Giăng 18 "Chúa Giê su bị đưa tới Toà án La mã "

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

" Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, 15 hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời. " Giăng 3: 14 &15

Giăng 18 "Chúa Giê su bị đưa tới Toà án La mã "

 

Đọc Giăng 18:28 -40

 

Câu hỏi:

 

1/ Xin nêu ra những điều sai trái trong việc xử án Chúa Giê su

 

2/ Tại sao họ phải giải Chúa Giê su tới toà La mã? Với cáo trạng gì?

 

3/ Phi lát có tin lời họ không? Ông ta hỏi Chúa câu gì?

 

4/ Tại sao Chúa Giê su không trả lời trực tiếp câu hỏi của Phi lát?

 

5/ Chúa Giê su nói về Nước Trời và lẽ Thật với Phi lát để làm gì?

 

6/ Bạn thấy gì khi dân chúng muốn đóng đinh Chúa khi biết Ngài vô tội?


       Xin tìm hai chữ đủ để diễn tả lúc con dân Chúa sa vào sự gian ác như thế.

 

          "Chúa Giê su bị đưa tới Toà án La mã "

 

**Trường án của Bôn xơ Phi lát - Tổng đốc La mã : Câu 28 & 29

 

" Kế đó, chúng điệu Đức Chúa Jêsus từ nhà Cai-phe đến trường án; bấy giờ đang sớm mai. Nhưng chính mình chúng không vào nơi trường án, cho khỏi bị ô uế, và cho được ăn lễ Vượt Qua. 29 Vậy, Phi-lát bước ra, đi đến cùng chúng mà hỏi rằng: Các ngươi kiện người nầy về khoản gì?"

 

Nếu phối hợp với sách Ma thi ơ 26 và Lu ca 22 thì sau khi ở nhà Anne ra, Chúa Giê su bị dẫn đến Thầy Tế lễ Cai phe trong ban đêm, nhưng điều đó trái luật, nên họ hợp thức hoá vội vả với một phiên xử ban ngày, rồi đưa Chúa Giê su vào nơi Trường án, nằm ngay trong Trại của Lính La mã gọi là Praetorium.


Praetorium là trụ sở của thống đốc quân sự La Mã. Trụ sở nầy nằm gần bên Giê ru sa lem, ngày nay có thể là Pháo đài La Mã Antonia, nơi Phi Lát tổ chức các buổi họp và làm các công việc khác.

Câu 28 -Giăng nói bọn họ dẫn Chúa Giê su vào trường án, nhưng chính họ không muốn vào, vì dân Do Thái đang trong tuần của lễ Vượt qua, họ cho rằng bước vào trại quân La mã là vào nơi người ngoại, sẽ bị ô uế, vì luật pháp dạy phải giữ mình thanh sạch trong kỳ lễ, nên họ không muốn vào.

 Giăng đã dùng một lời mỉa mai để vạch trần thói đạo đức giả của những kẻ cai trị dân Do Thái. Họ tỏ ra đạo đức, giữ mình trong những qui định nhỏ, liên quan đến sự ô uế theo nghi lễ, nhưng lại vi phạm những điều răn lớn là chối bỏ Đấng Mê-si của Đức Chúa Trời, và kết án tử hình một Người vô tội.


  Việc xử án của họ cũng không ngay thẳng, không công bình, vi phạm luật Chúa dạy cách nghiêm trọng:

    Xử án ban đêm, không xử tại toà xử án mà tại nhà riêng, không có nhân chứng, tuyên án tử hình mà không chờ đợi như luật định, không được xử tội nhân trong những ngày của lễ Vượt qua và sau đó họ còn thay đổi hoàn toàn bản cáo trạng.

 

    Sách Mathi ơ 23: 23-28 Chúa Giê su đã từng mắng những Thầy Pha ri si, Thầy Tế lễ giả hình như sau:

" Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là sự công bình, thương xót và trung tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia. 24 Hỡi kẻ mù dẫn đường, các ngươi lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc đà! 25 Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi rửa bề ngoài chén và mâm, nhưng ở trong thì đầy dẫy sự ăn cướp cùng sự quá độ. 26 Hỡi người Pha-ri-si mù kia, trước hết phải lau bề trong chén và mâm, hầu cho bề ngoài cũng được sạch sẽ. 27 Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. 28 Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi."

