Giăng 14: " Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu." Công vụ 4:12

Giăng 14: " Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta"

 

Đọc Giăng 14: 7-11

 

Câu hỏi:

 

1/ Tại sao Chúa Giê su nói:" Không bởi Ta, thì không ai được đến cùng Cha?"
Tại sao Ngài nói Ngài chính là con đường? Mà không nói Ngài chỉ cho người ta con đường?

 

2/ Tại sao các môn đồ không hiểu Chúa Giê su nói gì?
Thô ma hỏi gì? Còn Phi líp đề nghị gì?

 

3/ Thật sự Chúa Giê su có chỉ đường và chỉ Cha cho chúng ta biết không?
Chỉ cách nào? Có áp dụng được không?

 

4/ Qua Chúa Giê su, người ta "Biết" Cha Và "Thấy" Cha,
nhưng qua các giáo chủ khác, người ta có thấy hình ảnh nào của Cha không?

 

5/ Giăng 10:30 nói " Ta với Cha là một" được giải thích ra sao ở đây?

 

6/ Chúa Giê su nói " Lời Ta nói chẳng bởi Ta"

như vậy Ngôi Lời phát ngôn là lời của ai? để thực hiện ý muốn của ai?

 


              " Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta"

 

***" Xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi" Câu 7-11

 

" Ví bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta; và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài. Phi-líp thưa rằng: Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi? Ngươi há không tin rằng ta ở trong Cha và Cha ở trong ta, hay sao? Những lời ta nói với các ngươi, chẳng phải ta từ nói; ấy là Cha ở trong ta, chính Ngài làm trọn việc riêng của Ngài. Khi ta nói rằng ta ở trong Cha và Cha ở trong ta, thì hãy tin ta; bằng chẳng, hãy tin bởi công việc ta."

 

**" Biết Ta thì cũng biết Cha Ta"

 

  Trong đoạn Kinh Thánh trước, khi Thô Ma hỏi Chúa Giê su: " Chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu; làm sao biết đường được?"

 

Chúa Giê su trả lời cho Thô ma, nhưng câu trả lời của Ngài càng làm cho các môn đồ thêm khó hiểu, vì Ngài bổng dưng nói:

 

" Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha."

 

  Đối với các môn đồ thời đó, khi mọi sự chưa xảy ra, và nhất là khi Đức Thánh linh chưa được ban xuống, thì những lời tuyên bố nầy thật vượt quá tầm hiểu biết của con người, nên chúng ta thấy các môn đồ nói những câu dường như lạc đề.


  Nhưng với cơ đốc nhân ngày nay, câu trả lời của Chúa Giê Su thoả đáp mọi khía cạnh và không còn khó hiểu.

Chúa Giê su đã hạ thấp hết mức, để diễn tả những điều thuộc thần học khó hiểu trong sự cứu rỗi và mối tương quan giữa Ngài với Cha.

Khi Đức Thánh Linh được ban xuống thì Phi e rơ dạn dĩ tuyên bố trước mặt Hội đồng của các Thầy Tế Lễ trong Công vụ đoạn 4 câu 12:

 

"Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu."

 

Trong Rô ma đoan 6: 3-10 sứ đồ Phao Lô giải thích rõ ràng:

 

"Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp tem trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báp tem trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi. Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ sống lại với Ngài, bởi biết rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài. Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả; nhưng hiện nay Ngài sống, ấy là sống cho Đức Chúa Trời."



  Kinh Thánh cho biết, nhờ chúng ta bước lên trên nền, tức là lời chia sẻ, dạy dỗ của các sứ đồ, và nhờ Đức Thánh Linh, mà ngày nay, chúng ta được hiểu được những lẽ đạo căn bản không quá khó khăn, vì những người đi trước đã được Đức Thánh Linh cảm hoá để giải thích, và Đức Thánh Linh cũng cảm hoá cho chúng ta để hiểu.

 

  Trong Giăng đoạn 14 nầy, chúng ta được nghe chính Chúa Giê su giải thích thêm về mối liên hệ giữa Ngài và Cha,

 nhớ lại lúc trước, trong Giăng đoạn 10:30, khi Chúa Giê su tuyên bố :" Ta với Cha là một." thì Ngài bị người Giu đa ném đá, vì cho rằng Ngài lộng ngôn.

 

 Trước khi chúng ta tiếp tục Giăng 14, chúng ta cần nhắc lại Lẽ đạo Ba Ngôi.

 

 Khái niệm Đức Chúa Trời, Chúa Giê su, và Đức Thánh Linh là ba thân vị khác nhau, nhưng đồng nhất với nhau, không dễ để hiểu vì đây là một điều mầu nhiệm và phức tạp trong Kinh Thánh.

