Giăng 1 phần 1: "Ngôi Lời và Chứng nhân của Ngôi Lời"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

" Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng." Sáng thế ký 1: 1-3

Giăng 1 phần 1: "Ngôi Lời và Chứng nhân của Ngôi Lời"

Đọc sách Giăng 1: Câu 1-5

Câu hỏi:


1/ Sách Giăng đã bắt đầu bằng hai chữ nào? Hai chữ đó giống với sách Sáng thế ký không? Tại sao không thể dùng chữ khác?


2/ Qua 5 câu đầu tiên, Giăng đề cập đến những danh vị nào của Chúa Giê su? Những danh vị đó đã có mặt trong buổi sáng thế không?


3/ Qua Giăng, người ta tìm thấy những điều nào giải thích về Đức Chua Trời ba ngôi là một?


4/ Tại sao Giăng liên kết những điều thật sự cần thiết cho đời sống con người trong Ngôi Lời? Ông muốn nói lên điều gì?


5/ Bạn có thể kể ra 5 danh vị của Chúa Giê su trong 5 câu Kinh Thánh trên không? Những danh vị đó liên kết với nhau như thế nào?

 

                                       "Ngôi Lời và Chứng nhân của Ngôi Lời"

 

**" Ban đầu có Ngôi Lời" Câu 1 &2

 

" Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời."

 

                                 " Thời gian của Ban đầu"

 

Như chúng ta được biết, sách Giăng tập trung giới thiệu về chính thân vị của Chúa Giê su, ông đã bắt đầu bằng cách cho độc giả thấy được những điểm chính của Chúa Giê su, chứng minh Ngài là Đức Chúa Trời.

  Khi Ma thi ơ xưng nhận Chúa Giê su là Con Đức Chúa Trời, ông đã được khen là có được sự khôn ngoan từ Trời. Nay sứ đồ Giăng được Đức Thánh LInh đưa lên cao thêm một bậc nữa, để Giăng có thể nêu lên tất cả những danh tính của Chúa Giê-xu, về mặt thuộc linh. Những điều nầy là một bí mật đối với mọi người trong thời điểm đó.

        1- Tính cách phi thời gian của Đức Chúa Trời:

 

Hai chữ "Ban đầu" cho thấy một thời gian không thể xác định được, vì nó không nằm trong khung thời gian của con người. Khi mọi việc bắt đầu, thì đã có mặt Chúa Giê su (cũng như Đức Chúa Trời) Giăng đã muốn nói: "Khi sự khởi đầu bắt đầu, Ngôi Lời đã có ở đó."

  Nếu là con nguời, không ai có thể dùng mốc thời gian nào để nói về sự xuất hiện của Chúa Giê su (cũng như Đức Chúa Trời). Cùng một cách ấy, Môi se cũng đã được Đức Thánh Linh chỉ cho ông dùng hai chữ " Ban đầu" khi bắt đầu sách Sáng Thế Ký.

Nói cách rỏ ràng hơn, Chúa Giê su xuất hiện cùng lúc với Đức Chúa Trời, Ngài cùng làm việc với Đức Chúa Trời, Ngài là Lời phán của Đức Chúa Trời và Ngài với Đức Chúa Trời là một.


   Qua sách Giăng, đạo lý về ba ngôi Đức Chúa Trời là một được thể hiện rất rõ ràng.



2- " Chúa Giê su được giới thiệu là Ngôi Lời"



   Quả thật sách Giăng đã dẫn độc giả vào một khu vườn đầy thú vị và mới mẻ, trong ba sách phúc âm kia, tác giả thuật lại những gì Chúa Giê su đã nói, nhưng, không ai nhấn mạnh đến danh vị mà Chúa Giê su đã đại diện cho lời phán của Đức Chúa Trời. Đừng hiểu lầm Chúa Giê su là mệng của Đức Chúa Trời, Ngài có thân vị riêng, Ngài là Đấng đã xuống thế gian, thành một con nguời thật sự, để đem lời của Đức Chúa Trời đến cho nhân loại.


   Ngôi Lời dịch từ chữ Hy Lạp cổ Logos. Ý tưởng về logos có nguồn gốc sâu xa và phong phú, ngay trong lối suy nghĩ của người Do Thái và người Hy Lạp.
Các Ra-bi Do Thái thường nhắc đến Đức Chúa Trời (đặc biệt là ở những khía cạnh riêng tư của Ngài). Họ gọi chính Đức Chúa Trời là “ Lời của Đức Chúa Trời”.


        Ví dụ, các ấn bản Cựu Ước bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ đã viết trong Xuất Ê-díp-tô Ký 19:17 Thay vì,

 

        "Môi-se bèn biểu dân ra khỏi trại quân nghinh tiếp Đức Chúa Trời; dân sự dừng lại tại chân núi."

