Giăng 10: "Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?"
" Đức Chúa Trời đứng trong hội Đức Chúa Trời; Ngài đoán xét giữa các thần." TT 82:1
Giăng 10: "Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?"
Câu hỏi:
1/ Vì sao Chúa Giê su cũng lên dự lễ Hanukkah là một lễ không có ghi trong sách Lê vi ký?
hành động đó có ý nghĩa gì?
2/ Dân Giu đa hành động ra sao khi vừa thấy Chúa Giê su xuất hiện? Họ hỏi gì? Với ý gì?
3/ Chúa Giê su nêu ra 2 lý do vì sao họ không xác định được Chúa có phải là Đấng Mê si hay không?
4/ Khi có kẻ nói Chúa bị qủi ám? Những người tin Chúa biện luận thế nào?
Những giới hạn của ma qủi là gì?
5/ Khi nói " Ta với Cha là một" Chúa Giê su đề cập đến gì?
Ngài có kém hay hơn Đức Chúa Trời không?
6/ " Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta" nói lên điều gì?
Là người tin Chúa, chúng ta có thể nói câu nầy không?
"Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?"
** "Giới hạn của qủi " Câu 19-21
"Nhân những lời đó người Giu-đa lại chia phe ra nữa. Phần nhiều người trong đám họ nói rằng: Người bị quỉ ám, người là điên sao các ngươi nghe làm chi? Kẻ khác nói rằng: Ấy đó chẳng phải là lời nói của một kẻ bị quỉ ám. Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?"
Khi Chúa Giê su nói Ngài là người chăn chiên thật, được Đức Chúa Trời giao phó cho bầy chiên, Ngài sẽ phó sự sống mình để chiên được sống, thì người Giu đa có mặt ở đó đã chia phe ra, có kẻ tin và kẻ không tin, nhưng, những kẻ không tin lại đông hơn, nhiều người trong đám họ theo phe các thầy tế lễ, vu khống Chúa Giê su hoang tưởng vì bị qủi ám.
Số còn lại, tin vào quyền năng lớn lạ của Chúa, nên họ không chịu lập luận của những người kia, họ hỏi lại rằng:" Qủi há có thể mở mắt kẻ mù được sao?"
Nói đến ma qủi, thì ai cũng biết, dù ít hay nhiều, họ cũng đã từng nghe thấy những người bị qủi ám.
Đúng y như lời Kinh Thánh dạy, qủi chỉ làm 3 thứ là "cướp, giết và huỷ diệt." Sách Sáng thế ký ghi lại hai nạn nhân đầu tiên của qủi Satan là A dam và E va, Satan đã làm gì với họ?
Satan đã dùng lối cám dỗ quen thuộc của nó, để lấy đi tất cả phước hạnh của hai vợ chồng đầu tiên trong nhân loại.
Nó làm cho tổ phụ chúng ta và cả chúng ta, con cháu chúng ta, thay vì được sống đời đời, hoan lạc, thì sau đó phải chết với cuộc đời ngắn ngủi.
Nó cũng huỷ hoại mối tương giao gần gủi của con người với Đức Chúa Trời.
Nó lấy đi nếp sống vô tư, mà Đức Chúa Trời ban cho con người từ buổi ban đầu, để Adam và Eva, con cháu người, biết điều thiện và điều ác, tự lên án cho mình.
Chúng ta sợ hãi, vì Satan độc ác, thâm hiểm, nhưng Kinh Thánh nói nó thiếu 3 điều quan trọng:
Không toàn tri, không toàn năng và không toàn tại trái với những đặc tính của Đức Chúa Trời chúng ta.
Trước hết, chúng ta cần biết: Satan là một thiên sứ, tức là một tạo vật, chúng ta hãy tìm hiểu qua một bài chia sẻ ngắn của Giáo sư thần học Don Stewart:
"Những giới hạn của ma qủi ở đâu?"
Mặc dù ma quỷ (Satan) là những sinh vật mạnh mẽ và độc ác, nhưng chúng có những hạn chế, vì cũng là loài thọ tạo, nên có một số việc Satan không thể làm.
