Giăng 20 "Chúa Giê su Phục sinh - hà hơi trên môn đồ "
Giăng 20: "Chúa Giê su Phục sinh - gặp gỡ và hà hơi trên môn đồ"
Câu hỏi:
1/ Chúa Giê su trong thân thể Phục sinh có gì khác thường?
2/ Khi Chúa có thể có mặt ở khắp nơi cùng một lúc, khả năng ấy gọi là gì?
Và khi Chúa có thể đi vào nhà đang khoá cửa thì gọi là gì?
Chúa biết có hai môn đồ Ngài đang đi trên đường, cải nhau vì cớ Chúa, khả năng đó gọi là gì?
3/ Vì sao các môn đồ khoá cửa? Chúa Giê su đến tuyên bố câu gì?
Chúa Phục sinh đêm đến cho chúng ta điều gì?
4/ Vì sao Chúa Giê su trong thân thể Phục sinh còn mang vết thương?
5/ Chúa hà hơi trên môn đồ để ban gì cho họ?
Con người có khả năng hà hơi để ban Thánh Linh hay ban sự sống cho người khác không?
6/ Sau khi được ban Thánh Linh, Chúa kêu gọi môn đồ tiếp tục công việc của Chúa.
Ngài ban cho họ quyền hạn gì? Quyền hạn đó sẽ được hiểu như thế nào?
"Chúa Giê su Phục sinh - gặp gỡ và hà hơi trên môn đồ "
*** " Chúa Giê su hiện ra giữa các môn đồ" câu 19
"Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhất trong tuần lễ, những cửa nơi các môn đồ ở đều đang đóng lại, vì sợ dân Giu-đa, Đức Chúa Jêsus đến đứng chính giữa các môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! "
*Buổi chiều nội ngày đó:
Nếu góp lại các sự kiện về Chúa Giê su trong ngày Ngài Phục sinh từ các sách Tin lành, người ta nhận thấy trong thân thể phục sinh, Chúa Giê su thể hiện những đặc điểm sau:
Không ai nhận ra Chúa, vì Ngài hiện ra với một hình dạng khác
Cùng một ngày, Chúa Giê su có thể có mặt ở các nơi khác nhau
Thân thể Chúa còn mang chứng cớ của sự hành hình ( Dấu đinh trên tay - Vết thương vì giáo đâm bên sườn)
Chúa Giê su có thể vào phòng không cần ai mở cửa
Có năm lần Chúa Giê su hiện ra ngay trong chính ngày Chúa sống lại:
1/ Gặp Ma ry Ma đơ len (Giâng 20:11-18).
2/ Gặp những người phụ nữ khác (Ma-thi-ơ 28:9-10).
3 / Gặp hai môn đồ trên đường Em ma út (Mác 16:12-13, Lu ca 24:13-32).
4/ Gặp Si môn tức Phi e rơ (Lu-ca 24:33-35, 1 Cô-rinh-tô 15:5).
5/ Cho mười môn đồ trong phòng ẩn náu (Giăng 20:19-23).
Lần thứ năm là trường hợp sách Giăng đang kể lại - Lúc đó, các môn đồ dường như đang rất sợ hãi, họ đóng chặt các cửa vì sợ dân Giu đa tìm đến.
Vì sao họ lại ở cùng nhau? Vì Chúa Giê su có dặn biểu họ rằng, khi Chúa không còn ở với họ, họ phải yêu thương và đoàn kết với nhau, thì họ mới vượt qua những khó khăn, thử thách trước mặt, họ đã làm điều đó và bây giờ họ đang ở cùng nhau. Chúa Giê su cũng đã cầu nguyện cho sự đoàn kết của họ.
Giăng nói rằng các cánh cửa đã đóng, còn có nghĩa, không chỉ đã đóng, mà còn được canh chừng, và khóa kỹ lưỡng để ngăn chặn bất kỳ sự xâm nhập nào.
Giữa khi các môn đồ đang trong cơn sợ hãi, thì Chúa Giêsu xuất hiện và đứng giữa họ. Chúng ta không biết Chúa Giêsu vào phòng bằng cách nào, nhưng điều đó không hề bình thường, dường như các bức tường không có tác dụng với thân thể phục sinh của Chúa, một thân thể khác.
Sự xuất hiện kỳ diệu này của Chúa Giêsu rõ ràng để chứng minh rằng thân thể phục sinh không bị giới hạn giống như thân xác hiện tại của chúng ta.
Chúng ta sẽ được sống lại giống như Chúa Giê-su (Rô-ma 6:4, 1 Cô-rinh-tô 15:42-46), điều này cho chúng ta một số gợi ý về bản chất của thân thể tương lai của chúng ta trong sự sống lại.
"Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy."
"Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; 43 đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; 44 đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng; 45 ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống. 46 Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, ấy là thể huyết khí; rồi thể thiêng liêng đến sau."
Chúa Giêsu phục sinh không bị giới hạn bởi những cánh cửa đóng kín. Chúa Giêsu có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì sau khi Ngài phục sinh, nhưng Ngài muốn ở với dân Ngài để giảng giải, trấn an và đem cho họ niềm hy vọng.
