Giăng 10: "Người chăn chiên hiền lành"
"Đức Chúa Trời bình an, là Đấng bởi huyết giao ước đời đời mà đem Đấng chăn chiên lớn là Đức Chúa Jêsus chúng ta ra khỏi từ trong kẻ chết," Hê bơ rơ 13:20
Giăng 10: "Người chăn chiên hiền lành"
Câu hỏi:
1/ Cơ hội nào mà Chúa Giê su nói ẩn dụ về người chăn chiên?
Dân Giu đa có biết Kinh Thánh gọi ai là chiên và ai là người chăn chiên không?
2/ Chúa Giê su muốn nói gì khi đề cập người chăn thật vào chuồng chiên bằng cửa, còn trộm cướp thì dùng ngỏ khác?
3/ Tại sao Chúa Giê su ví mình là cái cửa của chiên? vào cửa đó gặp gì?
4/ Người chăn hiền lành sẽ làm gì cho chiên? Còn kẻ chăn thuê thì sao?
5/ Chúa Giê su muốn nói gì, khi báo cho biết rằng sẽ có chiên không thuộc chuồng nầy sẽ được dắt về?
6/ Chiên có đặt điểm gì với người chăn? Theo nghĩa bóng là gì?
"Người chăn chiên hiền lành"
** " Ta là cửa của chiên" Câu 1-10
" Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào chẳng bởi cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào từ nơi khác, thì người đó là trộm cướp. Nhưng kẻ bởi cửa mà vào, là người chăn chiên. Người canh cửa mở cho chiên nghe tiếng người chăn; người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài. Khi người đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người. Nhưng chiên chẳng theo người lạ; trái lại nó chạy trốn, vì chẳng quen tiếng người lạ. Đức Chúa Jêsus phán lời ví dụ đó, nhưng chúng không hiểu Ngài muốn nói chi. Đức Chúa Jêsus lại phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta là cửa của chiên. Hết thảy những kẻ đã đến trước ta đều là quân trộm cướp; nhưng chiên không nghe chúng nó. Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật."
Sau lần xung đột với bậc cầm quyền ở Giê ru sa lem về người mù bẩm sinh. Chúa Giê su thấy họ không có một chút tình yêu thương nào đối với dân chúng, họ đã xử sự tàn nhẫn với người mù và cha mẹ của anh ta. Chúa Giêsu cảm thấy bức xúc về sự lạnh lùng, vô cảm của họ, là những người đang chăn bầy chiên của Đức Chúa Trời. Ngài muốn lên tiếng, để nói lên sự tương phản giữa tấm lòng của Ngài và sự lạnh cảm của các Thầy Tế lễ.
Trong cựu ước, sách Ê sai hay Giê rê mi vẫn thường gọi cácThầy tế lễ là người chăn chiên. Nhưng Chúa Giê su cho biết, không phải ai ở giữa đàn chiên đều là người chăn chiên thật.
Thế nào là một người chăn chiên thật? Chúa Giê su đề cập đến trước tiên là cánh cửa.
** "Người chăn thật vào bằng cửa"
Người chăn chiên đích thực vào trong chuồng chiên theo cách hợp pháp, được sự kêu gọi đến với đàn chiên, để chăm sóc chúng bằng tình yêu, hy sinh, và phục vụ.
Nhưng kẻ chăn giả không đến bằng cách đó, hắn đến để tìm quyền thế, thông qua chính trị, tham vọng, để thao túng và tham nhũng, muốn nổi bật giữa đám đông.
