Giăng 21: " Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng?"
Ta sẽ lập lên những kẻ chăn nuôi chúng nó; thì sẽ chẳng sợ chẳng hãi nữa, và không thiếu một con nào, Đức Giê-hô-va phán vậy. Giê rê mi 23: 4
Giăng 21: " Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng?"
Câu hỏi:
1/ Chúa Giê su đã hỏi Phi e rơ câu hỏi gì, sau khi kêu tên tộc của ông ra?
Đối với người Do Thái, lúc gọi tên tộc, cho thấy sự việc quan trọng không?
2/ Tại sao Chúa Giê su không gọi là Phi e rơ mà chỉ gọi Si môn con Giô na?
Chúa ngụ ý gì khi đem việc nầy ra trước mặt các môn đồ khác?
3/ Ba câu hỏi "Ngươi yêu Ta chăng có ngụ ý gì?"
Vì sao nó được lập lại ba lần?
4/ Sau mỗi lần được xác nhận, thì Chúa Giao trách nhiệm gì cho Phi e rơ?
Chúa nhấn mạnh hai điều gì khi bảo ông " Hãy chăn chiên Ta" ?
5/ Phi e rơ có chấp nhận số phận mình, khi Chúa nói tiên tri với ông không?
Điều đó chứng tỏ Phi e rơ đã dứt khoát điều gì?
6/ Dù chấp nhận số phận mình, Phi e rơ có còn muốn so sánh mình với Giăng không?
Chúa có quở trách ông không? Chúa dạy ông và cả chúng ta điều gì ở đây?
" Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng?"
** Chúa Giê su phục hồi cho Phi e rơ trước mặt mọi người: Câu 15 &16
" Khi ăn rồi, Đức Chúa Jêsus phán cùng Si-môn Phi-e-rơ rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta. 16 Ngài lại phán lần thứ hai cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta. 17 Ngài phán cùng người đến lần thứ ba rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi-e-rơ buồn rầu vì Ngài phán cùng mình đến ba lần: Ngươi yêu ta chăng: Người bèn thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta. "
**Một câu hỏi lập lại ba lần: " Ngươi yêu Ta chăng?"
Sau khi mọi người đã ăn uống xong, Chúa Giê su muốn các môn đồ chú ý đến một việc mà Ngài sắp làm với Phi e rơ:
Đối với người Do Thái, khi người ta dùng tên tộc để gọi, là tên của người đó cộng với tên của cha người đó, là cách biểu hiện trang trọng và nghiêm túc.
Câu hỏi đầu tiên cho Phi e rơ là "Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng?"
Tại sao Chúa lại gọi Phi e rơ là Si môn, mà không gọi cái tên Ngài đặt cho ông Phi e rơ là đá? Chúa Giê su đã tế nhị nhắc cho Phi e rơ nhớ đến việc ông chối Chúa, bây giờ, trước khi làm cho ông được phục hồi chức danh cũ, ông phải trả lời với Chúa ba lần cùng một câu hỏi, nhưng với ba trách nhiệm khác nhau.
Lần thứ nhất: " Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng?
Câu hỏi nầy trong tiếng Việt đã được dịch theo ý hiểu của người dịch, nhưng nguyên văn như vầy: "Simon, son of Jonah, do you love Me more than these?”
Chữ " these" không xác định là Chúa Giê su muốn nói là các môn đồ khác đang ngồi ở đó, hay là những con cá, vì chính một mình Phi e rơ đã xách lên 153 con cá, cho nên, có người hiểu là Chúa Giê su muốn hỏi Phi e rơ muốn phục vụ Ngài mà bỏ nghề đánh cá không?
** Một ý khác có lý và mạch lạc hơn là Chúa Giê su muốn hỏi Phi e rơ:"Ngươi yêu Ta hơn là các bạn nầy yêu Ta không?"
Vì trước khi chối Chúa, Phi e rơ có hãnh diện và tuyên bố rất tự tin rằng:
" Phi-e-rơ cất tiếng thưa rằng: Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy." Ma thi ơ đoạn 26: 33
Câu hỏi của Chúa đã đánh thẳng vào lòng Phi e rơ để ông nhớ lại những gì ông đã nói. Phi e rơ chắc biết Chúa muốn ngụ ý gì, ông không chối, điều duy nhất mà ông đưa ra để biện luận, là Chúa thấy tấm lòng của ông.
