Công vụ 2: " Đầy dẫy Đức Thánh Linh: Nói tiếng ngoại quốc"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

" Trong những ngày đó, dầu những đầy tớ trai và đầy tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên." Giô ên 2: 29

Công vụ 2: " Đầy dẫy Đức Thánh Linh: Nói tiếng ngoại quốc"

 

Đọc Công vụ 2: 4 -13

 

Câu hỏi:

1/ Đầy dẫy Đức Thánh Linh có nhiều mức độ không?
Ở đây các môn đồ được Đức Thánh Linh chế ngự ở mức nào?

 

2/ Chúng ta hay nói mình mong ước được đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhưng nếu Ngài điều khiển chúng ta hoàn toàn theo ý muốn của Ngài, chúng ta có thuận phục không?

 

3/ Đức Thánh Linh có mục đích gì khi khiến các môn đồ nói tiếng ngoại quốc?

Họ nói trong phòng chỉ cho 120 người bọn họ nghe với nhau, hay ra ngoài nói cho đám đông từ các nơi khác nghe?

 

4/ Những môn đồ nói tiếng ngoại quốc đó họ có được học qua ngôn ngữ đó bao giờ chưa? Họ nói về đề tài gì?

 

5/ Khi nói Tin lành sẽ được giảng ra khắp đất thì bạn nghĩ gì về trở ngại lớn nhất của nó, như khi bạn đi ra nước ngoài?

 

6/ Đây là loại tiếng lạ có đặc điểm gì?

 


"Đầy dẫy Đức Thánh Linh: Nói tiếng lạ"

 

Những chữ " Đầy dẫy Đức Thánh Linh" vẫn còn là một khái niệm mờ nhạt trong sự hiểu biết của nhiều Tín đồ, mặc dù cả Cựu ước và Tân ước đều có nêu ra những sự kiện chỗ nầy, chỗ kia, nhưng vì sao chúng ta lại để sự bày tỏ của Kinh Thánh bị che phủ bởi một tấm màn, không được vén lên và phân tích rõ ràng.

***Sách Công vụ các sứ đồ là một sách cung cấp cho người đọc rất nhiều mô hình hoạt động của Đức Thánh Linh trên Hội thánh Chúa.


Đầy dẫy Đức Thánh Linh được dịch từ những từ đơn giãn là: " To be filled with the Holy Spirit." Là trạng thái mà Đức Thánh Linh chiếm hữu một con người, để sai khiến người đó làm theo ý muốn của Ngài. Ở một mức độ nào đó, người ấy sẽ nhường lại cho Đức Thánh Linh chiếm hữu và sử dụng.


Ê phê sô 5: 18 chép:

" Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh."

 

  Khi say rượu, người ta không thể điều khiển được chính mình, nhưng rượu khiến những điều thấp hèn của xác thịt bộc phát.

Say sượu là một sự mất tự chủ, dẫn đến tội lỗi và bị Kinh Thánh lên án, nhưng khi Đức Thánh Linh điều khiển, người ấy cũng không tự mình kềm chế được, sẽ nói những gì Chúa dạy cho nói, làm những gì Chúa dạy cho làm, sự chiếm hữu của Đức Thánh Linh được xem là một ơn phước, mà người nào yêu mến Chúa cũng đều muốn được nếm trãi.

Trong Kinh Thánh, có nhiều trường hợp Đức Thánh Linh chiếm hữu hoàn toàn, trong đoạn 2 sách Công vụ, là một điển hình để chúng ta được học hỏi.


*** Hiện tượng nói tiếng ngoại quốc: Câu 4-13

 

" Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói. 5 Vả, bấy giờ có người Giu-đa, kẻ mộ đạo, từ các dân thiên hạ đến, ở tại thành Giê-ru-sa-lem. 6 Lúc tiếng ấy vang ra, dân chúng chạy đến, ai nấy đều sững sờ vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình. 7 Chúng đều sợ hãi và lấy làm lạ mà rằng: Hết thảy người nói đó, há chẳng phải là người Ga-li-lê sao? 8 Vậy thì sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh đẻ? 9 Nào người Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, kẻ ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, Giu-đê, Cáp-ba-đốc, Bông, A-si, 10 Phi-ri-gi, Bam-phi-ly, Ê-díp-tô, đất Li-by gần Sy-ren, nào kẻ từ Rô-ma đến, 11 cả người Giu-đa hoặc người mới theo đạo Giu-đa, người Cơ-rết và A rạp nữa, chúng ta đều nghe họ lấy tiếng chúng ta mà nói những sự cao trọng của Đức Chúa Trời. 12 Ai ai đều sợ hãi, không biết nghĩ làm sao, bèn nói với nhau rằng: Việc nầy là nghĩa làm sao? 13 Nhưng có kẻ lại nhạo báng rằng: Họ say rượu mới đó. "

 

  Tiếng lạ  bao gồm tiếng ngoại quốc đã được chép trong Kinh Thánh, thế thì chúng ta không tranh cải là nó không có.

