Giăng 14: " Cầu nguyện nhân danh Chúa Giê su. "

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

" Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người" ITi mô thê 2:5

Giăng 14: " Cầu nguyện nhân danh Chúa Giê su. "

 

Đọc Giăng 14: 12-14

 

Câu hỏi:

 

1/ Chúa Giê su có ba lời hứa,

      bảo đảm cho các môn đồ trước khi ra đi là ba lời hứa gì?

 

2/ Tại sao Chúa nói nếu tin Ngài thì các ngươi có thế làm việc lớn hơn Ngài?
        Đó là những việc gì? Liên quan đến ai?

 

3/ Ai là người vận hành và giúp đỡ Cơ đốc nhân xưa và nay trong công tác truyền giáo?

 

4/ Tại sao phải "Nhân danh Chúa Giê su" khi cầu xin?

             Đó có phải là một công thức để được nhậm hay không?

 

5/ Người ta đã lạm dụng việc " Nhân danh Chúa Giê su" như thế nào?

 

6/ Tại sao cầu nguyện qua hay với bà Ma ri là một sai phạm lớn?

 

 


                         "Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho. "

 

***" Nhân danh Chúa Giê su" câu 12-14

 

"Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha. 13 Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. 14 Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho."

 

  Chúa Giê su sắp ra đi, Ngài muốn tạo một hy vọng mới cho các môn đồ, để họ không nghĩ là nếu không có Chúa, họ sẽ bị giải tán.

 Trong lúc chao đảo, bối rối, Chúa Giê su kêu gọi lòng tin của môn đồ. Khi phải đối diện với khốn khó, có những việc xảy ra mà họ không lường trước được, thì chỉ có đức Tin mới giúp các môn đồ vượt qua những thử thách lớn. Chỉ trong 3 câu từ 12-14 Chúa Giê su đưa ra ba bảo đảm:

 

1- Họ sẽ làm được những việc lớn hơn Chúa Giê su làm


2- Nhân danh Chúa Giê su cầu xin, họ sẽ được Chúa đáp lời


3- Chúa Giê su sẽ cầu xin Cha ban Đức Thánh Linh xuống ở trong họ. ( sẽ học trong bài sau)



- Bảo đảm thứ nhất:

  Dù không có mặt Chúa, nhưng nếu Môn đồ Tin, tiếp tục công việc của Ngài trên đất, thì họ sẽ làm được những việc lớn hơn Chúa làm, lớn đây không có nghĩa vượt qua sự cứu chuộc của Chúa, nhưng là lớn hơn trong tầm ảnh hưởng của Tin lành.

 

   Điều nầy đã thành sự thật được chép trong Công vụ các sứ đồ từ đoạn 1-7.

  Chỉ một bài giảng trong lễ Ngủ tuần của Phi e rơ mà có đến 3000 người tin Chúa. Đó là nhờ Đức Thánh Linh, thần quyền năng của Đức Chúa Trời, được ban xuống sau khi Chúa Giê su về cùng Cha.


Đức Thánh Linh ở ngay trong lòng các môn đệ, Đức Thánh Linh cũng hiện diện trong Hội Thánh, để đồng thực hiện công tác rao truyền Tin lành cho cả thế gian.


  Đức Thánh Linh ngự đến không làm cho người ta run rẩy, té nhào, nhưng chính Đức Thánh Linh làm cho con cái Ngài mạnh sức, tiến lên để có thể chinh phục cả thế giới.

 

  Kinh Thánh chứng minh cho chúng ta thấy khi Đức Thánh Linh ngự trị, người ta không sợ hải, không lùi bước, và lúc nào có đầy năng quyền, khôn ngoan, để chinh phục cả thế gian hư mất.

