Giăng 20: " Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà tin ! "
Giăng 20: " Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy! "
Câu hỏi:
1/ Vì sao Thô ma không tin lời làm chứng của nhiều người?
Sự thông công của Hội Thánh Chúa có tác dụng gì trên nan đề của Chúng ta?
2/ Thô ma đòi có gì mới tin? Có khi nào chúng ta cũng có ý tưởng như Thô ma không?
3/ Khi gặp Chúa thật sự, Thô ma còn muốn nhìn và sờ vào vết thương Chúa Không?
ông đã gọi Chúa là gì? Ngày xưa, nếu một người gọi Chúa Giê su là Đức Chúa Trời, người ấy
biểu lộ một đức tin như thế nào?
4/ Chúng ta có thấy thiệt thòi cho đức tin mình, khi không thấy Chúa bằng mắt bao giờ không?
Chỉ biết Chúa qua lời Ngài trong kinh Thánh, lòng chúng ta có thoả mãn không?
5/ Vì sao Chúa Giê su cho rằng: " Phước cho người không thấy mà tin"?
6/ Giăng kể ra các phép lạ để làm gì? Có mục đích gì?
"Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy! "
***Sự hoài nghi của Thô ma: câu 24 &25
" Vả, lúc Đức Chúa Jêsus đến, thì Thô-ma, tức Đi-đim, là một người trong mười hai sứ đồ, không có ở đó với các môn đồ. 25 Các môn đồ khác nói với người rằng: Chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng người trả lời rằng: Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin."
Thô ma đã không có mặt với các môn đồ trong lúc họ sợ hãi dân Giu đa, Thô ma đã đi đâu?
Người ta cho rằng có thể Thô ma đã tự mình bỏ trốn. Nếu Thô ma ở một mình, không có sự thông công, chia sẻ, an ủi từ bạn hữu có cùng một đức tin, thì dễ lắm Thô ma bị rơi vào tình cảnh tuyệt vọng và tự mình bị lẩn quẩn trong ý nghĩ tiêu cực của chính mình.
Có những mẫu chuyện được kể lại trong kinh Thánh, khiến người đọc tự đặt tên cho nhân vật, xuyên qua một lỗi lầm nào đó của họ, ví dụ, Phi e rơ bị gọi "Phi e rơ chối Chúa", Ma ry ma đơ len dù được Chúa đề cao do tấm lòng của bà, vẫn có tên " người đàn bà xấu nết" - còn Thô ma trong câu chuyện nầy, luôn luôn bị nhớ là "môn đồ hoài nghi"
Chúng ta cùng nhau suy nghĩ xem Thô ma vì sao hoài nghi?
Chẳng phải Chúa Giê su đã cho tất cả môn đồ thấy vết thương nơi tay, nơi sườn của Ngài sao? Chúa biết, nếu Ngài không chỉ cho họ xem như vậy, thì với sự hiểu biết của họ lúc đó, họ không thể nghĩ được rằng Chúa Giê su có thể sống lại, và chính vì sự hiểu biết bị giới hạn, nên đức tin cũng bị giới hạn, mặc dù Chúa Giê su đã nói với họ rằng Ngài sẽ sống lại.
Thô ma cũng thế, nếu ông không thấy được những chi tiết quan trọng trên thân thể Chúa thì ông cũng không tin.
Có một điểm mà Thô ma làm cho người đọc chú ý, là Thô ma chẳng những đã không tin lời Chúa phán rằng Ngài sẽ sống lại, y như các môn đồ khác, nhưng ông cũng không tin tất cả bạn hữu của mình, những người đã có mặt lúc đó, Thô ma đã để mình tách biệt khỏi bầy đàn của Chúa, và vì ông còn bị giới hạn theo sự hiểu biết của mình: là phải thấy và còn phải sờ đụng nữa mới tin.
Nếu một người tín hữu luôn luôn không tin được vào lời làm chứng của người khác, thì chắc người đó khó mà hội nhập được với cộng đồng của mình, và sẽ thấy khó khăn khi phải dùng đức tin để hiểu một vấn đề nào đó. Sách Hê bơ rơ 11: 1-3 định nghĩa đức tin như sau:
"Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy. 2 Ấy là nhờ đức tin mà các đấng thuở xưa đã được lời chứng tốt. 3 Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến."
Đức tin trừu tượng, không thấy được, nhưng đức tin được định nghĩa là một sự hiểu biết và được kinh nghiệm.
Thô ma trong trường hợp nầy, chưa hiểu biết và cũng chưa có kinh nghiệm, Thô ma muốn thấy bằng chứng bằng cả thị giác và xúc giác.
Đây là một trở ngại khi đem Tin lành đến cho tha nhân, nếu người ấy thật sự đầu phục Chúa, người ấy sẽ không đòi bằng chứng.
Khi chúng ta khuất phục Chúa, nhận Chúa và Tin Ngài vô điều kiện, Chúa sẽ đem bằng chứng về sự hiện diện của Ngài trên đời sống chúng ta, để chúng ta được chiêm ngưỡng Ngài và được xác quyết rằng Chúa có thật.
Mặc dù không tin, Thô ma cũng thành thật tỏ ra cho mọi người biết mình cần những bằng chứng mới tin.