Chúa Giê su là mẫu mực của tình yêu vô điều kiện, đối với con dân Chúa, Ngài hy sinh chính mạng sống mình để cứu họ. Ngài luôn chăm sóc, an ủi, bảo vệ họ, và dùng Lẽ Thật để nuôi dưỡng họ. Chúa Giê su tự gọi mình là cái cửa của chiện, một người chăn chiên thật phải chính thức qua cánh cửa đó, phải có những đặc tính như Chúa Giê su đối với bầy chiên. Kẻ chăn chiên giả sẽ không như vậy, chúng nó bị Đức Chúa Trời rủa sả khi không làm tròn nhiệm vụ của mình, mà gây hại cho bầy chiên, sách Tiên tri Ê sai 56:9-12 chép:
"Hỡi loài thú đồng, loài thú rừng, hết thảy hãy đến mà cắn-nuốt. Những kẻ canh giữ của Y-sơ-ra-ên đều là đui mù, không biết chi hết. Chúng nó thảy đều là chó câm, chẳng biết sủa, đều chiêm bao, nằm sóng sượt, và ham ngủ; lại là chó mê ăn, không biết no. Ấy là những kẻ chăn chiên chẳng khôn sáng; mọi người theo đường riêng mình, mỗi người tìm tư lợi mình, người nào cũng vậy. Nó nói rằng: Hãy đến, ta sẽ lấy rượu, chúng ta say vì rượu mạnh; ngày mai sẽ cũng như ngày nay, trọng thể quá bội."
Đức Chúa Trời không giao bầy chiên của Ngài cho ai đó mà không theo dõi, Ngài biết hết điều gì xảy ra cho bầy chiên, sách Giê rê mi 3: 14-15 chép:
"Đức Giê-hô-va phán: Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở về; vì ta là chồng ngươi. Trong vòng các ngươi, ta sẽ lựa mỗi thành một người, mỗi họ hai người, mà đem đến Si-ôn. Ta sẽ ban các kẻ chăn giữ vừa lòng ta cho các ngươi, các kẻ ấy sẽ lấy sự sáng suốt khôn ngoan mà chăn nuôi các ngươi. "
Si ôn là núi của Đức Chúa Trời, người ở Si ôn là con dân Đức Chúa Trời, Ngài muốn đàn chiên của Ngài phải được một người lãnh đạo tốt, chăm sóc dạy dỗ.
**" Ta là cái cửa của chiên"
Những người chăn chiên thời xưa, lùa chiên đi ra đồng cỏ, thường không có một cái chuồng cho chiên thật sự, có khi chỉ là cái hang trong núi hay một hẻm nhỏ, chỉ có một lỗ hổng để đi ra, người chăn chiên sẽ lùa chiên vào đó rồi nằm ngay lỗ hổng, nên anh ta cũng được ví như là cái cửa của chuồng chiên. Do vậy, Chúa Giê su cũng tự nhận mình là cái cửa, vì yêu chiên, Ngài sẽ luôn chặn ở đó để bảo vệ đàn chiên.
Nếu ở nhà, chuồng chiên cũng chỉ có một cửa, chiên vào và ra đều bằng cửa đó. Người chăn chiên sẽ đứng ở cửa để đếm chiên, xem chúng còn đủ số hay không. Đàn chiên ở trong chuồng của người chăn chiên thật, sẽ được sống bình an, được chăm sóc, mối liên hệ của nó đối với người chăn lúc nào cũng khắng khít, trung thành. Con chiên có đặc điểm là chỉ nhận ra tiếng của chủ của mình mà thôi. Nó sẽ không hiểu được người lạ, nên sẽ sợ hãi. Đó là cảnh trạng dân Giu đa sợ hãi các Thầy tế lễ, họ không thuộc về các Thầy, các Thầy cũng chẳng yêu họ và không bảo vệ, chăm sóc họ.
Khi nói chiên chỉ quen nghe tiếng người chăn mà thôi, Chúa Giê su ngụ ý rằng, dân sự của Chúa như chiên của Ngài, ai thường để tâm vào sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, sẽ thấy lời phán của Ngài và Đức Chúa Trời quen thuộc, và sẽ biết Ngài từ Đức Chúa Trời.
Vua Đa vít lấy từ chính kinh nghiệm của mình, viết nên Thi Thiên 23, diễn tả những phước hạnh của một con chiên trong chuồng của Chúa.
