Giăng 4: "Hãy xem đồng ruộng, đã vàng cho mùa gặt."
"Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi! " Thi Thiên 119:103
Giăng 4: "Hãy nhướng mắt xem đồng ruộng, đã vàng cho mùa gặt."
Câu hỏi:
1/ Điều gì khiến Bà Sa ma ri quên bình nước và Chúa Giê su không cần ăn lúc đó?
2/ Có thức ăn cho thuộc linh không? Đó là gì?
3/ Thức ăn thuộc linh có công dụng gì đối với một con cái Chúa?
4/ Đồng ruộng chín vàng có nghĩa gì?
5/ Đồng ruộng, lúa chín, người gieo, con gặt, kẻ tưới là ai? Ai làm cho lớn lên?
6/ Ai gieo trong ruộng dân Sa ma ri? Ai gặt trong ruộng Sa ma ri? Lúc nào?
"Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt."
***Ta có một thứ lương thực để nuôi mình: Câu 27-34
"Khi đó, môn đồ tới, đều sững sờ về Ngài nói với một người đàn bà; nhưng chẳng ai hỏi rằng: Thầy hỏi người ấy điều chi? hay là: Sao thầy nói với người? Người đàn bà bèn bỏ cái vò của mình lại và vào thành, nói với người tại đó rằng: Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm; ấy chẳng phải là Đấng Christ sao? Chúng bèn từ trong thành ra và đến cùng Đức Chúa Jêsus. Song le, môn đồ nài nỉ một bên Ngài mà rằng: Thưa thầy, xin hãy ăn. Ngài đáp rằng: Ta có một thứ lương thực để nuôi mình mà các ngươi không biết. Vậy môn đồ nói với nhau rằng: Có ai đã đem chi cho thầy ăn chăng? Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài."
Như chúng ta đã đọc trong đoạn trước, theo phong tục thời bấy giờ, người đàn ông nếu không cần thiết, sẽ không nói chuyện lâu với một phụ nữ.
Khi các môn đồ trở về thấy Chúa Giê su nói chuyện với phụ nữ, mà còn là phụ nữ Sa ma ri thì rất ngạc nhiên, vì Chúa đã vượt qua ranh giới của xã hội, nhưng tất cả bọn họ đều không hỏi gì cả, vì họ đã chứng kiến những lần Chúa Giê su không theo qui luật của người Pha ri si. Họ biết Chúa có lý do chính đáng cho hành động của mình. Chỉ trong mấy câu Kinh Thánh nầy, chúng ta thấy được các môn đồ rất yêu mến Thầy, năn nỉ để Thầy ăn và cũng tin cậy, kính trọng Thầy, cho rằng mọi việc Thầy làm đều chính đáng.
Người đàn bà Sa ma ri chạy vào trong làng để gọi mọi người ra gặp Chúa, môn đồ Giăng cũng có mặt ở đó, ông nhớ một chi tiết nhỏ nhưng bất thường là bà Sa ma ri đã quên đi cái bình ở bên giếng nước. Bà Sa ma ri vui mừng quá vì gặp Chúa, bà quên công việc đang phải làm, bà muốn gọi mọi người ra gặp Chúa Giê su, bà nói với họ là bà đã gặp Đấng Christ.
Lúc trước, đối với người chung quanh, chắc bà Sa ma ri tránh né dĩ vãng của mình, nhưng nay, bà lại dùng nó để người ta tin Chúa khi bà nói:
"Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm"
nếu nói thẳng, thì phải hiểu là " Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều xấu xa tôi đã làm" Điều nầy đã thuyết phục được dân làng, họ kéo ra rất đông, đó là lý do tại sao Chúa Giê su không ăn, Ngài chờ để tiếp đón họ.
Một tội nhân không đủ cho Chúa, Ngài chờ đón nhận cả làng, Ngài tuyên bố đó là thức ăn thuộc linh của Ngài, khi Ngài thực hiện ý muốn của Cha.
