Công vụ 7: "Chấp sự Ê tiên bị gán tội phạm thượng"
Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ. Ma thi ơ 18: 20
Công vụ 7: "Chấp sự Ê tiên bị gán tội phạm thượng"
Câu hỏi:
1/ Thầy Tế Lễ hỏi Ê tiên có nói phạm đến đền thờ và Môi se không,
tại sao Ê tiên nói dài dòng, thay vì trả lời có hay không?
2/ Lời giải thích của Ê tiên có phải để biện hộ cho ông không? Nhưng để làm gì?
3/ Có phải chỉ khi đến đền thờ mới được gặp Chúa không?
Ê tiên đã dẫn chứng Chúa ở cùng Áp ra ham và Giô sép ở đâu?
4/ Nhà thờ và Hội Thánh khác nhau thế nào?
"Chấp sự Ê tiên bị gán tội phạm thượng"
** Thầy Tế lễ thượng phẩm chất vấn Ê tiên: câu 1
"Thầy cả thượng phẩm bèn hỏi Ê-tiên rằng: Có phải thật như vậy chăng?"
Nhắc lại đoạn trước, chấp sự Ê tiên vì rao giảng Tin lành cho các nhà hội của những người Giu đa "được tự do" mà sinh ra cải lẫy cùng bọn họ, và rồi bị bắt và bị vu cáo là nói phạm đến đền thánh và luật pháp Môi se.
Trước khi bị kết tội ném đá, Ê tiên bị đưa ra Hội đồng, và có lẽ, cũng là Thầy Tế lễ cả Cai phe, người từng định tội Chúa Giê su, đứng ra thẩm vấn.
Vì chấp sự Ê tiên đã nói rằng: Chúa Giê su sẽ xây dựng một đền thờ mới ở trên Trời, Ngài cũng thay thế luật Môi se bằng sự tác động của Đức Thánh Linh. Dân Giu đa không chấp nhận được điều nầy, cho rằng Ê tiên phạm thượng. Tội phạm thượng cũng được gán cho Chúa Giê su, tội nầy là tội chết. Trước Hội đồng, họ muốn Ê tiên xác nhận là mình đã nói ra những điều đó. Ê tiên đã không trả lời có hay không, nhưng ông dùng chính kinh Thánh để giải thích những điều mầu nhiệm mà Đức Thánh Linh cho ông hiểu, nhưng người Giu đa chưa hiểu.
Câu trả lời của Ê tiên sau đây rất dài, không phải là có hay không, cũng phải là lời biện hộ, Ê tiên chỉ muốn công bố sự thật về Chúa Giê su theo cách mà mọi người có thể hiểu được.
Ê tiên rõ ràng không đưa ra lời biện hộ đặc biệt nào cả, cũng không dùng một từ nào ám chỉ đến những người làm chứng gian dối. Bài phát biểu của Ê tiên không có nghĩa đem đến sự đảm bảo được sự tha bổng trước Tòa Công luận. Thay vào đó, đây là lời biện hộ của một Cơ đốc nhân thuần túy đi theo cách cách thờ phượng mà Đức Chúa Trời vạch ra. Ê tiên đã diễn giải một đoạn đường rất dài từ Sáng thế ký cho đến sách Các vua, thời vua Sa lô môn, tuần tự theo mục đích.
** Lời hứa của Chúa với tổ phụ Áp ra ham câu 2- 5
" Ê-tiên trả lời rằng: Hỡi các anh, các cha, xin nghe lời tôi! Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng tổ chúng ta là Áp-ra-ham, khi người còn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, chưa đến ở tại Cha-ran, 3 mà phán rằng: Hãy ra khỏi quê hương và bà con ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. 4 Bấy giờ người ra khỏi xứ Canh-đê, rồi đến thành Cha-ran. Từ đó, lúc cha người qua đời rồi, Đức Chúa Trời khiến người từ nơi đó qua xứ các ông hiện đang ở; 5 Ngài chẳng ban cho người sản nghiệp gì trong xứ nầy, dầu một thẻo đất lọt bàn chân cũng không, nhưng Ngài hứa ban xứ nầy làm kỷ vật cho người và dòng dõi người nữa, dẫu bấy giờ người chưa có con cái mặc lòng."
