Giăng 16: "vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

" Đấng đã gây dựng chúng ta cho được sự ấy, ấy là Đức Chúa Trời, đã ban của tin của Đức Thánh Linh cho chúng ta." II Cô rinh tô 5:5

Giăng 16: "vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu"

 

Đọc Giăng 16: 1-7

 

Câu hỏi:

 

1/Tại sao Chúa Giê su dùng chữ "Vấp ngã" "Stumble" khi nói đến việc các môn đồ sẽ bị cầu nguyện rủa sả và bị đuổi ra khỏi nhà hội?

 

2/ Sự bách hại mà Chúa Giê su đề cập tới từ người ngoại hay từ người trong Chúa?
Các môn đồ chịu hoạn nạn vì danh ai? Tại sao Chúa Giê su không còn mà việc bắt bớ vẫn còn?

 

3/ Những người Giu đa bắt bớ Cơ đốc nhân cách nào? Họ nghĩ làm như vậy dưới danh nghĩa gì?



4/ Ai là người tiêu biểu nhất cho đám bắt bớ nầy? Tại sao Phao lô được Chúa Giê su bắt phục?

 

5/ Khi Chúa Giê su ra đi, Đức Thánh linh được ban xuống, có thể gọi từ nào chính xác?
        Một phúc lợi - Một thay thế- Một giai đoạn mới

 

6/ Đấng yên ủi đến sẽ làm gì để yên ủi trong hoàn cảnh đó?

 

 

             "vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu"

 

** " Để khi giờ đến " câu 1-4

 

"Ta bảo các ngươi những điều đó, để cho các ngươi khỏi vấp phạm. 2 Họ sẽ đuổi các ngươi ra khỏi nhà hội; vả lại, giờ đến, khi ai giết các ngươi, tưởng rằng thế là hầu việc Đức Chúa Trời. 3 Họ sẽ làm điều đó, vì không biết Cha, cũng không biết ta nữa. 4 Nhưng ta đã bảo những điều đó cho các ngươi, để khi giờ sẽ đến, các ngươi nhớ lại rằng ta đã nói những điều đó rồi. Từ lúc ban đầu ta chưa nói cho các ngươi, vì ta đang ở cùng các ngươi. "

 

  Khi Chúa Giê su còn ở với các môn đồ, Ngài đã có đề cập tới những sự chống đối của thế gian vì cớ ngài, nhưng Chúa Giê su không nói nhiều về điều đó. vì nếu biết hết những điều mà Thầy họ phải gánh chịu, họ sẽ rất buồn.

 

" Để khi giờ đến" là lúc chúa Giê su ra đi, chiến trận sẽ quay hướng về các môn đồ, Ngài buộc phải nói ra cho họ biết những thử thách sẽ đến với họ.

  Chẳng phải chỉ những kẻ vô tín chống đối người theo Chúa mà thôi, nhưng còn bao gồm cả những người Giu đa, là anh em trong cùng một Đức Chúa Trời cũng sẽ rượt bắt, hành hại họ.

 Thật vậy, thời gian ban đầu, những người anh em Giu đa trong cộng đồng của những người theo đạo Chúa, đã bắt bớ, tàn sát Cơ đốc nhân nhiều hơn ai hết. Chúa Giê su báo trước cho các môn đồ biết, họ sẽ là mục tiêu của sự huỷ diệt, được mang một danh nghĩa là "Hầu việc Đức Chúa Trời"

  Dù người Giu đa đang hết sức sốt sắng bắt bớ đạo Chúa, mà họ cho là phục vụ Đức Chúa Trời, nhưng Chúa Giê su cho rằng họ không biết Cha và cũng không biết Ngài. Chúa Giê su tuyên bố, thay vì phục vụ Đức Chúa Trời, họ đang chống lại kế hoạch, chương trình cứu rỗi của Ngài qua Chúa Giê su.

Chẳng phải những kẻ không hiểu biết hành động như vậy, nhưng là kẻ bị mù lòng, không nhận ra công việc của Đức Chúa Trời. Phao lô chính là Sau-lơ người Tạt-sơ trước khi cải đạo đã làm như thế. Công vụ 8: 1-3

 

"Sau-lơ vốn ưng thuận về sự Ê-tiên bị giết. Trong lúc đó, Hội thánh ở thành Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt bớ dữ tợn; trừ ra các sứ đồ, còn hết thảy tín đồ đều phải chạy tan lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri. 2 Dầu vậy, có mấy người tin kính chôn xác Ê-tiên và than khóc người quá bội. 3 Nhưng Sau-lơ làm tàn hại Hội thánh: sấn vào các nhà, dùng sức mạnh bắt đàn ông đàn bà mà bỏ tù."