 

 Cụm từ "Nói tiếng lạ" xuất phát từ tiếng Hy Lạp Glossolalia, glossa: có nghĩa là "ngôn ngữ" hoặc "lưỡi", và lalia, có nghĩa là "lời nói".

Thuật ngữ glossolalia được các chuyên gia ngôn ngữ sử dụng để mô tả hiện tượng nói bằng một ngôn ngữ mà người ấy chưa hề biết qua, hoặc có khi không xác định được là ngôn ngữ gì, mà người ấy được truyền cảm hứng từ Thánh Linh.

 

   Cũng có một thuật ngữ tương tự gọi là Xenoglosia hoặc xenoglossy, là khả năng nói một ngôn ngữ ngoại quốc mà một người chưa bao giờ học qua. Xeno có nghĩa là " lạ hay Foreigner" và glossy là ngôn ngữ.


Xenoglosia còn được gọi là ngôn ngừ trên đất ( Earthy language ) còn Glossolalia được xem là ngôn ngữ để tương giao với Chúa Thánh linh (Spiritual language hay heavenly language)

Công vụ đoạn 2 đang nói đến khả năng nói tiếng ngoại quốc, còn trong sách Cô rinh tô, Phao lô nói đến Tiếng lạ từ Trời.

 

  Sách Công vụ đoạn 2 bắt đầu từ một ân tứ đầu tiên, là ân tứ nói tiếng ngoại quốc, mà các Tín đồ chưa từng được học qua, điều đó chứng tỏ những Tín đồ trên phòng cao được Đức Thánh Linh điều khiển hoàn toàn, họ không còn là những người Galilee nói tiếng địa phương của họ nữa, nhưng tất cả thành những ống dẫn, những công cụ để Đức Thánh Linh xử dụng làm chứng về Đấng Christ cho những người có mặt ở đó trong ngày lễ Ngũ Tuần.

 

  Như đã nói trong phần 1- Ngày lễ Ngũ tuần là một ngày lễ lớn, qui tụ rất nhiều người Giu đa và người ngoại quốc từ các nơi tụ họp về, ở đây đã kê ra đến 15 quốc gia khác nhau. Họ đến để thờ phượng Đức Chúa Trời theo lời dặn biểu của Kinh Thánh và giờ đây, họ được Đức Thánh Linh dùng 120 người trong Hội Thánh ban đầu làm chứng về sự cứu rỗi của Đấng Christ cho họ bằng chính ngôn ngữ của họ.

 

"Chúng đều sợ hãi và lấy làm lạ mà rằng: Hết thảy người nói đó, há chẳng phải là người Ga-li-lê sao? "


Những người đến từ Galilee (người Galilê) được biết đến là những người nói năng kém văn hóa và thấp hèn. Đây càng là lý do để mọi người ấn tượng về khả năng nói hùng hồn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau của những người có mặt ở đó.

  Theo các ghi chú về người Galilê, thì họ thường gặp khó khăn trong việc phát âm các âm trong cổ họng, và có thói quen nuốt các âm tiết khi nói; nên họ bị người dân Ở Giê ru sa lem coi thường là những người nhà quê, tỉnh lẻ.

 

 

Đức Thánh Linh dùng họ nói tiếng ngoại quốc để làm gì?

 

  Nếu người đọc thắc mắc tại sao chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng họ đang làm chứng, thì chúng ta có thể dùng câu 11 nói:

 

"chúng ta đều nghe họ lấy tiếng chúng ta mà nói những sự cao trọng của Đức Chúa Trời."

 

Và hai câu trong sách Tiên tri Giô ên:2 28 & 29

" Sau đó, ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri; những người già cả các ngươi sẽ thấy chiêm bao, những kẻ trai trẻ các ngươi sẽ xem sự hiện thấy. 29 Trong những ngày đó, dầu những đầy tớ trai và đầy tớ gái, ta cũng đổ Thần ta lên."

 

  Phi e rơ giảng luận bằng tiếng Hê bơ rơ chỉ cho người Giu đa nghe, nhưng có đến 120 thông dịch viên có mặt tại đó được Đức Thánh Linh chiếm hữu và xử dụng, để hàng ngàn người không ai bị bỏ sót, vì không được nghe Tin lành qua ngôn ngữ của mình. Kết quả của ngày hôm đó là có đến 3000 người được thêm vào Hội Thánh.

