Giăng 16: "Đức Thánh Linh hà hơi trên Kinh Thánh."

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

' Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời." Rô ma 8:14

Giăng 16: "Đức Thánh Linh hà hơi trên Kinh Thánh."

 

Đọc Giăng 16: 12-20

 

Câu hỏi:

1/ Vì sao Chúa Giê su đến giờ phút cuối còn giữ lại một số điều chưa nói ra?

 

2/ Chúa có muốn giữ mọi điều bí mật mà không muốn bày tỏ ra không?
     Nếu có bày tỏ thì Ngài bày tỏ đôi phần hay bày tỏ hết thảy?

 

3/ Đức Thánh Linh rao bảo mọi điều thuộc về ai?
Tại sao Đức Thánh Linh cũng là một thân vị trong Ba Ngôi mà sao Ngài không rao bảo điều thuộc về Ngài?

 

4/ 27 sách Tân ước theo ý nghĩa trong đoạn Kinh Thánh nầy minh chứng điều gì về sự thành công trong việc dạy dỗ của Đức Thánh Linh?
và về sự tôn trọng thẩm quyền về Lời Chúa Giê su của Đức Thánh Linh?

 

5/ Nếu chúng ta nghe người ta nói Đức Thánh Linh mách bảo điều nầy điều kia, mà chẳng bày tỏ gì về Chúa Giê su để làm vinh hiển Ngài, thì những điều đó có phù hợp vơi Kinh Thánh không?

 

6/ Ít lâu rồi sẽ lại thấy Ta có nghĩa gì? Ít lâu là bao lâu? Tại sao lúc đầu buồn khổ, sau lại vui mừng?

 


         " Đức Thánh Linh hà hơi trên Kinh Thánh."



     Người tín đồ đọc câu nầy trong II Ti mô thê 3:16

 

" Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình "

 

  Đặt biệt 27 sách Tân ước, đã được các môn đồ theo Chúa Giê su viết lúc Ngài vắng mặt -

 Đức Thánh Linh lúc đó đã đến thay thế Chúa Giê su, và hà hơi trên tất cả các tác giả để họ lưu lại cho hậu thế những sự kiện liên quan đến cuộc đời, chức vụ cùng những lời dạy dỗ của Chúa Giê su và giải thích tận tường mọi khúc mắc.

  Dường như những bí ẩn về Chúa Giê su đều được giải mã, dưới sự soi sáng của Đức Thánh Linh, trừ những điều chưa đến, nhưng mọi người cũng đã được báo trước là nó sẽ đến cách nào.

Trong đoạn Kinh Thánh ngắn ngủi nầy, chúng ta được nghe Chúa Giê su báo trước về cách mà Đức Thánh Linh dạy dỗ mọi tín hữu như thế nào.

 

** " Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi." Câu 12-15

 

" Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. 13 Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. 14 Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi. 15 Mọi sự Cha có, điều là của ta; nên ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi vậy."

 

Trong ba câu Kinh Thánh trên, mỗi một câu, Chúa Giê su xác nhận một điều.

 

Câu 12, Chúa Giê su nói rằng Ngài chưa nói hết những gì Ngài cần nói, lý do là môn đồ không hiểu, vì chưa đủ sức hiểu. Chẳng phải Chúa Giê su cho rằng môn đồ không thông sáng hay không bén nhạy để hiểu được, nhưng trong giới hạn của một con người, các môn đồ cũng như chúng ta không thể hiểu rõ những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời nếu nó chưa xảy đến và chưa được giải thích.

 

Phục Truyền 29:29a có nói:

"Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta;"



  Chúa biết rất nhiều điều mà chúng ta không biết, với sự toàn tri, Ngài hiểu những việc kín dấu và sâu nhiệm, Ngài có thể tuyên bố chính xác những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

 Với sự toàn tại, Ngài thấy được sự việc ở mọi lúc, mọi nơi.

Với đặc điểm của sự toàn năng, Ngài thực hiện được những gì mình tuyên bố.

Ngài lại có mặt từ thời nguyên thuỷ và sống đời đời, nên ý tưởng của Ngài nếu không được chính Ngài bày tỏ, thì loài người không thể hiểu.

Sách Ê sai 55: 8&9 nói rằng:

 

" Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. 9 Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu."

Tuy vậy, Kinh Thánh khẳng định, Chúa không giữ bí mật của Ngài luôn luôn, Đấng mà chúng ta thờ phượng không lung linh, hư ảo như nhiều giáo chủ trong các tôn giáo khác. Ngài muốn bày tỏ cho chúng ta biết về Ngài để được tương giao, gần gủi Ngài như được thấy Ngài đang trước mắt.

