Giăng 3 "Ni-cô-đem gặp Chúa, được nghe về sự Tái sinh"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời." 1 Giăng 3: 6

Giăng 3: "Ni-cô-đem gặp Chúa, được nghe về sự Tái sinh"

 

Đọc Giăng 3: 1-15

 

Câu hỏi:

 

1/ Ni -cô-đem là ai? Tại sao phải đến gặp Chúa ban đêm?

2/ Động cơ nào khiến Ni -cô-đem muốn gặp riêng Chúa?

3/ Chúa Giê su đã hướng câu chuyện sang điều gì? Ngài có đi lạc hướng không?


4/ Theo Chúa Giê su, muốn vào nước Trời phải làm gì?

5/ Ni -cô-đem đã hỏi hai câu hỏi nào? Chúa Giê su có thật sự chê Ni -cô-đem không? Tại sao?

6/ Câu hỏi của Ni -cô-đem sau cùng, Chúa Giê su trả lời ra sao?

 


                            "Ni-cô-đem gặp Chúa, được nghe về sự Tái sinh"

 

Cuộc gặp gở của Ni-cô-đem và Chúa Giê su đã tiết lộ một lẽ thật, biến đổi hàng triệu triệu cuộc đời trong nhiều thiên niên kỷ, kể từ buổi tối đó. Buổi trò chuyện đáng chú ý này, được tìm thấy trong sách Giăng, chương ba.

 

***Ni- cô -đem là ai?: Câu: 1&2

 

"Trong vòng người Pha-ri-si, có người tên là Ni-cô-đem, là một người trong những kẻ cai trị dân Giu-đa. Ban đêm, người nầy đến cùng Đức Chúa Jêsus mà nói rằng: Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được."

 

      Ni-cô-đem, cái tên có nghĩa là “chiến thắng của nhân dân”, đủ ấn tượng để giành được sự ngưỡng mộ của người dân. Có ba tiêu chuẩn tốt đẹp của một người đàn ông thời đó là:

                              Đạo đức - Địa vị và Giàu có, Ni-cô-đem có đủ ba diều đó.

 

          Giăng 3:1 giới thiệu ông là “một người Pha-ri-si, tên là Ni-cô-đem, là thành viên của hội đồng cai trị Do Thái”.

Đầu tiên, Ni-cô-đem là một người Pha-ri-si”:

 

       Người Pha-ri-si là một nhóm trong cộng đồng Do Thái, họ kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt luật Môi-se. Các giáo sĩ Do Thái của họ đã xây dựng một hệ thống luật diễn giải, mở rộng và bảo vệ các điều luật căn bản .

  Vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, có khoảng 6.000 người Pha-ri-si trong cộng đồng Do Thái, đó là một tỷ lệ nhỏ so với dân số, nhưng họ có rất nhiều ảnh hưởng đối với xã hội qua ba phương diện:

             1/ Hướng dẫn đời sống đạo đức và làm gương cho dân chúng.

             2/ Quyết định điều đúng sai về tiêu chuẩn thánh thiện

                   - Người Pha ri si nổi tiếng hiểu biết luật pháp và là những người soạn luật.


             3/ Có thẩm quyền trong toà án nhân dân (Toà Công luận) dưới hình thức như một công tố viên

                            và đôi khi cũng là luật sư bào chữa, nếu thấy bị cáo vô tội.

 

Thứ hai: Ni-cô-đem ở trong Hội đồng quản trị:

   

  Hội đồng quản trị còn gọi là Toà Công luận, gồm 70 thành viên, dựa trên con số 70 quan xét xử mà Môi-se đã chỉ định để giảm bớt gánh nặng của ông theo đề nghị của Giê trô, cha vợ Môi se (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:17–23):

 

  "Quả thật, con cùng dân sự ở với con sẽ bị đuối chẳng sai, vì việc đó nặng nề quá sức con, một mình gánh chẳng nổi. Bây giờ, hãy nghe cha khuyên con một lời, cầu xin Đức Giê-hô-va phù hộ cho. Về phần con, hãy làm kẻ thay mặt cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời, và đem trình mọi việc cho Ngài hay. Hãy lấy mạng lịnh và luật pháp Ngài mà dạy họ, chỉ cho biết con đường nào phải đi, và điều chi phải làm. Nhưng hãy chọn lấy trong vòng dân sự mấy người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật, ghét sự tham lợi, mà lập lên trên dân sự, làm trưởng cai trị hoặc ngàn người, hoặc trăm người, hoặc năm mươi người, hoặc mười người, đặng xét đoán dân sự hằng ngày. Nếu có việc can hệ lớn, họ hãy giải lên cho con; còn những việc nhỏ mọn, chính họ hãy xét đoán lấy. Hãy san bớt gánh cho nhẹ; đặng họ chia gánh cùng con. Nếu con làm việc nầy, và Đức Chúa Trời ban lịnh cho con, con chắc sẽ chịu nổi được, và cả dân sự nầy sẽ đến chỗ mình bình yên. Môi-se vâng lời ông gia mình, làm y như mọi điều người đã dạy. Vậy, Môi-se bèn chọn trong cả Y-sơ-ra-ên những người tài năng, lập lên trên dân sự, làm trưởng cai trị, hoặc ngàn người, hoặc trăm người, hoặc năm mươi người, hoặc mười người; họ xét đoán dân sự hằng ngày. Các việc khó họ giãi lên cho Môi-se; nhưng chính họ xét lấy các việc nhỏ."