 

Thì đã viết:


                         “Môi-se đưa dân ra khỏi trại để đón lời Đức Chúa Trời.”

 

    Trong suy nghĩ đó của người Do Thái cổ đại, cụm từ “lời của Đức Chúa Trời” có thể được dùng để ám chỉ chính Đức Chúa Trời.

Lời đó không phải Lời thường, là Lời quyền năng, đã có thể dựng nên mọi vật, cả con người và vủ trụ, Lời có tác dụng, đâm sâu vào lờng người để biến đổi tội nhân, Lời cũng ở đó để xét đoán tất cả mọi người trong thời kỳ cuối cùng, Lời đã bày tỏ mọi việc của Đức Chúa Trời dự định và làm, Đức Thánh Linh hành động qua Lời, Kinh Thánh cũng là quyển sách của Lời, và cuối cùng cũng nhờ Lời mà người ta nghe, tin và được cứu.

 

                        Không thể nói " Tôi tin Chúa Giê su, nhưng tôi không tin Lời"



"Ngôi Lời dựng nên mọi vật" câu 3-5

 

" Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng."

 

  Cũng đồng với một ý tưởng đó, Phao Lô đã viết trong Cô Lô se 1: 15-17

 

"Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài."

  Khi đọc trong Sáng Thế ký đoạn 1 câu 1, ai cũng cho rằng Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra muôn vật, nhưng đến khi Đức Thánh Linh giảng giải, thì Giăng và Phao Lô đều viết, Chúa Giê su cũng đã tạo nên vạn vật lúc ban đầu. Thêm một lần nữa, Đức Thánh Linh đã bày tỏ cho chúng ta biết, chính Đức Chúa Trời, Chúa Giê su và Đức Thánh Linh đều có mặt trong buổi sáng thế và Ba ngôi đó là một.

 

   "Ngài là sự sống:"

Ngôi Lời là nguồn của mọi sự sống – không chỉ sự sống sinh học (Bios), mà còn là nguyên lý của sự sống. Từ Hy Lạp cổ đại dịch sự sống là zoe,
có nghĩa là “nguyên lý sự sống”, không phải bios, chỉ là sự sống sinh học.

                                  “ Sức mạnh tạo ra sự sống là Lời"
                                         " Chính Lời đã duy trì sự tồn tại của mọi sự sống."
                                                " Mọi sự sống, vận hành được được cũng bởi Lời"



                     Nên không ai có thể nói : " Tôi sống được không cần Lời"

 

            " Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng."

 

          Để duy trì sự sống, mọi vật cần có ánh sáng, kể cả ánh sáng tâm linh cũng như ánh sáng tự nhiên. Không phải Ngôi Lời chứa đựng sự sống và ánh
sáng; nhưng Ngôi Lời là sự sống và ánh sáng.


Chúng ta thử đọc lại 5 câu đầu tiên trong sách Sáng thế Ký:

 

"Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất."

 

   Chúa đã khởi đầu xây dựng vủ trụ bằng ánh sáng - Sau Lời phán, thì ánh sáng đến, trước khi ánh sáng đến, thế gian mà chúng ta đang có như một cái vực sâu thẳm, không có sự sống, không thấy được gì cả và đồng nghĩa với tuyệt vọng, buồn bả và lạc lối. Ngôi Lời đến cùng ba ngôi Đức Chúa Trời, Ngài xua đuổi bóng tối đi, không phải Ngài chứa đựng ánh sáng, nhưng chính Ngài là ánh sáng.



"Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng."

  Trong tiếng Hy lạp, nghĩa đúng phải dịch là: Tối tăm không vượt qua nổi sự sáng.
Từ nầy diễn tả sự chủ động của ánh sáng, khi ánh sáng đi đến đâu thì bóng tối phải lùi đi. Sách Sáng thế ký nói đến ánh sáng và bóng tối của vật thể, nhưng trong  Ê sai 9:1 nói đến ánh sáng thuộc linh:

 

"Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết."

 

   Ngôi Lời là ánh sáng cho cả thuộc linh và thuộc thể, cách mà ánh sáng đẩy lùi bóng tối trong thuộc thể như thế nào thì phần thuộc linh, ai tiếp nhận Ngôi Lời thì ánh sáng đến tâm linh của họ như thể ấy. Bóng tối của thuộc thể đã không vượt qua được sự sáng thì bóng tối trong tâm linh cũng không chế ngự được con người nếu tiếp nhận Ngôi Lời.

Tiếp nhận Ngôi Lời chính là tiếp nhận ánh sáng soi trong tâm linh.

" Sự sống là sự sáng của loài người"


Không tiếp nhận sự sáng cũng đồng nghĩa không có sự sống. Lời Giăng viết ra tuyệt vời hơn một nhân chứng, dưới sự hà hơi của Đức Thánh Linh, Giăng đã lập luận như một luật sư có tài.

 

 

" Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết". Ê sai 9:1