  Chúa Ba Ngôi luôn muốn bày tỏ chính mình và không muốn giữ bí mật nào với người theo Chúa.

 Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài qua các Đấng Tiên tri ,Chúa Giê su bày tỏ chính mình qua hình ảnh của Con Người và là Ngôi Lời ở giữa thế gian, và Đức Thánh Linh ở trong lòng chúng ta để khiến chúng ta hiểu được những điều bí ẩn.

 

Đức Chúa Trời đã nói với Áp ra ham rằng: Ta không dấu điều gì với bạn hữu Ta. Chúa Giê su cùng lập lại " Ai làm theo điều răn Ta đều là bạn hữu Ta !" Những người Tin Chúa đều là bạn hữu Chúa, sẽ biết Ngài yêu gì, ghét gì, Ngài có kế hoạch gì cho chính mình và cho toàn thế giới.

Vậy sao lại có điều gì mà Chúa Giê su chưa thể nói ra, ngay trong giờ phút sắp chia tay?

Tác giả Phao lô đã giải thích trong I Cô rinh tô 13:12

"Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy."

 

  Chúa Giê su để lại một phần sự bí mật trong sứ mạng Ngài cho Đức Thánh Linh, là Đấng mà Ngài phó thác để câu chuyện về cuộc đời Chúa Giê su được biết hết qua mọi khía cạnh, Đức Thánh linh sẽ không thêm thắt gì hết, Ngài sẽ dùng tất cả những gì Chúa Giê su đã nói mà nhắc lại và giải thích, khi mọi sự mà Chúa Giê su đề cập đến hiển thị ra với mọi người.

 

  Câu 13 Chúa Giê su nói " Đức Thánh Linh không nói tự mình" để tuyên bố rằng chỉ một mình Lời Ngài sẽ được chép, được giải nghĩa và được truyền bá -


  Đó là sự ra đời của phần thứ hai bộ Kinh Thánh, là 27 sách Tân ước mà chúng ta đang có.


   Dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, các tác giả của Tân ước đều được Ngài hà hơi để ghi lại lời dạy và cuộc đời Chúa Giê su kèm theo lời giải thích, để ngày nay, khi mọi người đọc đều có thể hiểu được.

Chúng ta đọc lại II Ti mô thê 3:16

"Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, 17 hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành."

 

**Đức Thánh Linh không nói tự mình"

  Quả thật, xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Thánh Linh không bao giờ tự Ngài tuyên bố điều gì. Tiếp tục điều mà Chúa Giê su muốn nói với các đối tượng của Ngài, thì Đức Thánh Linh đã hoạt động trên nhiều phương diện để Lời Chúa Giê su được chép ra cách đồng nhất và được giải thích chính xác.


  Hai mươi bảy sách Tân Ước được chép ra bới nhiều tác giả ( 15/16 tác giả), ở các giai đoạn, thời điểm khác nhau, nhưng không mâu thuẩn vì chỉ có một người là Đức Thánh Linh hà hơi để hoàn tất.

  Để sứ điệp viết ra được người đọc tiếp thu, Đức Thánh Linh lại tiếp tục dẫn dắt các Tín hữu vào trong Lẽ thật. Đức Thánh Linh không bao giờ hành động mâu thuẩn với Kinh thánh, bởi vì sự mặc khải có thẩm quyền tối cao của Thiên Chúa được khép lại bằng Tân Ước.


   Điều nầy bác bỏ hết những Tiên tri tự nhận mình có sứ mạng bổ túc lời Chúa Giê su, cả những sự hiện thấy khác không có ghi trong Kinh thánh. Thí dụ Mormon với Joseph Smith vào năm 1820 nói rằng Hội Thánh được phục hưng trên thế gian qua Tiên tri Joseph Smith, hay có người chết đi sống lại, diễn tả cảnh Thiên đàng và địa ngục để bổ túc cho sự tò mò của loài người sau khi chết.

 

   Những điều như vậy không phải từ Lời Chúa Giê su, Đức Thánh Linh cũng không hà hơi để họ được  thêm vào như thế.

 

Khi nói về Thẩm quyền, Kinh Thánh đã được niêm lại bằng sách Khải huyền 22 với bốn câu tuyên bố cuối cùng như sau:

" Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách nầy: nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. 19 Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy. 20 Đấng làm chứng cho những điều ấy, phán rằng: Phải, ta đến mau chóng. A-men, lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến! 21 Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus ở với mọi người!"

