Giăng 15 " Ta là gốc nho thật "

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho ḿnh và dưới cây vả ḿnh, không ai làm cho lo sợ; v́ miệng Đức Giê-hô-va vạn quân đă phán." Mi chê 4:4

Giăng 15 " Ta là gốc nho thật "

 

Đọc Giăng 15: 1-11

 

Câu hỏi:

 

1/ Trong Cưu ước, cây nho là biểu tượng của ai?
      Đức Chúa Trời trong vai gì với biểu tượng đó?

 

2/ Cây nho hay vườn nho trong cựu ước được khen hay chê?
        Đức Chúa Trời đã làm gì với cây nho của Ngài?

 

3/ Trong Tân ước, cây nho có tượng trưng cho một tập thể không?
         Tượng trưng cho ai?

 

4/ Là nhánh nho, để tồn tại và có kết quả nó phải làm gì?
           Nhánh nho tượng trưng cho ai?

 

5/ Để có kết quả tốt thì người theo Chúa phải làm gì?
          Điều đó có thể thực hiện không?

 

6/Làm thế nào để có được niềm vui trọn vẹn như Chúa nói ?

 


               "Ta là gốc nho thật"

 

**"Biểu tượng của cây nho" câu 1-2

 

"1 Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. 2 Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn."

 

   Cây nho là hình ảnh rất quen thuộc của dân Y sơ ra ên. Cây nho được đề cập đến nhiều hơn bất kỳ loại cây nào khác trong Kinh thánh.

Vì cây nho phổ biến trong đời sống hằng ngày, nên nó thường được dùng làm biểu tượng trong các ẩn dụ của Kinh Thánh. Dân Y sơ ra ên được Chúa ví như cây nho mà Ngài đã trồng, cây nho trĩu quả là biểu tượng của sự vâng phục, còn cây nho dại, nho không trái, nói lên sự bất tuân của Y-sơ-ra-ên.

Đức Chúa Trời cũng thường nói Ngài là chủ của vườn nho- Thi Thiên 80: 8-11 chép:

 

" Từ Ê-díp-tô Chúa đã dời sang một cây nho; Chúa đuổi các dân ra, rồi trồng cây ấy; 9 Cũng xở đất cho nó, Nó bèn châm rễ và bò đầy đất. 10 Các núi bị bóng nó che phủ, Và các nhành nó giống như cây hương nam của Đức Chúa Trời. 11 Các nhành nó gie ra đến biển, Và chồi nó lan đến sông."

 

Tuy vậy, khi Chúa đề cập đến cây nho hay vườn nho, thường có ý nghĩa tiêu cực, cây nho bị quở lần đầu tiên trong Phục truyền 32:32

 

"32 Cây nho chúng nó vốn là chồi của Sô-đôm, Và do đất của Gô-mô-rơ. Trái nho chúng nó vốn là độc, Và chùm nho vốn là đắng; 33 Rượu nho chúng nó là nọc độc con rắn, Một thứ nọc độc rất dữ của rắn hổ."

 

Hay lời Chúa than thở trong Giê rê mi 2: 21:

 

"Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt, giống đều rặc cả; mà cớ sao ngươi đã đốc ra nhánh xấu của gốc nho lạ cho ta? "

 

Rồi Ngài buồn rầu qua bài thơ trong Ê sai 5: 1&2

 

"1 Ta sẽ hát cho bạn rất yêu dấu ta một bài ca của bạn yêu dấu ta về việc vườn nho người. Bạn rất yêu dấu ta có một vườn nho ở trên gò đất tốt. 2 Người khai phá ra; cất bỏ những đá; trồng những gốc nho xinh tốt; dựng một cái tháp giữa vườn, và đào một nơi ép rượu. Vả, người mong rằng sẽ sanh trái nho; nhưng nó lại sanh trái nho hoang."

 

Trong tất cả các ẩn dụ, Đức Chúa Trời lúc nào cũng tự ví mình là chủ vườn nho hay người trồng nho - Chữ chính xác của bản dịch, Ngài là "Vinedresser"

 

"Vinedresser" là gì? Là một người cắt tỉa, chăm sóc và trồng cây nho.(a person who prunes, trains, and cultivates vines.)

 

  Ê-sai 5:1 & 2 ở trên, nói đến công phu của người trồng nho.