1. Satan không có mặt ở mọi nơi:
Không giống như Chúa, ma quỷ không hiện diện ở khắp mọi nơi. Chúng được bản địa hóa - chúng chỉ có thể ở một nơi, tại một thời điểm. Ví dụ, khi ma quỷ ngự trong hai người đàn ông ở Gadera (Ma-thi-ơ 8:28-34), chúng đã được định vị trong hai người đàn ông đó. Khi Chúa Giê-su đuổi chúng ra khỏi hai người, ma quỷ liền nhập vào đàn heo và không đi vào đâu khác. Chúng không thể ở nhiều nơi cùng một lúc. Kinh Thánh dạy chúng ta đừng đến gần chúng và cũng đừng mở cửa, mời chúng vào.
2. Mạnh mẽ nhưng không toàn năng:
Ma quỷ có sức mạnh nhưng không phải toàn năng. Nó không thể làm được những điều giống như Chúa làm. Sức mạnh của nó bị hạn chế. Hơn nữa, nó không bao giờ làm những việc lành - như những việc mà Chúa Giê su làm. Khi Chúa Giêsu bị buộc tội bị quỷ ám, người ta đã phản bác như vậy.
3. Thông minh nhưng không biết hết:
Kiến thức của ma quỷ còn hạn chế. Chúng là những tạo vật, nên chúng cũng bị giới hạn về những gì chúng biết. Chúng không thể đọc được suy nghĩ trong lòng người ta, và không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Chúa rất cấm kị người ta đi hỏi tương lai mình, ở thầy bói và đồng bóng, chúng không nắm giữ tương lai chúng ta, nhưng chính là Chúa.
Vì vậy, chúng ta không nên gán cho chúng nhiều quyền lực hơn Kinh thánh.
Tóm lại:
Ác quỷ rất mạnh mẽ và thâm hiểm. Sức mạnh của chúng không nên được đánh giá thấp, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta phải nhớ, chúng ta không phải đối thủ của chúng, vì chúng không phải là thịt và huyết như chúng ta, mà là thần dữ chốn không trung, là kẻ đang cầm quyền thế gian mờ tối. Tuy vậy, chúng không phải toàn năng. Chúng có những giới hạn, hãy tin tưởng và nhờ cậy Chúa là Đấng lớn hơn. Chúng ta phải luôn nhớ, Satan không bao giờ làm việc lành.
Trái lại, ba ngôi Đức Chúa Trời đều mang đến sự tốt lành cho con người. Chúa không những có thể mở mắt thuộc thể, mà cả thuộc linh, để chúng ta được thoát khỏi tay ma qủi mà đến với Ngài. Công vụ 26: 17&18
"Ta sẽ bảo hộ ngươi khỏi dân nầy và dân ngoại là nơi ta sai ngươi đến, đặng mở mắt họ, hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin nơi ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ. "
** " Ta với Cha là một" câu 22-30
" Tại thành Giê-ru-sa-lem có giữ lễ Khánh Thành đền thờ. Bấy giờ là mùa đông; Đức Chúa Jêsus đi dạo trong đền thờ, dưới hiên cửa Sa-lô-môn. Người Giu-đa nhóm xung quanh Ngài mà nói rằng: Thầy để chúng tôi nghĩ vơ vẫn mãi cho đến khi nào? Nếu thầy là Đấng Christ, hãy nói rõ cho chúng tôi. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta đã bảo các ngươi, mà các ngươi không tin; những việc ta nhân danh Cha ta mà làm đều làm chứng cho ta. Nhưng các ngươi không tin ta, vì các ngươi chẳng phải là chiên của ta. Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha. Ta với Cha là một."
** Lễ Khánh thành đền thờ: gọi là lễ Hanukkah
Hanukkah là lễ kỷ niệm đền thờ được khôi phục lại từ tay chính quyền Hy Lạp. Có hai kỳ lễ được tổ chức sau nầy, không có ghi trong sách Lê vi ký và Dân số ký, đó là lễ Purim và Hanukkah. Cả hai lễ nầy mang ý nghĩa khá giống nhau, là kỷ niệm sự giải cứu áp bức của ngoại bang.