 

*** Chúa Ba Ngôi là gì?

 

  Đây có lẽ là khái niệm khó mô tả nhất trong kinh Thánh, liên quan đến việc nghiên cứu về Chúa.

Trên thực tế, khái niệm Chúa ba ngôi riêng biệt và đồng nhất đã có từ ban đầu, nhưng nhà thờ ngày xưa phải mất 325 năm mới đạt được một mô tả chắc chắn đúng theo kinh thánh, để tất cả những người theo đạo Cơ đốc chính thống đều có thể đồng ý với mô tả đó.

 

  Điều nầy không có nghĩa là người theo đạo Chúa phải mất nhiều thời gian để tin rằng Thiên Chúa có Ba Ngôi; nhưng để cho có một định nghĩa không có sự sai trật, hoăc hiểu lầm nào về Ba Ngôi là một, thì rất nhiều giáo phụ đã mất nhiều thời gian mới hiểu và diễn tả đúng.



    ***Tất cả đồng ý với một phiên bản nghiên cứu tóm tắt như sau:

 

"Có một Thiên Chúa vĩnh viễn tồn tại với ba Ngôi: Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Thần."



  Đây là mô tả chính thống đầu tiên về Chúa Ba Ngôi, do Hội đồng Nicea đưa ra vào năm 325. Lời tuyên xưng này đã trở thành nền tảng của tất cả các giáo hội Thiên chúa giáo chân chính kể từ đó.


Trong Giáo Hội Tin lành, các tín hữu thường đọc bài "Tín điều các Sứ đồ" nhưng nguyên thuỷ nó được trích trong bài " Tín điều NIcea" như sau:



Tín điều Nicea

Tôi tin Thiên Chúa, là Chúa Cha toàn năng,
Đấng tạo thành trời và đất, của mọi thứ hữu hình và vô hình.


Tôi tin Chúa Giêsu, Con độc sanh của Đức Chúa Trời
được Chúa Cha sinh ra trước mọi thời đại.


Thiên Chúa từ Thiên Chúa, Ánh sáng từ Ánh sáng,
Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật,


được sinh ra, không được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha;
Nhờ Ngài, tất cả mọi thứ đã được thực hiện.


***
Vì loài người chúng ta và vì sự cứu rỗi cho chúng ta
Mà Ngài phải xuống từ Trời.
Bởi Đức Thánh Linh, Ngài nhập thể trong lòng trinh Nữ Maria,
Ngài trở thành con người.
Để chúng ta được cứu, Ngài bị đóng đinh trong tay Bôn xơ Phi lát ( Pontius Pilate,)

 

Ngài chịu chết và chôn, đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại
theo như lời Kinh Thánh, Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Chúa Cha.
Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết
Vương quốc Ngài không bao giờ kết thúc.


***
Tôi tin ĐứcThánh Linh là Chúa, Đấng ban sự sống,
Đấng xuất phát từ ​​Chúa Cha và Chúa Con,
Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Con được tôn quý, vinh hiển,
Đấng đã phán qua các đấng tiên tri.


***
Tôi tin vào một Giáo hội Cơ đốc duy nhất, thánh khiết, truyền đời bởi các sứ đồ,
Tôi tuyên xưng trong phép Báp têm để được tha tội
Tôi chờ đợi sự sống lại từ trong kẻ chết, và cuộc sống của thế giới mai sau.

Amen.

 

Ngày nay, các Tín hữu cũng đọc bài " Tín điều các sứ đồ" tương tự như vậy.

Điều nầy chứng tỏ giáo lý " Ba Ngôi" là quan trọng, không lý luận, nhưng là Tin.


Trở lại Giăng 14 - Chúng ta cùng nhau xem lại những điểm liên hệ giữa Chúa Giê su và Cha mà Ngài đề cập đến trong đoạn nầy:

 

*** " Biết ta, thì cũng biết Cha ta - Thấy Ta thì cũng thấy Cha Ta"



Đối với Phi líp và các môn đồ khác, họ ở với Chúa Giê su ba năm, họ nghĩ mình đã biết Chúa là ai rồi, nhưng họ chưa biết về Cha và chưa được thấy Đức Chúa Trời.

 Nhân dịp Chúa Giê su đề cập đến Ngài và Cha, thì Phi Líp muốn Chúa Giê su đừng nói dài dòng, bóng gió, nhưng cứ chỉ Cha cho ông là đủ, gặp mặt Đức Chúa Trời, có ích lợi cho Phi líp chăng?

 Môi se còn không thấy được mặt Chúa mà chỉ được nhìn Đức Chúa Trời từ trong hang, Đức Chúa Trời phải lấy tay che để ông chỉ thấy vạt áo thôi thì ông mới còn sống. Được sống gần với Chúa Giê su ba năm nhưng Phi Líp còn nghĩ rằng trải nghiệm về Đức Chúa Trời, mặt đối mặt sẽ mang lại sự đảm bảo và làm ông thêm đức tin để đi tiếp con đường. Chúa Giê su không trả lời Phi líp theo hướng ông suy nghĩ.