 

Vậy, hãy tôn trọng Lời Chúa, tôn trong Lẽ Thật và tôn trọng điều mà Đức Thánh Linh đang bảo vệ.

 

** Đức Thánh Linh lấy điều thuộc về Chúa Giê su mà rao bảo"

 

  Chức vụ của Đức Thánh Linh là mặc khải về Chúa Giê-su cho chúng ta, để làm chứng về Chúa Giê-su. Ngài sử dụng nhiều cách khác nhau và nhiều ân tứ khác nhau để thực hiện điều này, nhưng mục đích luôn giống nhau: mặc khải Chúa Giêsu. (Giăng 15:26)

" Khi nào Đấng Yên ủi sẽ đến, là Đấng ta sẽ bởi Cha sai xuống, tức là Thần lẽ thật ra từ Cha, ấy chính Ngài sẽ làm chứng về ta. "

 

Nhiều người đã kể lại giấc mơ, nghe tiếng nói bên tai, hay nêu lên khải tượng của mình... Họ nói rằng đó là những mặc khải đến từ Đức Thánh Linh, nhưng đa số những chuyện đó lại không nói lên điều gì, hoặc gần như không có liên quan gì về chính Chúa Giê-su.

 

  Chúng ta nhắc lại câu 12 và 13 - Chúa Giê su đã có ý chừa lại phần cuối trong sứ mạng của Ngài cho môn đồ và Đức Thánh Linh.

 Đó là gì? Là việc giải thích những điều xảy đến với Ngài trong đêm hôm nay- Là sứ mạng tiếp theo của các môn đồ - Là Hội Thánh hữu hình được thành lập sau khi Chúa Giê su về Trời- Là công cuộc rao giảng Tin lành cho tới cùng trái đất.

  Những điều vĩ đại sau nầy được giao phó vào tay Đức Thánh Linh- Ngài là sức mạnh, là Đấng thực hiện công tác mục vụ lâu dài và rộng lớn - Ngài giúp các Tín hữu hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giê su và của chính mình để cùng nhau xây dựng vương quốc Thiên đàng.

 

*** Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào mọi Lẽ Thật"

 

" Mọi Lẽ Thật" theo tiếng Hy Lạp có nghĩa ‘tất cả sự thật’. Là tất cả những gì cụ thể về cuộc đời Chúa Giê su trên đất, cũng như sứ mạng của Ngài được Cha giao phó và hoàn thành.


  Sách Tân Ước được xem là bằng chứng vĩnh viễn, cho thấy các sứ đồ đã được hướng dẫn trong tất cả mọi sự thật về Chúa Giê su.

 Không còn điều chi kín giấu với người đọc nữa. Đối tượng kém sự thông hiểu khi xưa bây giờ đã được Thầy giáo đã thông và dạy dỗ. Đức Thánh Linh là một thầy giáo tuyệt vời, có thể làm cho những tấm lòng cứng như đá có thể mềm mại, làm một người kém học thức có thể ăn nói lưu loát, chỉ một bài giảng mà gặt hái được ba ngàn người vào Hội Thánh (Công vụ 2: 40-41)


Đức Thánh Linh giảng dạy cho mọi tầng lớp, mọi thời đại đều được thông hiểu và thoả mãn.

 

** "Mọi sự Cha có, điều là của ta;"



Nếu Chúa Giê su không đồng đẳng với Đức Chúa Trời thì Ngài không thể nói câu nầy - Và câu 15 có thể diễn ý như sau:

 

" Mọi sự Cha có đều là của ta; nên ta đã nói rằng Ngài sẽ lấy của ta mà đem tỏ ra cho các ngươi "

 

Ôi Chúa Giê su của chúng ta, hay nói đúng hơn là Ba Ngôi Đức Chúa Trời chúng ta ban cho rời rộng không xiết kể - Ai mong muốn được khôn ngoan, thì đây là lời hứa vô cùng qúi báu.


 Ngày xưa, A dam và E va ao ước được khôn ngoan bằng Đức Chúa Trời, họ đã lấy cắp nó trong sự kiêu ngạo, nhưng nay, Chúa muốn ban nhưng không cho người yêu Chúa, tặng cho người ấy trong sự vinh hiển. Chúng ta nên đọc một lần nữa bằng tiếng Anh để trong lòng được cảm động:

 

"All things that the Father has are Mine. Therefore I said that He will take of Mine and declare it to you.”