Purim được chép trong sách Ê xơ tê, khi Chúa dùng Mạc đô chê và hoàng hậu Ê xơ tê, cứu dân Giu đa khỏi hoạ diệt vong. Hanukkah thì lại có ý nghĩa với đền thờ.
Vào năm 164 hoặc 165 trước Công nguyên, đền thờ bị Antiochus Epiphanes, vua xứ Syria chiếm đóng. Họ xúc phạm Giê ru sa lem, khủng bố dân chúng qua sự thờ phượng. Họ cướp phá và lấy đi hết thảy vật dụng vàng, bạc, đồng trong đền thờ, ai bị bắt gặp có kinh thánh sẽ bị tội chết, ai cắt bì cho đứa trẻ, mẹ nó sẽ bị đóng đinh, còn đứa nhỏ sẽ bị treo cổ. Các trưởng lão phải ăn thịt heo, và phải cúng tế thịt heo trên bàn thờ. Giê ru sa lem lúc đó thành nơi thờ thần Zeus của Hy Lạp.
Sau cuộc nổi dậy của dân Do thái, đền thờ được lấy lại và trùng tu, để dân chúng lại đến thờ phượng. Từ đó, mỗi năm vào mùa đông (trong tháng 12) lễ nầy được tổ chức, đoạn kinh thánh Giăng 10 ở đây, xác định cho người ta biết Chúa Giê su chấp nhận ngày nầy, Ngài đã đi lên dự lễ trong mùa đông, Ngài muốn chia sẻ sự vui mừng, khi con dân Chúa thoát khỏi sự áp bức, được tự do thờ phượng và nhất là đền thờ, nhà của Chúa được thanh tẩy.
Ngày hôm nay, Chúa Giê su không có ý định giảng dạy, nhưng người Giu đa bao vây Chúa không phải với ý định nghe giảng, mà với mục đích khác, cho nên họ vô thẳng vấn đề:
"Thầy để chúng tôi nghĩ vơ vẫn mãi cho đến khi nào?"
Ba chữ " nghĩ vơ vẫn" trong tiếng việt ở đây không rõ nghĩa, chữ được dùng là " in doubt" có nghĩa là "hoài nghi" cho nên câu nầy được hiểu là: "Thầy để chúng tôi hoài nghi mãi cho đến khi nào? Thầy nên trả lời đi, phải hay không phải là Đấng Mê si?
Chúa Giê su thay vì nói về mình, Chúa chỉ ra vấn đề nằm ở phía họ.
- Vì họ không tin:
Những việc lành, phép lạ mà Chúa Giê su đã nhân danh Đức Chúa Trời, làm ra trước mắt họ bao nhiêu lần, sao họ vẫn không tin?. Nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng Ngài, thì ai có thể làm được những việc như thế? Dân Giu đa đã tin Môi se, nhưng họ cũng biết quyền năng của Môi se không phải tự ông mà có, nhưng do Đức Chúa Trời, thì sao ở đây, họ lại không tin Chúa Giê su có quyền năng từ Đức Chúa Trời? Xin chúng ta xem chú thích bên dưới, ít nhất có 16 lần Chúa Giê su xác nhận thân vị cùa Ngài, nhưng họ đều từ chối.
-Vì họ không phải là con cái thật của Chúa:
Trong tiếng Hê bơ rơ, chữ nhanh (Swift) được dùng rất nhiều lần trong Kinh Thánh, thí dụ như trong Gia cơ nói chúng ta phải "nhanh nghe mà chậm nói" Nhanh nhận ra tiếng Chúa, từ người chăn của mình, là đặc điểm của một con chiên thật trong bầy đàn. Khi người chăn lên tiếng gọi, con chiên bởi thói quen, sẽ nghe được rất nhanh và không nghi ngờ, vì tiếng đó luôn luôn chính xác ở trong nhận thức của nó. Bởi đó, nó được người chăn bảo vệ để được sống, con chiên trong ràng Chúa sẽ còn được sống mãi mãi. Ai thuộc về đàn chiên đích thực của Đấng chăn chiên thật, thì không bao giờ mất đi sự sống, vì Ngài gìn giữ nó an toàn. Người Giu đa bình thường đã không đi cùng với Chúa, không nghe được tiếng Chúa, là những con chiên giả, theo người chăn chiên thuê, thì làm sao nhận diện được tiếng Chúa, nên thấy và nghe mà vẫn hoài nghi.