 

  Họ giữ mình cho khỏi ô uế vì người La mã, nhưng họ lại không ngại thực hiện những điều vô cùng gian ác. Bây giờ họ đang mượn tay Phi lát để giết Chúa Giê su.

 

**Bôn xơ Phi lát là ai?

Bôn xơ Phi Lát là quan Tổng đốc, được chính Caesar đại đế bổ nhiệm vào năm 26 sau Công nguyên. Ông ta quản trị các vấn đề tư pháp, xử án, có quyền lực rộng rãi, gần giống như đại diện của hoàng gia trên đất Do Thái, do vậy Phi Lát có quyền quyết định xử tử hay tha một tội nhân Do Thái.

* Philo, một học giả Do Thái thời ấy đã mô tả Phi lát như sau:

“Sự đồi bại của ông ta, những hành vi xấc xược, thói quen xúc phạm người khác, sự tàn ác và những vụ giết người liên tục của ông ta đã không bị xét xử. Tội phạm bất tận của ông ta là điều vô nhân đạo nghiêm trọng.”

 

Phi lát là hung thần đối với dân Do thái, ông ta thẳng tay tàn sát, nếu có hành động chống đối, ông ta cũng không ngại gì giết dân sự ngay trong đền thờ, sách Luca 13:1 chép rằng:

 

"Cũng lúc ấy, có mấy người ở đó thuật cho Đức Chúa Jêsus nghe về việc Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ."

 

Phi lát đã cưới cháu gái của Caesar Augustus. Nếu không có những mối quan hệ thông qua hôn nhân, ông ta sẽ không bao giờ đạt được vị trí quan trọng, với tư cách là kiểm sát viên của xứ sở Giu đa.


Chúa Giê su đã được giao vào trong tay của một quan toà La Mã như thế.


**Các ngươi kiện người nầy về khoản gì? câu 29-32

 

" Vậy, Phi-lát bước ra, đi đến cùng chúng mà hỏi rằng: Các ngươi kiện người nầy về khoản gì? 30 Thưa rằng: Ví chẳng phải là tay gian ác, chúng tôi không nộp cho quan. 31 Phi-lát bèn truyền cho chúng rằng: Các ngươi hãy tự bắt lấy người, và xử theo luật mình. Người Giu-đa thưa rằng: Chúng tôi chẳng có phép giết ai cả. 32 Ấy là cho được ứng nghiệm lời Đức Chúa Jêsus đã phán, để chỉ về mình phải chết cách nào."

 

" Các ngươi kiện người nầy về khoản gì?"

   Câu hỏi nầy phù hợp với tính cách của người La Mã, Phi-lát đã nói thẳng về vấn đề đang diễn ra. Ông ta yêu cầu được biết lời buộc tội. Giăng ghi lại sự lảng tránh của các Thầy Tế lễ, thay vì nói cáo trạng, họ lại nói: " Ví chẳng phải là tay gian ác, chúng tôi không nộp cho quan"


  Phi lát đáp lại sự né tránh của các Thầy Tế lễ bằng cách bảo họ tự giải quyết vấn đề. Nếu họ không đưa ra lời buộc tội quan trọng đối với Chúa Giê su, thì họ sẽ phải tự xét xử Ngài theo luật riêng của họ, và không nên làm phiền người La Mã.

  Sách Giăng không ghi lại nhưng trong Lu ca 23: 1& 2 các Thầy Tế lễ đổi tội trạng của Chúa Giê su từ tội " phạm thượng" bị kết án bởi hội đồng Cai phe, ra thành tội phản động với chính quyền La mã:

" Đoạn, cả hội đồng đứng dậy, điệu Ngài đến trước mặt Phi-lát 2 Họ bèn khởi cáo Ngài rằng: Chúng tôi đã thấy người nầy xui dân ta làm loạn, cấm nộp thuế cho Sê-sa, và xưng mình là Đấng Christ, là Vua."



    Các Thầy Tế lễ đã có sự hợp tác của lính La mã trong việc bắt Chúa Giê su như một tội phạm nguy hiểm, thì bây giờ một lần nữa, họ mong đợi rằng Phi Lát sẽ tin lời họ, rằng người đàn ông mà người La Mã đã giúp bắt giữ là người gian ác và cần phải bị xử tử.


