Giăng 1 phần 5: " Phép Báp têm bằng nước của Giăng"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

" Hai người đang đi dọc đường, gặp chỗ có nước, hoạn quan nói rằng: Nầy, nước đây, có sự gì ngăn cấm tôi chịu phép báp-tem chăng?" Công vụ 8:36

Giăng 1 phần 5: " Phép Báp têm bằng nước của Giăng"

 

Đọc Giăng 1: câu 25-28

 

Câu hỏi:

 

1/ Phép báp têm bằng nước của Giăng Báp tít có ý nghĩa gì? Tại sao phải làm phép báp têm đó?

 

2/ Giăng Báp tít cho các Thầy Tế lễ biết ai sai ông làm việc đó?

 

3/ Phép báp têm bằng nước và phép báp têm bây giờ có gì khác nhau?

 

4/ Như vậy, nếu có ai nói bạn chỉ mời làm phép báp têm bằng nước không thôi thì có đúng không?

 

5/ Nếu nói hiện nay, cơ đốc nhân được làm phép báp têm qua đức tin nơi Chúa Giê su, mà nếu trong lòng người ấy không tin thật thì có được nhận Đức Thánh Linh không?

 


                            " Phép Báp Têm bằng nước của Giăng Báp Tít" Câu 25 &26

 

***"cớ sao ông làm phép báp tem? "

 

       Họ lại hỏi rằng: Nếu ông chẳng phải Đấng Christ, chẳng phải Ê-li, chẳng phải đấng tiên tri, thì cớ sao ông làm phép báp tem? Giăng trả lời: Về phần ta, ta làm phép báp tem bằng nước; nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết.?"



   Thường trong nghi lễ tẩy rữa, cũng như phép báp têm, nhúng mình hoàn toàn xuống nước khi người ngoại muốn gia nhập đạo Do Thái, phải được các Thầy Tế lễ thực hiện. Họ bắt đầu chất vấn Giăng Báp Tít, khi nghe ông từ chối là mình không phải một trong Ba Đấng của Y sơ ra ên đang kỳ vọng. Giăng tự xưng mình là " Tiếng kêu trong đồng vắng" trong Ê sai 40: 3

 

" Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta"

 

" Tiếng kêu trong đồng vắng" không phải là tên, mà là nhiệm vụ, Giăng Báp Tít không lý luận về thẩm quyền, mà muốn nhấn mạnh với các Thầy Tế Lễ về nhiệm vụ của ông đang làm là dọn đường cho Đấng sẽ đến. Giải thích như vậy, gián tiếp Giăng Báp tít đã cho các Thầy biết, việc làm báp têm của ông hoàn toàn phù hợp với sự kêu gọi của Chúa dành cho ông, là chuẩn bị những tấm lòng cho Đấng Christ.

 

" Ta làm phép báp têm bằng nước"

        Phép báp têm bằng nước của Giăng báp tít không nhân danh ba ngôi Đức Chúa Trời như chúng ta làm ngày nay, chỉ là biểu tượng của sự thanh tẩy. Chứng tỏ người ấy có lòng ăn năn về tội của mình mà thôi.

*** Phép Báp têm bằng nước của Giăng không được ban cho quyền phép nào từ Trời, để người nhận có thể tái sanh thành một người mới.

*** Phép báp têm bằng nước của Giăng, chỉ xảy ra với lời hứa nguyện ăn năn, chứ không phải lời xưng nhận Chúa Giê su.

và nếu chỉ làm phép Báp têm bằng nước không thôi, thì người ấy chưa nhận được Đức Thánh Linh. Nếu sau nầy, người nầy tin nhận Chúa Giê su,
người ấy phải làm phép Báp têm lần nữa, trong danh Chúa Giê su, để được nhận Đức Thánh Linh. Công vụ 19: 1-7

 

"Trong khi A-bô-lô ở thành Cô-rinh-tô, Phao-lô đã đi khắp những miền trên, rồi xuống thành Ê-phê-sô, gặp một vài người môn đồ ở đó.Người hỏi rằng: Từ khi anh em tin, có lãnh được Đức Thánh Linh chăng! Trả lời rằng: Chúng tôi cũng chưa nghe có Đức Thánh Linh nào. Người lại hỏi: Vậy thì anh em đã chịu phép báp-tem nào? Trả lời rằng: Phép báp-tem của Giăng. Phao-lô bèn nói rằng: Giăng đã làm phép báp-tem về sự ăn năn tội, mà truyền dân phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đức Chúa Jêsus. Chúng nghe bấy nhiêu lời, bèn chịu phép báp-tem nhân danh Đức Chúa Jêsus. Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói tiếng ngoại quốc và lời tiên tri. Cọng hết thảy độ mười hai người."



    Trong thời Giăng Báp tít, vì Chúa Giê su mới bắt đầu chức vụ, nên người làm phép báp têm bằng nước của Giăng Báp tít không tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giê su - Chúng ta không nên lẫn lộn với phép báp têm ngày nay, là phép báp têm được thực hiện sau khi người nhận đã tuyên xưng đức tin với Chúa Giê su. Cũng là làm phép báp têm trong nước, nhưng không thể gọi đó chỉ là phép báp têm bằng nước, mà đó là phép báp têm được ấn chứng bởi Ba ngôi Đức Chúa Trời và dĩ nhiên nhận được Đức Thánh Linh- Nên Giăng Báp tít mới nói: " Đấng ấy sẽ làm phép báp têm bằng Thánh Linh" là như thế.

 

Công vụ 2: 37-38

" Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. "

 

*** "Đấng đến sau ta" câu 26b-28



" Nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết. Ấy là Đấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài. Những việc đó đã xảy ra tại thành Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh, là nơi Giăng làm phép báp tem."

 

Giăng Báp tít có ẩn ý nói, Đấng mà các Thầy đang tìm đó đã có mặt ở đây rồi, nhưng có lẽ, cácThầy đã không tin những gì Giăng báp tít nói, nên không thèm hỏi điều chi nữa.


  Trước mặt dân Giu đa, Giăng báp tít được rất tôn trọng, thế mà ông còn tự cho mình không đáng cổi dây giày cho Đấng đến sau. Thời đó, nếu trong nhà người ta có một nô lệ thấp hèn nhất, nô lệ đó sẽ có nhiệm vụ cổi giày và rửa chân cho chủ, khi chủ về nhà.

   Một giáo sĩ Do Thái nói, đệ tử thường tôn trọng thầy của mình nên sẽ thực hiện cho Thầy mọi điều, ngoại trừ việc cởi dây giày. Điều đó chứng tỏ, cởi dây giày và rửa chân còn có liên quan đến lòng tự trọng.


  Cuộc phỏng vấn có nhiều điểm đặc biệt nầy đã được ghi lại, diễn ra tại Bethany (Nhà của chiếc phà) trên bờ phía đông sông Giô đanh (Jordan)
Giăng không tuyên bố rằng, qua phép báp têm của ông mà người ta được tha tội, nhưng việc làm đó đã chọc giận những người có thẩm quyền trong đền thờ, những người có nhiệm vụ giải quyết tội lỗi theo Luật pháp Môi-se.

"Ta bèn nhớ lại lời Chúa đã truyền rằng: Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước; nhưng các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh." Công vụ 11: 16