống Huyết Chúa Giê su"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra." Luca 22: 20b

Giăng 6: " Ăn Thịt và Uống Huyết Chúa Giê su"

 

Đọc Giăng 6: 48-71

 

Câu hỏi:

 

1/ Chúa Giê su đã chuẩn bị gì cho đoàn dân trước khi đưa ra sứ điệp " Ta là Bánh sống từ Trời?"

 

2/ Hể là bánh thì phải làm gì? Ăn thì mới được gì?

 

3/ Chúa Giê su còn thêm một thứ đồ uống gì?

         Dân Giu đa có luật về thức ăn không? Là luật gì? (xem Lê vi Ký 11)

 


4/ Vì sao gần hết những người Giu đa đều nổi giận rồi bỏ đi?

 

5/ Có khi nào, Lời Kinh Thánh bị cắt bớt, vì loài người không thích chỗ nầy hay chỗ kia không?

 

6/ Tại sao 12 môn đồ không bỏ đi?

 


                 " Ăn Thịt và Uống Huyết Chúa Giê su"

 

** "Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời" Câu 48-59

 

" Ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi đã ăn ma-na trong đồng vắng, rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống, hầu cho ai ăn chẳng hề chết.Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta. Bởi đó, các người Giu-đa cãi lẽ với nhau, mà rằng: Lẽ nào người nầy lấy thịt mình cho chúng ta ăn sao? Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt ta thật là đồ ăn, huyết ta thật là đồ uống. Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người. Như Cha, là Đấng hằng sống, đã sai ta đến, và ta sống bởi Cha; cũng một thể ấy, người nào ăn ta, sẽ sống bởi ta vậy. Đây là bánh từ trên trời xuống. Bánh đó chẳng phải như ma-na mà tổ phụ các ngươi đã ăn, rồi cũng chết; kẻ nào ăn bánh nầy sẽ sống đời đời. Đức Chúa Jêsus phán những điều đó lúc dạy dỗ trong nhà hội tại thành Ca-bê-na-um."

 

- Nhà Hội (Ca bê na um): Hay còn gọi synagogue, là giáo đường của người Giu đa, xuất hiện rất sớm từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, nảy sinh do sự thích nghi trong thời kỳ đàn áp người Do Thái ở các quốc gia và khu vực cấm đạo Do Thái.

  Nhà Hội được dùng để cầu nguyện, đọc và học Kinh Thánh, cũng như thực hiện các buổi lễ khác. Theo luật định, thì một Synagogue có thể mở ở bất cứ nơi nào có Minyan (một nhóm ít nhất 10 người đàn ông Do Thái trưởng thành) tập hợp lại và được dẫn dắt bởi một giáo sĩ.

  Do đó, chúng ta được hiểu vì sao lúc Phao Lô gặp bà Lydia khi các bà nhóm lại cầu nguyện ở bờ sông vì chưa đủ số người. Công vụ 16: 13&14

"Đến ngày Sa-bát, chúng ta ra ngoài cửa thành, đến gần bên sông, là nơi chúng ta tưởng rằng người ta nhóm lại đặng cầu nguyện; chúng ta ngồi xong, giảng cho những đàn bà đã nhóm lại. 14 Có một người trong bọn đó nghe chúng ta, tên là Ly-đi, quê ở thành Thi-a-ti-rơ, làm nghề buôn hàng sắc tía, vẫn kính sợ Đức Chúa Trời. Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phao-lô nói."

 

  Nhà Hội Ca bê na um thời đó, là một giáo đường trong làng đánh cá ở phía bắc Biển hồ. Có nhiều sự kiện liên quan đến Chúa Giê su trong nhà Hội Ca bê na um nầy. Mathi ơ 9:1 giới thiệu Ca bê na um là ngôi làng của Chúa Giê su. Ngài và các môn đồ thường đến đó để giảng dạy.

  Hôm nay, nhân dịp người Giu đa đòi bánh, Chúa Giê su tuyên bố một sứ điệp mà trong thời đó, người ta khó có thể hiểu được, là "Ăn thịt và Uống huyết Chúa."


   Chúng ta không biết trong nhà Hội lúc ấy có bao nhiêu người, nhưng nếu liên kết với phần trước, thì có thể rất đông, Chúa Giê su đã dùng thời cơ đó để tuyên bố phần quan trọng nhất trong chương trình Cứu rỗi. Mặc dù Chúa Giê su đã sắp đặt trước chu đáo, từ việc cho đoàn dân ăn buổi tối, đến bánh Mana, rồi đến bánh hằng sống, để mở đường cho sứ điệp nầy, nhưng mọi việc xảy ra không như mong đợi.

