Giăng 12: " Bình dầu thơm của Ma ri"
"Hãy tôn vinh xứng đáng cho danh Đức Giê-hô-va; Hãy đem lễ vật mà vào trong hành lang Ngài." Thi Thiên 96:8
Giăng 12: " Bình dầu thơm của Mari "
Câu hỏi:
1/ Nếu Chúa cứu sống một người thân của chúng ta -
Chúng ta có muốn dâng cho Ngài một điều gì đó thật xứng đáng không?
2/ Bình dầu thơm mà Ma ri đổ ra trên chân Chúa và cách bà lau chân cho Ngài nói lên điều gì?
Vì sao nó lại mang ý nghĩa tiên tri cho sự chết của Chúa?
2/ Nếu Chúa cứu sống chúng ta và cả gia đình chúng ta-
Chúng ta có muốn dâng cho Ngài những điều xứng đáng không?
3/ Vua Đa vít để dành mọi thứ qúi giá để con mình xây đền thờ cho Chúa,
có phải ông muốn dâng phần mười của cải?
4/ Giu đa có yêu mến Chúa qua lời chỉ trích đó không?
5/ Qua việc La xa rơ sống lại, dân chúng có thái độ gì?
6/ Vì sao các Thầy tế lễ muốn giết luôn La xa rơ?
" Bình dầu thơm của Ma ri"
** Người đàn bà xức dầu cho chân Chúa: câu 1&2
" Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus đến thành Bê-tha-ni, nơi La-xa-rơ ở, là người Ngài đã khiến sống lại từ kẻ chết. Người ta đãi tiệc Ngài tại đó, và Ma-thê hầu hạ; La-xa-rơ là một người trong đám ngồi đồng bàn với Ngài."
Cả bốn sách Tin lành đều nói đến một người đàn bà dùng dầu thơm qúi giá mà xức cho Ngài, cùng một câu chuyện nhưng có những điểm khác nhau -
Sách Ma thi ơ (26: 6-13) và Mác( 14: 1-9) thuật lại câu chuyện:
*Giống nhau về thời gian, là hai ngày trước lễ Vượt qua -
*Giống địa điểm, lúc Chúa Giê su dự tiệc ở nhà người phung tên Si môn -
*Giống hành động: có người đàn bà không nêu tên, đổ dầu thơm lên dầu Chúa Giê su -
*Và câu trả lời của Chúa cho những người lên án bà phí phạm cũng giống nhau:
Chúa Giê su nói bà đang xức dầu thơm cho xác Ngài, vì đó, mà bà sẽ được ghi nhớ mãi khi Tin lành được rao giảng.
Nhưng trong sách Lu ca (7: 36-50) lại đề cập tới một thời điểm trước đó rất lâu, không gần với lễ Vượt qua. Chúa Giê su cũng dự tiệc trong nhà Si môn, người đàn bà đến khóc, xức dầu thơm cho chân Chúa rồi lấy tóc mình mà lau. Người đàn bà không được nêu tên đó bị người ta cho là người đàn bà tội lỗi. Khi ấy, Chúa nói với mọi người rằng bà yêu mến Chúa nhiều vì bà đã được tha thứ nhiều và Chúa tuyên bố tất cả tội lỗi bà đã được tha thứ hết.
**Đặc biệt sách Giăng 12 ở đây, được nối kết với sự kiện La xa rơ sống lại, và người đàn bà xức dầu cho chân Chúa chính là Ma ri, ở tại trong nhà của họ, thời điểm cũng rất gần với lễ Vượt qua.
Dù cho bốn sách Tin lành thuật lại một câu chuyện có khác nhau, nhưng đều nói lên tình yêu của người được Chúa tha thứ hay được Chúa giải cứu đều muốn lấy điều gì qúi báu nhất của mình để tỏ lòng biết ơn Ngài.
** Bình dầu thơm alabaster: Câu 3
" Bấy giờ, Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó."
Những sách khác, nói dầu thơm nầy được dựng trong bình ngọc alabaster - Alabaster là một loại thạch anh gần giống như cẩm thạch trắng, một khối đá cẩm thạch lớn, được khắc chạm thành một cái bình, với loại đá qúi đó, mới bảo đảm được dầu đựng trong bình, qua năm tháng không bị hư hỏng.
