Giăng 2 phần 1: " Chúa Giê su hoá nước thành rượu"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

..."Hết trơn bình rồi. Dầu bèn ngừng lại." Các Vua 2 đoạn 4:6b

Giăng 2: " Chúa Giê su hoá nước thành rượu"

 

Đọc Giăng 2: 1-12

 

Câu hỏi:

 

1/ Vì sao đám cưới lại thiếu rượu? Điều đó có làm chủ nhà lo lắng không?

 

2/ Tại sao Mary lại nhắm vào con mình là Chúa Giê su mà nêu việc thiếu rượu? Ý bà muốn gì?

 

3/ Chúa Giê su trả lời bà ra sao? Có hai điều gì Chúa Giê su muốn Mary thay đổi tư duy với Ngài?

 

4/ Chúa Giê su có quá thẳng thừng khi nói những điều đó với mẹ mình không? Tại sao?

 

5/ Ma ry có hiểu và chấp nhận điều Chúa muốn nói với bà không? Chỗ nào chứng tỏ điều đó?

 

6/ Chúa Giê su có từ chối giúp đở không? Ngài đã dùng gì để thực hiện phép lạ?

 

7/ Hãy kể ra ba nguyên tắc trong câu chuyện những cái bình trong Kinh Thánh.

 

8/ Phép lạ đầu tiên nầy Chúa dành cho ai?

 


                                       " Chúa Giê su hoá nước thành rượu "

 

*** Chúa Giê su và môn đồ được mời dự lễ cưới: Câu 1 &2

 

"Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, và mẹ Đức Chúa Jêsus có tại đó. Đức Chúa Jêsus cũng được mời đến dự đám với môn đồ Ngài."

 

  Giăng kể lại câu chuyện nầy vào ngày thứ ba, sau khi Chúa Giê su gặp Na tha na ên.

 Ở Do Thái, đám cưới đối với mọi người là một lễ tuyệt vời nhất, đám cưới có thể kéo dài đến hai ba ngày, người ta thường mời tất cả họ hàng, láng giềng, bạn hữu đến chung vui, trong đám cưới nầy, họ mời Chúa Giê su, mẹ của Ngài, luôn cả các môn đồ mà Ngài mới thu nhận. Ở đây, không nói tới Giô sép, có lẽ, lúc Chúa Giê su đi ra thi hành chức vụ thì Giô sép đã qua đời. Vì lòng hiếu khách mà chủ nhà không đoán trước được số người, nên xảy ra việc thiếu rượu cho khách.

 

*** " Thiếu rượu, lời yêu cầu của Ma ry và câu trả lời khó hiểu của Chúa Giê su" Câu 3-5

 

" Vừa khi thiếu rượu, mẹ Đức Chúa Jêsus nói với Ngài rằng: Người ta không có rượu nữa. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi đàn bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ ta chưa đến. Mẹ Ngài nói với những kẻ hầu bàn rằng: Người biểu chi, hãy vâng theo cả."

 

  Thiếu rượu cho khách mời có thể khiến cặp đôi xấu hổ trong một thời gian dài. Một đám cưới mà chủ nhà không cung cấp đầy đủ đồ ăn, thức uống là điều không ai muốn xảy ra. Có thể chỉ ra rằng cặp đôi không dư dã, vi đã không thể cung cấp khoản dự phòng cho buổi tiệc.

  Người Do Thái thời đó coi rượu là biểu tượng của niềm vui. Vì vậy, hết rượu hầu như đồng nghĩa với việc, cả khách lẫn cô dâu và chú rể đều không vui.


Nhiều người thắc mắc, tại sao Mary lại đem việc thiếu rượu nói với con trai mình, khi bà chưa từng thấy Chúa Giê su làm phép lạ nào trước đó?

Chắc chắn Mary có biết rõ Chúa Giê su là ai, bà đã ấp ủ trong lòng những điều Thiên sứ nói với bà ngày xưa, hay những lời tiên tri nhắm vào Chúa Giê su khi còn trong bụng mẹ.
Bà chắc cũng biết Chúa Giê su đã khởi sự thi hành chức vụ của Ngài qua lễ Báp têm trước dân chúng, việc Giăng Báp tít giới thiệu Chúa Giê su là Chiên con của Đức Chúa Trời, nên có lẽ, bà háo hức trông đợi ngày Chúa Giê-su chứng minh bằng phép lạ rằng Ngài là Đấng Mê-si.

 

      Trong lúc chủ nhà đang lúng túng, thì Mary đã nhớ ngay đến Chúa, bà chỉ đơn giản nói với Chúa rằng: " Người ta hết rượu!"

Câu trả lời của Chúa Giê su làm cho độc giả ngạc nhiên hơn:" Đàn bà kia, Ta với ngươi có sự gì chăng?"

 

  Những người nghiên cứu kinh thánh cho rằng, đây không phải là cách xưng hô thô lỗ, bất lịch sự, nhưng xét theo ngôn từ được dùng, là cách xưng hô có tôn trọng. Họ nói, chúng tôi không có cách nào diễn đạt chính xác trong tiếng Anh; nhưng tốt hơn nên dịch nó là Lady, thì ít nhất cũng mang lại tính cách lịch sự trong đó.

Nếu dịch theo kính ngữ thì câu nầy sẽ là: " Thưa bà, chuyện của bà liên quan đến tôi sao?"

"Woman, what does your concern have to do with Me?"

 

  Chúa Giê-xu không gọi Mary là “mẹ” nữa. Ngài muốn nhấn mạnh, Ngài sẽ không theo ý muốn của Mary là mẹ trần thế, nhưng Ngài chỉ làm theo những gì Cha trên Trời muốn Ngài làm, Ngài cho Mary biết giữa Ngài và bà có một mối quan hệ khác. Nếu Mary muốn yêu cầu Chúa Giê su làm gì đó, thì không thể dựa trên mối liên hệ mẹ và con giữa họ.

