Giăng 19: " Mọi việc đã được trọn "
"Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?" Mác 15: 34b
Giăng 19: " Mọi việc đã được trọn "
Câu hỏi:
1/ Chúa Giê su chịu Cha lìa bỏ để chúng ta được gì? Chúa chịu chết để chúng ta được gì?
Xin dùng những từ đối nghịch lại với " lìa bỏ" và "chết" để thấy lợi ích của chúng ta.
2/ Chúa có bị ép buộc làm sự hy sinh đó không? Hay Chúa tự nguyện?
Nếu Chúa Tự nguyện phó sự sống mình thì Ngài có quyền lấy lại không?
3/ Vì sao Đức Chúa Trời bỏ rơi Chúa Giê su lúc Ngài chịu đau thương?
4/ Chúa Giê su muốn chút nước để tuyên bố điều gì?
Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
5/ Các bạn có thể kể ra vài điều tiên tri xung quanh cái chết của Chúa Giê su không?
6/ Sau khi chôn Chua Giê su xong, các bạn có nghĩ Ni cô đem và Giô sép có còn là môn đồ kín giấu nữa không?
"Chúa Giê su trút linh hồn"
** " Mọi việc đã được trọn" câu 28-30
" Sau đó, Đức Chúa Jêsus biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát. 29 Tại đó, có một cái bình đựng đầy giấm. Vậy, họ lấy một miếng bông đá thấm đầy giấm, buộc vào cây ngưu tất đưa kề miệng Ngài. 30 Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn."
Từ khi Chúa Giê su chấp nhận uống chén đắng mà Đức Chúa Trời giao cho Ngài, Chúa luôn mong đợi giờ phút mà Ngài được hoàn thành sứ mạng đó. Trong sách Luca 12: 50 Chúa nói rằng:
" Có một phép báp-tem mà ta phải chịu, ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành! "
Phép Báp têm mà Chúa Giê su chịu khổ nhục biết bao nhiêu, để cho phép Báp têm chúng ta nhận được đầy phước hạnh.
Lúc Chúa Giê su bị treo lên, là lúc Ngài trở thành đối tượng của sự phán xét kinh khủng của Đức Chúa Trời-
Trước mắt Đức Chúa Trời, Chúa Giê su bây giờ là một tội nhân, mang bao nhiêu điều ghê tởm, bất khiết, bất công, gian dối, tà dâm, tàn ác, xấu xa...Không có thiếu một thứ gì, đã và sẽ xảy ra trên đất, những thứ gớm ghê có trong con loài người.
Lúc ấy Đức Chúa Trời với bản tánh Thánh Khiết và công chính, Ngài ngoảnh mặt với Tội nhân. Ma thi ơ 27: 46 ghi lại những lời Chúa Giê su kêu lên đau thương"
"Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?
Chúa Giê su phải chịu giờ phút mà Đức Chúa Trời lìa bỏ, để nhân loại được kết nối lại mối tương giao với Đức Chúa Trời, đã vì tội lỗi mà đứt đoạn, từ khi Adam và Eva bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.
Ý nghĩa của việc chết thay, mà Đức Chúa Trời định cho Chúa Giê su đã được Phao Lô giải thích rất ngắn gọn chỉ trong một câu của II Cô rinh tô 5: 21
"Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời."
Như vậy, nếu ai không nhận sự chết thay của Chúa Giê su, đều không được xưng công bình trước Đức Chúa Trời, tội lỗi của người ấy vẫn còn trên họ, và cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời cũng sẽ đổ xuống y như thế. Giăng 3: 36 nhắc nhở:
"Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó."