Phi e rơ nói đúng, trong mọi trường hợp, Chúa cân nhắc tấm lòng của chúng ta, dẫu khi chúng ta lầm lỗi, tấm lòng yêu mến Chúa cũng được Ngài kể đến. Do vậy, Phi e rơ thành thật thưa rằng:
"Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta."
Đứng ở ngoài, chúng ta thấy Chúa Giê su tha thứ quá dễ dàng, chỉ một câu xác nhận, Ngài đã giao hết bầy chiên của Ngài cho Phi e rơ. Thật ra, không phải Chúa Giê su hỏi để biết, nhưng Ngài hỏi để Phi e rơ tự kiểm điểm và Ngài hỏi để các môn đồ khác chứng kiến.
Từ chỗ nầy, nhiều tôi tớ Chúa cũng được một sự nhắc nhở, yêu Chúa là yếu tố đầu tiên và cần thiết nhất cho người muốn dấng thân chăn dắt bầy chiên của Chúa.
Chúa Giê su trân trọng bầy Chiên của Ngài biết bao, vì Chúa đã dùng dòng huyết của mình để cứu chuộc họ thì Ngài cũng muốn người chăn yêu quý họ như Ngài.
Có một chi tiết đặt biệt khiến người ta chú ý, là chữ " Yêu" Chúa Giê su dùng, và chữ " Yêu" mà Phi e rơ trả lời.
Trong tiếng Hy Lạp cổ, Chúa Giê su dùng chữ "Agapeo " là tình yêu vị tha, vô điều kiện và không ích kỷ, giống như tình yêu cha mẹ với con cái.
Còn Phi e rơ thì dùng chữ "Philio" là một tình yêu hổ tương, tình yêu bạn hữu."
Theo các nhà bình luận, thì hai chữ nầy không khác nghĩa cho lắm, nhưng chữ " Philio" có vẽ bình dị và không cao cả như " Agapeo"
đôc giả tin rằng giờ đây Phi-e-rơ trở nên dè dặt hơn trong việc tuyên bố về lòng sùng kính của mình.
Chắc chắn có ý nghĩa nào đó khi Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ câu hỏi này ba lần, sử dụng cùng một từ Hy Lạp cổ để chỉ tình yêu, và Phi-e-rơ đã trả lời ba lần bằng một từ khác để chỉ tình yêu.
Phi e rơ chỉ đơn giản nói rằng trái tim của ông luôn rộng mở, tràn đầy với Chúa Giê su, và do đó Chúa biết ông yêu Ngài bằng tình yêu tốt nhất mà một con người tội lỗi như ông, có thể có được.
Thật ra Chúa Giê su không phải lập lại câu hỏi, nhưng mỗi lần như vậy, Phi e rơ nhận được một chỉ dẫn khác nhau.
Chúa Giê su giao bầy chiên của mình cho Phi e rơ, lần thứ nhất, Ngài bảo: "Feed my lambs" là "Cho chiên ăn" - Lần thứ hai "Tend my sheeps" là "Chăm sóc chúng."
Cả hai lần Chúa nhấn mạnh " Chiên Ta" chứ không phải Chiên của Phi e rơ
Và không chỉ làm công việc cho chiên ăn mà thôi, mà còn phải chăm sóc chúng. " Hãy chăn chiên Ta" Động từ được sử dụng ở đây có ý nghĩa xác thực là "thực hiện chức vụ chăn chiên" không chỉ đơn giản là ‘cho ăn’.
Chúa muốn Phi e rơ hiểu rằng, khi ông nhận lấy chức vụ, không phải chỉ đem bánh sự sống giảng cho hội chúng nghe mà thôi thì chưa đủ, nhưng Phi e rơ còn phải để ý đến việc chăm sóc các tín hữu, làm cho họ được tăng trưởng, quản lý đời sống đức tin của họ và yêu thương, nâng đỡ họ.
Có vẻ như Phi-e-rơ hoàn toàn hiểu được ý muốn của Chúa, ông không hỏi lại gì cả. Những tôi tớ Chúa tiếp nối sau nầy cũng phải để ý đến sự chỉ dẫn qúi báu của Chúa Giê su cho chính mình, đối với bầy chiên của Chúa.