Chúa Giê su sau khi tuyên bố cho các bậc cầm quyền biết, họ không phải là người chăn chiên thật, mà là trộm cướp. Ngài kêu gọi dân chúng hãy nhận ra điều đó, mà vào nơi chuồng chiên của Ngài, vì Ngài có thẩm quyền của một đấng chăn chiên thật, vào trong chuồng Ngài, qua cánh cửa cứu rỗi, mọi người sẽ được sự sống sung mãn và phước hạnh, y như Đa vít đã chép.
Nếu dân Giu đa chọn theo những kẻ cầm quyền, họ sẽ chẳng được gì, ngoài việc thường bị các Thầy bắt tội họ và làm cho khốn khó. Trong trái tim các Thầy Tế lễ không có chỗ nào cho những con chiên mà họ chăn dắt.
Chúa Giê su đến để cứu lấy bầy chiên, vì những kẻ cầm quyền trước đó không hề yêu chiên, không bởi sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, không tận hiến, không phục vụ bầy chiên, Chúa Giê su đã gọi họ là quân trộm cướp.
**" Người chăn hiền lành" câu 11-21
"Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình. Kẻ chăn thuê chẳng phải là người chăn, và chiên không phải thuộc về nó. Nếu thấy muôn sói đến thì nó bỏ chiên chạy trốn; muôn sói cướp lấy chiên và làm cho tản lạc. Ấy vì nó là kẻ chăn thuê, chẳng lo lắng chi đến chiên. Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta, cũng như Cha biết ta và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình. Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này; ta cũng phải dẫn nó về nữa. Chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi. Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình để được lấy lại. Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta. Nhân những lời đó người Giu-đa lại chia phe ra nữa. Phần nhiều người trong đám họ nói rằng: Người bị quỉ ám, người là điên sao các ngươi nghe làm chi? Kẻ khác nói rằng: Ấy đó chẳng phải là lời nói của một kẻ bị quỉ ám. Quỉ há có thể mở mắt kẻ mù được sao?"
**" Người chăn thật và kẻ chăn thuê"
Chúa Giê su diễn tả sự hy sinh của một người chăn thật vì đàn chiên, nếu chúng nó bị thú dữ đến cắn nuốt, thì người chăn sẽ không ngại mà hy sinh mạng sống mình để bảo vệ chúng nó. Con chiên rất hiền lành, không hề biết tự vệ, chỉ nhờ cậy nơi người chăn mà thôi. Nếu là một người chăn thuê, nó chẳng bao giờ làm như vậy, nó sẽ bỏ mặc cho chiên bị thú dữ cấu xé. Người chăn thuê lại cũng là hình ảnh của nhà cầm quyền trên dân sự thời đó.
Đa vít trước khi ra trận giết Gô li át, ông cũng là một người chăn chiên, chàng thanh niên ấy đã kể lại anh ta phải chiến đấu như thế nào, để bảo vệ cho đàn chiên của mình trong Sa mu ên I đoạn 17: 34-36
"Đa-vít tâu cùng Sau-lơ rằng: Khi tôi tớ vua chăn chiên của cha mình, hễ có sư tử hay là con gấu đến tha một con chiên của bầy. thì tôi đuổi theo, đánh nó, rứt con chiên khỏi miệng nó; hễ nó cất lên cự tôi, tôi nắm râu nó, đánh và giết nó đi. Tôi tớ vua đã đánh chết con sư tử và con gấu, vậy thì người Phi-li-tin không chịu phép cắt bì kia cũng sẽ đồng số phận với chúng nó; vì hắn đã sỉ nhục các đạo binh của Đức Chúa Trời hằng sống."