 

   Hội đồng quản trị Do Thái không chỉ đơn thuần đóng vai trò của một toà án tôn giáo, mà thật sự có thẩm quyền về chính trị - Cả 70 người nầy được chính quyền La mã chấp thuận để họ cai trị dân Do Thái dựa trên luật pháp Môi se - Họ có quyền trên mọi quyết định về tội nhân, trừ việc xử tử.


   Chúng ta cần phân biệt hệ thống của đền thờ và hệ thống quản trị nầy - Hệ thống đền thờ có Thầy Tế Lễ cả đứng đầu, còn Hội đồng quản trị có 70 người thì đồng ghế .

   Để có một chỗ đứng vững chắc trong thời đại đó, Thầy Tế lễ đã có tương thông mật thiết với các thành viên Hội đồng, và Hội đồng cũng có người phục vụ cho La mã, muốn làm vừa lòng La mã.


   Thành viên Hội đồng quản trị đa số là người Sa-đu-sê không hiểu biết luật như người Pha ri si, nhưng họ đều là qúi tộc giàu có - Chỉ ít người Pha ri si được lọt vào nhóm nầy, người đó cũng phải nổi tiếng và giàu có như họ, mới có thể ngồi cùng ghế cai trị với họ. Ni-cô-đem là người đó.

   Như vậy, Ni-cô-đem được tôn trọng biết bao nhiêu, nhưng ông thấy cuộc sống ông vẫn còn thiếu điều gì đó - Luật pháp không làm thoả mãn một người đàn ông muốn được gặp Chúa thật.


  Trong Giăng đoạn 2 có nói "có nhiều người thấy phép lạ Ngài làm, thì tin danh Ngài." Ni-cô-đem là một trong số đó.

 

 Tại sao Ni-cô-đem lại đến vào ban đêm?

 

 

    Có người nói, ban đêm là lúc thuận tiện cho cuộc găp gở riêng tư, đủ thì giờ cho nhiều câu hỏi. Cũng có người nói, với địa vị của Ni-cô-đem, đi gặp một người như Chúa Giê su, sẽ làm nhiều người Pha ri si khó chịu phải nên giấu kín, hay cũng có thể là một giáo sư, mà phải đi học hỏi thêm, thì cũng nên tránh tai mắt của dân chúng. Mặc dù thế nào đi nữa, gặp lúc nào không quan trọng, động cơ làm cho Ni-cô-đem đến mới đáng được chú ý.

Giáo sư của đời đến gặp Giáo sư từ Trời:

 

   Ngay khi gặp Chúa Giê su, Ni-cô-đem đã xưng tụng Chúa Giê su là Giáo sư từ Trời - Có lẽ trong cả xứ Do Thái, Ni-cô-đem là giáo sư bậc nhất, ông sẽ không cần hỏi ai nữa, chỉ trừ ra một Giáo sư từ Trời. Có một thời gian rất dài, Đức Chúa Trời đã im lặng với dân tộc Do Thái, họ như một miếng đất khô cằn, mà con người của luật pháp ra sức cày cấy trên đó, nhiều thế hệ, họ đã không thấy được một giọt mưa thần hựu nào có thể tưới mát đời sống đức tin của họ, cho nên trong đoạn 2, Giăng nói rằng có nhiều người nơi đền thờ thấy phép lạ Chúa Giê su làm nên tin, trong đó có Ni-cô-đem.

  Ngay sau hôm đó, Ni-cô-đem muốn làm một quyết định cho riêng mình, ông đi gặp Chúa Giê su để nói chuyện riêng. Không ngờ cuộc gặp gở đó lại cũng là cuộc gặp gở của những người đi theo Chúa được biết rằng:

 

                                 " Muốn lên nước Trời phải được Tái sinh"

 

***Người đi phỏng vấn lại bị phỏng vấn: Câu 3-13:

 

"Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời. Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy. Ni-cô-đem lại nói: Điều đó làm thể nào được? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi là giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên, mà không hiểu biết những điều đó sao! Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, chúng ta nói điều mình biết, làm chứng điều mình đã thấy; còn các ngươi chẳng hề nhận lấy lời chứng của chúng ta. Ví bằng ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời, thì các ngươi tin sao được? Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời. "

 

  Có lẽ người đọc câu chuyện, thấy có gì đó không mạch lạc, dường như Chúa Giê su có ý định hướng Ni-cô-đem sang đề tài khác. Không đâu, Chúa Giê su có thể đọc được suy nghĩ của Ni-cô-đem, Ngài biết trình độ học thức của ông, Ngài cũng biết Ni-cô-đem đang ôm ấp điều gì mà điều đó chính Ni-cô-đem cũng không biết.