  Ông đã chọn lựa một giống nho thật tốt, rồi đem nó trồng trên một ngọn đồi đất màu mở. Ông dọn hết đá trong vườn và làm cho sạch cỏ. Ông còn xây một bức tường xung quanh để bảo vệ vườn nho, Ông không để cho con vật nào vào làm hư hỏng. Ông còn đặt một tháp canh, để trông chừng kẻ trộm. Nhưng sau rồi, Ông phải thốt lên câu than thở:

 

" Hỡi dân ở Giê-ru-sa-lem cùng người Giu-đa, vậy thì bây giờ ta xin các ngươi hãy đoán xét giữa ta với vườn nho ta. 4 Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng? Cớ sao khi ta mong sanh trái nho, thì nó lại sanh trái nho hoang vậy?"

 

   Thật vậy, nếu chúng ta đọc lại sách Phục Truyền 8:8 - Đức Chúa Trời đã có ý định chọn và ban cho dân Y sơ ra ên của Ngài một vùng đất có giống cây nho thật tốt, vừa để ích lợi cho đời sống dân Y sơ ra ên của Ngài, vừa là hình ảnh của biểu tượng mà Ngài muốn họ nên có:

 

"Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu phun lên trong trũng và trên núi; 8 xứ có lúa mì, lúa mạch, dây nho, cây vả, cây lựu; dầu ô-li-ve và mật;"

 

  Cây nho ở mãnh đất Chúa ban cho dân Y sơ ra ên có chùm trái tươi tốt như thế nào, chúng ta hãy đọc lại trong Dân số ký 13:23&24 khi hai người được phái đi do thám xứ:

 

"Các người đến khe Ếch-côn, cắt tại đó một nhành nho có một chùm nho; và hai người khiêng lấy bằng cây sào, luôn những trái lựu và trái vả. 24 Người ta gọi chỗ nầy là khe Ếch-côn, vì có chùm nho mà dân Y-sơ-ra-ên đã cắt tại đó.

 

Cây nho trên thực tế tốt đẹp như vậy, nhưng cây nho thuộc linh đã sớm sa ngã và bị Chúa rủa sả như các đoạn trên.

Cây nho Y sơ ra ên, trong Cựu ước tượng trưng cho một tập thể, một dân thất bại, trước lòng mong mõi, kỳ vọng của Đức Chúa Trời, và nhiều lần bị Ngài đoán phạt.

 

  Hôm nay, trong giờ phút từ giã, Chúa Giê su dùng hình ảnh chính Ngài là cây nho để dạy các môn đồ một ý nghĩa khác, nói lên mối liên hệ thiết yếu của gốc nho và cành nho, để các môn đồ hiểu câu nói: " Ta ở trong các ngươi, và các ngươi ở trong Ta"

 

*** Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh Câu 3-11

 

"Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. 4 Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. 5 Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. 6 Nếu ai chẳng cứ trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy. 7 Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. 8 Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy. 9 Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta. 10 Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài. 11 Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn."



     Với cách diễn tả bằng lời thơ của sách Nhã ca 6:3 chép:

 

" Tôi thuộc về lương nhân tôi, Và lương nhân tôi thuộc về tôi; Người chăn bầy mình giữa đám hoa huệ."

 

 Thì gốc nho và cành nho có một mối liên hệ không thể tách rời -

  Một lần nữa, Chúa Giê su khẳng định, trong những ngày tới, dù cho các môn đồ không thấy mặt Ngài, nhưng họ vẫn được gắn chặt với Chúa Giê su, lấy nhựa sống từ Ngài và có kết quả dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời.

  Lúc đó cành nho không cần phải tự sống, nhưng sẽ nhờ một sức sống mới luôn tuôn trào từ gốc nho, các cành nho chỉ cần gắn chặt vào gốc, là có thể tốt tươi, sung mãn, và sanh ra nhiều trái -

  Đức Chúa Trời cũng vẫn là người chủ vườn nho, Ngài sẽ tỉa sửa để cây nho có trái, nhưng Ngài cũng sẽ cắt bỏ những nhánh không ra trái hay không còn dính với gốc nho, những cành đó thành ra vô dụng và sẽ bị đốt.

  Chỉ là biểu tượng của một cây nho, mà nói lên đầy đủ ý nghĩa: Người theo Chúa cần gắn chặt đời sống mình với Chúa Giê su. Dùng lời Chúa để thanh tẩy mỗi ngày, Giăng 13: khi Chúa rửa chân cho môn đồ, Ngài nói ai đã được tắm rồi thì chỉ cần rửa chân. Chúa Giê su đã dùng huyết Ngài rửa sạch mọi tội lỗi, nhưng trên bước đường theo Chúa, chúng ta phải dùng lời Ngài để được sạch.

  Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh cũng nhắc nhở, tỉa sửa, loại bỏ những sai trật của chúng ta - Ba ngôi Đức Chúa Trời đều vùa giúp để chúng ta có kết quả tốt trong công việc nhà Chúa.

Chỉ trong vài câu, mà Chúa Giê su nhắc nhở chúng ta ba lần, là phải dính chặt, nhờ cậy, và liên kết với Ngài. Nếu không, thì chúng ta không thể nào có kết quả và bị xem như vô dụng trước mắt Đức Chúa Trời -Nếu chúng ta lìa bỏ Chúa thì chúng ta như cành khô, sẽ bị loại bỏ và bị đem thiêu trong lữa, đó cũng là hình ảnh kẻ bị Chúa từ bỏ và sẽ bị xét đoán.

 

** Ở trong Chúa có lời hứa ngọt ngào:

"Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó."

 Cũng nhờ câu nầy mà chúng ta nghiệm ra rằng, lời cầu xin của chúng ta phải thích hợp với ý muốn Chúa, và chắc được Chúa trả lời khi chúng ta cầu xin phải lẽ.

  Chúa Giê su khuyến khích chúng ta cầu xin, khi Ngài nói: "Hãy cầu xin mọi điều mình muốn thì sẽ được điều đó" cầu xin là dựa cậy, Ngài muốn được chúng ta dựa cậy, cũng giống như cành nho được cung cấp nhựa từ gốc nho.

 Chúa Giê su sẳn sàng thoả đáp cho chúng ta mọi điều để chúng ta có kết quả, và  và vì kết quả đó mà Đức Chúa Trời được sáng danh.

     Điều đó chứng tỏ chúng ta là môn đồ của Chúa Giê su vì Ngài luôn làm cho Cha được sáng danh.

 

** Ở trong Chúa chúng ta được yêu thương:



   Chúa Giê su đã yêu thương chúng ta, nên Ngài khuyên chúng ta nên cứ ở trong sự yêu thương của Ngài và đừng ra khỏi đó.

 Chắc chúng ta cũng đã từng trãi một tình thương bao bọc, vô điều kiện của gia đình, của cha mẹ, thì Chúa Giê su cũng khuyên chúng ta như vậy, đừng rời xa, đừng bức khỏi tình yêu thương đã có sẳn đó. Chúa còn hơn cả cha mẹ chúng ta, vì Ngài không bị một giới hạn nào, Ngài cũng không bị không gian hay thời gian chi phối. Ở trong cánh bóng của Ngài, chúng ta luôn được bảo vệ và được chu cấp mọi thứ cần dùng.


  Chúa Giê su nói Ngài được Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài đang ở trong sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngài muốn chúng ta ở trong Ngài để rồi chúng ta cũng được bao phủ bởi tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

 Chúa Giê su cũng nhắc lại cho chúng ta định nghĩa thế nào là yêu Chúa? Yêu Chúa không bằng lời nhưng bằng đức tin, giữ lấy lời răn của Ngài và làm theo, điều đó sẽ đẹp lòng Ngài và cũng đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chúa Giê su nhắc chính Ngài cũng đã vâng giữ các điều răn của Cha, thì chúng ta cũng nên làm như vậy.



**Hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn.

  Niềm vui của Chúa Giêsu không giống như niềm vui mà người ta thường hiểu là hạnh phúc hay phấn khích của đời khi đạt được những gì trong ý muốn của mình. Niềm vui của Chúa Giêsu không phải niềm vui của một cuộc sống thoải mái; nhưng đó là niềm vui khi được làm đúng với lời Chúa, đạt được những gì trong ý muốn của Chúa và có ý thức được bước đi bình an, vững vàng trong tình yêu và sự chăm sóc của Ngài. Chúng ta có thể có được niềm vui đó –

 Niềm vui đến từ Chúa Giê su, có được nó như một sự hiện diện thường trực. Một niềm vui mà nếu chúng ta chưa từng trãi thì chưa biết, vì Ngài nói đó là một niềm vui trọn vẹn.

Chúa đã tạo ra con người, cũng như các tạo vật khác, Ngài muốn nó được hạnh phúc. Chúa ban cho nó khả năng cảm nhận hạnh phúc, hạnh phúc đó bị đánh mất khi con người phạm tội. Bây giờ, Chúa Giê-su đến để khôi phục lại những tàn tích của sự sa ngã, Ngài muốn mang lại cho chúng ta niềm vui xưa, Hạnh phúc hoàn hảo đó sẽ được cảm nhận lại lần nữa, ngọt ngào hơn vì đã có lần chúng ta đánh mất nó.