Alabaster được người Do Thái ưa chuộng, thường dùng cho những món qúi trọng. Sách Nhã ca tả lương nhân của cô có đôi chân như hai trụ đá alabaster -Nhã ca: 5: 10-16
"Lương nhân tôi trắng và đỏ, Đệ nhất trong muôn người. Đầu người bằng vàng thật ròng; Lọn tóc người quăn, và đen như quạ. Mắt người như chim bò câu gần suối nước, Tắm sạch trong sửa, được nhận khảm kỹ càng. Gò má người như vuông đất hương hoa, Tợ khóm cỏ thơm ngát; Môi người tỉ như hoa huệ ướm chảy một dược ròng.Tay người như ống tròn vàng có nhận huỳnh ngọc: Thân mình người khác nào ngà bóng láng cẩn ngọc xanh. Hai chân người giống trụ cẩm thạch trắng, Để trên táng vàng ròng; Tướng mạo người tợ như núi Li-ban, xinh tốt như cây hương nam, Miệng người rất êm dịu; Thật, toàn thể cách người đáng yêu đương. Hỡi các con gái Giê-ru-sa-lem, lương nhân tôi như vậy, Bạn tình tôi dường ấy!"
Bình đã quý như thế, nhưng dầu đựng ở trong còn qúi hơn. Cam tùng hay xạ hương, là một loại tinh dầu thơm màu hổ phách gọi là nardin có nguồn gốc từ một loài thực vật có hoa mọc ở dãy Himalaya của Nepal, Trung Quốc và Ấn Độ. Tinh dầu nầy rất mắc tiền, dùng cho phụ nữ và cũng để xức xác trước khi chôn.
Theo tục lệ người Do Thái, khi khách qúi đến nhà, thường được chủ bảo đầy tớ ra rửa chân, đó là hành động tôn trọng người khách. Thay vì đầy tớ làm việc rửa chân đó, thì Chúa Giê su được Ma ri rửa chân bằng nguyên một bình dầu qúi giá, rồi lau sạch chân Ngài bằng tóc của mình.
Bình dầu đắt tiền đã khiến cho người ta quên mái tóc của một người phụ nữ, mái tóc cũng qúi giá không kém. Mái tóc được xem là niềm hãnh diện của một phụ nữ, dù có nhiều phụ nữ yêu chồng, nhưng không có phụ nữ nào lấy tóc mình mà lau chân cho ông ấy.
Ma ri và gia đình bà đã nhận được ơn rất lớn từ Chúa Giê su, qua sự sống lại của La xa rơ. Họ cũng nhận biết Chúa là Đấng Mê si đầy quyền năng, thật sự trong lòng Ma ri, một bình dầu thơm hay một mái tóc, vẫn chưa đủ dâng cho một Đấng sang trọng như Chúa. Bà muốn tỏ lòng kính trọng và biết ơn, thế nhưng, không ngờ việc xức dầu của bà, lại có ý nghĩa như một lời tiên tri là Chúa Giê su sẽ chết.
Đây là lần thứ hai, có người dâng hương liệu cho xác Chúa Giê su, sau lần các nhà thông thái đem mộc dược đến, sau khi Chúa Giê su vừa mới sinh ra ở Bết lê hem.
Qua câu chuyện người đàn bà đổ dầu thơm lên Chúa Giê su trong bốn sách Tin lành, cho chúng ta thấy:
"Người được Chúa ban phước nhiều sẽ muốn dâng hiến cho Ngài nhiều. Người được tha thứ nhiều cũng sẽ yêu Chúa nhiều hơn."
** " Một con mắt đời" câu 4-8
" Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn đồ về sau phản Ngài, nói rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo? Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta. Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn."
Giu đa ích ca ri ốt có con mắt của một người đời, thực tế, và muốn điều gì mình ban ra cũng đều hữu dụng.
Một ông chồng được vợ tặng cho một món quà đắt giá trong ngày sinh nhật, sẽ lấy làm sung sướng, vì thấy vợ yêu mình, ông có lối nhìn bằng trái tim. Nhưng nếu là chồng thực tiển, luôn nhìn thấy những con số, thì sẽ không vui và trách vợ mình phung phí.
Chúa Giê su là Đức Chúa Trời, Ngài là chủ của muôn vạn kho tàng, nhà trên Trời của Chúa làm bằng vàng và ngọc qúi. Có những câu chuyện trong Kinh Thánh, Chúa Giê su luôn nhận lấy những gì qúi nhất mà người yêu Chúa dành cho Ngài, không kể là bao nhiêu, nhưng Ngài nhận lấy tấm lòng của người đó.
Không khi nào Chúa từ chối mà nói rằng, thôi, ngươi hay giữ lại mà dùng như chúng ta thường nói.