  Chúa Giê su chinh phục Phao lô để ông quay về phục vụ đúng nghĩa cho Đức Chúa Trời -

         Đem tin lành giảng cho người ngoại -Công vụ 22: 3-16

 

"Tôi là người Giu-đa, sanh tại thành Tạt-sơ, trong sứ Si-li-si, nhưng nuôi tại đây, trong thành nầy, học nơi chân Ga-ma-li-ên, đúng theo trong luật pháp của tổ phụ chúng ta. Vốn tôi đầy lòng sốt sắng vì Đức Chúa Trời, cũng như các ngươi hôm nay vậy. 4 Tôi từng bắt bớ phe nầy cho đến chết, bất kỳ đàn ông đàn bà, đều xiềng lại và bỏ tù: 5 về điều đó, thầy cả thượng phẩm cùng cả hội đồng trưởng lão đều làm chứng cho tôi; vì bởi những người đó mà tôi nhận được các thơ gởi cho anh em thành Đa-mách, là nơi tôi toan đi, đặng bắt trói những người ở đó dẫn về thành Giê-ru-sa-lem để xử phạt. 6 Vả, lúc tôi đang đi đường, gần đến thành Đa-mách, độ ban trưa, thình lình có ánh sáng lớn, từ trên trờ giáng xuống, soi sáng chung quanh mình tôi. 7 Tôi té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng tôi rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, làm sao ngươi bắt bớ ta? 8 Tôi trả lời rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Ngài phán: Ta là Jêsus ở Na-xa-rét mà ngươi đang bắt bớ đây. 9 Những kẻ đi với tôi thấy ánh sáng rõ ràng, nhưng chẳng nghe tiếng của Đấng phán cùng tôi. 10 Tôi bèn thưa: Lạy Chúa, tôi phải làm chi? Chúa đáp rằng: Hãy chờ dậy, đi đến thành Đa-mách, ở đó người ta sẽ nói mọi điều đã truyền cho ngươi làm. 11 Bởi cớ sự chói lói của ánh sáng đó, thì tôi chẳng thấy được, nên những kẻ cùng đi nắm tay dắt tôi đến thành Đa-mách. 12 Tên A-na-nia kia, là người nhân đức theo luật pháp, được các người Giu-đa trú tại Đa-mách đều làm chứng tốt, có đến tìm tôi; 13 người đứng trước mặt tôi mà nói rằng: Hỡi Sau-lơ, anh tôi, hãy sáng mắt, lại. Liền một lúc, tôi được sáng mắt, và xem thấy A-na-nia. 14 Đoạn, người nói với tôi rằng: Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã định cho anh được biết ý muốn Chúa, được thấy Đấng Công bình và nghe lời nói từ miệng Ngài. 15 Vì anh sẽ làm chứng cho Ngài trước mặt mọi người, về những việc anh đã thấy và nghe. 16 Bây giờ, anh còn trễ nải làm chi? Hãy chờ dậy, cầu khẩn danh Chúa mà chịu phép báp-tem và làm sạch tội lỗi mình đi."

 

** " Bị đuổi khỏi Hội đường"



   Hội đường là nơi người Giu đa đến để nghe giảng và thờ phượng Đức Chúa Trời, cơ đốc nhân sẽ bị xem là phần tử xấu, sẽ bị đuổi ra khỏi Hội đường. Vì Chúa Giê su cư ngụ ở Nazareth, nên những người theo Chúa Giê su được gọi là Nazaren. Nhằm mục đích đảm bảo rằng những người theo Chúa Giê-su không thể tham gia vào buổi lễ, nhà hội đã khiến các tín hữu cầu nguyện rủa sả Cơ đốc nhân, rồi đến lúc cao điểm thì bắt bớ, giết hại họ như Phao lô đã kể lại.

Đối với một người tin kính, không được dự phần thờ phượng Chúa là một nỗi buồn rất lớn. Lịch sử ghi lại, có một thời gian, cơ đốc nhân đã phải trốn chạy và nhóm họp trong hầm mộ. Chúa Giê su cũng đã ban phát lời nầy trong Ma thi ơ 18: 19 &20

 

" Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. 20 Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ."

 

** Lợi ích khi Chúa ra đi: Câu 5 -7

 

"Hiện nay ta về cùng Đấng đã sai ta đến, và trong các ngươi chẳng một ai hỏi ta rằng: Thầy đi đâu? 6 Nhưng vì ta đã nói những điều đó cho các ngươi, thì lòng các ngươi chứa chan sự phiền não. 7 Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến."