" Chúng tôi chẳng có phép giết ai cả" là một gợi ý mà họ trình lên Phi lát.

  Thật vô lý khi Phi Lát muốn hỏi, các ngươi dẫn người nầy đến vì tội gì, thì họ đã nói là "chúng tôi không có phép giết ai cả". Tự họ đã đưa ra bản án tử hình cho Chúa Giê su.

  Thật ra, không phải họ ngại giết một người rồi sẽ mắc tội với chính quyền La mã, họ có thể dùng cách ném đá để kích động dân chúng tham gia, như trường hợp họ giết chấp sự Ê tiên trong Công vụ đoạn 7.


  Ở đây, họ muốn mượn tay La mã giết Chúa Giê su, để tránh rắc rối phải giải thích với dân chúng, vì cũng có một số đông người ngưỡng mộ Chúa Giê su, chính những người nầy có thể làm chứng rằng Chúa Giê su không có tội.

** Câu 32 Giăng nói "Ấy là cho được ứng nghiệm lời Đức Chúa Jêsus đã phán, để chỉ về mình phải chết cách nào."

 

  Kích động dân chúng không đóng thuế cho La mã, và tự xưng làm Vua, là hai tội phản nghịch trầm trọng mà Hội đồng các Thầy tế lễ đã gán cho Chúa Giê su, họ thừa biết, chiếu theo luật La mã, những tội nầy chắc chắn sẽ bị xử tử bằng cách treo lên và bị đóng đinh trên thập hình. Chúa Giê su trong Giăng 3: 14 đã nói lời tiên tri rằng:

" Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, 15 hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời."

 

Sự oan ức, nhục nhã và đau đớn của Chúa Giê su phải đổi lại để có sự sống đời đời cho mọi người, lại chẳng đáng cho người ta tin nhận Ngài sao?



  Có nhiều mưu mô chống lại Chúa Giê su, và kẻ thù của Chúa Giê su nằm trong hàng ngũ lãnh đạo dân Do Thái, nhưng Chúa Giê su lại bị chết trong tay La Mã, trong khi không có sự chống đối Chúa Giê su về phía La mã - Chúng ta sẽ thấy sự mỉa mai nầy trong các câu tiếp theo:

 

** " Chính ngươi là Vua dân Giu-đa phải chăng?" câu 33-35


" Phi-lát bèn vào trường án, truyền đem Đức Chúa Jêsus đến, mà hỏi rằng: Chính ngươi là Vua dân Giu-đa phải chăng? 34 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi nói điều đó tự ý mình, hay là có người đã nói điều đó với ngươi về ta? 35 Phi-lát trả lời rằng: Nào có phải ta là người Giu-đa đâu? Dân ngươi cùng mấy thầy tế lễ cả đã nộp ngươi cho ta; vậy ngươi đã làm điều gì? "

 

  Đứng ở cương vị một quan toà, chúng ta thấy Phi lát cũng áp dụng theo luật. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, Phi lát nghi ngờ lời buộc tội của các Thầy Tế lễ, nó không phù hợp với con người đứng trước mắt ông ta. Tính cách của Chúa Giê su chứng minh Ngài không thuộc vào hàng tội phạm nguy hiểm như bên kia đã nói.



  Đầu tiên trong cuộc thẩm vấn, Phi lát hỏi Chúa Giê su: " Chính ngươi là Vua dân Giu-đa phải chăng?"


Thay vì trả lời Chúa Giê su hỏi ngược lại:


" Ngươi nói điều đó tự ý mình, hay là có người đã nói điều đó với ngươi về ta?"

 

Tại sao Chúa Giê su hỏi lại câu như thế? Vì câu trả lời của Chúa Giê su sẽ căn cứ trên phe nào hỏi câu đó -

 

Nếu Phi lát tự ý mình hỏi, thì câu đó có nghĩa là:

"Có phải ngươi có mưu đồ chính trị, muốn xưng là Vua để âm mưu chống lại Caesar phải không? "


            Chúa Giê su sẽ trả lời " Không"


Còn nếu Phi lát hỏi điều đó theo lời của Thầy Tế Lễ Cai-pha, thì lại có nghĩa là:

 

“ Ngươi có phải là Vua Mê-si của Y-sơ-ra-ên không?”

