Giăng 6: " Bánh Thuộc thể và bánh Thuộc linh"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lập lên một đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo đấng ấy!" Phục Truyền 18:15

Giăng 6: " Bánh Thuộc thể và bánh Thuộc linh"

 

Đọc Giăng 6: 14-22

 

Câu hỏi:

 

1/ Chúa Giê su có phải là Đấng Tiên tri mà Môi se đề cập tới trong Phục Truyền 18: 15 không?

 

2/ Dân Giu đa thấy Chúa Giê su làm phép lạ chữa bệnh, nhưng điều gì khiến họ nhớ đến lời tiên tri của Môi se?
                                     Hai điều mà dân sự được thoả mãn nơi Môi se là gì?

 

3/ Dân Giu đa muốn ép Chúa Giê su làm gì? Tại sao?

 

4/ Chúa Giê su để môn đồ chèo đi một mình. Ngài có biết là sẽ có giông tố xảy ra không?

 

5/ Ngài muốn Môn đồ học hỏi điều gì? Tại sao?

 

6/ Chúng ta có muốn được Chúa rèn luyện không? Ở mức độ nào?

 


                                   "Bánh Thuộc thể và bánh Thuộc linh"

 

*** " Muốn tôn Chúa Giê su lên làm Vua" Câu 14-17

 

" Những người đó thấy phép lạ Đức Chúa Jêsus đã làm, thì nói rằng: Người nầy thật là Đấng tiên tri phải đến thế gian. Bấy giờ Đức Chúa Jêsus biết chúng có ý đến ép Ngài để tôn làm vua, bèn lui ở một mình trên núi. Đến chiều, môn đồ xuống nơi bờ biển, và vào trong một chiếc thuyền, sang thẳng bờ bên kia, hướng về thành Ca-bê-na-um. Trời chợt tối, mà Đức Chúa Jêsus còn chưa đến cùng các môn đồ."

 

   Ngày xưa, khi Môi se là Đấng Tiên tri, đã dẫn dân Y sơ ra ên ra khỏi Ai Cập. Lúc còn trong sa mạc, Môi se đã cầu xin Đức Chúa Trời ban bánh Ma na, mỗi ngày đổ xuống cho dân sự suốt 40 năm dài, khi họ bước vào đất hứa thì Ma na mới ngưng. Phục Truyền luật lệ ký 18: 15 Môi se có nói một câu như sau:

 

" Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lập lên một đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo đấng ấy!"

 

  Vì câu nói nầy của Môi se, mà trải qua bao đời, người dân Y sơ ra ên đã mong chờ một Đấng Tiên tri y hệt như Môi se xuất hiện. Có một giáo sĩ Do Thái viết ra rằng, ý tưởng về một vị Tiên tri thứ nhì ban bánh như Môi se, giải cứu như Môi se đã hình thành rất sớm, in trong trí người dân Do Thái.

 

   Dân chúng đã không lầm khi cho rằng Chúa Giê su chính là Đấng Tiên tri ấy, được báo trước từ miệng của Môi se, nhưng, điều mà Chúa Giê su đem lại cho họ, rất khác với ý tưởng sẳn có của họ. Chương trình, kế hoạch của Đức Chúa Trời vượt xa sự hiểu biết của loài người y như trong Ê sai 55: 8 & 9 nói:

 

"Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu."



  *Bánh của Chúa Giê su ban cho, cũng là bánh từ Trời, nhưng không để nuôi Thuộc thể mà để đổi mới Thuộc linh.

  *Sự giải cứu mà Chúa Giê su đem đến không phải để ra khỏi ách nô lệ, áp bức của Vua Chúa đời nầy, nhưng là ách nô lệ tội lỗi của các thần dữ là Sa tan đang thống trị thế gian.

   Đã từ lâu, dân Giu đa thù ghét La Mã và cả chính quyền tay sai, từ trong dân họ là Vua Hê rốt. Dân Giu đa căm thù đến nỗi không bao giờ ngồi ăn cùng bàn với những người thu thuế cho La mã, cho rằng đó là những hạng người có tội. Xa chê hay Ma thi ơ, được ghi trong Kinh Thánh là một thí dụ.