Bà Sa ma ri khi nghe Tin lành đã mừng quá mà quên đi bình nước là nhu cầu trong đời sống mình. Chúa Giê su vì muốn đem Tin lành cho người Sa ma ri mà cũng quên đi nhu cầu của thân thể, khi mình chưa ăn gì. Là Tín đồ, chúng ta thường được nghe lời Chúa Giê su dạy rằng:
" Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời." Ma thi ơ: 4:4
Thức ăn thuộc linh, bổ dưỡng cho phần tâm linh, là nghe lời Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn của Ngài.
Có một đoạn Kinh Thánh nói về đồ ăn thức uống cho thuộc linh mà Đức Chúa Trời tha thiết muốncon cái Ngài đón nhận để được sống:
"Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến, mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá. Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no? Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon, và cho linh hồn các ngươi vui thích trong của béo. Hãy nghiêng tai, và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh hồn các ngươi được sống." Ê sai 55:1-3
Chúa ví thức ăn thuộc linh Chúa ban cho đều là đồ ngon, của bổ, làm cho người ta được sống. Đoạn trên ví những thức ăn đó như rượu, sữa và của béo, bồi bổ linh hồn và làm nó vui thích, thoả mãn. Những chỗ khác, Kinh Thánh cũng ví Lời Chúa như Bánh mì và Mật.
**Một tôi tớ Chúa không thường xuyện dầm mình trong lời Chúa sẽ khô cằn, không thể giảng dạy, chăm sóc con dân Chúa được, và đó không phải là một tôi tớ mà Chúa chọn:
" Ta sẽ ban các kẻ chăn giữ vừa lòng ta cho các ngươi, các kẻ ấy sẽ lấy sự sáng suốt khôn ngoan mà chăn nuôi các ngươi." Giê rê mi 3: 15
** Một con cái Chúa mà không học lời Chúa, sẽ không lớn lên:
" Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt."
1Cô rinh tô 3:2
"Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ." Hê bơ rơ 5: 12-14
Kinh thánh sử dụng các ẩn dụ về thức ăn cho thấy tầm quan trọng của việc hấp thụ Lời Chúa, biến nó thành một phần của đời sống. Lời Chúa không phải là thứ chỉ để nghiên cứu hay đọc, mà là để dân Đức Chúa Trời “ăn”.
" Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy." Giê rê mi 15:16a
** Làm theo ý muốn Chúa là một bước để trưởng thành:
" Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài; " I Phi e rơ 2:9
Được Chúa lựa chọn, được phong chức Thầy Tế lễ của nhà Vua, được quốc tịch nước Trời ....rồi không làm chi hết, không thi hành chức vụ, cũng không thực hiện nghĩa vụ, không giúp ai vào nước Trời như mình đã được vào. Các bạn nghĩ như vậy có hợp lý không?
Rao giảng Tin lành là nghĩa vụ không phải tự nguyện.