 

**Phản kháng từ dân chúng:


"Bởi đó, các người Giu-đa cãi lẽ với nhau, mà rằng: Lẽ nào người nầy lấy thịt mình cho chúng ta ăn sao?"

   Khởi sự từ năm cái bánh, qua bánh mana, đến bánh hằng sống, được mọi người tiếp nhận, nhưng khi Ngài giải thích chính Ngài là Bánh hằng sống, phải ăn bánh đó thì được sống đời đời thì đám đông đã phản kháng mạnh mẻ. Tại sao?

 

   Ý nghĩa thuộc linh mà Chúa Giê su bảo họ phải ăn và uống huyết Ngài lúc đó, chưa có ai được hiểu tường tận, có thể chỉ được hiểu lờ mờ nơi những người đọc và nghiền ngẩm về lời tiên tri trong Kinh Thánh.

  Nhưng nếu hiểu theo nghĩa đen, thì với một dân đã được học về các thức ăn theo luật “Kosher” dựa trên những quy định tinh sạch và ô uế trong cựu ước (Lê vi Ký 11) thì ý tưởng nầy được xem như rất kỳ dị.

  Dân Giu đa đã không bao giờ ăn huyết như lời dặn trong Kinh Thánh (Tín đồ ngày nay cũng không ăn huyết) huống chi thịt và huyết của đồng loại.

    Chúa Giê su muốn nói lên điều gì?

   Chúa Giê su có ngụ ý rằng Ngài sẽ phải hy sinh, thân thể chịu thương tích, bị đóng đinh treo lên, đổ huyết rồi chết, đó là hình phạt của một tội nhân phải chịu trước sự phán xét của một Đức Chúa Trời công chính.


  Một người tin Chúa Giê su, phải tiếp nhận ý nghĩa nầy cho chính mình: rằng Ngài đã chết thế cho mình, để tội mình được trả hết. Người đó phải ở trong cuộc như một tội nhân, tiếp nhận thịt và huyết của Chúa Giê su, không phải chỉ nhìn, thử hay chỉ rờ đụng, mà phải như ăn và uống- hoà nhập vào chính thân thể mình.

  Sự hy sinh của Chúa Giê su sẽ không có ý nghĩa khi người ta chỉ xem và ngưỡng mộ chứ không tiếp nhận.

 Việc ‘ăn thịt và uống máu’ là sự ám chỉ rõ ràng đến ý tưởng hiến tế, hình bóng của con sinh được áp dụng trong việc chuộc tội thời cựu ước.

 

** " Rút lui" Câu 60-71

 

"Có nhiều môn đồ nghe Ngài, thì nói rằng: Lời nầy thật khó; ai nghe được? Nhưng Đức Chúa Jêsus tự mình biết môn đồ lằm bằm về việc đó, bèn phán rằng: Điều đó xui các ngươi vấp phạm sao? Vậy, nếu các ngươi thấy Con người lên nơi Ngài vốn ở khi trước thì thể nào? Ấy là thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống. Song trong vòng các ngươi có kẻ không tin. Vì Đức Chúa Jêsus biết từ ban đầu, ai là kẻ không tin, ai là kẻ sẽ phản Ngài. Ngài lại phán rằng: Chính vì cớ đó, mà ta đã nói cùng các ngươi rằng nếu Cha chẳng ban cho, thì chẳng ai tới cùng ta được. Từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa. Đức Chúa Jêsus phán cùng mười hai sứ đồ rằng: Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng? Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta há chẳng đã chọn các ngươi là mười hai sứ đồ sao? Mà một người trong các ngươi là quỉ! Vả, Ngài nói về Giu-đa con Si-môn Ích-ca-ri-ốt; vì chính hắn là một trong mười hai sứ đồ, sau sẽ phản Ngài."

 

  Lời tuyên bố thần bí của Chúa Giê su còn được nhấn mạnh, là ăn thịt và uống máu Con Người sẽ được Ngài cho sống lại vào ngày sau rốt. Ẩn dụ mạnh mẻ về việc ăn thịt và huyết Chúa Giê su làm xúc phạm nhiều người Giu đa đã theo Ngài từ trước ( không kể 12 môn đồ ).