** Ta với Cha là một"
Chúa Giê su sau khi khẳng định những người Giu đa đang bao vây Ngài không có đức tin, không nhận ra lời của Đức Chúa Trời, thì Chúa Giê su cũng không ngại mà nhấn mạnh thêm lần cuối: " Ta với Cha là một" để họ hiểu rằng tiếng của Ngài và tiếng của Cha hệt như nhau, những người lãnh đạo chẳng những là những người chăn giả mà còn là con chiên giả, vì không nhận ra được tiếng của chủ mình, Ngài và Cha là một người chăn duy nhất. Lời tuyên bố nầy khơi sự tức giận nơi dân Giu đa nên họ cùng nhau ném đá Ngài. "Ta với Cha Ta là một" cũng là lời phát biểu quan trọng liên quan đến thần tánh của Chúa Giê-su và bản chất của Đức Chúa Trời. Nói lên thân vị độc lập của Chúa Giê su, Chúa Cha và Chúa Con bình đẳng về bản chất.
** "Cha ở trong ta và ta ở trong Cha." câu 31-39
" Người Giu-đa lại lượm đá đặng ném Ngài Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta? Người Giu-đa trả lời rằng: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn: ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong luật pháp của các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã phán: Các ngươi là các thần, hay sao? Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh Thánh không thể bỏ được, thì ta đây, là Đấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Đức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo ta là nói lộng ngôn? Ví bằng ta không làm những việc của Cha ta, thì các ngươi chớ tin ta. Còn nếu ta làm, thì, dầu các ngươi chẳng tin ta, hãy tin những việc ta, để các ngươi hiểu và biết rằng Cha ở trong ta và ta ở trong Cha."
Dưới một chính thể thần quyền, không có tội gì mau chết hơn là bị gán cho tội lộng ngôn (blasphemy) Chúa Giê su bị gán tội lộng ngôn nhiều lần, cuối cùng cũng chết vì tội nầy, nhưng ở đây thì chưa, vì giờ Ngài chưa đến.
Khi dân chúng đi lấy đá để ném Chúa Giê su (trong nguyên văn Hy lạp, họ đi lấy đá đặng ném) Ngài hỏi họ rằng: "Ta đã làm những việc lành, không chỉ vì vâng phục Chúa Cha mà còn vì là những việc thiện trên con người tại sao lại ném đá ta?" Họ nói rằng Chúa Giê su lộng ngôn khi tự xưng mình là Đức Chúa Trời. Theo luật Môi se, sách Lê-vi ký 24:16 chép, kẻ nào bị xử tội lộng ngôn sẽ bị ném đá, ở đây, đám đông không cần xử, họ được khích động để trả thù.
** Thi thiên 82 : " Đức Chúa Trời đứng trong hội Đức Chúa Trời; Ngài đoán xét giữa các thần."
Chúa Giê su thách thức sự hiểu biết về kinh văn của các bậc cầm quyền khi đề cập đến chữ "Các Thần" (Gods) được dùng trong Thi Thiên 82
Chữ "các thần " trong Thi thiên 82 được dùng để gọi bậc cầm quyền đang cầm cán cân công lý của Chúa để xét xử, dù họ không công bình, không xét xử đàng hoàng, nhưng vì chức vụ của họ, số phận và mạng sống của người ta nằm trong tay họ, Đức Chúa Trời gọi họ là thần. Chính ở đây Chúa Giê su còn cho biết từng chữ, từng lời trong Kinh Thánh đều phải được tôn trọng, chữ "Các Thần" ở Thi Thiên 82 là điều khó hiểu, nhưng không thể sửa lại hay bỏ qua, vì chữ đó đã được chọn lựa, chữ "Các Thần" được dùng cho những kẻ được lựa chọn, thánh hoá, và được sai làm chức vụ thẩm phán cho Đức Chúa Trời trong Hội của Ngài. Trong Mác 7:13 Chúa Giê su cũng phê bình là người ta cố ý nói sai lời Kinh Thánh:
"Dường ấy, các ngươi lấy lời truyền khẩu mình lập ra mà bỏ mất lời Đức Chúa Trời. Các ngươi còn làm nhiều việc khác nữa giống như vậy."