Nếu chúng ta có đọc lời tuyên bố của Chúa trong Ê xê chi ên 33, chúng ta sẽ có một suy nghĩ nghiêm túc:
"Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hỡi con người, hãy nói cùng con cái dân ngươi mà rằng: Khi ta sai gươm đến trên một đất nào, và dân đất ấy chọn một người trong chúng nó để đặt làm kẻ canh giữ, nếu người nầy thấy gươm đến trong đất, thì thổi kèn để rao bảo dân sự. Bấy giờ, hễ ai nghe tiếng kèn mà không chịu răn bảo, và nếu gươm đến bắt lấy nó, thì máu của người ấy sẽ đổ lại trên đầu nó; vì nó có nghe tiếng kèn mà không chịu răn bảo, vậy máu nó sẽ đổ lại trên nó; nhưng nếu nó chịu răn bảo thì cứu được mạng sống mình. Nhưng nếu kẻ canh giữ thấy gươm đến mà không thổi kèn, đến nỗi dân sự chẳng được răn bảo, và gươm đến mà cất sự sống của người nầy hoặc người kia đi, thì người đó sẽ chết trong sự gian ác mình; song ta sẽ đòi lại máu nó nơi người canh giữ. Nầy, hỡi con người, ta đã lập ngươi đặng làm kẻ canh giữ cho nhà Y-sơ-ra-ên; nên hãy nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo trước cho chúng nó. Khi ta phán cùng kẻ dữ rằng: Hỡi kẻ dữ, mầy chắc chết! nếu ngươi không răn bảo để cho kẻ dữ xây bỏ đường lối xấu của nó, thì kẻ dự ấy sẽ chết trong sự gian ác mình; nhưng ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi. Nếu, trái lại, ngươi đã răn bảo kẻ dữ đặng xây bỏ đường lối xấu của nó mà nó không xây bỏ, thì nó sẽ chết trong sự gian ác nó, còn ngươi đã giải cứu mạng sống mình." Ê xê chi ên 33: 1-9
Nếu một người cảm nhận tình yêu lớn của Chúa Giê su đã hy sinh cho mình, thì sẽ dùng tình yêu đó mà ban phát lại, nếu không làm điều đó, mình sẽ thấy khó chịu như người mắc nợ mà không trả nợ được. Phao lô đã viết lên tâm tình đó của mình:
"Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay. Nếu tôi vui lòng làm việc đó, thì được thưởng; lại nếu tôi không vui lòng mà làm, thì cái chức vụ cũng vẫn phó thác cho tôi. Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Ấy là khi giảng Tin Lành, thì giảng nhưng không, chẳng dùng quyền tôi có như người giảng Tin Lành." Cô rinh tô 9: 16-18
Mong rằng chúng ta cũng sẽ thấy khó chịu như Phao lô, nếu chúng ta im lặng sau khi được cứu, không chịu nói Tin lành cho người khác.
*** Đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt." Câu 35-42
"Các ngươi há chẳng nói rằng còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao? Song ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt. Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ. Vì đây người ta có thể nói rằng: Người nầy thì gieo, người kia thì gặt, là rất phải. Ta đã sai các ngươi gặt nơi mình không làm; kẻ khác đã làm, còn các ngươi thì đã vào tiếp lấy công lao của họ. Có nhiều người Sa-ma-ri ở thành đó tin Ngài, vì cớ lời đàn bà đã làm chứng về Ngài mà rằng: Ngài đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm. Vậy, các người Sa-ma-ri đã đến cùng Ngài, xin Ngài vào trọ nơi mình; Ngài bèn ở lại đó hai ngày. Khi đã nghe lời Ngài rồi, người tin Ngài càng đông hơn nữa. Họ nói với người đàn bà rằng: Ấy không còn phải vì điều ngươi đã nói với chúng ta mà chúng ta tin đâu; vì chính chúng ta đã nghe Ngài, và biết rằng chính Ngài thật là Cứu Chúa của thế gian."
Đối với người nông dân, bốn chữ "đồng ruộng, đã vàng" nói lên sự cấp bách của công việc, Chúa Giê su dùng hình ảnh một cánh đồng đã tới lúc thu hoạch để nhấn mạnh thời gian chóng vánh của nó, cơ hội không để vuột qua.
Ngài cũng nhắc đến người gieo giống và con gặt - Nghĩa là có nhiều bàn tay làm việc trên đồng ruộng đó.
Cánh đồng do Đức Chúa Trời sở hữu, là công trường thuộc linh mà có nhiều người cùng nhau góp sức. Một mãnh ruộng phải có người chuẩn bị cày xới đất đai, đó là những người tiên phong đi trước. Những người đó đã sửa soạn mọi thứ cho người đến sau truyền giảng Tin lành. Giăng Báp tít là một người như vậy. Phao lô cũng đi khắp nơi, nhưng không ở lại, ông vừa rao giảng, vừa làm một người gây dựng, để cho những Mục sư đi sau tiếp tục công việc ban đầu của ông. Phao lô rất nổi bậc trong nhiệm vụ khai phá.
