Giăng 2 phần 2: " Chúa Giê su và đền thờ"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Có lời chép rằng: Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện..." Luca 19:46

Giăng 2 phần 2: " Chúa Giê su và đền thờ"

 

Đọc Giăng 2: 11-16

 

Câu hỏi:

 

1/ Ý nghĩa xa hơn trong việc biến nước thành rượu là gì?

2/ Tại sao phép lạ nầy lại bày tỏ sự vinh hiển của Chúa?

3/ Chúa có cần làm cho các môn đồ tin nữa hay không?

Chúng ta đã tin rồi có cần tin nữa hay không?

 

4/ Tại sao người ta buôn bán trong đền thờ?

5/ Nếu đó là cần thiết thì tại sao Chúa Giê su lại nổi giận?

6/ Điều Ngài làm có ý nghĩa gì? khi nó không tồn tại được lâu dài?

 

                                                " Chúa Giê su và đền thờ "

 

*** Ý nghĩa thần học trong phép lạ thứ nhất: Câu 11

 

" Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Đức Chúa Jêsus làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy; môn đồ bèn tin Ngài."

 

   Toàn bộ sách Giăng, ghi ra 7 phép lạ của Chúa Giê su - Mỗi phép lạ có ý nghĩa thần học của nó, có thể nói, thần học là lý luận trong giáo lý đạo Chúa.

            Lý luận ấy có thể đưa người đọc đến một nhận thức cao hơn trong lời Chúa.

Sách Giăng là sách đậm nét về thần học, không thể bỏ qua những điều sâu xa trong bức thư mà Giăng đã được cảm xúc bởi Đức Thánh Linh để gởi cho chúng ta.

 

" Biến nước thành rượu có ý nghĩa gì? "

 

   Kinh Thánh ghi rằng họ đã dùng 6 cái ché dùng để thanh tẩy mà chứa đầy rượu ngon. Những cái ché của sự thanh tẩy, đại diện cho luật pháp Môi se, theo luật pháp, thì ai không tuân thủ sẽ bị định tội, người ta thực hiện nó vì bó buộc-

 Nay Chúa Giê su thay vào đó rượu mừng, khi người ta uống, thì sẽ hứng thú, nói lên sự vui vẻ và tự nguyện.

 

Luật pháp ví như nước lã trong giao ước cũ, còn rượu ngon tượng trưng cho điều tốt hơn của giao ước mới.
Nước và rượu diển đạt quan hệ của con người với Đức Chúa Trời trong giao ước cũ và mới:

 

Rượu có sau nước - Giao ước Mới có sau giao ước Cũ
Rượu đến từ nước- Giao Ước Mới đến từ Giao Ước Cũ.
Rượu ngon hơn nước- Giao Ước Mới tốt hơn Giao Ước Cũ.

 

"Tại sao biến nước thành rượu lại bày tỏ được vinh hiển của Chúa?"

Không phải phép lạ nào cũng làm cho chủ nhân nó vinh hiển. Biến nước thành rượu để cho người ta khen mình làm được phép lạ, thì cũng không có gì vinh hiển.


  Chúa Giê su bày tỏ được vinh hiển của Ngài chính vì lòng trắc ẩn. Ngài hay cảm thông và hay thương xót, hai điều đó tạo nên lòng trắc ẩn và cũng là vinh quang của Chúa - Sách Hê bơ rơ ca ngợi Chúa Giê su là Thầy Tế lễ thượng phẩm, làm chức vụ mình với sự cảm thông. Kinh thánh cũng đã định nghĩa Chúa là tình yêu thương, ai không mang sự vinh hiển nầy của Chúa thì không phải con cái thật của Ngài: Giăng 1 đoạn 4: 7 & 8

"Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương."

 

  Chúa Giê su biến nước thành rượu để tránh sự xấu hổ cho đôi vợ chồng, và để cho mọi người được hưởng trọn sự vui vẻ - Kinh thánh nói Chúa Giê su hay động lòng thương xót, theo đời thường, người hay cảm xúc thường bị cho là có nhược điểm, nhưng là con cái Chúa, lòng trắc ẩn lại được Đức Chúa Trời khen ngợi vì được lây lan từ sự vinh hiển cao qúi của Ngài.

 

" Môn đồ bèn tin Ngài."

 

   Chẳng phải môn đồ đã tin nên đã theo Ngài sao? Nhưng ở đây chữ Tin được dùng một từ ngữ khác trong tiếng Hy lạp, đó là chữ "Eis", chữ nầy nói lên sự chìm đắm trong đức tin - Giống như một tín đồ, khi đã tin nhận Chúa vì Tin, nhưng theo thời gian, trải qua thử thách, người ấy được Chúa trả lời sự cầu nguyện, được chữa lành hay được ban thêm sự hiểu biết, người ấy cũng sẽ đắm chìm, và gắn chặc với đức tin mình thêm nữa.

  Các môn đồ được Chúa bày tỏ phép lạ, họ được vững tin là họ đã đi theo Con của Đức Chúa Trời.

 

" Đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán." Câu 12-16

 

" Sau việc đó, Ngài với mẹ, anh em, và môn đồ Ngài đều xuống thành Ca-bê-na-um; và chỉ ở tại đó ít ngày thôi. Lễ Vượt Qua của dân Giu-đa hầu đến; Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem. Trong đền thờ, Ngài thấy có người buôn bán bò, chiên, bò câu, và có người đổi bạc dọn hàng ở đó. Ngài bện một cái roi bằng dây, bèn đuổi hết thảy khỏi đền thờ, chiên và bò nữa; vải tiền người đổi bạc và đổ bàn của họ. 16 Ngài phán cùng kẻ bán bò câu rằng: Hãy cất bỏ đồ đó khỏi đây, đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán."

