Giăng 5: " Tại sao chữa bệnh trong ngày Sa bát? "

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

" Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết." Ê sai 9:1

Giăng 5: " Tại sao chữa bệnh trong ngày Sa bát? "

 

Đọc Giăng 5: 1-18

 

Câu hỏi:

 

1/ Tại sao gọi là cửa Chiên? Chúa Giê su vào đó để làm gì?

 

2/ Những người tàn tật, đau ốm, chờ chung quanh ao để làm gì?

              

3/ Tại sao Chúa Giê su chọn người bại trong số những người bệnh để chữa cho anh ta được lành?

 

 

4/ Tại sao Chúa Giê su phải hỏi anh ta có muốn được chữa lành không? Chúa chữa cho anh ta bằng cách nào?

 

5/ Vì sao người bại và Chúa Giê su bị ghép vào tội phạm luật ngày Sa bát? Chúa có đặt luật đó không?

 

6/ Vì sao người bại tố cáo ân nhân của mình? Chúa Giê su có ý định chỉ đến đền thờ để chữa bệnh không? cho biết một chi tiết chứng minh.

 


                                  " Tại sao chữa bệnh trong ngày Sa bát?"

 

*** " Cái ao Bê tết đa" câu 1-4

 

"Kế đó, có một ngày lễ của dân Giu-đa, Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem. Số là, tại thành Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Bê-tết-đa, xung quanh ao có năm cái vòm cửa. Những kẻ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xuội nằm tại đó rất đông, [chờ khi nước động; vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành]. "

 

   Chúa Giê su lên thành Giê ru sa lem vào ngày lễ, dù kinh thánh không nói đó là lễ gì, nhưng người ta đoán được là một trong ba ngày lễ lớn mà mọi người nam đều phải có mặt. Thời bấy giờ, đền thờ có 7 cửa lớn để dân Giu đa ra vào, và 4 cửa từ ngày xưa đã bị đóng lại. Cửa Chiên, gọi đúng là Cửa của Chiên, ở khu vực phía bắc đền thờ, không được coi là cửa cho người ta, vì nơi đó để cho chiên bị hiến tế đi vào từ hướng đồng cỏ, nơi mà chiên vào mà không bao giờ ra nữa, cái ao cũng là nơi chiên đi qua được rửa sạch trước khi dâng lên.

   Cái ao khi được đào lên, người ta phát hiện một kiến trúc cổ, có năm cái mái hiên, đúng như Giăng tả là có năm vòm cửa, người Giu đa gọi đó là ao Bê tết đa. Nơi đây cũng là nơi quy tụ những người đau ốm, tàn tật, họ ở đó vì có tin đồn rằng, thỉnh thoảng có một Thiên sứ xuống, làm cho nước động đậy. Ai nhảy xuống trước sẽ được chữa lành. Người ta không biết điều nầy có thật chăng? Nhưng dường như qua cách nói của những người tại đó, trong câu 4 thì thỉnh thoảng cũng có người được chửa lành.

  Cửa Chiên dành cho Chiên và cho những người bị bỏ rơi trong xã hội, nghèo nàn, đau khổ, bệnh tật, không thể nào tự mình vực dậy, đang trông chờ một phép lạ. Tất cả hy vọng của họ nằm trong cái ao kia, họ phải nhìn nó, canh chừng nó suốt ngày để có được sự chữa lành.

  Chúa Giê su có thể vào 7 cửa kia, nhưng Ngài chọn cái cửa nầy, cái cửa mà người ta gớm, không muốn vào vì gặp những thành phần tận cùng của xã hội. Người ta gọi cửa Chiên là cửa vào mà không ra, nhưng Chúa Giê su muốn vào đó, đem một niềm tin đầy hy vọng cho đám dân cùng khốn, vì Ngài nói Ngài là Cửa của Chiên:

 

" Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật.Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình." Giăng 10: 9-11

 

"Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ nghèo. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu;" Ê sai 61:1

 

        Chúa Giê su vào cửa Chiên để chữa lành cho người bại và tự xưng mình là Cửa của Chiên. Ngài đến để những người khốn khổ không nhìn xuống cái ao mà thấy vô vọng, nhưng được nhìn thấy Đấng Cứu rỗi, Đấng có quyền giải cứu.