    Khi dân Giu đa thấy Chúa Giê su làm phép lạ chữa bệnh, thì họ bị Ngài hấp dẫn và chạy theo, vì nhu cầu và cũng vì tò mò. Nhưng khi thấy Ngài hoá bánh cho cả ngàn người ăn, thì lời tiên tri của Môi se làm họ sực tỉnh, họ cho rằng Đức Chúa Trời đã sai một Đấng giải cứu, giải cứu họ khỏi tay La mã và cũng ban bánh cho dân họ luôn luôn.


  Với ý tưởng rất phấn khích nầy, dân Giu đa muốn tôn Chúa Giê su lên làm Vua cách thô bạo, họ theo dõi, lùng sục tìm Chúa, khiến Ngài phải đánh lạc hướng mọi người, để cho các môn đồ tự qua bên kia bờ hồ, còn Ngài thì lánh đi lên núi.

  Đối với Chúa Giê-su, viễn cảnh về một vương quốc trần gian, không gì khác hơn là sự cám dỗ của ma quỷ, và Ngài đã dứt khoát từ chối. Thật y như lúc Chúa Giê su ở trong đồng vắng, Sa tan cũng dẫn Ngài lên núi cao, hứa ban cho Ngài cả thế gian nếu Ngài theo nó. Chúng ta cám ơn Chúa Giê su, không phải chỉ một lần bị cám dỗ, mà nhiều lần. Chúa Giê su kiên định cho đến lúc " Chiên Con không tì vết được dâng lên để chuộc tội cả Thế gian."

 

*** "Sợ hãi vì bảo tố" câu 16-22

 

" Đến chiều, môn đồ xuống nơi bờ biển, và vào trong một chiếc thuyền, sang thẳng bờ bên kia, hướng về thành Ca-bê-na-um. Trời chợt tối, mà Đức Chúa Jêsus còn chưa đến cùng các môn đồ. Gió thổi ào ào, đến nỗi biển động dữ dội. Khi các môn đồ đã chèo ra độ chừng hai mươi lăm hay là ba mươi ếch-ta-đơ, thấy Đức Chúa Jêsus đi trên mặt biển, gần tới chiếc thuyền, thì sợ hãi. Nhưng Ngài phán rằng: Ấy là ta đây, đừng sợ chi! Bấy giờ, môn đồ muốn rước Ngài vào thuyền; tức thì chiếc thuyền đậu vào bờ, là nơi định đi. Đoàn dân ở bờ biển bên kia, đã nhận rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền, và Đức Chúa Jêsus không vào thuyền với môn đồ Ngài, chỉ một mình môn đồ đi mà thôi."

 

   Trong sách Mác đoạn 6: 45 nói Chúa Giê su ép các môn đồ lên thuyền:

 

"Rồi Ngài liền giục môn đồ vào thuyền, qua bờ bên kia trước mình, hướng đến thành Bết-sai-đa, trong khi Ngài cho dân chúng về."

 

Bản dịch đúng là " He constrained his disciples to enter into the boat " có nghĩa là " bắt" hay là "ép"

 

  Tại sao " bắt" hay "ép" khi Chúa Giê su biết trước là sẽ có bảo tố?

  Chúng ta nên nhớ, các môn đồ của Chúa Giê su hầu hết là những tay đánh cá ngay trên hồ Ga li lê, họ thường đánh cá ban đêm, và nếu là cơn bão nhỏ làm sao họ sợ hãi? Hồ Ga li lê còn gọi là biển hồ vì nó rộng lớn, hồ Ga-li-lê nổi tiếng với những cơn bão gió dữ dội, bất ngờ, nhanh chóng, khiến hồ trở nên nguy hiểm. Các sách khác nói cơn bão rất dữ, sóng ập phủ thuyền, con thuyền nhỏ gần chìm.