Người gieo giống sẽ đến sau người khai phá, người ấy sẽ đem Tin lành rao giảng cho mọi người, ở nơi mà Đức Thánh Linh đã dẫn họ đến.
" Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền tin Lành là tốt đẹp biết bao!" Rô ma 10: 14-15
Không có chỗ nào trong Kinh Thánh khen chân người sang trọng đẹp, nhưng, những bàn chân nứt nẻ, những bàn chân thương tích, những bàn chân dính bụi đường, xấu xí vì Tin lành của người gieo giống, được Chúa khen là đẹp! Vì nó đang thực hiện một công tác đẹp.
Người trồng, kẻ tưới cũng được giải thích trong Kinh Thánh. Khi Phao lô trồng hạt giống Tin lành cho tín đồ xong, ông ra đi, để Hội Thánh lại cho A bô lô, A bô lô là mục sư, là người chăn nuôi Hội Thánh, ông sẽ tưới cho những cây trồng, nhưng Kinh Thánh xác định, chính Đức Chúa Trời làm cho lớn lên.
"Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm. Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây." ICô rinh tô 3: 6-9
(Ở một chỗ khác, nói về việc phân biệt con cái thật hay con cái giả trong ngày tận chung, con gặt là hình ảnh của Thiên sứ, khác với ý trong đoạn nầy.)
" Hãy ngước mắt lên, nhìn đồng ruộng đã chín vàng" Chúa bảo môn đồ phải nhìn việc Ngài làm bằng con mắt thuộc linh, hãy bỏ những thành kiến về người Sa ma ri, mà thu gặt họ.
Từ khi Chúa Giê su dẫn các môn đồ đi ra, chưa có chỗ nào Chúa nói " đồng ruộng chín vàng" như ở đây, Chúa là Đức Chúa Trời, Ngài nhìn thấu lòng người, Ngài biết làng nầy sẽ có rất nhiều người tin Chúa. Quả thật vậy, có rất nhiều người tiếp nhận Chúa, sau khi nghe lời từ chính Chúa, người Sa ma ri đã gọi Ngài là " Cứu Chúa của Thế gian" và còn khẳng định là tự mình nhận lấy đạo không phải vì nghe theo bà Sa ma ri.
Chúa và môn đồ đã ở đó hai ngày, vì sự nài xin của họ. Quả thật đó là một cánh đồng đã sẳn sàng để con gặt đến gặt. Chúa Giê su cũng tuyên bố phần thưởng của con gặt là sự sống đời đời, cả người gieo giống lẫn người gặt đều vui vẻ vì được thưởng.
Chúa Giê su làm gương của một người gieo giống - Gieo tại nơi mà người Do Thái không thích, nhưng Đức Chúa Trời muốn.
Khi đi ra rao giảng, hãy cầu nguyện để Đức Thánh Linh dẫn dắt, Ngài biết chỗ nào cần gieo, chỗ nào cần gặt. Phao lô lấy kinh nghiệm của mình, chia sẽ cho chúng ta thấy Chúa có những cánh cửa, có khi đóng, có khi mở. Đức Thánh Linh luôn đi cùng với người gieo, con gặt để có kết quả tốt cho Đức Chúa Trời.
Sau khi Chúa về Trời, các môn đồ Chúa đã không quên cánh đồng người Sa ma ri, họ trở lại đó và gặt. Chúng ta sẽ được thấy câu chuyện tiếp theo ở Công vụ các sứ đồ đoạn 8.
" Xin hãy làm cho tôi được sống, tùy theo sự nhân từ Chúa, Thì tôi sẽ gìn giữ chứng cớ của miệng Chúa. " Thi Thiên 119:88