Chúa Giê su cũng vậy, Ngài không tiếc gì sự sống của mình, mà hy sinh, và phó thác sự sống đó cho những kẻ theo Ngài. Cũng ở trong đoạn kinh văn nầy, Chúa Giê su khẳng định Ngài tình nguyện phó sự sống mình làm giá cứu chuộc, theo chương trình của Đức Chúa Trời và do đó, Ngài sẽ sống lại, Chúa nói cách ẩn dụ rằng không phải chỉ riêng người Giu đa, mà sau nầy sẽ còn thêm dân ngoại được vào chung chuồng chiên của Ngài để chỉ thành một bầy trong Chúa, bầy đó chỉ nghe và quen tiếng Ngài mà thôi, Chúa Giê su và Cha Ngài cũng như vậy.
Bây giờ hãy còn quá sớm để mọi người hiểu được ý Chúa Giê su muốn nói gì, giống như ở câu 6, khi Chúa dùng ví dụ về người chăn chiên, thì người ta chưa hiểu, nhưng sau đó, họ cảm nhận được sứ điệp về tình yêu của Chúa Giê su ban cho họ, thì họ bèn chia phe lần nữa, những kẻ theo nhà cầm quyền thấy bị xúc phạm, cho Ngài bị qủi ám, bị tâm thần, nhưng người tin Chúa thì bênh vực Ngài, cho rằng qủi không mở mắt người mù được.
Lời Chúa gieo ra đã không trở về luống nhưng, những lời ấy tác động trong lòng một số người và họ tin ngay, nhưng có người còn phân vân, suy nghĩ, khi gặp lại Chúa Giê su mấy ngày sau đó, họ bị Chúa rầy khi nói với Ngài:
"Thầy để chúng tôi nghĩ vơ vẫn mãi cho đến khi nào? Nếu thầy là Đấng Christ, hãy nói rõ cho chúng tôi."
Các bạn có biết vì sao nghĩ vơ vẫn mãi về lời Chúa mà cũng bị rầy không?
Người chăn chiên / cừu
Một từ xuất hiện thường xuyên trong Kinh thánh. Từ "Mục sư" cũng được lấy ra từ đó (Giê-rê-mi 2:8 ; 3:15 ; 10:21 ; 12:10 ; 17:16 ). Từ người chăn chiên được dùng theo nghĩa bóng để đề cập đến người được giao trách nhiệm chăm sóc con dân của Chúa (Thi Thiên 23:1; 80:1; Ê-sai 40:11; 44:28; Giê-rê-mi 25:34 Giê-rê-mi 25:35; Na-hum 3 :18 ; Giăng 10:11 Giăng 10:14 ; Hê-bơ-rơ 13:20 ; 1 Phi-e-rơ 2:25 ; 5:4 ).
Nhiệm vụ của một người chăn cừu ở một đất nước không có phương tiện như ở Do Thái xưa là công việc rất nặng nhọc. “Vào sáng sớm, anh ta dẫn đàn ra khỏi chuồng, dẫn đầu đàn đến nơi chúng sẽ được chăn thả. Ở đây anh ta theo dõi chúng cả ngày, cẩn thận không để con nào đi lạc, và nếu có con nào đi lang thang ra khỏi bầy, anh ta phải tìm kiếm cho đến khi thấy và mang nó trở lại.
Ở những vùng đất đó, chiên cần được cung cấp nước thường xuyên, vì vậy, người chăn phải dẫn chúng đến một dòng suối đang chảy hoặc đến giếng đào. Tìm thức ăn cho chúng ở nơi hoang dã và phải luôn canh chừng chúng. Đến đêm, anh ta dẫn đàn chiên về chuồng, đếm chúng khi chúng đi qua dưới cây gậy ở cửa để đảm bảo không thiếu con nào.
Công việc của anh ta không phải lúc nào cũng kết thúc khi mặt trời lặn. Sau đó, anh ta nằm ngủ ngay cửa, để bảo vệ đàn chiên trong đêm tối khỏi sự tấn công của thú dữ hoặc canh chừng những tên trộm đang rình mò. Hình ảnh người chăn chiên được Đức Chúa Trời xử dụng, để cho thấy trọn nghĩa lòng tận tuỵ, hy sinh và phục vụ của một tôi tớ Chúa.