 

Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai nầy là "Có."



  Với tư cách là người La Mã, Phi lát không thèm quan tâm đến các ý niệm về xã hội hay tâm linh của người Do Thái. Ông ta cho rằng, nếu các nhà lãnh đạo tôn giáo muốn Chúa Giêsu chết, thì chắc Ngài đã làm sai điều gì đó, và ông ta muốn tìm hiểu xem đó là gì ?

  Thật sự cả một hệ thống tai mắt của Pha ri si ở mọi lúc, mọi nơi, đã không tìm ra được một tội phạm hữu hình nào của Chúa Giê su. Chúng đã ghép tội Chúa trên thân vị thật của Ngài, và chúng cho rằng Ngài phạm thượng.

  Nếu Phi lát muốn Chúa Giê su thú nhận một tội lỗi, thì quả thật Ngài không làm được. Chúng ta sẽ nghe tiếp và hiểu tai sao Chúa Giê su dường như trả lời không ăn khớp với câu hỏi của Phi Lát.

 

** Nước của Ta: Câu 36


" Đức Chúa Jêsus đáp lại rằng: Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế gian nầy, thì tôi tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ giới."

 

  Trước khi trả lời câu hỏi " ngươi có phải Vua dân Giu đa chăng?" thì Chúa Giê su tuyên bố rằng Ngài có một Vương quốc, nhưng đó là Vương quốc trên Trời chứ không phải dưới đất. Chúa Giê su đứng trước mặt Phi Lát tự giới thiệu mình là Vua Trên Trời.

 

  Bị giải đến toà La mã, không khác gì vào Cửa chết, thế mà Chúa Giê su vẫn bình tỉnh, vẫn còn muốn làm chứng cho một tội đồ thật sự kinh khủng tên Bôn xơ Phi Lát về Nước Trời của Ngài.

 

** Lẽ Thật là cái gì? câu 37 & 38

 

" Phi-lát bèn nói rằng: Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta. 38 Phi-lát hỏi rằng: Lẽ thật là cái gì?

 


   Phi lát là người thông minh cũng là quan toà, ông ta muốn tìm sự chính xác, nên hỏi Chúa lần nữa, sau khi Ngài thú nhận Ngài đang có một Vương quốc, ông ta lập lại câu hỏi cách thờ ơ: " Thế thì ngươi là vua sao?" Lúc nầy có lẽ Phi lát cảm thấy nhận xét của mình là đúng, người nầy không phù hợp với một tội danh Phản động.


  Sau khi giới thiệu mình có một Vương quốc, Chúa Giê su thẳng thắng nói: "Thật như lời, Ta là Vua"


Tiếp theo lời công nhận " Ta là Vua" Chúa Giê su giải thích luôn sứ mạng của Vua là xuống Thế gian để trình bày " Lẽ Thật"

Phi Lát được chính Vua trên trời làm chứng, nhưng tiếc rằng ông ta quá thờ ơ. Câu hỏi hửng hờ của Phi Lát được ghi trên cánh cửa một nhà thờ lưu lại cho tới ngày nay rằng:


                      " Lẽ Thật là cái gì?"


Phi lát đã không thuộc về Lẽ Thật, nên không nghe được sự kêu gọi của Chúa Giê su trong tâm linh mình.

 

*** Phi Lát muốn tha Chúa Giê su nhưng dân Giu đa không chịu: câu 38-40

 

" Phi-lát hỏi rằng: Lẽ thật là cái gì? Khi người đã hỏi vậy rồi lại đi ra đến cùng dân Giu-đa, mà rằng: Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả. 39 Nhưng các ngươi có lệ thường, hễ đến ngày lễ Vượt Qua, thì ta tha cho các ngươi một tên tù, vậy các ngươi có muốn ta tha Vua dân Giu-đa cho chăng? 40 Chúng bèn kêu lên nữa rằng: Đừng tha nó, nhưng tha Ba-ra-ba! Vả, Ba-ra-ba là một kẻ trộm cướp."



