Công vụ 6: "Chấp sự Ê tiên bị bắt"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề, để nhịn nhục vui vẻ mà chịu mọi sự." Cô lô se 1: 11

Công vụ 6: " Chấp sự Ê tiên bị bắt"

 

Đọc Công vụ 6: 8 -15

 

Câu hỏi:

 

1/ Vì sao Ê tiên bị bắt? Ông có sợ hải khi đứng trước Toà công luận không?

 

2/ Bạn nghĩ sao khi Kinh Thánh chép Ê tiên được ơn trước mặt Chúa, mà cuối cùng ông không được cứu?

 


        "Chấp sự Ê tiên bị bắt"

 

** Ê tiên được ơn trước mặt Chúa câu 8 &9

 

" Ê-tiên được đầy ơn và quyền làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân. 9 Nhưng có mấy hội viên của nhà hội gọi là nhà hội của bọn được tự do, với những người quê ở Sy-ren, người quê ở A-léc-xan-đơ, cùng người Giu-đa ở xứ Si-li-si và xứ A-si, nổi lên mà cãi lẫy cùng Ê-tiên."

 

*** Ê-tiên được đầy ơn và quyền năng:


  Chấp sự Ê tiên đã làm những phép lạ lớn giữa dân chúng:

  Đoạn trước, chúng ta thấy Chúa cho các sứ đồ có quyền năng, họ làm được những phép lạ lớn; nhưng Ngài cũng có ban ân tứ đó cho những người khác như Ê tiên ở đây.

  Ê tiên là một trong 7 chấp sự được chọn, để giúp đỡ các góa phụ trong việc cấp phát lương thực cho họ. Chúa đã sử dụng và ban cho Ê tiên những phép lạ vì ông đầy đức tin.

 

** Ê tiên cải lẫy với hội viên của bọn được tự do:

Với tấm lòng sốt sắng, Ê tiên muốn đem Tin lành Chúa Giê su cho đồng hương của mình, là con cháu của những người được phóng thích sau một thời gian bị làm phu tù cho La mã, bọn người nầy được gọi là " người được giải phóng" (Free man)


  Vào thời điểm đó, có khoảng 480 giáo đường Do Thái ở Giê ru sa lem, và Ê tiên đã hướng đến “Giáo đường Do Thái của những người được giải phóng”. Các giáo đường này được xây dựng bởi những con cháu của những người Do Thái, từng là nô lệ ở Rome, và đã được giải phóng.

   Họ tự hào về sự tự do của mình—nhưng thực ra chính họ lại còn là nô lệ trong đời sống họ, khi chưa từng biết về Chúa Giê su.
Những người nầy quê ở Sy-ren, A-léc-xan-đơ, cùng người Giu-đa ở xứ Si-li-si và xứ A-si:

Sy ren và A-léc-xan-đơ là hai thành phố lớn, có rất nhiều người Giu đa ở đó, nhà hội Sy ren cũng có thể là nơi mà Phao lô nhóm họp ở đó trước khi ông gặp Chúa Giê su.

  Sau nầy, đến lượt Phao lô đến với bọn họ, Chúa cũng làm cho một số trong bọn họ được cải đạo, nhưng đó là chuyện sau nầy, bây giờ, bọn tự cho mình là " tự do" nầy đang cực lực chống đối Ê tiên khi ông đem thông điệp về Tin lành đến cho họ.


** Ê tiên được Đức Thánh Linh đặt lời trong miệng: câu 10 &11

 

"Song chúng không chống lại nổi với trí khôn người cùng với Đức Thánh Linh, là Đấng người nhờ mà nói 11 bèn xui xiểm mấy người đặng nói rằng: chúng ta đã nghe người nói ra những lời phạm đến Môi-se và Đức Chúa Trời."

 

  Trong đoạn trước, chúng ta nhớ lại người ta chọn người khôn ngoan để bầu làm chấp sự, Ê tiên vốn dĩ đã khôn ngoan, nay được Đức Thánh linh vùa giúp, nên trong khi tranh cãi, bọn tự do đã không còn lời chống đỡ.

Ê tiên muốn nói cho họ biết, thế nào mới là người thực sự được giải phóng. Ê tiên đã sốt sắng đem thông điệp về sự tự do đến cho họ, nhưng thay vì tiếp nhận Đấng Christ, họ cải lẫy với Ê tiên và cuối cùng, bọn nầy đã liên kết với nhà cầm quyền ở Giê ru sa lem, bắt và phao vu, làm chứng dối, chống lại Ê tiên.

 Chúng cũng dùng âm mưu như khi trước đã từng làm với Chúa Giê su, là buộc ông tội nói phạm đến Môi se và Đức Chúa Trời.

