Giăng 5: " Chúa Giê su có cùng bản chất với Cha Ngài"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Đấng gìn giữ Y-sơ-ra-ên không hề nhắp mắt, cũng không buồn ngủ." Thi Thiên 121:4

Giăng 5: " Chúa Giê su có cùng bản chất với Cha Ngài"

 

Đọc Giăng 5: 16-30

 

Câu hỏi:

 

1/ Có ba tội mà người Pha ri si muốn buộc cho Chúa Giê su là gì?
Chúa Giê su có biện hộ cho mình vì sợ bị định tội không?

2/ Mục đích của lời tuyên bố của Ngài là gì? Chúa muốn người ta biết điều gì?

3/ Kể ra 3 điểm mà Chúa Giê su nói Ngài giống hệt Đức Chúa Trời?


4/ Chúa Giê su có phải là bản sao của Đức Chúa Trời không? Ngài có kém hơn Đức Chúa Trời không?

5/ Giữa Chúa Giê su và Đức Chúa Trời có sự gắn bó bởi điều gì?

6/ Vì sao Chúa Giê su đòi hỏi người ta phải tôn kính Ngài như tôn kính Đức Chúa Trời?

 

                                   "Chúa Giê su có cùng bản chất với Cha Ngài"

 

*** "Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy" Câu 16-18

 

" Nhân đó dân Giu-đa bắt bớ Đức Chúa Jêsus, vì cớ Ngài làm những sự ấy trong ngày Sa-bát. Nhưng Ngài phán cùng họ rằng: Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy. Bởi cớ đó, dân Giu-đa càng kiếm cách nữa để giết Ngài, chẳng những vì Ngài phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời."

 

  Dường như phép lạ mà Chúa Giê su tỏ ra cho người bại, không làm cho người Pha ri si chú ý hơn là vấn đề phạm ngày Sa bát và xúi giục người ta phạm ngày Sa bát, tội sau còn nặng hơn tội trước, thậm chí, Ngài còn tự xưng mình là Con Đức Chúa Trời, cho nên họ muốn giết Ngài.

  Chúa Giê su vốn nhu mì, nhưng Ngài không muốn loài người hiểu lầm ý nghĩa ngày Sa bát, ngày mà Đức Chúa Trời ban tặng cho con người, Chúa Giê su lên tiếng không phải để biện hộ cho mình, nhưng qua đó, Ngài giải thích và bày tỏ mối liên hệ của Ngài và Đức Chúa Trời. Theo các giáo sư giảng giải kinh thánh, thì trong phân đoạn nầy ngôn ngữ mà Chúa Giê-su sử dụng xuyên suốt hoàn toàn là ngôn ngữ Rabbinic. "Rabbinic" là một lối nói mà các giáo sĩ Do Thái dùng trong các sách kinh văn, họ đề cao ngôn ngữ Rabbinic vì cho Rabbinic có văn phạm rõ ràng để các hiền nhân, học sĩ dùng nó để viết sách.


  Do đó, khi Chúa Giê su dùng ngôn ngữ Rabbinic, Ngài muốn bậc cầm quyền tôn giáo nghe một tuyên ngôn rõ ràng. Chúa Giê su nhấn mạnh Ngài là Con Đức Chúa Trời, có bản tánh y hệt Đức Chúa Trời, làm công việc như Đức Chúa Trời, và rất gắn bó với Đức Chúa Trời. Đây là một tiết lộ rất lạ và rất khó hiểu, dù đó là người Pha ri si, được cho là thông thái và hiểu biết kinh văn.

  Có nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng nghĩ ngơi trong ngày Sa bát, điều nầy không đúng, Đức Chúa Trời có năng lực vô song, không cần lấy lại sức sau mỗi sáu ngày làm việc. Sách Sáng thế ký nói, Đức Chúa Trời nghỉ công việc sáng tạo, nhưng Ngài không bao giờ ngừng bảo tồn và quản lý nó, Trái đất, bầu Trời, muôn vật từng giây phút đều được vận hành dưới tay Đức Chúa Trời không hề ngừng nghĩ.


Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời không hề buồn ngủ, Thi Thiên 121:

"Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va, Là Đấng đã dựng nên trời và đất. Ngài không để cho chân ngươi xiêu tó; Đấng gìn giữ ngươi không hề buồn ngủ. Đấng gìn giữ Y-sơ-ra-ên không hề nhắp mắt, cũng không buồn ngủ. Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi; Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi. Mặt trời sẽ không giọi ngươi lúc ban ngày, Mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm. Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi tai họa. Ngài sẽ gìn giữ linh hồn ngươi. Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ ngươi khi ra khi vào, Từ nay cho đến đời đời."

Đức Chúa Trời vẫn đang làm việc vì loài người, Chúa Giê su cũng vậy. Ngày Sa bát không áp dụng cho chính Đức Chúa Trời, cũng như Chúa Giê su, điểm nầy còn ngụ ý Chúa Giê su bình đẳng với Đức Chúa Trời.

 

*** " Vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy." Câu 19-30

 

" Vậy, Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy. Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm; Cha sẽ tỏ cho Con công việc lớn lao hơn những việc nầy nữa, để các ngươi lấy làm lạ lùng. Vả, Cha khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng ban sự sống cho kẻ Con muốn thể ấy. Cha cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán xét cho Con, đặng ai nấy đều tôn kính Con, cũng như tôn kính Cha vậy. Ai không tôn kính Con, ấy là không tôn kính Cha, là Đấng đã sai Con đến. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, giờ đến, và đã đến rồi, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời, và những kẻ nghe sẽ được sống. Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy. Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con người. Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán. Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; ta xét đoán theo điều ta nghe, và sự xét đoán ta là công bình, vì ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta. ."

 

  "Con chẳng tự mình làm việc gì được chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm." Khi Chúa Giê su nói câu nầy, chúng ta không nên nghĩ rằng Chúa Giê su yếu kém, không thể làm điều gì một mình, những câu nói tiếp theo sau sẽ giải nghĩa cho câu trước.

  Chúa Giê su muốn diễn tả một mối liên hệ rất khắng khít giữa Ngài và Đức Chúa Trời, Ngài làm công việc của Đức Chúa Trời, y như Đức Chúa Trời làm, nhưng Ngài không phải là bản sao chép của Đức Chúa Trời, quan hệ giữa Ngài và Đức Chúa Trời không phải chủ, tớ mà là mối quan hệ bởi tình yêu và bình đẳng. Chúa Giê su còn cho biết năng quyền của Ngài còn có nhiều hơn việc người ta thấy người bại lâu năm bước đi, mà còn hơn thế nữa.   

   Điểm cao nhất mà mọi người  biết: Chỉ có mỗi mình Đức Chúa Trời mới có thể làm người chết sống lại và ban sự sống cho con người, nhưng hôm nay, Chúa Giê su nói Ngài cũng làm như vậy.

  Chúa Giê su cũng có năng quyền như Đức Chúa Trời lại còn được Đức Chúa Trời giao luôn sự phán xét cho Ngài - Sự phán xét sau nầy sẽ không dựa vào công việc hay luật pháp, nhưng dựa vào đức tin đi đôi với sự tôn kính. Chúa Giê su còn cho người Pha ri si và cả chúng ta biết rằng Chúa Giê su phải được tôn kính như Đức Chúa Trời. Tôn kính Cha thì phải tôn kính Con, nếu không tôn kính Con thì bị xem như không tôn kính Cha và chính Con sẽ xét đoán điều đó.

  Tuy nhiên, Giăng 3: 16 nói rõ, Con được sai xuống để cứu chứ không phải để định tội, hễ ai tin Con ấy thì được sống đời đời.

 

"Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu."

 

  Cha và Con cùng yêu và rất yêu loài người, nên Con thực hiện ý muốn của Cha, để loài người được cứu. Cha hy sinh Con và Con hy sinh chính mình để chết thế cho nhân loại.

 Phần con người chúng ta chỉ làm một việc duy nhất là Tin nhận Con là được cứu, sẽ không nằm trong danh sách bị phán xét của Con sau nầy.

"Cha yêu Con, và đã giao hết mọi vật trong tay Con. Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó." Giăng 3: 35 & 36

 



"Vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu; Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ." I Phi e rơ 2:6