   Sau khi thẩm vấn Chúa Giê su- Phi lát chẳng những không nói là người nầy không đáng tội chết, nhưng ông ta còn nói: " Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả." và Phi lát ý muốn tha Chúa Giê su. Ông ta đưa ra đề nghị là theo phong tục của Lễ Vượt Qua, lấy tinh thần của sự thương xót từ Đức Chúa Trời mà tha cho một tội nhân, Phi Lát đưa ra một tội nhân gian ác nhất là Ba na ba để đổi lấy Chúa Giê su, nhưng dân Do Thái bị các Thầy Tế Lễ đứng đằng sau xúi giục, nên la lên tha Ba na ba, đóng đinh Chúa Giê su.


Buồn thay cho một sự bại hoại từ trong ruột của con dân Chúa. Ba na ba là ai mà họ chọn nó?


Ba na ba, một tù nhân khét tiếng của Do Thái mà sách Mác 15:7 cho chúng ta biết, anh ta mới đúng là người làm cách mạng, anh ta cũng đã phạm tội giết người trong cuộc nổi dậy.

 

"Bấy giờ có một đứa tên là Ba-ra-ba bị tù với kẻ làm loạn, vì trong khi nổi loạn, chúng nó phạm tội giết người."

 

Phi lát không ngờ dân Do Thái quyết định rất dứt khoát, chẳng thà lấy Ba na ba, một mầm mống nguy hiểm cho xã hội, hơn là một Giê su hiền lành, đã làm nhiều phép lạ cứu giúp họ.


Phi lát cố gắng thêm một lần nữa mà hỏi rằng:

" Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào?" đám đông trả lời " Đóng đinh nó trên cây thập tự!"


Phi lát lại hỏi "Song người nầy đã làm việc dữ gì?" họ không cần trả lời Phi lát chỉ la lớn hơn " Đóng đinh nó trên cây thập tự!"


   Cây thập tự của La mã là một điều sĩ nhục của Do Thái, mọi người đều rất ghét và ghê tởm nó, nó thể hiện cho một hình phạt rất đáng ghê sợ.

Rất hiếm khi chính dân La mã bị đóng đinh trên Thập tự, chỉ có tội nhân nô lệ, lính đào ngủ và dân ngoại quốc mới bị đóng đinh mà thôi.

Đến đây thì Phi lát đã hết cách, kinh thánh ghi Phi lát rửa tay và nói rằng: "Ta không có tội về huyết của người nầy; điều đó mặc kệ các ngươi."


Đừng hiểu lầm Phi Lát trong sạch trong việc làm đổ huyết Chúa Giê su, ông ta vì áp lực chính trị mà lờ đi sự vô tội của một người công chính, trước mắt Chúa, Phi lát vẫn là người có nhúng tay vào bản án, ông ta là một quan toà không làm theo lương tâm và cũng không kính sợ Chúa, mặc dù Ngài có nhắn nhủ ông qua người vợ trong giấc chiêm bao, bà ấy đã sai người đến ngăn Phi lát đừng tra tay vào người nầy.

 

Phi Lát rửa tay trước cơn giận của dân Do Thái, đổ hết trách nhiệm lên dân Do Thái. Trước thái dộ đó, dân Do Thái đã kết thúc tận cùng sự gian ác của mình bằng một lời thề độc trước Đức Chúa Trời:


"Hết thảy dân chúng đều đáp rằng: Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi! "


Trong lời thề ấy, họ quên mất cảnh trạng lúc họ vừa mới vào đất hứa thì Đức Chúa Trời đã bảo Môi se khiến 6 chi phái đứng trên núi Ga ri xim và 6 chi phái kia đứng trên núi Ê banh tuyên bố rằng:


" Đáng rủa sả thay kẻ nào nhận của hối lộ để giết người vô tội! Cả dân sự phải đáp: A-men! " Phục truyền 27:25


Họ đã làm một trong những điều Đức Giê hô va ghét nhất được chép trong Châm ngôn đoạn 6 16-18

 

"Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét, Và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc: Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, Tay làm đổ huyết vô tội Lòng toan những mưu ác, Chân vội vàng chạy đến sự dữ, Kẻ làm chứng gian và nói điều dối, Cùng kẻ gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em."