** " Ta Khát "
Chúa Giê su bị đánh bằng móc sắt, bị đóng đinh cả hai tay và hai chân, nên chảy rất nhiều máu, tất cả máu trong thân thể Ngài đã chảy ra gần hết -
Theo sách Mác đoạn 15, thời gian Chúa Giê su ở trên Thập giá từ giờ thứ Ba đến giờ thứ Chín- Thời gian của cực hình kéo dài đến sáu tiếng, trước khi trút linh hồn, Chúa Giê su muốn tuyên bố một câu sau cùng, nhưng Ngài không có sức, chúng ta sẽ mượn hai câu trong sách Thi Thiên 22, tiên tri về cái chết của Chúa Giê su để gải thích vì sao Chúa kêu lên: " Ta Khát"
" Tôi bị đổ ra như nước, Các xương cốt tôi đều rời rã; Trái tim tôi như sáp, Tan ra trong mình tôi. 15 Sức lực tôi khô như miếng gốm, Và lưỡi tôi dính nơi ổ gà; Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết. "
Sức lực Chúa Giê su khô cạn, đến nỗi Ngài không nói được, dường như lưỡi bị dính nơi ổ gà ! Chúa Giê su muốn nói điều gì? Ngài chỉ muốn nhắn với chúng ta, những tội nhân thật sự là:
" Mọi việc đã được trọn"
Một vật chua chát là giấm được đưa lên cho Chúa, để Ngài lấy chút sức còn lại sau cùng, có thể nói với toàn thể nhân loại rằng:
" Ngài đã làm xong sứ mạng" và trút linh hồn.
Nhiều người sau khi đọc sách Giăng có nhận xét rằng, Giăng đã dẫn chúng ta nhìn lên cái chết của Chúa Giê su bằng con mắt đức tin, gia tăng sự hiểu biết của người theo Chúa về sứ mạng cứu rỗi của Ngài.
Sự hiểu biết theo chiều sâu đó, thúc đẩy chúng ta yêu mến và thờ phượng ba ngôi Đức Chúa Trời cách hết lòng. Giăng biết pha trộn nỗi đau của Chúa với lợi ích lớn lao của chúng ta, lại khiến chúng ta vui mừng vì Ngài đã thắng và tuyên bố:
" Mọi việc đã được trọn"
Thật là một điều kỳ lạ mà tuyệt vời khi những khoảnh khắc được ghi lại về cái chết của một người lại có thể mang lại niềm vui cho nhiều người.
Thi Thiên 69: 19-21 lời tiên tri nói rằng:
" Chúa biết sự sỉ nhục, sự hổ thẹn, và sự nhuốt nhơ của tôi: Các cừu địch tôi đều ở trước mặt Chúa. 20 Sự sỉ nhục làm đau thương lòng tôi, tôi đầy sự khổ nhọc; Tôi trông đợi có người thương xót tôi, nhưng chẳng có ai; Tôi mong-nhờ người an ủi, song nào có gặp. 21 Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, Và cho tôi uống giấm trong khi khát."
Lòng ác độc của con loài người, đưa một miếng giấm cho Chúa thấm môi, khi Ngài kêu " Ta Khát" để Chúa lấy chút hơi tàn để báo một tin vui:
" Sự cứu rỗi đã làm xong !"
*** Câu 29 có nhắc đến " cây Ngưu tất " đó là cây " Kinh giới", trong tiếng anh chỉ dùng một từ là " Hyssop"
Sách Xuất Ê díp tô 12: 21-23 nói rằng, trong đêm mà Đức Chúa Trời vượt qua các nhà, nếu nhà nào dùng chùm kinh giới, nhúng vào huyết Chiên con, bôi lên cửa, thì Ngài sẽ đi qua không hành hại nhà đó, hôm nay, chùm kinh giới cũng được nhúng vào huyết Chúa Giê su để mọi tội lỗi của ai bởi đức tin, nhận lấy huyết đó chịu thay cho mình, đều được Đức Chúa Trời tha thứ.