 

  Đức Thánh Linh không chỉ ban năng quyền trong lời chứng, mà ban cả những phép lạ phi thường cho các môn đồ, y như lúc Chúa Giê su còn trên đất đã làm, nào đuổi quỷ, chữa bệnh, các sứ đồ đã làm nhiều dấu kỳ phép lạ lớn lao, Kinh Thánh chép:

 

   ** Phi e rơ chỉ quở một tiếng thì A na nia chết liền vì nói dối Đức Thánh Linh (Công vụ 5: 4&5) 

   ** Phao lô cũng đã khiến Ơ tích được sống lại sau khi té chết...(Công vụ 20 : 9-12)


Chúng ta thử đọc trong Công vụ các sứ đồ 5: 12-16

 

" Bấy giờ, có nhiều phép lạ dấu kỳ được làm ra trong dân bởi tay các sứ đồ; và các môn đồ đều hiệp một lòng nhóm nhau dưới hiên cửa Sa-lô-môn. 13 Dầu vậy, chẳng một kẻ nào khác dám nhập bọn với môn đồ, nhưng dân chúng thì cả tiếng ngợi khen. 14 Số những người tin Chúa cùng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm, 15 đến nỗi người ta đem kẻ bịnh để ngoài đường, cho nằm trên giường nhỏ hoặc trên chõng, để khi Phi-e-rơ đi ngang qua, bóng của người ít nữa cũng che được một vài người. 16 Dân sự ở các thành lân cận cũng lũ lượt kéo tới thành Giê-ru-sa-lem, đem đến những người đau ốm và kẻ bị tà ma khuấy hại, thì hết thảy đều được chữa lành."

 

Tất cả những phép lạ trên được thực hiện đều nhằm mục đích làm cho người ta Tin vào sự cứu rỗi của Chúa Giê su.

 

** Sự bảo đảm thứ hai, " Nếu nhân danh Ta cầu xin, Ta sẽ làm cho" câu 13 &14

 

"Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. 14 Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho."

 

   Không chỉ một lần nầy, nhưng Chúa Giê-su nhiều lần dạy các môn đồ cầu nguyện nhân danh Ngài (Giăng 14:13–14; 15:16; 16:23–24).

 

       ** Xin với Cha cũng nhân danh Chúa Giê su: Giăng 15:16

 

" lại cũng cho mọi điều các ngươi sẽ nhân danh ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi. "

 

  **Qua danh Chúa Giê su mà Cha đáp lời cầu xin: Giăng 16 : 23- 24

 

"Trong ngày đó, các ngươi không còn hỏi ta về điều chi nữa. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, điều chi các ngươi sẽ cầu xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhân danh ta mà ban cho các ngươi. 24 Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhân danh ta mà cầu xin điều chi hết. Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn. ."

 

  Theo như Giăng 16 thì các môn đồ chưa bao giờ nhân danh Chúa Giê su mà cầu xin, vì lúc Chúa còn ở với họ, câu nầy chưa được áp dụng . Nhân danh Chúa Giê su được dùng sau khi Chúa Giê su về Trời.

                                                                            

                                                               ***

  Để hiểu rõ thế nào là cầu xin trong danh Chúa Giê su, xin chúng ta đọc qua bài chia sẻ của Aaron Berry, một Thạc sĩ thần học, và là tác giả nhiều sách gây dựng và hướng dẫn Tín hữu vào lối suy nghĩ và thờ phượng đúng đắn.

 

** Câu “Nhân danh Chúa Giêsu” ở cuối lời cầu nguyện, không phải là một công thức kỳ diệu.


Nếu những gì chúng ta cầu xin hoặc phát biểu trong lời cầu nguyện không phải vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và theo ý muốn của Ngài, thì việc nói “Nhân danh Chúa Giê-su” là vô nghĩa.

 Điều quan trọng là mục đích đằng sau lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho những điều phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời là bản chất của việc cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su.

 

  Trên thực tế, chúng ta làm theo lời Chúa dạy như một thói quen - nếu sau lời cầu nguyện không được kết thúc bằng những từ “Nhân danh Chúa Giê-su, Amen”, thì điều đó có vẻ xa lạ đối với Cơ đốc nhân vì nó không phù hợp với Kinh thánh và dường như thiếu hiểu biết về lời Chúa.

 

  Chúa Giê su bảo chúng ta cầu nguyện nhân danh Ngài, phải chăng đó chỉ đơn giản là một ‘lời thần kỳ, thánh hóa" bảo đảm cho lời cầu nguyện của chúng ta có kết quả? Chúng ta hãy xem xét các điểm sau:

 

***Kinh Thánh nói việc cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu là đúng

 

   Khái niệm cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu chắc chắn có trong Kinh thánh. Trước hết trong Giăng 14:13-14:

 

“ Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. 14 Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta
sẽ làm cho."

 

  Khái niệm này được lặp lại vài lần nữa trong Giăng 15:16 và Giăng 16:23-24.