Ngày nay, trong một cách thức nào đó, Đức Thánh linh vẫn còn hà hơi trên nhiều thông dịch viên để họ đem Tin Lành Đấng Christ đến cho mọi người trên toàn thế giới bằng ngôn ngữ của chính họ.


Theo Thống kê truy cập Kinh Thánh của Wycliffe Global Alliance thì tính đến tháng 11 năm 2024, Kinh Thánh đã được dịch sang ít nhất 3.756 ngôn ngữ:

Kinh Thánh trọn bộ: 756 ngôn ngữ / Tân Ước: 1.726 ngôn ngữ / Phần nhỏ hơn: 1.274 ngôn ngữ

 

  Một số tổ chức đang nỗ lực cung cấp Kinh Thánh cho mọi ngôn ngữ. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản đáng kể, bao gồm 392 ngôn ngữ dùng ký hiệu, được biết đến trên thế giới và những ngôn ngữ ở các khu vực khó tiếp cận như Đông Á. Mặc dù vậy, một số các tổ chức đã đặt mục tiêu hoàn thành việc dịch Kinh Thánh sang mọi ngôn ngữ vào năm 2038.

Nếu chúng ta nói mình đầy dẫy Đức Thánh Linh, nói nhiều tiếng lạ, có bao giờ chúng ta quan tâm đến 54 sắc tộc của Việt nam chưa có Kinh thánh không? Dân tộc Tày sống gần vùng biên giới Trung Quốc là dân tộc thiểu số lớn nhất sau người Kinh, đã được Tiến sĩ Hoàng văn Mã cùng với một số Tín đồ đã dịch xong toàn bộ cuốn Kinh Thánh của họ trong thời gian 10 năm. Ông nói: " “Tôi rất vinh dự được xem Kinh thánh Tày dưới dạng chữ viết. Bản dịch này được cộng đồng người Tày đánh giá cao và đánh giá cao và nó sẽ trở thành di sản của họ."

  Người H mông cũng có quyển Kinh Thánh của chính họ, Đức Thánh Linh còn vận hành ở khắp mọi nơi để đem Tin lành đến từ Samari, xứ Giu đê cho đến tận cùng thế giới.

Việc những người Ga li lê nói được hơn 15 thứ tiếng ngoại quốc là một hiện tượng phi thường, người nói cũng không thể biết tại sao mình nói được, và người nghe thì chứng kiến một điều làm cho họ khuất phục.

  Tuy vậy, Kinh Thánh thường nói, có người tin và cũng có người chẳng tin, như khi Chúa Giê su khi ra giảng đạo, Ngài cũng thường làm phép lạ, nhưng kẻ tin thì nhận đạo, còn kẻ không tin thì dè bỉu, ở đây cũng không ngoại lệ, kẻ không tin nói các môn đồ say rượu, họ nhận thấy các môn đồ đang ở dưới một sự điều khiển siêu nhiên, nói ra những điều cao trọng, nhưng sự vô tín trong họ khiến họ tuyên bố rằng những người ấy say rượu mới.

  Đức Thánh Linh đã chứng tỏ cho mọi người thấy Ngài đến và Ngài đến làm gì trong ngày lễ Ngũ tuần, là ngày khánh thành Hội Thánh đâu tiên.

Hôm nay, chúng ta được biết qua một hình thức đầy dẫy Đức Thánh Linh, chúng ta có thể tóm tắc những đặc điểm sau:

 

Ân tứ nầy là ân tứ nói tiếng ngoại quốc cho những người đang có mặt ở đó được nghe.


Mọi người được Đức Thánh Linh " đậu" lên đều nhận được ân tứ.


Họ được Đức Thánh Linh ban cho một khả năng mà bình thường họ không có được.


Họ được dùng để làm chứng về Chúa.


Họ đạt được kết quả to lớn cho Chúa qua sự đồng công với Đức Thánh Linh.

 

Theo bài viết của Mục sư Don Stewart về 4 loại tiếng lạ thì đây là loại tiếng lạ có trên đất ( Earthy language) mà người nói không biết, nhưng có người trong Hội Thánh nghe và biết.


Các môn đồ ở đây sẽ không còn khả năng đó luôn luôn, nhưng chỉ là trong ngày đó mà thôi.

 

Chúng ta đọc sách Công vụ với sự khiêm nhường, nhưng dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ không phê bình, nhưng chú ý lắng nghe, Đức Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta vào Lẽ Thật.