Giăng 19: "Chúa Giê su bị đóng đinh trên cây Thập tự "

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

" còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời." Hê bơ rơ: 10:12

Giăng 19: "Chúa Giê su bị đóng đinh trên cây Thập tự "

 

Đọc Giăng:19: 17-27

 

Câu hỏi:

 

1/ Chúa Giê su có phải là Vua không? Ngài thuộc giòng dõi nào trong các con của Gia Cốp?
           và có thuộc dòng dõi Đa vít không? qua ai?

 

2/ Vì sao Phi lát không chịu thay đổi lời trong tấm bảng, khi được yêu cầu sửa lại?

 

3/ Áo dài của Chúa Giê su không có đường may, giống với áo dài của ai?
   đó là hình bóng Ngài là ai trên nước Trời? (Xin đọc Hê bơ rơ 9: 11-15 bên dưới trang)

 

4/ Vì sao Chúa Giê su phải chịu chết đau thương và sĩ nhục như thế?
    Vì sao Đức Chúa Trời bằng lòng để Con Ngài chịu những điều nầy?

 

5/ Có ai đứng dưới chân Chúa được ghi lại trong đoạn nầy?
Vì sao có lời tiên tri: Có một thanh gươm đâm thấu lòng ngươi, cho bà Ma ri?

 

6/ Vì sao Chúa Giê su lại giao mẹ mình cho Giăng trẻ tuổi mà không giao cho anh em mình?

 


            "Chúa Giê su bị đóng đinh trên cây Thập tự "

 

** Chúa phải mang cây Thập tự: Câu 17 &18

 

"Đức Chúa Jêsus vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha. 18 Ấy đó là chỗ họ đóng đinh Ngài, lại có hai người khác với Ngài, mỗi bên một người, còn Đức Chúa Jêsus ở chính giữa."

 

  Theo luật La Mã, Chúa Giêsu phải vác thập tự giá của Ngài từ nơi tuyên án đến nơi đóng đinh, nơi đó là một ngọn đổi ở ngay bên ngoài thành Giê ru sa lem, có hình dạng như cái sọ, người ta gọi là đồi sọ ( Gô gô tha).

  Trước khi người La Mã treo một người lên thập tự giá, họ bắt người ấy phải vác nó đi diễn qua trước mặt công chúng, nhằm thu hút sự chú ý của mọi người đến tội nhân bị kết án, tội ác và số phận của anh ta.

Nhiều người đọc trong sách sử chép rằng, thông thường, người bị kết án, chỉ vác thanh ngang mà thôi, chứ không phải nguyên cây thập tự. Những chiếc cọc thẳng đứng có lẽ đã đứng sẵn ở đó rồi.

Không phải La mã có ý kiến đầu tiên trong việc đóng đinh phạm nhân, nhưng là người Ba Tư (Persians) sau đó La Mã đã chỉnh đốn nó, và biến nó thành một hình luật. Hình luật đó được áp dụng để hành quyết những tội phạm tồi tệ nhất của tầng lớp thấp nhất, là những nô lệ hay ngoại bang, chứ không phải cho chính người La mã.

Việc đóng đinh được thiết kế để khiến nạn nhân chết một cách công khai, chết từ từ, chết cách vô cùng đau đớn và tủi nhục. Đây là hình thức chết mà Đức Chúa Trời đã ấn định cho Chúa Giê-su, theo ý muốn của Đức Chúa Trời, vì Chúa Giê su đang gánh vác vô số tội lỗi gớm ghê của nhân loại, và vì thế mà Đức Chúa Trời phạt chính con Ngài hình phạt đó. Sách Tiên tri Ê sai 53: 10 chép:

 

" Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau buồn. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng."

 

Có một đặc điểm mà người ta nhận xét, là các tác giả viết sách Phúc âm đã không đào sâu sự đau đớn thể xác của Chúa Giê su, để làm cho người đọc bị cảm xúc theo cách nầy, nhưng cả Ma thi ơ, Mác , Lu ca và Giăng đã nghiêng về sự sĩ nhục mà Chúa phải chịu đựng, họ muốn diễn tả phần nội tâm của Ngài bị tổn thương sâu sắc. Do đó, việc đóng đinh Chúa Giê su ở giữa hai tên ác phạm, cũng là cách nhục mạ, rằng Ngài đáng ở giữa đám tội phạm gớm ghê.