 

  Mới đọc qua những câu này, chúng ta thấy dường như Chúa Giêsu muốn nói lời cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, sẽ chắc chắn sẽ được đáp lại.

 

   Vì hiểu theo kiểu đó, "Nhân danh Chúa Giêsu" đang bị lạm dụng và bị lạm dụng rất nhiều.

 

  Ngoài việc " Nhân danh Chúa Giê su" được sử dụng chỉ để lặp lại những lời cầu nguyện trống rỗng, hững hờ, gấp rút trước bữa ăn hay trước giờ ngủ.


Cầu nguyện " Nhân danh Chúa Giê su" cũng thường được dùng như một cách để buộc Thiên Chúa phải chấp thuận;

dùng để viện dẫn quyền lực của Ngài đối với bất kỳ hành động, mong muốn nào mà chúng ta muốn có:

 

-Người rao giảng về sự giàu có , tuyên bố ban phước lành tài chính cho người nghe “Nhân danh Chúa Giê-su”.


-Người hô hào ủng hộ cho quỷ truyền giáo và lạm dụng nó cũng chúc phước cho người đóng góp " Nhân danh Chúa Giê su"


-Người chữa bệnh bằng đức tin lừa đảo thường ra lệnh cho bệnh tật chạy trốn cũng “Nhân danh Chúa Giê-su”.


-Người tham muốn nhiều điều quá sức mình cũng " Nhân danh Chúa Giê su"

-Người muốn diệt kẻ ghét mình cũng không ngại nói " Nhân danh Chúa Giê su"

 

Nhưng- hãy coi chừng, sách Gia-cơ cho chúng ta một lời cảnh báo nghiêm trọng về lời cầu nguyện của chúng ta rằng:

 

“Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.” (Gia-cơ 4:3)

 

   Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta có thể kêu cầu danh Chúa Giêsu, chỉ để thỏa mãn đam mê của mình mà hạ thấp và lạm dụng ân sủng của Thiên Chúa.

 

  Cầu nguyện "Nhân danh Chúa Giêsu" sâu sắc hơn, và đẹp đẽ hơn nhiều so với cách cầu nguyện “rẻ tiền” mà chúng ta thường nghe.

 

            Vậy ‘Nhân danh Chúa Giêsu’ nghĩa là gì?

 

Cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu không phải là thêm cụm từ vào cuối lời cầu nguyện mà đặt tấm lòng của mình vào đúng cách trong lời cầu nguyện.

Cầu nguyện "Nhân danh Chúa Giêsu có nghĩa là bạn ý thức được hai lẽ thật cơ bản khi trình bày những lời cầu xin của mình với Chúa:

 

1. Thừa nhận sự chuyển cầu ( cầu thay) của Ngài (Intercession)

 

Vì điều nầy mà có sự khác biệt về sự cầu nguyện trong Tân Ước với trong Cựu Ước. Trong Cựu ước không có " Nhân danh Chúa Giê su"

 

Giăng 16:24, Chúa Giê-su nói với các môn đồ rằng:

 

“Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhân danh ta mà cầu xin điều chi hết. Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn..”

 

Có gì khác biệt sau khi Chúa đã sống lại và về với Cha?

 

Sau khi Chúa Giê-su sống lại, rồi thăng thiên, Ngài trở thành người cầu thay và biện hộ cho chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời

(Rô-ma 8:34; 1 Giăng 2:1Hê-bơ-rơ 7:25).


Cầu nguyện nhân danh Chúa Giê su, là thừa nhận rằng Đấng Christ là con đường duy nhất và mình biết được vị trí của mình trước mặt Đức Chúa Cha, chỉ dựa trên công việc cứu rỗi, hàn gắn lại mối tương giao đã mất của con người qua Đấng Christ mà thôi.

 

Chúng ta đến với Cha bằng lời cầu nguyện, không phải vì việc làm hay công trạng của chúng ta, nhưng vì nhân danh Chúa Giêsu.

 

Giới từ “trong” là một giới từ quan trọng. Khi chúng ta được ở trong Chúa Giê su, chúng ta đang hiệp nhất với Chúa trong sự chết, và sự phục sinh của Ngài. Và bây giờ, ngay cả những lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải “nhân danh” Ngài.