Trong ý nghĩa sâu xa, các thẩm phán cũng như những người ban hành luật pháp và các nhà tiên tri thời cựu ước, được chỉ ra trong câu 35, được gọi là " Thần" là những người được mang lời Đức Chúa Trời đến cho dân Ngài, trong khi chính Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời sai đến, và cũng chính là Lời của Đức Chúa Trời trong xác thịt.
Ai hiểu được điều nầy? Chúa Giê su không vì sợ mà biện luận, nhưng đây là một cách tuyệt vời, để Chúa Giê su nói về chính Ngài. Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến thế gian để mang lời của Ngài cho con người.
** "Cha ở trong ta và ta ở trong Cha. "
Câu nói nầy của Chúa Giê su không đề cập đến thân vị của Ngài như câu: " Ta với Cha là một" nhưng nhấn mạnh tới mối quan hệ tình cảm và sự hiểu biết gần gủi giữa Ngài với Đức Chúa Trời. Chúa Giê su làm mọi điều vì Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời cũng yêu qúi Ngài như vậy. Với người Giu đa, Chúa chỉ tuyên bố sự liên kết của ngài với Cha, nhưng với các môn đồ thân yêu của Chúa, trước khi Ngài rời họ, Chúa cũng nói như vậy, nhưng còn thêm một vế thứ nhì mà Ngài không ban tặng cho những kẻ chẳng tin trong Giăng 14: 19&20
"Còn ít lâu, thế gian chẳng thấy ta nữa, nhưng các ngươi sẽ thấy ta; vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống. Nội ngày đó, các ngươi sẽ nhận biết rằng ta ở trong Cha ta; các ngươi ở trong ta, và ta ở trong các ngươi."
Đối với những người tin Chúa, chẳng phải chỉ có " Ta ở trong Cha" mà còn :"các ngươi ở trong ta, và ta ở trong các ngươi" đó là mối liên hệ thân ái chặt chẻ giữa Ngài và các môn đồ Ngài. Ngày nay, Đức Thánh Linh đã được ban xuống trong chúng ta để rồi Chúa luôn luôn ở trong chúng ta.
** Giăng chưa làm một phép lạ nào" câu 39-42
"Chúng còn kiếm cách để bắt Ngài nữa; nhưng Ngài tránh khỏi tay họ. Đoạn, Ngài lại sang bên kia sông Giô-đanh, đến nơi Giăng đã làm phép báp tem trước hết, và trú tại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Ngài, mà nói rằng: Giăng chưa làm một phép lạ nào, nhưng mọi điều Giăng đã nói về người nầy là thật. Tại đó có nhiều người tin Ngài."
**Bên kia sông Giô đanh: Khi Chúa Giê su bị dân Giu đa rượt đuổi, Ngài lánh qua bên kia sông Giô đanh, bên kia sông gọi là Perea, lãnh địa của Herod Antipas, nơi những người cai trị ở Jerusalem không có thẩm quyền. Chúa Giêsu sẽ được an toàn, khỏi bị quấy rối ở đó. Nơi đó chính là nơi khi trước Giăng Báp tít đã làm báp têm cho những người muốn ăn năn tội. Những người đó tiếp đón Chúa Giê su một cách rất khác với những kẻ ở Giê ru sa lem, họ đã suy nghĩ về những gì mà Giăng báp tít nói với họ về Chúa Giê su. Họ tin lời Giăng báp tít, họ cũng tin Chúa Giê su. Quả thật cánh đồng mà Chúa Giê su đang gặt ở đây đã chín vàng, họ đến với Chúa thật dễ dàng, không bắt bẻ, không hoài nghi. Dù họ thấy Giăng Báp tít không làm một phép lạ nào, nhưng khi gặp Chúa Giê su thì họ tin lời Giăng Báp tít là thật.