 

   Ca bê na um là quê hương của Chúa Giê su, Ca bê na um ở phía bắc biển Ga li lê - Từ đó Chúa Giê su đi dọc theo bờ biển để giảng đạo, phần lớn chức vụ của Chúa Giê su xảy ra ở bờ biển nầy nên sách Mathi ơ đoạn 4: 12-16 nhắc lại lời tiên tri trong Ê sai, nói rằng dân ở đây được phuớc:

 

" Vả, khi Đức Chúa Jêsus nghe Giăng bị tù rồi, thì Ngài lánh qua xứ Ga-li-lê. Ngài bỏ thành Na-xa-rét mà đến ở thành Ca-bê-na-um, gần mé biển, giáp địa phận xứ Sa-bu-lôn cùng xứ Nép-ta-li, để cho ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Đất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li, Ở về trên con đường đi đến biển, bên kia sông Giô-đanh, Tức là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại, Dân ấy ngồi chỗ tối tăm, đã thấy ánh sáng lớn; Và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, Thì ánh sáng đã mọc lên. "

 

   Lễ Vượt qua thu hút rất đông người đến đền thờ - Vào thời Chúa Giê su, đền thờ Giê ru sa lem được vua Hê rốt xây lại trong suốt 46 năm, rất đẹp và rất hoành tráng. Vua Hê rốt đã thiết kế khu hành lang ngày xưa dành cho người ngoại, thành một khu nhà bên ngoài cùng, rất lớn, cũng vẫn là khu dành cho người ngoại, họ sẽ không được vào bên hành lang trong như người Do Thái, bên trong nữa là khu cho các Thầy Tế lễ, nơi Thánh và nơi chí Thánh.

Khi người ta đến đền thờ, họ có hai nhu cầu: Dâng con sinh tế và nộp tiền thuế.

Vì đi đường xa, có khi rất xa, họ không thể mang con vật theo với họ, nên đến nơi họ sẽ mua nó - Các con vật phải được dâng đó, được các Thầy Tế Lễ cho phép con buôn kinh doanh ngay trong khu dành cho người ngoại, thử tưởng tượng, hàng ngàn người cùng các súc vật cũng ở đó, hôi hám, dơ dáy, buôn bán  trả giá, cải cọ, thì chỗ đâu cho người ngoại đứng mà thờ phượng Chúa? Đừng nói đến cảnh lừa gạt, xấu xa của những người thừa cơ trục lợi.

  Nói đến đổi bạc thì tất cả người nam, hai mươi tuổi trở lên, đều phải nộp thuế đền thờ, tương đương với khoảng hai ngày lương của một người lao động – nhưng phải trả bằng đồng xu đền thờ đặc biệt. Đây là lý do tại sao những người đổi tiền đã hưởng mối lợi to lớn.

  Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, lý do tại sao tiền nước ngoài không được phép đóng góp vào đền thờ, vì chúng mang hình ảnh của hoàng đế hoặc các thần ngoại giáo, những tiền đó bị cho là mang biểu tượng của người ngoại đạo. Qui định chỉ những đồng tiền được phát hành cho đền thờ, có trọng lượng và nội dung tốt mới được phép sử dụng. Cho nên, đổi bạc cũng là một dịch vụ không kém phần nhộn nhịp trong đền thờ, và người ta cũng hưởng nhiều lợi nhuận trong đó.

  Điều ô uế nầy đã xảy ra thường xuyên trong đền thờ, đã không có ai nêu lên để giải quyết, dường như tất cả mọi người đều chấp nhận nó - Thế nhưng là chính Đức Chúa Trời, Ngài không chấp nhận trong nơi thờ phượng Ngài-

    Cảnh buôn bán là hình ảnh đem đến ấn tượng không tốt cho người ngoại - Câu tiếp theo có đề cập tới Thi Thiên 69: 9 nói rằng:

" Vì sự sốt sắng về đền Chúa tiêu nuốt tôi, sự sỉ nhục của kẻ sỉ nhục Chúa đã đổ trên tôi."

Người yêu mến Chúa, có sự thúc giục của Đức Thánh Linh, không chấp nhận được điều gì ô dơ, tà tịch trong nhà Chúa. Chúa Giê su bện roi đánh và đuổi họ không phải Chúa dùng bạo lực, nhưng thể hiện thẩm quyền của Ngài. Ngài muốn thanh tẩy đền thờ, dùng nơi đó để người ngoại có thể bước chân vào.


Đền thờ của Chúa được Ngài định nghĩa: " Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện"

Hành động đánh đuổi bằng roi của Chúa xem ra không thực dụng, vì sau đó thì cái chợ đó cũng sẽ trở lại như cũ, nhưng dù vậy, tỏ thái độ khi nhà Chúa bị xâm phạm cũng là cần thiết.


  Ông Lót được khen khi ông biết bất bình với xấu xa của xã hội ông đang sống, dù ông cũng không làm được gì để thay đổi nó. Chúa không dạy chúng ta thay đổi xã hội, nhưng phải biết ghét nó và không hùa theo.

  Qua hành động của Chúa Giê su, chúng ta phải cẩn thận trong những hoạt động của nhà thờ, luôn nhớ câu: " Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện" để tất cả sự thờ phượng đều được đẹp ý Ngài.

 

Bảy phép lạ trong sách Giăng:

 

  Giăng 2:1-11 – Biến nước thành rượu.

· Giăng 4:46-54 – Chữa lành con trai nhà quý tộc.

· Giăng 5:1-15 – Chữa bệnh tại hồ Bê-tết-đa.

· Giăng 6:1-14 – Ban bánh cho 5.000 người ăn.

· Giăng 6:15-21 – Chúa Giê-xu đi trên mặt nước.

· Giăng 9:1-12 – Chữa lành người mù bẩm sinh.