 

Khi chúng ta cầu nguyện "Nhân danh Chúa Giê-su", chúng ta thừa nhận rằng nếu không có công việc của Đấng Christ, chúng ta sẽ xa cách Đức Chúa Trời mãi mãi.

 

2. Tuân theo ý muốn của Ngài:

 

  Sứ đồ Giăng, người đã ghi chép những lời của Chúa Giê-su về việc cầu nguyện nhân danh Ngài, đã viết điều gì đó trong sách I Giăng có thể cung cấp thêm một số giải thích rõ ràng về ý nghĩa của việc cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su.

1 Giăng 5:14-15 nói:


“Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. 15 Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài."

 

Câu nầy cũng nhắc lại sự đảm bảo tương tự như Giăng 14:13-14. Nhưng ở đây, cụm từ “theo ý muốn của Ngài” được kết nối chặt chẽ với cụm từ “nhân danh Chúa Giêsu”.


Chúng ta không vặn vẹo cánh tay của Chúa Giêsu để đáp lại lời cầu xin của mình, chúng ta trình bày những lời cầu xin của mình với Người với thái độ khiêm tốn.

Nói đơn giản:


“Nhân danh Chúa Giê-su, Amen,” không cần lúc nào cũng cứng nhắc, cũng không phải là không được xin cho những nhu cầu cá nhân, nhưng phải cầu xin theo ý Chúa, cầu nguyện phù hợp với đặc tính của Ngài.


   Đó là cách cầu nguyện mà Đấng Christ mong muốn. Cầu nguyện theo cách nhìn cuộc sống từ quan điểm của Chúa.

 Nếu xem lại lời cầu nguyện chung mà chính Chúa Giê su dạy cho chúng ta, trong lời cầu nguyện có sự tôn vinh, có sự cầu xin được nên thánh, xin cho thức ăn đủ dùng mỗi ngày, xin được tha thứ lỗi lầm.

     Tất cả những điều Chúa dạy trong bài mẫu đều có sự khiêm tốn, có sự dè giữ và có lòng tin cậy . Những điều đó hợp với ý muốn của Chúa. Dĩ nhiên, khi làm công việc Hội Thánh, chúng ta phải cầu nguyện xin những điều lớn hơn, miễn là trong ý thánh của Chúa.

 

  Cầu nguyện chắc chắn là một đặc ân tuyệt vời mà chúng ta không đáng có. Thật là một vinh dự khi được đến với Chúa bất cứ lúc nào, và ở bất cứ nơi đâu để trình bày những lời cầu xin của chúng ta với Ngài. Có những khi con dân Chúa không được cầu nguyện trong nhà Chúa, nên Ngài nói,

" Nơi nào có đôi ba người nhóm lại thì có Ta ở cùng"

thật là một sự khích lệ lớn của Ngài dành riêng cho con cái Chúa.

 

Nhưng chúng ta hãy cẩn thận khi đòi hỏi sai lầm, hoặc cầu xin cho niềm đam mê của mình.

 

  Chúng ta hãy cầu nguyện theo cách thừa nhận sự chuyển cầu của Chúa Giê su cầu thay cho chúng ta, và sự kết hợp của chúng ta với Ngài, đồng thời điều chỉnh lời cầu nguyện của chúng ta một cách khiêm tốn theo ý muốn và đặc tính của Ngài.

 

  ( Aaron Berry Nov 15, 2023)            

                     ***

  **Cầu nguyện qua bà Ma ri hay với bà Ma ri là một sai phạm lớn -

 Từ đầu đến cuối Kinh Thánh, bà Ma ri chưa tỏ ra có một quyền phép nào, bà được vinh hạnh tham gia vào chương trình cứu rỗi, nhưng bà không thể làm một Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, bà cũng không thực hiện sự cứu rỗi.

Bà hoàn toàn là con người như chúng ta, không thể xem là mẹ của một Đức Chúa Trời toàn năng, tự hữu, hằng hữu, để có quyền sai khiến Ngài.

Cầu nguyện với bà Ma ri là từ chối sự hiện diện của Chúa Giê su, Chúa Giê su cũng là Đức Chúa Trời, là Đấng duy nhất và xứng đáng, được Đức Chúa Trời chấp nhận làm Đấng Trung bảo. Cầu nguyện với Ma ri là tẻ tách lẽ thật của một cơ đốc nhân, là ý tưởng sẽ bị đoán phạt trong ngày sau rốt.