 Thật vậy, Chúa Giê su đang ở giữa các tội phạm gớm ghê. Lúc Ngài còn đi giảng đạo, Ngài vẫn thường tìm họ, đến với họ, để giúp họ bước ra khỏi bóng tối cuộc đời mình. Chúa Giê su đã bị người ta hỏi Ngài rằng: " Sao Thầy ăn chung với kẻ có tội và kẻ xấu nết?" Chúa Giê su đã trả lời họ trong Ma thi ơ đoạn 9 : 12 &13

 

"Đức Chúa Jêsus nghe đều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh. 13 Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội."



  Kẻ thù của Chúa Giê su nghĩ rằng Ngài sẽ khó chịu hơn khi thấy mình cùng chết chung với một nhóm thấp hèn, tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn là trung tâm của những người tội lỗi cho đến cuối cùng.

 Sách Lu ca 23 đã chép, trên Thập giá, Chúa Giê su còn cứu được một tên tội phạm gian ác. Cái chết giữa các tội nhân đã làm cho Chúa Giê su được tôn vinh nhiều hơn, thay vì xấu hổ hơn như ý người ta muốn.

 

" Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Jêsus đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh. 13 Vậy nên chúng ta hãy ra ngoài trại quân, đặng đi tới cùng Ngài, đồng chịu điều sỉ nhục." Hê bơ rơ 13: 12 &13

 

Các tác giả bốn sách Phúc âm không diễn tả cảnh trạng làm chúng ta nhìn Chúa Giê su với lòng thương hại, như thể tất cả chúng ta đều cảm thấy tiếc cho Chúa Giêsu tội nghiệp. Chúng ta cần nhìn thấy Ngài qua một cách khác:

 

        Vì trên Thập tự giá, Ngài là người chiến thắng. Một chiến thắng vĩ đại nhất của mọi thời đại.

 

*** Phi Lát tuyên bố tội của Chúa Giê su trước công chúng: câu 19 - 22

 

" Phi-lát cũng sai làm một tấm bảng, rồi treo lên trên thập tự giá. Trên bảng đó có đề chữ rằng: Jêsus Người Na-xa-rét, Là Vua Dân Giu-đa. 20 Vì nơi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh ở gần thành, và chữ đề trên bảng đó viết bằng chữ Hê-bơ-rơ, chữ La-tinh và chữ Gờ-réc, nên có nhiều người Giu-đa đọc đến. 21 Các thầy tế lễ cả của dân Giu-đa bèn nói với Phi-lát rằng: Xin đừng viết: Vua dân Giu-đa; nhưng viết rằng, người nói: Ta là Vua dân Giu-đa. 22 Phi-lát trả lời rằng: Lời ta đã viết, thì ta đã viết rồi."

 

  Phi Lát viết một tấm bảng và treo trên thập giá: Đây cũng là luật lệ La Mã. Người bị đóng đinh sẽ bị ghi tên cùng với tội mình trên một tấm bảng gỗ, treo trên cổ, khi đến nơi chết, cái bảng đó được đóng luôn ở trên cùng của thập tự giá, để tất cả mọi người đều biết lý do người đó bị đóng đinh.


  Trên bảng đề là " Giê su Na xa rét, Vua dân Giu đa."

Như vậy, Chúa Giê su không chết vì tội " Phạm thượng" với Đức Chúa Trời, Ngài chết vì một sự thật rằng Chúa Giê su là Vua -

Các Vua thế gian khiến kẻ khác chết để được xưng là Vua, nhưng Chúa Giê su thì ngược lại, được xưng là Vua khi chết.


Bảng đề nầy cũng là một biện minh cho bản chất vô tội của Chúa Giêsu. Hai tên tội phạm với những mô tả về tội ác của chúng; nhưng trên thập giá Chúa Giêsu, nó chỉ đơn giản mô tả Ngài là ai, điều này không có gì gọi là tội ác vì nó là sự thật.