Tiên tri Ê li khi đến với bà goá ở Sa rép ta, bà có nói với ông là bà chỉ có ít bột và dầu, để bà và con trai ăn rồi chết, nhưng Ê li nói, người hãy làm bánh rồi cho ta ăn? Bà goá đã làm bánh cho ông ăn, thế rồi bà và con được Chúa nuôi mãi cho tới khi nạn đói đi qua.( ICác Vua 17)
Khi Giu đa chỉ trích về số tiền của bình dầu bị phung phí, thì Chúa Giê su lên tiếng, Ngài không phản đối việc cho người nghèo, nhưng Chúa đề cao sự dâng hiến cho Ngài, nhất là trong cơ hội đặt biệt xức xác cho Chúa. Chúa thích người ta nhớ tới những kỷ niệm về Ngài.
Ngày xưa, khi các tổ phụ gặp Đức Chúa Trời ở đâu, cũng đều làm dấu kỷ niệm nơi đó, khi thì lập bàn thờ, khi thì trồng cây me, có khi đặt tên cho cái giếng.
Lúc dân sự đi ngang qua sông Giô đanh, đến gữa dòng sông, cũng chất mười hai hòn đá làm kỷ niệm (Giô suê 4:9) Xứ Y sơ ra ên có đầy những kỷ niệm của Chúa, từ dưới nước, cho tới trên bờ, khắp nơi đều có dấu tích của Ngài. Chúa muốn chúng ta nhớ Chúa, nhớ ơn lành và sự cứu rỗi của Ngài đổ tràn đầy trên đời sống của chúng ta.
Chúa cũng biết Giu đa ăn trộm tiền, nhưng Ngài không nói gì, Chúa vẫn để ông giữ tiền, Ngài vẫn mong đợi ông trở lại, nhưng Giu đa vì tham lam đã không trở lại.
** "Giết nhân chứng" Câu 9-11
" Một bọn người Giu-đa nghe Đức Chúa Jêsus có tại đó, bèn đến, chẳng những vì Ngài thôi, lại cũng để xem La-xa-rơ, là người Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại. Các thầy tế lễ cả bèn định giết luôn La-xa-rơ nữa, vì có nhiều người Giu-đa nhân cớ người mà chia rẽ họ và tin theo Đức Chúa Jêsus."
Nhân vì chuyện của La xa rơ đã kéo theo nhiều dân chúng, nên các Thầy Tế lễ càng ghét Chúa Giê su và cả La xa rơ.
Bên trong sự ganh tỵ nầy có một lý do sâu xa khác, đa số các thầy tế lễ, hầu hết là người Sa-đu-sê, và người Sa-đu-sê không tin vào sự sống lại.
La-xa-rơ là một tấm gương sống động về cuộc sống sau khi chết, vì vậy, La xa rơ còn là một xấu hổ cho hệ thống thần học của họ. Cho nên, chỉ có một giải pháp duy nhất là thủ tiêu nhân chứng.
Khi người ta ghét Đấng Christ, họ cũng ghét luôn những người được Chúa ban phước, họ sẽ tìm cách để bịt miệng chứng ngôn của Chúa.
Trong sách Phục truyền luật lệ ký đoạn 19 có chép: giết người vô tội là một tội trọng, phải xử chết mà không thương tiếc, chẳng những vậy, xứ cũng sẽ bị rủa sả.
Các Thầy tế lễ cho rằng việc dân chúng ngưỡng mộ Chúa Giê su sẽ làm cho người La mã chú ý, thì chẳng thà hy sinh một mình Chúa, để cả nước được cứu. Nhưng khi người ta kéo đến xem La xa rơ và tin thì lòng ganh tỵ nổi lên, các Thầy Tế lễ đã không ngại bàn tán với nhau thủ tiêu nhân chứng. Thử nghĩ, các Thầy Tế lễ là người được Đức Chúa Trời giao phó chức vụ xử án, mà nay, họ lại cùng nhau mưu giết người vô tội. Từ tội ác qua tội ác, nguời không kính sợ Chúa sẽ có thể làm mọi điều mình muốn, cho nên lời Chúa được chép trong Ê sai 29: 13-15
"Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm; sự chúng nó kính sợ ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho; Vì cớ đó, ta sẽ cứ làm việc lạ lùng giữa dân nầy, sự lạ rất là lạ, đến nỗi sự khôn ngoan của người khôn ngoan sẽ ra hư không, sự thông sáng của người thông sáng sẽ bị giấu. Khốn thay cho những kẻ giấu kín mưu mình cách thẳm sâu khỏi Đức Giê-hô-va, làm việc mình trong xó tối, và nói rằng: Ai thấy ta, ai biết ta?"
Tấm lòng với bình dầu thơm của Ma ri làm vinh hiển Chúa bao nhiêu, thì trái lại, các âm mưu đen tối của các Thầy Tế lễ lại làm hoen ố danh của Ngài bấy nhiêu.
**Có một tác giả cảm động với bình dầu thơm của Ma ri, đã sáng tác bài hát Alabaster song - Mời các bạn nhấn vào đây nghe nhé