Ngay từ đầu, Ê tiên đã nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời vinh quang đã hiện ra với Abraham trước khi ông đến Đất Hứa.
Không chỉ đền thờ không cần thiết cho sự mặc khải này, về Đức Chúa Trời vinh quang; bản thân Đất Hứa cũng không cần thiết. Đức Chúa Trời vĩ đại hơn cả hai, điều này giải thích Ê tiên không chống lại đền thờ. Nhưng ông chỉ muốn giải thích Đức Chúa Trời lớn hơn đền thờ.
Một chủ đề duy nhất chạy xuyên suốt phần đầu của lời bào chữa của Ê tiên, đó là Đức Chúa Trời của Y sơ ra ên là Đức Chúa Trời của một lữ khách, Ngài không bị giới hạn ở bất kỳ nơi nào. Nếu trong bất kỳ ngôi nhà nào trên trái đất, có dân sự Ngài, thì đó là nơi Ngài ở với họ.
Ê tiên nói với hội đồng rằng, nếu các ông nói Đức Chúa Trời chỉ ở trong đền thờ tại Si ôn, thì Ngài sao lại phán với một người ở Mê-sô-bô-ta-mi là Áp ra ham và muốn ông qua bờ cỏi xứ Canh đê? Mà ở nơi đó, Chúa cũng không cho Áp ra ham một thẻo đất nào?
Sách Sáng thế ký 17: 8 nói:
"Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đang kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời. Vậy, ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ."
Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp ra ham đất đai và dòng dõi, nhưng trước mắt Áp ra ham, đất không có, nhà cũng không, mà con mãi đến gần trăm tuổi còn chưa có. Sách Hê bơ rơ còn nói rằng đến mãi ba đời sau, con cháu Áp ra ham vẫn còn ở trong trại, vẫn chưa có nhà gì cả. Hê bơ rơ 11: 9
"Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc, ở trong các trại, cũng như Y-sác và Gia-cốp, là kẻ đồng kế tự một lời hứa với người."
Như vậy Áp ra ham chỉ dựa trên đức tin của lời hứa mà thôi. Nói như thế, Ê tiên nhấn mạnh mối quan hệ với Chúa dựa trên đức tin, chứ không phải những bằng chứng bên ngoài như đền thờ hay cấu trúc của tôn giáo có tổ chức và các phong tục của nó.
** Chúa cảnh báo về dòng dõi Áp ra ham và lập giao ước: câu 6-8
" Đức Chúa Trời phán như vầy: Dòng dõi ngươi sẽ ở ngụ nơi đất khách, người ta sẽ bắt chúng nó làm tôi và hà hiếp trong bốn trăm năm. 7 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nhưng ta sẽ đoán xét dân đã bắt chúng nó làm tôi, kế đó, chúng nó sẽ ra khỏi, và thờ phượng ta trong nơi nầy. 8 Đoạn, Đức Chúa Trời ban cho người sự giao ước về phép cắt bì. Ấy vậy, khi Áp-ra-ham đã sanh một con trai là Y-sác, thì làm phép cắt bì cho, trong ngày thứ tám; Y-sác làm phép cắt bì cho Gia-cốp, và Gia-cốp làm phép ấy cho mười hai tổ phụ."
Chúa báo cho Áp ra ham biết trước, lời hứa sẽ được thực hiện, nhưng phải trải qua mấy đời, và phải chờ một thời gian rất dài, một giai đoạn cực kỳ đen tối sẽ xảy ra với dòng dõi Áp ra ham, trong suốt bốn trăm năm, làm nô lệ cho một dân khác, ở xứ người, rồi Ngài sẽ giải cứu họ và dẫn họ ra khỏi đó để thờ phượng Chúa trong đất hứa.