Bảng đề Chúa Giê su là Vua dân Giu đa được viết bằng tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp và tiếng La tinh vì Phi Lát muốn tuyên bố điều này về Chúa Giêsu càng công khai càng tốt. Tiếng Aramaic của Do Thái, dành cho cư dân địa phương; tiếng Latin, dành cho quan chức; Tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ chung của thế giới phía Đông Địa Trung Hải.


Đây cũng được xem là một lời tiên tri vô danh rằng Chúa Giê su là Vua sẽ được công bố đến mọi quốc gia và ngôn ngữ, như một thông điệp cho toàn cầu.

" Các thầy tế lễ cả của dân Giu-đa bèn nói với Phi-lát rằng: Xin đừng viết: Vua dân Giu-đa; nhưng viết rằng, người nói: Ta là Vua dân Giu-đa. 22 Phi-lát trả lời rằng: Lời ta đã viết, thì ta đã viết rồi."

Mặc dù các Thầy Tế lễ bảo Phi Lát sửa danh xưng của Chúa Giê su trên tấm bảng, rằng Chúa Giê su không phải là Vua Giu Đa của họ, hãy sửa lại rằng Chúa tự xưng như vậy, nhưng Phi Lát không chịu, ông ta vịn vào luật La mã, rằng nếu miệng quan toà đã phán ra, không ai được quyền thay đổi, nhưng thực sự Phi lát muốn Chúa Giê su được mang danh hiệu mà ông ta được nghe chính miệng Chúa Giê su thú nhận: " Ngài là Vua Lẽ Thật "

 

" Phi-lát bèn nói rằng: Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta." Giăng 18: 37

 

Bảng đề Chúa Giê su là Vua, để hoàn tất lời tiên tri của Gia cốp 1800 năm trước, vì trước khi chết, Gia cốp đã chúc phước cho Giu đa như vầy:

 

" Hỡi Giu-đa! các anh em sẽ khen ngợi con, Tay con sẽ chận cổ quân nghịch, Các con trai cha sẽ quì lạy trước mặt con. 9 Giu-đa là một sư tử tơ; Hỡi con! Con bắt được mồi rồi tha về. Nó sụm gối, nằm khác nào sư tử đực, Như sư tử cái; há ai dám khiến ngồi lên? 10 Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, Kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, Cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới, Và các dân vâng phục Đấng đó."

 

Cây phủ việt và kẻ lập pháp là hình bóng nói về ngôi Vua. Điều tế nhị ở đây là Phi Lát muốn Chúa Giê su được mang danh hiệu Vua thật sự, chứ không phải Ngài tự xưng. Cuối cùng, Phi lát cũng giữ được ý định mình về danh xưng cho Chúa Giê su mà không chìu theo dân chúng.

 

*** Quân lính chia áo xống của Chúa Giê su: câu 23 &24

 

"Quân lính đã đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá rồi, bèn lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần, mỗi tên lính chiếm một phần. Họ cũng lấy áo dài của Ngài, nhưng áo dài đó không có đường may, nguyên một tấm vải dệt ra, từ trên chí dưới. 24 Vậy, họ nói với nhau rằng: Đừng xé áo nầy ra, song chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được. Ấy để cho được ứng nghiệm lời Kinh Thánh nầy: Chúng đã chia nhau áo xống của ta, Lại bắt thăm lấy áo dài ta. Đó là việc quân lính làm."

Việc bắt thăm và chia nhau áo xống của Chúa cũng đã được Vua Đa vít cảm động bởi Đức Thánh Linh mà nói lời tiên tri trong Thi Thiên 22: 12-18

 

" Có nhiều bò đực bao quanh tôi, Những bò đực hung mạnh của Ba-san vây phủ tôi. 13 Chúng nó hả miệng ra cùng tôi, Khác nào sư tử hay cắn xé và gầm hét. 14 Tôi bị đổ ra như nước, Các xương cốt tôi đều rời rã; Trái tim tôi như sáp, Tan ra trong mình tôi. 15 Sức lực tôi khô như miếng gốm, Và lưỡi tôi dính nơi ổ gà; Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết. 16 Vì những chó bao quanh tôi, Một lũ hung ác vây phủ tôi; Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi; 17 Tôi đếm được các xương tôi. Chúng nó xem và ngó chân tôi; 18 Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi. "

 

Có câu hỏi rằng Chúa Giê su bị đóng đinh trên Thập giá có bị trần truồng không?