** Câu hỏi lần thứ ba làm Phi e rơ tan nát lòng:
Hai câu hỏi trước Chúa Giêsu hỏi Phi e rơ trước mặt các môn đồ khác không đủ để hoàn thành điều Chúa Giêsu muốn làm trong cuộc đời ông. Chúa
Giêsu lại hỏi ông lần thứ ba.
Phi e rơ buồn lắm, chỉ có mình ông biết rằng ông đã chối Chúa ba lần, Chúa muốn cho ông thêm một lần nữa sửa lại lỗi lầm của mình. Có nghĩa là ông phải xưng tội lần thứ ba. Lần nầy Phi e rơ trả lời:
" Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta."
Lần nầy, Phi e rơ lại cũng dùng chữ "Philio" để diễn tả tình yêu mình đối với Chúa, ông dựa vào ý tưởng Chúa biết mình nhiều hơn là chính mình biết mình.
Phi e rơ bây giờ rất khác lúc trước, ông trở nên khiêm nhường, điềm đạm, chỉ có một câu hỏi mà ông phải trả lời ba lần. Chúa Giê su đã cho ông một cơ hội xin lỗi Chúa, mỗi lần chối Chúa là một lần xin lỗi.
Chúa xoá đi mặc cảm tội lỗi của tôi tớ Ngài, mặc cảm nầy không thể còn tồn tại được với chức vụ mới của Phi e rơ là đứng đầu tất cả các Hội thánh. Đó cũng là một lời gởi gắm của Chúa với ông, rằng Chiên của Chúa rất quan trọng, chỉ có tình yêu nồng nhiệt, bền vững đối với Chúa thì tôi tớ Chúa mới có đủ tâm tình, năng lực mà chăn giữ bầy chiên.
Chúa Giêsu đã phục hồi sự tín nhiệm của Phi e rơ trước sự chứng kiến của các môn đồ khác bằng cách khiến ông phải đối mặt thẳng thắn với điểm thất bại của mình; sau đó Ngài thách thức ông vào chức vụ phía trước. Không cần nói, mọi người đều hiểu, sau lần gặp gở nầy, Phi e rơ không bao giờ trở lại đánh cá nữa, mà ông sẽ đi đánh lưới người.
** Chúa nói tiên tri về cuộc đời Phi e rơ: câu 18 &19
"Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mình thắt lưng lấy, muốn đi đâu thì đi; nhưng khi ngươi già, sẽ giơ bàn tay ra, người khác thắt lưng cho và dẫn ngươi đi đến nơi mình không muốn. 19 Ngài nói điều đó để chỉ về Phi-e-rơ sẽ chết cách nào đặng sáng danh Đức Chúa Trời. Và sau khi đã phán như vậy, Ngài lại rằng: Hãy theo ta."
Chúa nói tiên tri về kết cuộc của Phi e rơ thật không dễ nghe chút nào, rõ ràng là một tin dữ, nhưng lại là một kết cuộc vinh hiển đối với Chúa.
Thời trẻ thì Phi e rơ đã tự mình biết, nhưng khi già, ông sẽ chết giống như Chúa, sẽ phải giơ bàn tay ra để bị đóng đinh, bị trói và bị dẫn đi đến chỗ hành hình. Có lẽ Phi e rơ hiểu điều đó và ông chấp nhận, Chúa bèn nói: " Hãy theo Ta"
Có một điểm đặc biệt trong sách Giăng là ông có chú thích thêm trong các sự kiện, trong câu 19 Giăng viết:
"Ngài nói điều đó để chỉ về Phi-e-rơ sẽ chết cách nào đặng sáng danh Đức Chúa Trời."
Như vậy Giăng cũng như chính Phi e rơ hiểu chính xác Chúa Giê su muốn nói gì, Giăng đã viết ra điều nầy trong sách Giăng nhiều năm, sau khi Phi e rơ qua đời.
Chúa Giê su trao trách nhiệm cho Phi e rơ, Ngài cũng cho ông thấy là ông sẽ chết trong sự trung thành tuyệt đối vì Đấng Christ, làm vinh hiển Đấng Mê si của mình. Có những ghi chép ngoài Kinh Thánh truyền lại từ xưa rằng, khoảng ba mươi bốn năm sau, Phi-e-rơ bị đóng đinh, dưới thời của vị vua tàn bạo Nero, lúc cơ đốc nhân bị bách hại khốc liệt nhất; Phi e rơ cầu xin được đóng đinh với đầu cúi xuống, không coi mình xứng đáng được chết trong tư thế giống như Chúa của ông đã làm.