 

Chúa Giê su trách các môn đồ không ai hỏi " Thầy đi đâu? " Ngài ngụ ý nói sự tìm hiểu của các môn đồ về sứ mạng của Chúa hơn là chỉ hỏi để biết "đi đâu?"

        Vì Phi-e-rơ đã có hỏi câu này trước đó (Giăng 13:36)

 

"Si-môn Phi-e-rơ thưa cùng Ngài rằng: Lạy Chúa, Chúa đi đâu? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nơi ta đi, bây giờ ngươi chẳng có thể theo ta được; nhưng rồi sau ngươi sẽ theo ta."

 

và Thô-ma cũng hỏi một câu hỏi tương tự (Giăng 14:5).

 

"Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu; làm sao biết đường được? "

 

  Sự chia tay làm mọi người buồn rầu, họ không có tâm tình nào để suy nghĩ về sứ mạng của Chúa Giê su là gì. Chúa Giê su cũng không muốn nói rõ ra, vì như vậy Ngài sẽ chất lên họ thêm nhiều phiền não. Điều mà Ngài phải gánh chịu, họ sẽ thấy, sẽ hiểu, nhưng bây giờ Chúa Giê su tiết lộ cho biết, sự ra đi của Ngài không thật sự là một nỗi tuyệt vọng, mà bắt đầu một trang sách mới với một người Thầy mới.

 

   Như chúng ta được học trong bài trước, Đấng yên ủi là Đức Thánh linh, Đấng thay thế cho Chúa Giê su khi Ngài không có mặt. Tại sao Đấng ấy lại tốt hơn? Vì Ngài sẽ ở trong chúng ta mãi mãi và sẽ hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta và Ngài cũng đồng công với chúng ta trong công việc rao giảng Tin Lành cho Chúa.


  Hiện giờ, các môn đồ đang buồn bả và thất vọng, Chúa Giê su gọi tên Ngài là Đấng Yên ủi, Ngài sẽ yên ủi, làm mạnh sức, nâng đở Cơ đốc nhân trên con đường thử thách sắp tới. Ngài sẽ nhắc lại mọi điểu mà Chúa Giê su đã dạy và hứa hẹn với họ, Ngài dùng lời Kinh Thánh để khích lệ, trấn an họ.

 

  Chữ "Advantage" nghĩa là " lợi điểm" được dùng ở đây, Chúa Giê su có ngụ ý rằng việc ban phát Đức Thánh Linh là một ban cho phước hạnh của Đức Chúa Trời, hơn cả sự hiện diện thực hữu của Chúa Giê su ở trên đất.

  Chúa Giê su muốn môn đồ nỗ lực phối hợp để tin cậy Chúa vào thời điểm sắp tới. Có lẽ các môn đồ không hiểu và không nhìn ra "lợi thế" gì để so sánh, nhưng với 2.000 năm nhìn lại, chúng ta thấy sau khi Chúa Giê-su ra đi, Đức Thánh Linh đã đến, và chức vụ của Đức Thánh Linh đã tiếp tục thể hiện rộng rãi mục vụ của Chúa với hiệu quả gấp bội phần trên toàn thế giới.

 

Nhắc lại câu nói ở Mathi ơ 18: 20

" Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ."

 

Đó không phải là lời hứa mà Ngài có thể thực hiện theo xác thịt, mà chỉ theo Thánh Linh. Ngài phải ra đi để lời hứa đó được thực hiện.

 

Mọi người trên đất cũng đã đọc được Kinh Thánh, là lời được chép và truyền ra sau khi Chúa ra đi.

 

Đức Chúa Trời cũng muốn chúng ta bước đi bằng đức tin chứ không phải bằng mắt thấy, Phao-lô dù đã thấy Chúa Giê su, nhưng ông vẫn chọn thấy Ngài qua đức tin, (2 Cô-rinh-tô 5:16)

 

"Bởi đó, từ rày về sau, chúng tôi không theo xác thịt mà nhận biết ai nữa; và, dẫu chúng tôi từng theo xác thịt mà nhận biết Đấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu."



 Cám ơn Chúa Đã ban cho con cái Ngài Đức Thánh Linh - Chúng con luôn thấy vững tâm, đầy đủ trong Ngài - Ngài khiến chúng con đứng vững vàng trong đức tin và đồng công với chúng con trong mọi công tác Chúa.