    Là một người Pha-ri-si, Ni-cô-đem tin rằng sự ra đời của một người Do Thái đủ để đảm bảo được vào Nước Đức Chúa Trời. Trên thực tế, một người Pha-ri-si tin rằng con cháu Áp-ra-ham không thể bị đày xuống Ghê-hen-na ( địa ngục)


    Phản ứng của Chúa Giê-su không chỉ thách thức Ni-cô-đem, kêu gọi sửa đổi giáo lý của ông, mà còn khiến Ni-cô-đem bối rối. Trong lúc bất chợt gặp một điều quá mới lạ, Ni-cô-đem chỉ có thể hỏi được vài câu hỏi thật thô thiển, sự thô thiển đó nói lên một con người chân thật, Ni-cô-đem không giấu diếm sự thiếu hiểu biết của mình dù mình được người ta gọi là Giáo sư.

      Khi Chúa Giê su hỏi: "Ngươi là giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên, mà không hiểu biết những điều đó sao?" chẳng phải Ngài chê Ni-cô-đem, nhưng là một thách thức, để Ni-cô-đem và cả người Pha ri si thấy được một lỗ hổng to lớn trong việc hiểu đạo của mình.

 Hơn ai hết, Chúa Giê su biết con người lúc đó đang còn ở trong luật pháp là bóng, chứ chưa thấy được Cứu Chúa mới là hình.

   Ni cô đem không phiền lòng Chúa Giê su, ông vẫn theo dõi lời dạy dỗ của Chúa, Chúa Giê su đã tặng Ni-cô-đem một món quà vô giá, lần đầu tiên Ngài tiết lộ một lẽ đạo thiết yếu nhất để một người được bước vào nước Trời. Ni cô đem là một trong những người đầu tiên Tin nhận Chúa và được cứu. 

Chúa Giê su muốn hướng Ni-cô-đem vào hai câu hỏi mà người mới tin Chúa cũng đều sẽ hỏi:

 

   "Người đã già thì sanh lại làm sao được?"

 

   Chúa Giê su giải thích, đây là một sự sanh lại về tâm linh, một con người hoàn toàn mới được dựng nên bởi Đức Thánh Linh.

  Một người sau khi đã tuyên xưng đức tin mình nơi Chúa Giê su, qua phép Báp têm, người ấy dìm chết con người cũ, bỏ lại hết quá khứ, dĩ vãng tội lỗi sau lưng, để một người Mẹ thuộc linh, một người Thầy mới là Đức Thánh Linh, nuôi dưỡng, dạy bảo, cáo trách để trở nên một con người mới, giống hình ảnh của Đức Chúa Trời.

 

"Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới. Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta." 2 Cô-rinh-tô 5: 17 &18

 

Hay ở trong Ê-phê-sô 4: 21-24

 

"Vì anh em đã nghe đạo Ngài, và được dạy dỗ trong Ngài (y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jêsus) rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật." 

 

                      Tin Chúa - Làm Báp Têm - Sanh lại thành con người mới bởi Đức Thánh linh.

 

"Điều đó làm thể nào được?"

 

   Ni- cô- đem thật muốn biết điều huyền nhiệm đó, nên ông hỏi câu hỏi thứ nhì.


   Nhiều người đọc lướt qua thấy hình như Chúa Giê su chưa trả lời câu hỏi của Ni-cô-đem, nhưng lại rầy ông. Thật ra Chúa trả lời như vầy:

 

" Ta là người từ Trời xuống, có những việc ở đất mà các người còn chưa hiểu hết, thì làm sao hiểu được chuyện trên Trời? Các ngươi phải lấy đức tin để hiểu việc trên Trời - Ta đã đi rao giảng và làm phép lạ để làm chứng, phải Tin Ta thì sự đó mới thành được."



   Đối với Ni -cô -đem, lời nầy là một thách thức, ông chắc hiểu Chúa muốn nói gì, Ni -cô -đem phải trả giá, ông phải từ bỏ mọi thứ để Tin Nhận Chúa Giê su. Một đề tài khó đối với Ni -cô -đem, nhưng trong đoạn tiếp, Chúa Giê su dùng lời Kinh Thánh để diễn giải cho ông sâu hơn trong lẽ thật. Ni -cô -đem không bao giờ phải hối tiếc về đêm hôm đó, một đêm đã thay đổi hết cả cuộc đời ông.

 

        Nước Trời là nơi ở Đức Chúa Trời, vô cùng thánh khiết, một người chưa sanh lại thì làm sao diện kiến với Ngài?

 

"Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh."2 Cô-rinh-tô 3: 18

 

Cám ơn Ni-cô-đem đã đến và hỏi hai câu hỏi trên, khiến chúng tôi được nghe lời giải thích từ Trời, về sự Tái sinh và làm sao có được.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 


"vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống." 2 Cô-rinh-tô 3: 6b