 

** Chấp sự Ê tiên bị đưa ra Toà Công luận: câu 12-15

 

" Chúng xúi dân sự, các trưởng lão và các thầy thông giáo, rồi xông vào người, dùng sức mạnh bắt và điệu đến trước tòa công luận. 13 Chúng đặt ra những kẻ chứng dối, nói rằng: người nầy hằng nói những lời phạm đến nơi thánh và luật pháp. 14 Vì chưng chúng ta đã nghe người nói rằng Jêsus ở Na-xa-rét nầy sẽ phá nơi đây và đổi tục lệ mà Môi-se đã truyền lại cho chúng ta. 15 Bấy giờ, phàm những người ngồi tại tòa công luận đều ngó chăm Ê-tiên, thấy mặt người như mặt thiên sứ vậy."

 

*** Chúng xúi dân sự, các trưởng lão và các thầy thông giáo:

  Khi tác giả Lu ca viết các lời nầy, thực sự ông không biết rằng họ bí mật âm mưu hành động ra sao, nhưng đây là chi tiết mà có lẽ chính Phao lô, người trong cuộc lúc đó, cũng thuộc bọn chống đối đã kể lại cho Lu ca nghe.
Trước đây, sự đàn áp các sứ đồ đã bị hạn chế vì dư luận ủng hộ họ, nay kinh nghiệm được điều đó, họ bèn xuyên tạc để kích động dân chúng, khi có hậu thuẩn của dân chúng, bọn họ mới có thể dễ dàng hành động.

Thời nào cũng vậy, đám đông thường nhắm vào quyền lợi, hay điều gì mà họ có thể nhìn ngay trước mắt, họ dễ dàng thay đổi lập trường.

  Khi Chúa Giê su ban bánh, chữa lành cho họ, họ tung hô Ngài như một vì vua, nhưng sau đó, cũng chính dân chúng la lên, đòi đóng đinh Chúa Giê su.


Tương tự như vậy, dân chúng mới vừa ca ngợi danh Chúa Giê su, vì các môn đồ làm nhiều dấu kỳ phép lạ, bây giờ, họ cũng sốt sắng lên án Ê tiên khi ông rao truyền danh Chúa Giê su.

  Dân chúng đang đứng đằng sau, ủng hộ các tội ác mà nhà cầm quyền muốn thi hành.


  Là người theo Chúa, chúng ta không theo quần chúng, chúng ta không theo bậc cầm quyền, nhưng chúng ta sẽ để cho tiêu chuẩn dựa trên Lời vĩnh cửu của Đức Chúa Trời.

 Lời Chúa định hình trong mọi suy nghĩ của chúng ta, thì chúng ta không có những quyết định sai trật trong cuộc đời.

 

*** Ê tiên  bị gán tội phạm thượng với Môi se, và Đức Chúa Trời như thế nào?

 

   Trong thời Chúa Giê su, rất dễ dàng buộc tội một người khi họ nói về Đấng Christ. Có thể Ê tiên đã nói rằng Chúa Giê su vĩ đại hơn Môi se ( phạm đến Môi se) Chúa Giê su là Con Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời ( phạm đến Đức Chúa Trời) Chúa Giê su vĩ đại hơn đến thờ ( phạm đến nơi thánh) hay Chúa Giê su là sự ứng nghiệm về luật pháp ( phạm luật pháp)

Không biết vì sự ngu dốt hay sự lừa dối mà cả người Giu đa, dân chúng và nhà cầm quyền đều lên án chấp sự Ê tiên.

 Quả thật Ê tiên đã rất can đảm khi nói rằng, Chúa Giê su sẽ thay thế đền thờ trên đất và luật pháp Môi se. Hai điều đó, vào thời điểm của Ê tiên là hai cửa dẫn ông đến cái chết ngay lập tức.


  Khi họ tuyên án Ê tiên, kinh thánh chép, người ta thấy mặt người như mặt thiên sứ, có nghĩa Ê tiên đang được Chúa soi sáng, sự vinh hiển của Chúa chiếu sáng trên ông, y như lúc Môi se lúc ở trên núi, bốn mươi ngày đêm với Chúa, mặt Môi se cũng được sáng ngời như thế. 

  Người được Chúa chiếu sáng, là người được Chúa ở gần. Trong câu chúc phước mà Đức Chúa Trời dạy cho Môi se là xin Chúa chiếu sáng mặt Ngài trên dân sự ( Hội Thánh) Chúa, là lời cầu xin, được Chúa ngự trong đền thánh, hiện diện giữa dân sự của Ngài.

Có lẽ, mặt Ê tiên lộ ra sự thanh thản, bình tỉnh, khiến cho những người trong Toà công luận đều phải ngó chăm ông.

Thêm một lần nữa, người mạnh dạn làm chứng về Chúa đứng trước Toà công luận được Chúa ở cùng, không sợ hải, cũng không mất đức tin. Ê tiên biết rằng Chúa đang hiện diện cùng mình, sống hay chết, ông cũng sẽ ở trong tay Chúa.