 Người ta tìm thấy một câu trong các văn bản xưa là : " Đàn ông thường bị đóng đinh trần truồng (Artemidorus II. 61) " Tuy nhiên, theo luật người Do Thái thì nói rằng: Đàn ông khi bị hành quyết công khai trước công chúng, không được khoả thân hoàn toàn, thí dụ khi bị ném đá, người ấy được cho mặc cái khố. ((M. Sanhedrin VI. 3). Không rõ người La Mã có quan tâm đến cảm xúc của người Do Thái trong vấn đề này hay không?



Việc Chúa Giê su bị bốn tên lính La mã chia quần áo đã được chép lại, cho thấy điều gì? Chúa Giê su chết vô cùng sĩ nhục, Ngài rủ bỏ hết mọi thứ vật chất trần gian, chết không quần áo, như một kẻ nghèo nhất thế gian nầy. Cô rinh tô II đoạn 8 câu 9 nói rằng:

 

" Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu."


Và chính Chúa Giê su cũng đã chọn một câu trong Ê sai 61: 1 để giảng trong nhà hội, được chép trong Luca đoạn 4: 18&19

 

" Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; 19 Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa."

 

  Sau khi bọn lính chia quần áo của Chúa, còn cái áo dài, chúng định xé ra, nhưng lại thay đổi ý định, bắt thăm xem ai được áo ấy, và lời tiên tri cũng nói rằng chúng sẽ bắt thăm. Câu 23 cho biết cái áo dài không có đường may, là một tấm vải dệt từ trên xuống dưới.


Áo dài không đường may của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về vai trò của Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta. Sách Xuất Ê-díp-tô Ký 28:31-32 cho chúng ta biết rằng Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm mặc áo không đường may.

 

"Ngươi cũng hãy may áo dài của ê-phót toàn bằng vải tím. 32 Ở giữa áo có một lỗ tròng đầu vào; viền chung quanh, dệt như lỗ áo giáp mặt lưới, để cho khỏi tét."


Chúa Giê su đến thế gian trong chuồng gia súc rồi chết không có tấm vải che thân - Ngài đã nhận lấy hết những cái tận cùng của tận cùng. Chúng ta còn muốn tích góp nhiều của cải cho mình sao?

 

*** Chúa Giê su gởi gắm mẹ mình cho Giăng câu 25 -27

 

" Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus, có mẹ Ngài đứng đó, với chị mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len nữa. 26 Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi! 27 Đoạn, Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình."



  Sách Luca đoạn 2 kể rằng, khi Ma-ri và Giô-sép mang đứa con trai mới sinh của mình đến đền thờ để làm lễ dâng con, có một cụ già tin kính, thường phục vụ trong đền thờ tên Si-mê-ôn đã nhìn thấy Chúa Giê-su, ôm Ngài vào lòng và chúc phước cho hài nhi Giê-su. Tuy nhiên, người cũng cảm động bởi Thánh Linh, nói tiên tri với bà Ma ri rằng, sẽ có một lưỡi gươm đâm thấu lòng ngươi ( Luca 2: 35)

 

Lời tiên tri đó ứng nghiệm lúc nầy đây, là lúc bà Ma ri đứng dưới cây thập tự, đau đớn nhìn thấy con mình bị đóng đinh trên Thập giá.


  Hơn ai hết, Bà Ma ri biết Giê su con mình rất khiêm nhu, hiền từ, chưa làm một việc gì sai trái, thế mà lại chết như một tên tội phạm gớm ghê.


  Trước nỗi đau đớn nầy của Ma ri, người đọc chắc còn thấy mình còn thiếu sót về bà rất nhiều, khi chỉ khen ngợi bà Ma ri lúc bà thuận phục Đức Chúa Trời để mang thai và sinh Chúa Giê su, mà không kể đến những khó khăn trong cuộc đời còn lại của bà.