"Vậy, Môi-se nhóm lại các trưởng lão Y-sơ-ra-ên mà nói rằng: Hãy đi bắt một con trong bầy cho mọi nhà các ngươi, và giết nó làm lễ Vượt-qua. 22 Rồi hãy lấy một chùm kinh giới nhúng vào huyết trong chậu, bôi lên mày và hai cây cột cửa, đoạn, trong các ngươi chớ ai ra khỏi cửa nhà mình cho đến sáng mai. 23 Đức Giê-hô-va sẽ đi qua đặng hành hại xứ Ê-díp-tô; khi thấy huyết nơi mày và hai cây cột cửa, Ngài sẽ vượt qua, không cho kẻ tiêu diệt vào nhà các ngươi đặng hành hại."
" Chúa Giê su trút linh hồn"
Trong tiếng Việt, Kinh Thánh dùng chữ " Trút linh hồn " cho những người qua đời, đó là lúc linh hồn họ được trả về cho Đấng Tạo hoá. Nhưng sách Giăng và các sách phúc âm khác nói Chúa Giê su từ bỏ linh hồn mình " Gave up his Spirit " hay "yielded up his spirit "
Chúa Giê su không chết cách bị động giống như chúng ta, nhưng Ngài tự bỏ linh hồn mình - Điều nầy khó hiểu cho sự hạn hẹp của chúng ta khi chưa được bày tỏ, nhưng sách Giăng 10: 17 &18 chép:
" Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình để được lấy lại. 18 Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta. "
Qua câu nầy, chúng ta chỉ hiểu được rằng Chúa Giê su được quyền và tự nguyện từ bỏ sự sống mình, thì cũng có quyền lấy lại. Không giống như con loài người, bị lấy sự sống đi mà không có quyền lấy lại, nếu không được Đấng Tạo hoá ban lại.
*** Lời tiên tri ứng nghiệm rằng Chúa Giê su không bị gảy xương, nhưng bị giáo đâm vào hông: câu 31-37
"Vì bấy giờ là ngày sắm sửa về ngày Sa-bát, mà Sa-bát nầy là rất trọng thể, nên dân Giu-đa ngại rằng những thây còn treo lại trên thập tự giá trong ngày Sa-bát chăng, bèn xin Phi-lát cho đánh gãy ống chân những người đó và cất xuống. 32 Vậy, quân lính lại, đánh gãy ống chân người thứ nhất, rồi đến người kia, tức là kẻ cùng bị đóng đinh với Ngài. 33 Khi quân lính đến nơi Đức Chúa Jêsus, thấy Ngài đã chết rồi, thì không đánh gãy ống chân Ngài; 34 nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra. 35 Kẻ đã thấy thì làm chứng về việc đó, (lời chứng của người là thật, và người vẫn biết mình nói thật vậy), hầu cho các ngươi cũng tin. 36 Vì điều đó xảy ra, cho được ứng nghiệm lời Thánh Kinh nầy: Chẳng một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy. 37 Lại có lời Kinh Thánh nầy nữa: Chúng sẽ ngó thấy người mà mình đã đâm."
*** Các Thầy Tế Lễ xin Phi Lát đánh gãy xương ống chân ba tội nhân:
Thường theo luật La mã, các tử tội sẽ bị treo trên cây Thập tự lâu ngày, để mọi người thấy mà răn đe, nhưng lần nầy, vì ngày Sa bát gần kề, ngày Sa bát nầy quan trọng với dân Giu đa vì nó gắn liền với lễ Vượt qua, nếu tội nhân còn treo trên thập tự, đất sẽ bị rủa sả, họ vội vả đến với Phi Lát để xin đánh gãy các ống chân của tội nhân, khiến họ phải sụm xuống mà chết nhanh chóng hơn.
Qua lời đề nghị nầy từ các Thầy Tế lễ, người ta thấy lương tâm của họ không bị tổn thương chút nào vì đã sát hại Chúa Giêsu, nhưng họ lại vô cùng áy náy trước nỗi sợ bị ô uế theo nghi lễ.