  Tuy Chúa Giê su rất yêu mến Mary, như chúng ta đã thấy Ngài quan tâm đến bà ngay trước khi Chúa lìa đời, nhưng Chúa Giê su muốn khẳng định một điều, giờ đây Ngài đã tách biệt khỏi Mary, vì Mary là người mẹ trần thế, còn Chúa Giê su là Con Đức Chúa Trời. Có người cho rằng Mary vẫn luôn là mẹ của Chúa Giê su trên trời, để người ta cầu nguyện với bà, rồi nhờ bà dâng lên Chúa là một sai lầm rất lớn.

 

" Giờ ta chưa đến"


Chúa Giê su có thời điểm và mục đích, khi Ngài làm những phép lạ.


  Kinh Thánh ghi, Chúa Giê su khiến người chết sống lại, đuổi qủi, chữa bệnh, hoá bánh, quở biển yên lặng...đều có mục đích, có khi Ngài vì lòng thương xót, có khi Ngài muốn làm vững đức tin của môn đồ, nhưng đa phần Ngài làm phép lạ để chứng minh Ngài là Đấng Mê si, Con của Đức Chúa Trời.


  Người Do Thái cũng biết thế, nên khi Ngài ở trên thập tự giá, họ thách thức Ngài, biểu Ngài tự cứu mình, xuống khỏi thập giá, chứng minh Ngài là Con Đức Chúa Trời. Họ đâu biết rằng, vì chính là Con Đức Chúa Trời nên phải ở trên Thập tự giá mới có thể đền tội cho nhân thế.

 

"Người biểu chi, hãy vâng theo cả."

 

  Thêm một ngạc nhiên thứ ba, là dù Chúa Giê su dường như từ chối Mary, nhưng bà vẫn bảo đầy tớ làm theo lời dặn của Ngài.

Hãy cùng nhau đọc lại đoạn Kinh Thánh nầy lần nữa, và sẽ nhận ra rằng, Chúa Giê su chỉ nhắc nhở bà Mary, chứ chưa từ chối việc giúp chủ nhà giải quyết việc thiếu rượu.

       Qua những câu chuyện trong Kinh Thánh, Chúa Giê su rất hoà đồng với dân chúng, Ngài thường vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc, Chúa không từ chối giúp đở ai lúc cần thiết, vì vậy ở đây, người ta thấy Chúa Giê su đã sẳn lòng giúp.khi Mary nói cách chắc chắn với các dầy tớ:


" Người biểu chi, hãy vâng theo cả" 


Mary đã dùng chữ " Người" cách tôn trọng với Chúa.

 

***"Hãy đổ nước đầy những ché nầy; thì họ đổ đầy tới miệng" Câu 6-11

 

"Vả, tại đó có sáu cái ché đá, định dùng về sự rửa sạch cho người Giu-đa, mỗi cái chứa hai ba lường nước. Đức Chúa Jêsus biểu họ rằng: Hãy đổ nước đầy những ché nầy; thì họ đổ đầy tới miệng. Ngài bèn phán rằng: Bây giờ hãy múc đi, đem cho kẻ coi tiệc. Họ bèn đem cho. Lúc kẻ coi tiệc nếm nước đã biến thành rượu (vả, người không biết rượu nầy đến bởi đâu, còn những kẻ hầu bàn có múc nước thì biết rõ), bèn gọi chàng rể, mà nói rằng: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ. Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Đức Chúa Jêsus làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy; môn đồ bèn tin Ngài."

 

  Mỗi ché đá đựng được hai hoặc ba gallons - Đó là những cái bình trước đó dùng đựng nước cho việc thanh tẩy, nhà của người Do Thái ngày xưa hay có nhiều bình, hủ - Mỗi bình độ hai hoặc 3 lường, mỗi lường tương đương với 1 gallon, nếu mỗi bình chứa 3 gallons thì sáu bình phải là 18 gallons, với số rượu nhiều như vậy, chủ nhà thật có dư dật rượu cho tiệc cưới.

       Chúa Giê su luôn dùng những gì mà người ta đang có, để Ngài ban thêm cho những thứ người ta cần.

 

  Chắc chúng ta hãy còn nhớ chuyện Tiên tri Ê li sê và bà goá với những bình dầu (Các Vua II đoạn 4), ở đây cũng vậy, có ba nguyên tắc chung:


Thứ nhất, Chúa muốn có sự cộng tác của con người,


Thứ hai là vâng lời

Thứ ba là Đức Tin đón nhận

   Khao khát bao nhiêu, Chúa sẽ đổ đầy bấy nhiêu. Chi tiết đổ đầy nước tới miệng là không dư thừa, vì nước đầy tới miệng, thì rượu ban cho cũng tới miệng, nếu thờ ơ, đổ nước có nửa bình thì rượu cũng sẽ chỉ tới nửa bình mà thôi.

  Rượu mà Chúa Giê su ban cho đám cưới vừa ngon, vừa dư dật. Đám cưới được vui trở lại, cặp đôi không còn lo lắng, nếu sau nầy đầy tớ thuật lại thể nào mà nước biến thành rượu, chắc gia đình nầy sẽ có thêm người theo Chúa, dù vậy, phép lạ đầu tiên được ghi lại với dòng chữ để:

 

                      "tỏ bày sự vinh hiển của Chúa; và môn đồ bèn tin Ngài."

 

 

 

"Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Đức Chúa Jêsus làm phép lạ thứ nhất" Giăng 2 :11