 


*** " Ngươi có muốn lành chăng?" câu 5-9

 

" Nơi đó, có một người bị bịnh đã được ba mươi tám năm. Đức Chúa Jêsus thấy người nằm, biết rằng đau đã lâu ngày thì phán: Ngươi có muốn lành chăng? Người bịnh thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi.Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi. Vả, bấy giờ là ngày Sa-bát."

 

  Tại sao Chúa Giê su chọn nguời bại trong nhiều người ở đó để chữa cho ông? Người bại nầy đã bị bệnh 38 năm, với thời gian lâu như vậy, thân thể ông đã thoái hoá, ông nằm đó mọi người đều biết, ông đặt hy vọng mình nơi cái ao, nhưng không thể làm được. Chính vì thế, Chúa mới hỏi ông: " Ngươi có muốn lành chăng?" Chúa muốn ông nói lên sự vô vọng của mình, để Ngài thay thế vào lòng ông một Tin mừng cho cả thuộc thể và thuộc linh.



   Chúa Giê su không cần rờ đến người đàn ông đó, Ngài chỉ nói: "Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi" thì người ấy được lành, trở nên như một người bình thường, lại còn vác giường mà đi trước mặt mọi người.


   Ai có thể làm được một việc như thế? Người bại 38 năm, được chữa lành ngay tức khắc, và đồng thời được ban cho một thân thể mới. Bây giờ chắc không còn ai ở đó muốn nhìn xuống cái ao, nhưng sẽ nhìn lên Đấng lạ lùng đang đứng trước mặt họ.


   Chúa Giê su đã chọn một trường hợp nan giải nhất, có nhiều người biết nhất, và cũng là người mang hy vọng nhỏ nhất nơi cái ao, để chửa lành cho người đó. Ngài muốn dùng ông như một nhân chứng sống để loan báo Tin mừng: hôm nay là Đấng Mê si đã đến. Nhưng mọi sự diễn ra hoàn toàn trái ngược.

 

*** " Nay là ngày Sa-bát, ngươi không phép mang giường mình đi." Câu 10-16

 

"Các người Giu-đa bèn nói với kẻ được chữa lành rằng: Nay là ngày Sa-bát, ngươi không phép mang giường mình đi. Người trả lời rằng: Chính người đã chữa tôi được lành biểu tôi rằng: Hãy vác giường ngươi và đi. Họ hỏi rằng: Người đã biểu ngươi: Hãy vác giường và đi, là ai? Nhưng người đã được chữa lành không biết là ai: vì Đức Chúa Jêsus đã lẫn trong đám đông tại chỗ đó. Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng. Người đó đi nói với các người Giu-đa rằng ấy là Đức Chúa Jêsus đã chữa lành cho mình. Nhân đó dân Giu-đa bắt bớ Đức Chúa Jêsus, vì cớ Ngài làm những sự ấy trong ngày Sa-bát."

 

  Ngày nay, khi người ta đọc đến đoạn Kinh Thánh nầy, mọi người đều bức rức. Luật của ngày Sa bát do con người đặt ra, đã che khuất cả Đức Chúa Trời.

 Tai sao thấy một người bại 38 năm vác giường đi mà còn bảo: "Nay là ngày Sa-bát, ngươi không phép mang giường mình đi." và còn đi tìm người chữa lành cho ông ấy để bắt lỗi: " Tại sao chữa bệnh trong ngày Sa bát?" Có những điều không vi phạm luật ngày Sa-bát của Đức Chúa Trời, mà là sự giải thích sai trật của con người về luật của Đức Chúa Trời.