*** "Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!" Câu 26-29
"Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đang đóng, Đức Chúa Jêsus đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! 27 Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! 28 Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! 29 Đức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy! "
Một tuần sau, Chúa Giê su cũng vào với các môn đồ cách bí ẩn, là xuyên qua cánh cửa đóng kín, điểm nầy cho thấy, mặc dù biết Chúa Giê su đã sống lại, các môn đồ vẫn còn sợ, còn đóng kín cửa.
Đôi khi, chúng ta được Chúa cho biết Ngài đang ở đây, Ngài đang thấy mọi trở ngại của chúng ta, chúng ta vẫn thấy yên tâm với sự toan tính của chính mình.
Chúa Giê su đã đến với các môn đồ ngay trong ngày Chúa Phục sinh, qua tám ngày, Chúa đến lần nữa, y hệt như cách Chúa đến đầu tiên, và Ngài cũng chúc Bình an cho họ.
Qua lời Kinh Thánh, khi gặp Chúa Giê su, Thô ma bị Chúa chinh phục, không đòi được xem bằng cớ nữa, nhưng Chúa lại mời ông làm điều ông muốn, là thấy và sờ đụng vết thương của Ngài.
Chúa chỉ ra sự vô tín của Thô ma, ông chỉ kêu lên: "Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!" có lẽ lúc đó, lòng ông đau đớn. Thô ma được chuyển đổi từ niềm tin đòi bằng cớ qua niềm tin triệt để.
Thô ma gọi Chúa Giêsu bằng danh hiệu thần linh, gọi Ngài là Đức Chúa Trời tôi, giây phút đó, Thô ma nhận biết Chúa Giê su chính là Đức Chúa Trời.
Chúa bảo ông: "chớ cứng lòng, song hãy tin!" lời khuyên nầy của Chúa đã giúp ông được trưởng thành hơn rất nhiều trong đức tin.
Chúa Giê su chỉ ra sự vô tín của Thô ma, nhưng Ngài cũng dùng tình yêu của Ngài để Thô ma được thức tỉnh, từ đó Thô ma được gắn kết trở lại với Hội Thánh và với các môn đồ khác. Công vụ 1: 13 cho thấy Thô ma có mặt ở phòng cao để chờ nhận lãnh Thánh linh cùng với nhiều người khác.
Câu 29 -Chúa Giê su không những chỉ phán với Thô ma, Ngài còn nhắn nhủ với chúng ta rằng:
"Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy! "
Bao nhiêu anh hùng đức tin được chép trong kinh Thánh, nào Áp ra ham, nào Môi se, nào Đa vít ...đã để Đức Chúa Trời mình lên trên mọi lý luận và mọi suy nghĩ của đời thường.
Nếu lý luận, Áp ra ham sẽ không ra đi khi không biết Chúa là ai? Môi se sẽ không bước xuống biển khi không chắc Chúa có rẽ nước ra không? Hay Đa vít làm sao có được dũng khí khi đối đầu với Gô li át nếu không tin Chúa ở cùng mình?
Đức tin phải đi trước mọi quyết định. Ngày nay, chúng ta chỉ đọc Kinh Thánh và tin mà chưa thấy Chúa bao giờ.
Bởi đức tin, chúng ta biết Ngài đang hiện diện. Chúng ta kính sợ Chúa, giao phó mình cho Ngài, đầu phục Chúa trên mọi phương diện..Làm như vậy, Chúa Giê su nói rằng chúng ta có phước vì không thấy mà tin. Điều nầy làm chúng ta hãnh diện, trong lòng không lấy làm tiếc rằng ngày nay, con dân Chúa chưa được rờ đụng chính Ngài.
** Lời kết tóm tắc của Giăng. câu 30 &31
"Đức Chúa Jêsus đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách nầy. 31 Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống."
Giăng thú nhận rằng ông không thể ghi lại bằng văn bản tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và làm (Giăng 21:25).
Chúa Giê su không chết để kết thúc và kể lại tất cả những gì Ngài có, nhưng Chúa Giê su đang còn sống, Giăng cho rằng ông chỉ giới thiệu Ngài, Giăng tin rằng mối quan hệ cá nhân của mình với Chúa, sẽ tiết lộ nhiều điều hơn cho người tin Chúa.
Sách Giăng được viết ra để người đọc có thể tin rằng Chúa Giê-xu là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời: Mặc dù có nhiều phép lạ khác, nhưng Giăng đã chọn lọc bảy phép lạ được trình bày trong Phúc âm của ông để giải thích về Chúa Giê-su.
Trong đó phép lạ lớn nhất là cái chết và sự phục sinh của Ngài. Giăng đưa người đọc đến niềm tin rằng Ngài là Đấng Mê-si và cũng là Đức Chúa Trời. Đây thực sự là mục đích của tác giả, chứ không phải là một cuốn sách chỉ chép về các phép lạ. Qua đức tin, người đọc nhận được sự sống đời đời như lời hứa qua danh Chúa Giê su Christ.
Vả, không có đức tin, th́ chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ư Ngài; v́ kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ t́m kiếm Ngài. Hê bơ rơ: 11:6