  Con đường bà Ma ri đi với Chúa, có biết bao gian nan, mà chẳng ai biết, bà viết lên trên những trang sử bằng một thứ mực không màu.

  Kinh thánh tiết lộ những điều bà biết về Chúa Giê su, bà giấu kín trong lòng, bà sinh con trẻ ra, nuôi nấng Chúa Giê su như giữ gìn một bằng chứng sống mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho bà, không than vãn, không hỏi han Chúa Trời điều gì, không phô trương cũng không tiết lộ, tâm sự với ai.


Chúa Giê su sinh ra ở Bết lê hem, mà bà Ma ri và Giô sép đã giấu kín trong lòng bí mật nầy hơn ba mươi năm, để Chúa không bị truy đuổi, do đó mà người ta vẫn gọi Chúa là " Giê su người Na xa rét".

 Bà Ma ri biết rõ Chúa có quyền năng, nên mới yêu cầu Ngài hoá nước thành rượu, nhưng chẳng bao giờ bà xin Ngài điều gì liên quan đến cuộc sống của họ, dù họ sống trong nghèo khó.

 

** Tại sao Chúa Giê su giao phó mẹ mình cho Giăng trẻ tuổi, trong khi Ngài có đến bốn anh em?


    Kinh Thánh có kể tên những anh em Chúa Giê su là Gia cơ, Giu đe, Si môn và Giô sép.

 Là con trai cả trong gia đình, theo truyền thống của người Do Thái, con trai cả phải có trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ mình, khi bà trở thành goá bụa. Ma ri lúc nầy đã là bà goá, vì hình như Giô sép đã qua đời từ trước khi Chúa Giê su đi ra giảng đạo.


Từ trên thập giá, Chúa cảm động, nhìn thấy mẹ mình đau đớn, cô độc. Chúa Giê su trong thân xác con người, Ngài cũng có cảm xúc hoàn toàn như một con người.

  Trong Giăng đoạn 7: 5 nói các anh em Chúa không tin Ngài, nên cũng không có mặt ngày Chúa bị đau thương - Người đứng đó với bà Ma ri là Giăng trẻ tuổi, có cùng một đức tin với Ma ri, Chúa muốn bà Ma ri được một con cái thật của Chúa nuôi dưỡng, nên dù thật đau đớn nơi thân xác, Chúa vẫn chăm sóc cuộc đời còn lại của bà, giao cho một người Chúa biết tốt lành.

 Chúa Giê su đã làm một việc mà sau nầy chính Gia cơ, một người anh em Chúa, theo Chúa lúc thấy Ngài thăng thiên, đã chép trong sách Gia cơ 1:27

 

" Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian."

 

Thêm một người anh em nữa của Chúa Giê su là Giu đe, ông cũng tin Chúa đồng thời với Gia cơ.

Hai anh em nầy là tác giả sách Gia cơ và Giu đe trong Kinh Thánh, còn hai người anh em kia không nghe nhắc tới. Sau khi đạo Chúa tấn tới, Gia cơ coi sóc tất cả những hội thánh tại Giê ru sa lem, còn Giu đe đi đây đó để truyền giáo, nhưng cả hai người đều bị tử đạo.

 **Giao phó bà Ma ri cho Giăng trẻ tuổi là một ý định của Chúa. Dường như Chúa Giêsu làm điều này để nhấn mạnh rằng mối quan hệ của chúng ta với Ngài và Nước Trời thậm chí còn quan trọng hơn mối quan hệ huyết thống.

Tuy nhiên, có người đã suy diễn quá xa, và quá sai, mà cho rằng Chúa Giê su có ý nói bà Ma ri là mẹ của tất cả những kẻ Tin. 

Bà Ma ri được vinh dự được Đức Chúa Trời xử dụng vì bà khiêm nhu và có đức tin. Nhưng bà là con người, không phải đấng để chúng ta thờ phượng.

 










 





 

 

"Nhưng Đấng Christ đã hiện đến làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau nầy; Ngài đã vượt qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy.

12 Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời.

13 Vì nếu huyết của dê đực bò đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay,

14 huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!

15 Nhân đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình." Hê bơ rơ 9: 11-15