  Chúa Giê su cũng đã luờng trước được phản ứng của đám đông vì nghe thông điệp rất mới nầy, nhưng, Chúa Giê su không dừng lại khi thông báo một Lẽ Thật, đôi khi ngưòi ta tiếp nhận phép lạ rất dễ dàng, nhưng với Lẽ Thật thì không, vì Lẽ Thật không giống ý người ta nghĩ, điều người ta thường nghĩ thuộc về đất, nhưng Lẽ thật thuộc về Trời. Lẽ Thật thuộc lãnh vực của Tâm linh, phải bởi Thần linh cảm xúc thì mới hiểu được.

 

  Khi những kẻ đi theo Ngài nói: " Lời nầy thật khó, ai nghe được?" có ý là: " Lời nói kỳ quặc nầy không thể chấp nhận được" Có một số người theo chân Chúa rất lâu, thấy Ngài làm phép lạ thì ngưỡng mộ, bây giờ lại tỏ ra rất giận vì không tiếp nhận nổi điều Chúa Giê su tuyên bố. Chắc chúng ta hơi ngạc nhiên khi Chúa hỏi:

"Điều đó xui các ngươi vấp phạm sao? Vậy, nếu các ngươi thấy Con người lên nơi Ngài vốn ở khi trước thì thể nào?"


Ý Ngài nói, nếu bây giờ các ngươi giận về điều mà Cha đã muốn ban cho các ngươi để được chuộc tội, thì làm sao các ngươi có thể đứng nổi trong ngày phán xét của Ta khi Ta lên nước Trời?

 Chúa còn giải thích, sở dĩ người ta không tin được vì không hướng đến tâm linh, mà chỉ xoay quanh xác thịt, khi Phao lô nói về giao ước mới trong đức tin thì cũng dẫn ra câu mà Chúa Giê su nói ở đoạn nầy là Văn tự làm cho chết, nhưng Thần Linh làm cho sống trong II Cô rinh tô 3: 3-6

 

  "Vả, rõ thật rằng anh em là bức thơ của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em. Nầy là sự tin chắc của chúng tôi nhờ Đấng Christ mà có trong Đức Chúa Trời: không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời; và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống."

  Trong đức tin thật, Đức Thánh Linh giúp con người hiểu được Lẽ Thật- Cùng một câu Kinh Thánh có người hiểu được dễ dàng, có người lại không hiểu vì tâm linh không có Thánh Linh soi dẫn, đó là câu 65 Chúa Giê su nói: "Cha chẳng ban cho, thì chẳng ai tới cùng ta được"

 

   Theo như bối cảnh được tả trong lúc đó, người ta bỏ đi hết, chỉ còn lại 12 môn đồ, Chúa Giê su biết họ không bỏ đi, câu hỏi mà Ngài hỏi họ không phải là câu thách thức bi quan, nhưng diễn giải theo tiếng Hy Lạp thì có nghĩa: " Họ đã đi hết, còn các ngươi không đi phải không?" và câu trả lời được nghe là "Không". Kẻ bội đạo thường không có gốc rễ vững chắc trong niềm tin, kinh thánh nói họ tựa như chiếc thuyền neo không chắc, dập dềnh rồi sẽ trôi theo giòng nước, nhưng người đứng vững sẽ như một chiếc neo vững chắc, neo vào trong nơi Chí Thánh nơi có Đức Chúa Trời ngự. Quả thật như vậy, các môn đồ từ chối không theo những kẻ thối lui vì:

 

"Chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời."

 

  Họ đã đặt một niềm tin vững chắc nơi Con của Đức Chúa Trời và nơi Lời hằng sống của Ngài. Dù không hiểu hết những điều sâu nhiệm của Chúa Giê su, nhưng Đức Tin của họ không dời đổi.


  Cũng trong cơ hội nầy, Chúa Giê su muốn nhắn nhủ với một người trong số họ là dù 12 môn đồ nầy đều được chọn cách đặc biệt, nhưng có một người sẽ thất bại và phản Ngài.

  Chúng ta sẽ học tiếp tại sao người nầy lúc nào cũng được Chúa Giê su nhắc đến khi nói đến hình bóng về Tiệc Thánh. Tiệc Thánh và Niềm Tin vào việc tiếp nhận ý nghĩa " Ăn Thịt và Uống Huyết Chúa Giê su" có gì khác biệt? Hai điều đó cần được hiểu rõ nơi một tín đồ Đấng Christ.




 

 

 

 

"Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta." Lu ca 22:19b