Các môn đồ đã chạy trốn trong ngày Chúa Giê su bị hành hình, chắc bây giờ rất bối rối, nghĩ rằng Chúa sẽ quở trách sự bất trung, hèn nhát của mình. nhưng họ thấy Chúa gặp họ mừng rỡ và chúc Bình an cho bọn họ. Chúa Giê su vui vì họ là những người đầu tiên nhận lấy món quà qúi báu mà Chúa ban cho con người là sự cứu chuộc.
** Môn đồ được ban cho thẩm quyền của Tin lành: câu 20-23
"Nói đoạn, Ngài giơ tay và sườn mình cho môn đồ xem. Các môn đồ vừa thấy Chúa thì đầy sự mừng rỡ. 21 Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: Bình an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy. 22 Khi Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn đồ mà rằng: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. 23 Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó."
" Chúa Giê su giơ tay và sườn mình cho môn đồ xem"
Lu-ca đề cập đến cuộc tụ họp của môn đồ có mặt những người khác (Lu-ca 24:33) và Chúa Giê-su đã mời họ chạm vào thân thể Ngài để xem đó là thật (Lu-ca 24:39-40).
Chúa Giê su đến với những người tin lời Ngài, Chúa không ban lời gì cao xa, huyền bí, Ngài chỉ muốn cho mọi người thấy chính Ngài và sự hy sinh của Ngài.
Chúa chúc bình an cho môn đồ. Ngài đã xoa dịu nỗi sợ hãi của họ. Chúa Giêsu phục sinh mang lại bình an cho loài người.
"Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy. "
Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người một sứ mệnh là tiếp tục công việc của Người trên trái đất. Đây là sứ mạng để thực hiện điều Chúa Giê-su cầu nguyện trong Giăng 17:18:
" Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian."
Điều này có nghĩa là xưa và nay, các môn đệ đều được sai đi theo khuôn mẫu Chúa Cha sai Chúa Con đi.
Hay nói cách khác, các môn đồ, những nhà truyền giáo là những người được sai đi – theo động từ tiếng Latinh “sai đi”.( To send)
Chúa Giê su được sai đi giảng dạy và làm chứng, thì các môn đồ cũng được sai đi, giảng dạy và làm chứng.
"Hà hơi trên môn đồ mà rằng: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh."
Chúa Giê su được sai đi giảng dạy và làm chứng, thì các môn đồ cũng được sai đi, giảng dạy và làm chứng.
" Chúa Giê su hà hơi trên môn đồ"
Thật là đặc biệt khi chúng ta thấy Chúa Giê su hà hơi trên môn đồ để họ được nhận lãnh Thánh linh. Hai chữ " hà hơi" khiến chúng ta liên tưởng đến việc Đức Chúa Trời hà hơi sống của Ngài vào con người bằng bụi đất và làm cho nó được sống.
Chúa Giê su cũng vậy, trước khi gọi môn đồ vào chức vụ, Ngài cũng truyền Thánh linh của Ngài cho môn đồ, làm cho họ sống động, tươi mới, được Thánh Linh dẫn dắt để làm công tác cho nước Trời. Đây là công việc tái tạo, giống như Đức Chúa Trời đã thổi sự sống vào con người đầu tiên. Với ý nghĩa các môn đồ được tái sinh, họ trở thành những con người mới, để có đủ điều kiện phù hợp cho công việc mà Chúa Giê su kêu gọi họ làm. Chúa hà hơi trên họ nhằm truyền lại chính Thánh Linh của Ngài cho họ.
Chúa Giêsu đã ban cho các môn đồ quyền công bố sự tha thứ và cảnh cáo người có tội, theo quyền của Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể nói rằng lời rao giảng của Phi e rơ vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2:38) là việc thực thi quyền năng đã được hứa để loan báo sự tha tội.
Trong ý nghĩa nầy, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng, Đức Thánh Linh chỉ được Chúa ban cho, chứ không phải từ con người, và Đức Thánh Linh cũng không được ban cho Hội Thánh như một điều mà người ta dùng để khoe trên môi miệng, nhưng được ban cho, để trao quyền cho người đang làm công tác cho nước Trời.
Thẩm quyền được giao, là một thẩm quyền vô cùng quan trọng trên đất, chúng ta không được nghĩ, chúng ta có quyền tha tội hay đóng cửa cứu rỗi theo ý mình, nhưng là một thẩm quyền mà chúng ta có trách nhiệm, đó là công bố sự tha thứ cho những tín đồ ăn năn, và cảnh báo những người không tin, không cần đến lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Thẩm quyền đóng hay mở là thẩm quyền của Hội Thánh Chúa.
Giăng muốn nói rằng khi hội thánh đầy dẫy Đức Thánh Linh, Hội Thánh có thẩm quyền tuyên bố tội nào được tha và tội nào bị cầm giữ. Chúa Giêsu gặp gỡ các môn đệ vào ngày Chúa Phục sinh, đưa ra một khuôn mẫu, mà hôm nay cũng đang tiếp tục diễn ra cho các Hội Thánh. Chúa Giêsu muốn tiếp tục bốn sứ mạng:
Sự bảo đảm, sứ mệnh rao giảng Tin lành, sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và thẩm quyền của dân sự Chúa ngày nay
(assurance, mission, the Holy Spirit and authority to His people today.)