"Hãy theo Ta " là mệnh lệnh cuối cùng mà Chúa phán với Phi e rơ, cũng có nghĩa Hãy tiếp tục công việc của Ta, bước đi theo sự hướng dẫn của Ta.
** " Lạy Chúa, còn người nầy, về sau sẽ ra thế nào?" Câu 20-23
"Phi-e-rơ xây lại, thấy môn đồ mà Đức Chúa Jêsus yêu đến sau mình, tức là người đang bữa ăn tối, nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Lạy Chúa, ai là kẻ phản Chúa? 21 Khi thấy người đó, Phi-e-rơ hỏi Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, còn người nầy, về sau sẽ ra thế nào? 22 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: nếu ta muốn người cứ ở cho tới khi ta đến, thì can hệ gì với ngươi? Còn ngươi, hãy theo ta. 23 Vậy, có tiếng đồn ra trong vòng các anh em rằng người môn đồ đó sẽ không chết. Nhưng Đức Chúa Jêsus vốn chẳng phải nói rằng: Người đó sẽ không chết; song nói rằng: Nếu ta muốn người cứ ở cho tới khi ta đến, thì can hệ gì với ngươi? đó thôi."
Trong buổi tiệc chia tay, Giăng là người đồ đệ yêu dấu của Chúa, thường ngồi kế bên Ngài - Giăng còn nhớ ông đã nghiêng mình qua ngực Chúa để hỏi nhỏ ai là người trong đám họ phản Chúa? Sở dĩ Giăng nhắc lại sự kiện nầy để cho thấy khi Phi e rơ khi biết số phận mình chắc sẽ tử vì đạo, thì tò mò muốn biết môn đồ được Chúa yêu có được ưu đãi hơn không?
Phi e rơ lại một lần nữa đại diện cho chúng ta, ông có sự so sánh, tò mò muốn khám phá ý định thiêng liêng của Chúa dành với người khác, để thấy ra rằng mình có được Chúa cho phần tốt hơn không?
Với ý nghĩ nầy, Phi e rơ bị Chúa quở trách, Chúa nhắc lại phận sự của ông là " Hãy theo Ta" và hãy chỉ cần biết việc của chính mình thì hơn. Còn về phần Giăng, Chúa nói cho dù Chúa cho Giăng sống lâu hơn thì cũng không can dự gì vào công việc mà Chúa sai Phi e rơ thực hiện.
Vì Chúa Giê su nói cách thách thức Phi e rơ là "Nếu ta muốn người cứ ở cho tới khi ta đến, thì can hệ gì với ngươi?" làm cho cả Phi e rơ và các môn đồ khác hiểu lầm. Do đó, Giăng đã thêm vào chú thích ở đây là không phải Chúa nói rằng Giăng không chết, nhưng thật sự trong 12 sứ đồ chỉ có Giăng được sống lâu nhất và không chết vì tử đạo.
Người ta hay nói rằng: " Phao lô là người đi truyền đạo Chúa, Phi e rơ chăn chiên Chúa còn Giăng được sống lâu hơn để làm chứng nhân cho Chúa " cũng không sai.
** Giăng tự nhận mình là chứng nhân cho Chúa: Câu 24 &25
" Ấy chính là môn đồ đó làm chứng về những việc nầy và đã chép lấy; chúng ta biết lời chứng của người là thật. 25 Lại còn nhiều việc nữa mà Đức Chúa Jêsus đã làm; ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy."
Giăng long trọng giới thiệu mình, chính là một nhân chứng sống của Chúa Giê su. Những lời ông nói ra đều là thật, những gì được chép trong sách Giăng đều được chọn lọc, vì còn rất nhiều điều về Chúa Giê su mà trong khuôn khổ một cuốn sách không thể chứa hết.
Giăng có thể hơi cường điệu khi nói cả thế gian cũng không chứa hết những sách chép về Chúa để làm bằng chứng cho Ngài, qua cách nói đó, chúng ta cũng hiểu được Giăng còn biết rất nhiều điều về Chúa Giê su mà ông chưa chép ra. Mọi điều sách Giăng viết ra để người đọc tin rằng Chúa Giê su là Đấng cứu rỗi và cũng là Đức Chúa Trời.