   Có một cái màn của sự kiêu hảnh về luật pháp, đã che mất tất cả ân điển tốt lành đến từ Đức Chúa Trời. Người ta muốn đẹp lòng Đức Chúa Trời khi đặt ra bao nhiêu luật và lệ rườm rà cho ngày Sa bát, nhưng, Đức Chúa Trời lên án những điều đó, vì ngày Sa bát là ngày dân Chúa được nghĩ ngơi, vui vẻ thờ phượng Chúa, chứ không phải lúc nào cũng canh chừng, sợ phạm luật rồi bị bắt. Trong Ê sai 28 nói Chúa nổi giận vì dân Chúa bị sập bẩy: Ê sai: 28: 10-13

 

"Vì, với họ phải giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia! Vậy nên Đức Giê-hô-va sẽ dùng môi lạ lưỡi khác mà phán cùng dân nầy. Ngài đã phán cùng nó rằng: Đây là nơi yên nghỉ; hãy để kẻ mệt nhọc được yên nghỉ. Nầy là lúc mát mẻ cho các ngươi. Thế mà họ chẳng chịu nghe. Lời Đức Giê-hô-va đối với họ sẽ là giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ nầy, một chút chỗ kia; hầu cho họ bước tới, thì ngã nhào và giập nát, sập bẫy, và bị bắt! "

 

   Nay, chính Con Đức Chúa Trời cũng đang bị bắt vì phạm luật ngày Sa bát. Đáng buồn thay, bao nhiêu năm người Giu đa mong chờ Đấng Mê si, Ngài đã đến, đã làm phép lạ cho mọi người thấy, thế mà họ không nhìn nhận.


  Chính vì thế mà Chúa Giê su không muốn tỏ lộ mình ra nữa, Ngài cũng không có ý định chữa lành cho hết thảy người bệnh ở đó. Khi gặp lại người đàn ông được chữa lành, Chúa Giê su muốn bảo ông rằng: Nay thân thể đã được lành, hãy sống tử tế, đừng phạm tội, vì nếu thân thể lành lặn mà phạm tội thì còn xấu hơn khi chỉ nằm một chỗ. Chúa Giê su chẳng những ban cho anh ta cuộc sống mới, Ngài muốn anh ta cũng được sạch về phần tâm linh.

 

   Người đàn ông thay vì mang ơn Chúa Giê su, đã chỉ điểm Ngài cho bậc cầm quyền ! Có người nói rằng: "Người đàn ông đã được chữa lành dường như là một sinh vật khó ưa…Ngay khi biết được danh tính của Ân nhân của mình, anh ta đã phản bội, mách Ngài cho chính quyền thù địch.”

 

  Các nhà giải kinh đã cố gắng để có thể hiểu được tâm tình người đàn ông trong tình huống đó, họ tìm hiểu nơi các văn bản xưa, và có câu trả lời rằng: Có thể anh ta bị bậc cầm quyền đe doạ nặng nề, Theo trích dẫn của Lightfoot:

" Về lý thuyết, hình phạt cho việc không vâng lời vào ngày Sa-bát là nghiêm trọng. “Bất cứ ai vào ngày Sa-bát mang bất cứ thứ gì vào, hoặc lấy bất cứ thứ gì từ nơi công cộng đến nơi riêng tư, nếu người đó vô ý làm điều này, thì người đó sẽ phải bị hy sinh cho tội lỗi của mình; nhưng nếu cố tình, anh ta sẽ bị chặt đầu và bị ném đá.”

Chúng ta nghĩ sao, khi Chúa bảo anh ta vác giường đi trong ngày Sa bát? Ngài có biết điều đó gây rắc rối cho cả hai bên không? Chúng ta sẽ chờ bài học kỳ tới.

 

 

 

"Khốn thay cho những kẻ lập luật không công bình, cho những kẻ chép lời trái lẽ," Ê sai 10:1