 

*** "Nhưng sự lo buồn các ngươi sẽ đổi làm vui vẻ." câu 16-20

 

"Còn ít lâu các ngươi sẽ chẳng thấy ta; rồi ít lâu nữa các ngươi lại thấy ta, vì ta đi về cùng Cha. 17 Bấy giờ, một vài môn đồ nói với nhau rằng: Ngài dạy: Còn ít lâu các ngươi sẽ chẳng thấy ta; rồi ít lâu nữa các ngươi lại thấy ta; và rằng: Vì ta về cùng Cha; thế là làm sao? 18 Vậy, môn đồ nói rằng: Ngài nói: Ít lâu, là nghĩa gì? Chúng ta không hiểu Ngài nói về việc chi. 19 Đức Chúa Jêsus hiểu ý môn đồ muốn hỏi, bèn phán rằng: Ta vừa nói: Còn ít lâu các ngươi sẽ chẳng thấy ta; rồi ít lâu nữa các ngươi lại thấy ta; các ngươi đang hỏi nhau về nghĩa câu ấy đó chi. 20 Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ khóc lóc, than vãn, còn người đời sẽ mừng rỡ; các ngươi sẽ ở trong sự lo buồn, nhưng sự lo buồn các ngươi sẽ đổi làm vui vẻ "

 

**"Ngài nói: Ít lâu, là nghĩa gì?"



Khi Chúa Giê su nói những lời nầy thì thời gian đã không còn lâu nữa, chỉ trong khoảng 1-2 tiếng đồng hồ sau đó, Chúa sẽ bị bắt đi.

 Chúa Giê su thường không có cách nói quanh quẩn, nhưng ở đây vì không muốn họ đau thương, chính Ngài cũng đau thương nên Ngài dùng cách nói tránh né của một người Cha sắp xa con mà chỉ một mình ông ấy biết.

 Ít lâu nữa các ngươi sẽ chẳng thấy Ta, thời gian các môn đồ chẳng thấy Chúa nầy thật dài hơn thời gian người thế gian không thấy Chúa nhiều lắm, vì họ phải đau đớn gấp bội không chỉ là sự vắng mặt hữu hình.

 Chúa Giê su không muốn họ mất kiên nhẫn nên dùng một khung thời gian trừu tượng là " Ít lâu" Dĩ nhiên, trước một cuộc chia tay với người thân, ai mà không muốn hỏi: " Ít lâu là bao lâu?"


  Cho đến giờ phút nầy, các môn đồ còn chưa sẳn sàng đón nhận những gì mà Chúa Giê su đã nói là Ngài sẽ chết, dù Ngài nhắc nhiều lần. Tâm lý con người thường muốn loại bỏ những điều không hay mà họ không muốn nghe và tưởng chừng nó chưa thể đến.


Chúng ta cũng vậy, Kinh Thánh nói rằng hãy chuẩn bị vì những ngày hoạn nạn sẽ đến, hãy sửa soạn trước khi Chúa rước Hội thánh. Thế mà lòng chúng ta cứ muốn chần chờ.


Chúa Giê su dùng chữ " thấy" trong nghĩa đen, khi Chúa Giê su lìa đời, con mắt xác thịt sẽ không còn thấy Ngài nữa, nhưng khi Chúa Giê su sống lại thì không chỉ các môn đồ mà nhiều người khác cũng sẽ thấy được Ngài khi Ngài thăng thiên về cùng Cha.

 Bấy giờ những con mắt xác thịt đó sẽ không thấy Ngài nữa, nhưng con mắt thuộc linh thì sẽ thấy được Ngài hiện diện trong đời sống họ.

Chúng ta cũng không thấy Ngài bằng mắt thuộc thể, nhưng thấy Ngài trong mắt thuộc linh và đã Tin Ngài qua con mắt thuộc linh đó -

 Chúng ta là những kẻ mà Chúa Giê su nói đến, những người được vui mừng trong sự chết của Chúa Giê su - Còn các môn đồ, trước khi vui mừng, họ phải trải qua sầu khổ, khóc lóc và than vãn, nhưng sau đó cũng vui mừng như chúng ta - Kinh thánh làm chứng về điều nầy, từ khi Chúa Giê su về Trời, rồi Đức Thánh Linh được ban xuống, tất cả các môn đồ của Chúa không ai than vãn hay đau thương vì sự vắng mặt của Chúa nữa. Đức Thánh Linh đã dẫn họ sang trang sách mới, sự vui mừng về Hội thánh Chúa đã thực sự được bắt đầu.

 

"Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Rô ma 5: 18

 

 Cám ơn Chúa Giê su, bởi sự đau đớn và sự chết của Ngài mà chúng con lại được vui mừng .