Những kẻ giả hình, có thể dùng tôn giáo để sống trong một lương tâm đã chết.
Vì Chúa Giê su đã chết, nên bọn lính không đánh gãy ống xương chân của Ngài như hai người kia, nhưng có một tên lính đã lấy giáo đâm vào hông Ngài, máu và nước chảy ra, chứng tỏ Ngài đã chết rồi.
Tại sao sự kiện Chúa Giê su không bị đánh gãy xương lại quan trọng?
Để cho lời tiên tri về Chúa Giê su là Chiên Con lễ Vượt qua được ứng nghiệm.
Sách Xuất Ê díp tô 12: 46 dặn dân sự cách ăn thịt con Chiên trong đêm Vượt qua như vầy:
" Lễ đó chỉ ăn nội trong nhà; ngươi đừng đem thịt ra ngoài, và cũng đừng làm gãy một cái xương nào."
Và sách Thi THiên 34: 20-22 chép:
"Ngài giữ hết thảy xương cốt người, Chẳng một cái nào bị gãy. 21 Sự dữ sẽ giết kẻ ác; Những kẻ ghét người công bình sẽ bị định tội. 22 Đức Giê-hô-va chuộc linh hồn của kẻ tôi tớ Ngài; Phàm ai nương náu mình nơi Ngài ắt không bị định tội."
Khi Chúa Giê su trở lại, mọi người đều sẽ trông thấy Ngài, những kẻ tra tay mình trên sự chết Chúa Giê su đều sẽ đấm ngực than khóc, kể cả kẻ đâm Ngài: Khải huyền đoạn 1:7
" Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trong thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men! "
** Chúa Giê su được chôn như người giàu: câu 38-42
" Sau đó, Giô-sép người A-ri-ma-thê, làm môn đồ Đức Chúa Jêsus một cách kín giấu, vì sợ dân Giu-đa, xin phép Phi-lát cho lấy xác Đức Chúa Jêsus; thì Phi-lát cho phép. Vậy, người đến và lấy xác Ngài. 39 Ni-cô-đem, là người khi trước đã tới cùng Đức Chúa Jêsus trong ban đêm, bấy giờ cũng đến, đem theo độ một trăm cân một dược hòa với lư hội. 40 Vậy, hai người lấy xác Đức Chúa Jêsus, dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo như tục khâm liệm của dân Giu-đa. 41 Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn, trong vườn đó có một cái huyệt mới, chưa chôn ai. 42 Ấy là nơi hai người chôn Đức Chúa Jêsus, vì bấy giờ là ngày sắm sửa của dân Giu-đa, và mộ ấy ở gần."
*** Hai môn đồ kín giấu:
Chúa Giê su có hai môn đồ còn kín giấu vì họ là hội viên của Toà Công luận, là Ni cô đem và Giô sép người A ri ma thê - Cả hai đều giàu có và đều giữ chức vụ trong hệ thống chính quyền của dân Giu đa.
Chúng ta đã được biết Ni cô đem, qua câu chuyện ông đi gặp Chúa Giê su ban đêm, và nghe Chúa bảo ông phải Tái sanh, còn Giô sép thì sách Mác chỉ chép rằng:
"có một người tên là Giô-sép, Ở thành A-ri-ma-thê, là nghị viên tòa công luận có danh vọng, cũng trông đợi nước Đức Chúa Trời."
Một điều thú vị là Đức Chúa Trời đã dùng hai nhân vật, là hai môn đồ ẩn mặt của Chúa Giê su, lãnh nhiệm vụ chôn cất Ngài. Khi Chúa dùng người, Ngài biết họ sẽ làm được và sẽ thực hiện theo ý muốn của Ngài.
Người La mã có thói quen để tử tội bị treo mãi cho đến khi thân xác không còn, thế thì một người dân bình thường không thể nào dám đến mà xin Phi Lát đem xuống để chôn.