 

  Chúa Giê su muốn nói với các môn đồ về một cái " biết" khác và một cái "thấy" khác theo nghĩa bóng.

Biết: Kinh Thánh dùng chữ " Biết" để diễn tả một mối tương giao rất gần gủi và thân mật như Adam biết Ê va.

Tại sao Biết Chúa Giê su thì biết Cha Ngài?

 Chúa Giê su là đại diện hoàn hảo của Đức Chúa Trời. Ngài cũng tự hữu, hằng hữu, như Đức Chúa Trời, bản tính của Ngài là bản tính của Đức Chúa Trời, Ngài thực hiện chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời.


  Chúa Giê su cũng yêu tội nhân như Đức Chúa Trời và Ngài cùng với Đức Chúa Trời đồng thực hiện công cuộc cứu rỗi trên loài người.

 Chúa Giê su là Ngôi lời, Ngài ban phát lời của Đức Chúa Trời, Chúa Giê su hiện diện trước mắt loài người, nhưng đó cũng là Đức Chúa Trời xuống thế gian để lãnh án phạt của tội nhân. Tuy chưa từng gặp Đức Chúa Trời, nhưng hể ai biết Chúa Giêsu là biết Đức Chúa Trời và nhìn thấy Chúa Giê su cũng là nhìn thấy Đức Chúa Trời.

 Cho nên, Chúa Giê su trách Phi Líp khi ông đòi chỉ "Cha" cho chúng tôi - Các môn đồ được vinh dự ở cùng Ngôi hai của Đức Chúa Trời trong ba năm mà không biết và cũng không để ý cách nghiêm túc để biết, vì cũng đã có lần Phi e rơ xưng nhận Chúa Giê su là Con Đức Chúa Trời thì được Ngài khen vì điều đó nếu không phải Thánh Linh ban cho thì không biết được.

Thậm chí ngày nay, nếu không được Đức Thánh Linh dẫn dắt thì cũng không hiểu được lẽ đạo Ba Ngôi.

 

*** "Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta"

 

  Nếu chúng ta hiểu theo kiểu vật lý cho câu nầy thì khó giải thích, vì đồng một lúc mà cái ở bên trong lại ra ngoài và cái bên ngoài lại vào trong.


Trọn câu nầy được dịch ra tiếng Anh sát nghĩa với nguyên văn tiếng Hy lạp:

"Do you not believe that I am in the Father, and the Father in Me? The words that I speak to you I do not speak on My own authority; but the Father who dwells in Me does the works. Believe Me that I am in the Father and the Father in Me, or else believe Me for the sake of the works themselves.”

 

Có hai động từ " Ở" khác nhau được dùng ở đây, một cái là to be (hiện hữu) còn động từ dwelling là cư ngụ - nếu dịch sát nghĩa sẽ là:

 

" Ngươi không tin là có Ta ở trong Cha, và Cha ở trong Ta sao? Lời Ta nói với ngươi, không phải Ta tự quyền nói, nhưng Cha cư ngụ trong Ta thực hiện mọi việc. Hãy tin "Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta" nếu không tin được, thì hãy nhìn các công việc Ta làm.



  Như vậy, Chúa Giê su đang giải thích cho cơ đốc nhân hiểu sự giống nhau, và sự khác nhau trong công việc giữa Ngài và Cha.

 Giữa Chúa Giê su và Cha có một tương giao rất gần gủi, có thể hiểu là Đức Chúa Trời và Chúa Giê su tương tác với nhau, để Đức Chúa Trời thực hiện mọi việc của Ngài trên Chúa Giê su. Chúa Giê su nói lời của Đức Chúa Trời, và thực hiện công việc của Đức Chúa Trời.

  Chúa Giê su xuống thế gian để bày tỏ Đức Chúa Trời cho loài người. Ngài được xưng là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, tức lời Đức Chúa Trời được chép trong Kinh Thánh, và cũng để dùng chính Ngài chuộc tội cho loài người.

 

Chúa Giê su thực hiện chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời và Ngài tuyên bố ngày trở lại, để rước người tin Chúa và trong ngày Tái lâm, Chúa Giê su sẽ dùng lời Đức Chúa Trời để lên án thế gian và tranh chiến cùng thế gian.

 

 Phước cho người nào được Đức Thánh Linh dẫn dắt để hiểu được hết được những điều Chúa Giê su muốn bày tỏ với môn đồ Ngài, và biết được chương trình cứu rỗi được thực hiện với sự phối hợp của cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời từ buổi sáng thế.

 




"Ta với Cha là một." Giăng 10:30