  Các môn đồ đã chèo ra hai mươi lăm hay là ba mươi ếch-ta-đơ, tương đương với ba hay bốn miles, khoảng cách nầy cho thấy trở vào cũng không còn kịp nữa vì đã ra giữa hồ..


   Không phải chỉ một lần nầy, Chúa Giê su đặt các môn đồ vào cảnh sợ hãi, mà có tới hai lần.


Ma thi ơ: 14: 24 &25 nói họ đã chèo suốt đêm, chống chọi với cơn bão gần 6 đến 8 tiếng, canh tư là khoảng từ 3 đến 6 giờ sáng thì Chúa Giê su mới tới tiếp cứu:

"Bấy giờ, thuyền đã ra giữa biển rồi, vì gió ngược, nên bị sóng vỗ. Song đến canh tư đêm ấy, Đức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ. "

 

   Nguyên cả một ngày phục vụ dân chúng, sau phải chạy trốn dân chúng, chèo thuyền suốt đêm trong bão tố.

  Chúa Giê su sao lại để các môn đồ chịu đựng nhiều như thế? Sách Mác chia sẽ một bí mật là Chúa Giê su đang theo dõi họ. Mác 6: 46 &47

 

"Ngài lìa khỏi chúng rồi, thì lên núi mà cầu nguyện. Đến tối, chiếc thuyền đang ở giữa biển, còn Ngài thì ở một mình trên đất. Ngài thấy môn đồ chèo khó nhọc lắm, vì gió ngược. Lối canh tư đêm ấy, Ngài đi bộ trên biển mà đến cùng môn đồ; và muốn đi trước."

 

  Có thể chúng ta đã bỏ qua chi tiết nầy, nên không hỏi tại sao Chúa Giê su đang ở trên núi mà lại thấy môn đồ chèo khó nhọc lắm, vì gió ngược?


  Chúa Giê su đã thấy hết mọi việc xảy ra, Ngài đến lúc họ đuối sức và tuyệt vọng, Chúa làm cho biển yên lặng, Ngài an ủi họ " Đừng sợ chi" Ngài muốn đi trước dẫn đường họ, rồi tức thì thuyền đến ngay trên bến vì Chúa biết họ đã quá mệt, không chèo nổi.

 

  Một đoạn kinh thánh ngắn ngủi, nhưng rất nhiều điều dạy dỗ, Chúa Giê su luôn theo dõi chúng ta, dù chúng ta không thấy Ngài. Đôi khi Chúa để chúng ta bị thử thách từ nhiều phía, nhưng Ngài luôn có cách. Chúa Giê su muốn chúng ta đương đầu với thử thách và đồng thời phải tin cậy Ngài. Vua Đa vít đã ngợi khen Đức Chúa Trời vì điều nầy. Thi Thiên 144: 1 nói:

 

"Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va thay, là hòn đá tôi! Ngài dạy tay tôi đánh giặc, Tập ngón tay tôi tranh đấu."

 

Và Thi Thiên 18: 32-35

"Đức Chúa Trời thắt lưng tôi bằng năng lực, Và ban bằng đường tôi. Ngài làm cho chân tôi lẹ như chân con nai cái, Và để tôi đứng trên các nơi cao của tôi. Ngài tập tay tôi đánh giặc, Đến đỗi cánh tay tôi giương nổi cung đồng. Chúa cũng đã ban cho tôi sự cứu rỗi làm khiên; Tay hữu Chúa nâng đỡ tôi, Và sự hiền từ Chúa đã làm tôi nên sang trọng. ."



  Chúa Giê su huấn luyện cho các môn đồ Ngài thành những người lính giỏi, chịu đựng, tranh đấu không ngã lòng, Ngài cũng muốn chúng ta nhớ rằng Ngài theo dõi mọi sự. Ngài cũng sẽ dẫn đường, cất hết gánh nặng khi chúng ta đuối sức.

 

"Ngài tập tay tôi đánh giặc, Đến đỗi cánh tay tôi giương nổi cung đồng." Thi Thiên 18:34