Một người như Giô sép, như Ni cô đem, mà sách Mác còn ghi là phải " Bạo gan" đến xin Phi Lát -
Do vì ông cũng là người trong hàng ngũ lãnh đạo dân Giu đa nên Phi lát bằng lòng. Nếu phối hợp bốn sách phúc âm thì có cả các bà phụ giúp, và họ đã làm tất cả mọi việc trong ban đêm: Tất cả các sự kiện phối hợp từ bốn sách Tin lành có thể được diễn tả như sau:
"Theo Giăng 19, khi nghe tin Chúa Giê-su qua đời, môn đồ bí mật này của Chúa Giê-su đã "xin Phi-lát cho phép lấy xác Chúa Giê-su đi, và Phi-lát đã cho phép."
Giô-sép ngay lập tức mua một tấm vải liệm và đến Gô gô tha để hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá. Tại đó, Giô-sép và Ni-cô-đem lấy xác và quấn trong vải lanh với các loại thuốc thơm là Mộc dược và lô hội mà Ni-cô-đem đã mang theo.
Lu-ca 23:55-56 nói rằng những người phụ nữ cũng có đến với hai ông từ Ga-li-lê đã chuẩn bị sẵn sàng thuốc thơm và dầu thơm.
Sau đó, các môn đồ cùng nhau chuyển thi thể của Chúa đã được tẩn liệm, đến một hang động được đẽo từ đá ở khu vườn gần đó. Chỉ riêng Phúc âm Ma-thi-ơ cho rằng đây là lăng mộ của chính Giô-sép. Việc chôn cất được tiến hành nhanh chóng, "vì ngày Sa-bát sắp đến".
** Chúa Giê su được chôn trong mộ của người giàu:
Khi Ni cô đem và Giô sép làm mọi điều để chôn Chúa Giê su, họ là những người của Toà Công luận, một người là Pha ri si, người kia là Sa đu sê, họ nghiên cứu rất kỹ về Kinh Thánh, thì họ chắc biết rằng họ đang làm ứng nghiệm lời tiên tri; lời tiên tri trong Ê-sai 53:9 nói rằng Đấng Mê-si sẽ chôn với người giàu khi Ngài chết.
"Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng."
Tại đây thi thể của Chúa Giêsu nằm trong tay của hai người đàn ông giàu có - những người theo thông lệ sẽ sai một người hầu làm công việc tầm thường và đẫm máu như vậy. Tuy nhiên, họ biết rằng họ phải tự mình làm điều đó.
Thật là một công việc kỳ lạ đối với hai người đàn ông. Tuy nhiên, cũng kỳ lạ với cả Chúa Giêsu, theo kế hoạch của Đức Chúa Cha, Chúa Giê su bị chết treo chết trên thập tự giá một thời gian – đủ lâu để Giô-sép đến gặp Phi-lát và được phép nhận xác về chôn. Kế hoạch nầy quan trọng để chứng minh rằng sau khi chết, Chúa Giê su cũng được tiên tri được chôn như thế nào.
Giăng không cho có sự trùng hợp khi mộ của Giô sép lại ở gần ngay chỗ cây thập tự, và vì Giô sép là người giàu, nên đó là mộ mới để dành cho một mình ông, chưa chôn ai, sự cẩn thận nầy của Kinh Thánh cũng nói lên việc tránh nhầm lẫn khi Chúa Giê su được chôn vào mộ người khác, thì sẽ có nghi vấn rằng thân thể Chúa Giê su đã chạm vào Đấng Tiên tri nào đó mà sau nầy được sống lại.
Lời Tiên tri của Đức Chúa Trời đã được trọn và sứ mạng của Chúa Giê su cũng đã trọn.
Cám ơn Chúa Giê su vì Ngài đắc thắng cả sự tội và cả sự chết, để người tin Chúa được tha tội và được sống lại sau nầy...