Giăng Báp tít làm chức vụ của người dọn đường cho Chúa Giê su rất hoàn hảo, dù Giăng Báp tít không làm phép lạ, nhưng phẩm chất của ông làm cho ông được tôn trọng, cũng không phải vì không làm phép lạ mà ông không chu toàn được nhiệm vụ. Vì khiêm nhường, Giăng đã tự hạ mình xuống, để Chúa Giê su được nâng lên. Vì vâng phục, Giăng đã được chọn để làm một nhiệm vụ đặc biệt, và vì nhân cách tốt đẹp, mà Giăng gây được một ảnh hưởng sâu sắc và lâu bền trong cộng đồng người Giu đa. Chúa Giê su cũng rất yêu mến và đề cao Giăng báp tít.
Trong Hội Thánh Chúa, không phải ai cũng được nổi bật vì làm được dấu kỳ, phép lạ, nhưng phẩm chất, sự vâng phục, và tính khiêm nhường của người ấy mới làm cho Chúa được đẹp lòng.
Perea là nơi có nhiều dân ngoại, người Giu đa khinh miệt dân Perea, nhưng họ đến với Chúa Giê su bằng đức tin, việc nhiều người ngoại tin Chúa Giê su được giải thích trong Rô ma 11:11
"Tôi lại hỏi rằng: Có phải dân Y-sơ-ra-ên vấp chân dường ấy hầu cho té xuống chăng? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là bởi tội lỗi họ mà sự cứu đã đến cho dân ngoại, hầu để giục lòng tranh đua của họ."
Và Rô ma 11: 25
"Vả, hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết sự mầu nhiệm nầy, e anh em khoe mình khôn ngoan chăng: ấy là một phần dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ;"
Chúa Giê su đã hết lòng với Giu đa, lúc nào Ngài cũng chịu sĩ nhục và nguy hiểm khii đến với họ, nhưng vì họ là dân Thánh của Ngài, Chúa yêu thương họ và bởi sự thành tín của Chúa, Ngài không bỏ họ, dù Ngài biết cuối cùng Chúa cũng sẽ chết trong tay họ. Chúa là người chăn thật, hết lòng tìm chiên và hy sinh cho chiên của mình.
16 lần Chúa Giê su tuyên bố về mình:
Ta đã bảo các ngươi:
Ta là người từ trời xuống (Giăng 3:13, 6:38).
Ai tin Ta thì được sự sống đời đời (Giăng 3:15).
Ta là Con độc nhất của Đức Chúa Trời (Giăng 5:19-23).
Ta sẽ phán xét toàn thể nhân loại (Giăng 5:19-23).
Mọi người phải tôn kính Ta như tôn kính Đức Chúa Cha (Giăng 5:19-23).
Cả Kinh thánh đều nói về Ta (Giăng 5:39).
Ta mặc khải Chúa Cha một cách hoàn hảo (Ga 7:28-29).
Ta luôn đẹp lòng Chúa và không bao giờ phạm tội (Giăng 8:29, 8:46).
Ta bởi Đức Chúa Trời mà ra và từ Ngài mà đến (Giăng 8:42).
Ta có trước khi có Áp-ra-ham, Tôi là (Giăng 8:58).
Ta là "Con Người", được tiên tri bởi Đa-ni-ên (Giăng 9:37).
Ta sẽ từ cõi chết sống lại (Giăng 10:17-18).
Ta là Bánh Sự Sống (Giăng 6:48).
Ta là Ánh sáng của Thế gian(Giăng 8:12).
Ta là Cái Cửa (Giăng 10:9).
Ta là người chăn nhân lành (Giăng 10:11).