Chúa cũng lập với Áp ra ham và dòng dõi người một giao ước bằng thịt là giao ước của sự cắt bì, từ đó hể người nam nào từ tổ phụ Áp ra ham sinh ra đều phải cắt bì, có nghĩa, họ đang ở trong giao ước của Đức Chúa Trời, và sẽ nhận được lời hứa của Ngài.
** Chúa thành tín qua câu chuyện của Giô sép: câu 9-16
" Mười hai tổ phụ ghen ghét Giô-sép, nên bán qua xứ Ê-díp-tô; nhưng Đức Chúa Trời ở cùng người. 10 Ngài giải cứu người khỏi cảnh khó khăn, và cho đầy ơn và trí trước mặt Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, vua ấy lập người làm tể tướng cai quản xứ Ê-díp-tô và cả nhà vua nữa. 11 Bấy giờ, xảy có cơn đói kém trong cả xứ Ê-díp-tô và xứ Ca-na-an; sự túng ngặt lớn lắm, tổ phụ chúng ta chẳng tìm được đồ ăn. 12 Gia-cốp nghe bên Ê-díp-tô có lúa mì, thì sai tổ phụ ta qua đó lần thứ nhất. 13 Đến lần thứ hai, anh em Giô-sép nhận biết người, và Pha-ra-ôn mới biết dòng họ người. 14 Giô-sép bèn sai rước Gia-cốp là cha mình và cả nhà, cộng là bảy mươi lăm người. 15 Vậy, Gia-cốp xuống xứ Ê-díp-tô, rồi chết tại đó, và tổ phụ chúng ta cũng vậy; 16 sau được đem về Si-chem, chôn nơi mộ mà Áp-ra-ham đã lấy bạc mua của con cháu Hê-mô quê ở Si-chem."
Một lần nữa, Ê tiên nói đến sự hiện diện thiêng liêng của Chúa với Giô sép trong mọi lúc. Giô sép không cần phải đến đền thờ để gần gũi với Chúa – Dù không có đền thờ, Chúa luôn ở cùng Giô sép, chúc phước cho ông được ơn trong mọi hoàn cảnh.
Trong phần nầy, Ê tiên muốn nói rằng, Đức Chúa Trời có thể thực hiện lời hứa Ngài ở mọi nơi, mọi lúc, bởi đức tin chứ không phải bởi nơi chốn.
Đền thờ Giê ru sa lem trên núi Si ôn là một biểu tượng thiêng liêng, là nơi thờ phượng của dân Y sơ ra ên trãi qua nhiều thời đại, người ta cũng được chứng kiến lúc đền thờ bị phá huỷ rồi được thay thế. Thế nhưng, người ta vẫn cho đền thờ là biểu tượng bền vững, bất biến.
Thật ra, Đức Chúa Trời không bị giới hạn trong một cấu trúc của đền thờ, Chúa ở mọi nơi, Ngài luôn có mặt với những người theo Chúa. Đền thờ hay nhà thờ ( Church) được định nghĩa là một cấu trúc, không gian vật lý, nơi mọi người đến thờ phượng, nhưng Hội chúng (Congregation) là nhóm người tụ họp để thờ phượng hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo.
Theo tiếng Hy Lạp, Ekklesia trong Tân Ước được dịch là Hội thánh trong Kinh thánh của chúng ta. Đền thờ có thể mất nhưng Hội thánh luôn luôn còn, cho tới ngày Hội Thánh được cất lên. Đền thờ không còn mãi mãi, nhưng Hội Thánh còn mãi mãi.
Chúa Giê su tuyên bố trong sách Ma thi ơ 18: 20 rằng:
" Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ."
Chúa Giê su đang nói về Hội Thánh, chứ không nói về đền thờ, vì có lúc các tín đồ bị bắt bớ, không thể nhóm trong đền thờ, dù họ nhóm ở ngoài đồng ruộng, nhóm trong hầm mộ, nhóm ở nơi cao, đều có Chúa ở cùng.
Đức Thánh Linh đã dùng chấp sự Ê tiên dẫn giải cho bậc cấm quyền Giu đa biết rằng, Đức Chúa Trời lớn hơn đền thờ, và Đức Thánh Linh mới làm cho luật pháp được trọn vẹn.