Công vụ 5: "Hãy chường mặt nơi đền thờ, mà rao giảng"
"và tôi có sự trông cậy nầy nơi Đức Chúa Trời, như chính họ cũng có vậy, tức là sẽ có sự sống lại của người công bình và không công bình. " Công vụ 24:15
Công vụ 5: "Hãy chường mặt nơi đền thờ, mà rao giảng"
Câu hỏi:
1/ Vì sao các bậc cầm quyền Sa đu sê muốn bắt các sứ đồ?
Họ có thể làm được nhiều quyền phép như các sứ đồ không?
2/ Các sứ đồ được ai cứu ra khỏi ngục? Với mục đích gì ?
3/Có 3 điều mà phái Sa đu sê không tin là ba điều gì?
Những điều đó dẫn đến kết quả nào?
4/ Vì sao quan cai đền thờ không dám bắt các sứ dồ cách dữ tợn?
Ông ta nói gì khiến người ta biết họ tự nhận đã giết Chúa Giê su?
5/ Vì sao các sứ đồ không khích động dân chúng để được thoát ra?
6/ Theo lịch sử, có phải lúc nào Chúa cũng làm phép lạ để cứu người theo Chúa không?
Như vậy, chúng ta phải chấp nhận điều gì? Và tin điều gì nếu Chúa không giải cứu?
" Hãy chường mặt nơi đền thờ, mà rao giảng"
*** Các sứ đồ bị bắt vào tù: câu 17 &18
"Bấy giờ thầy cả thượng phẩm và những kẻ theo người (ấy là phe Sa-đu-sê) đều đứng dậy, đầy lòng ghen tương, 18 bắt các sứ đồ bỏ vào khám công."
Để nhắc lại lý do tại sao các sứ đồ bị để ý, phần trước có nói nhờ quyền phép qua danh Chúa Giê su, mà các sứ đồ đã chữa bệnh cho nhiều người, họ cũng đuổi quỷ, làm những phép lạ, khiến dân chúng từ các vùng lân cận tìm đến, và sau khi được chữa lành thì họ tin Chúa Giê su.
Điều nầy khiến các bậc cầm quyền của Giê ru sa lem ghen tức, ở đây nói là các Thầy Tế lễ phái Sa đu sê.
Có lẽ, Giê ru sa lem thời bấy giờ chỉ là một nơi có sinh hoạt tôn giáo, chứ không thực sự thờ phượng Đức Chúa Trời, họ giết Chúa Giê su vì sợ Ngài gây ảnh hưởng trên dân chúng, bây giờ cũng theo cách đó, họ thấy khó chịu vì dân chúng chạy theo các sứ đồ, rồi gia nhập vào " Đạo mới", Đạo của Chúa Giê su.
Tại sao các Thầy Tế lễ phẩn nộ với Đạo Đấng Christ? Vì họ nhận thấy họ chỉ có "Quyền", nhưng không có "Thần". Đức Chúa Trời đã xa cách họ từ rất lâu, họ bị cạn khô như dòng suối không còn nước, lời cầu nguyện không được nhậm, chút quyền phép cũng không có, ở nơi họ, người dân Giu đa chỉ nhìn thấy một tổ chức cầm quyền chứ không còn là những Thầy Tế Lễ của Đức Chúa Trời.
Nay, các sứ đồ chỉ nhân danh Chúa Giê su, mà có thể thi thố nhiều phép lạ, chữa được nhiều bệnh và đuổi được quỷ dữ thì họ ghen tương. Các Thầy tế lễ chỉ biết làm một chuyện, là dùng quyền của mình để bắt giam các sứ đồ.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Phi e rơ và Giăng bị bắt, nhưng lần nầy, tác giả Luca nói họ bị nhốt trong nhà tù công cộng, thì người ta nghĩ rằng có lẽ, tất cả các sứ đồ đều bị bắt. Cũng không lạ, vì đó là nhiệm vụ của tất cả bọn họ trong thời điểm đó.
Chúng ta nên để ý, quyền phép được ban cho các sứ đồ, khi dân chúng kéo đến đông như vậy, thì dĩ nhiên, tất cả các sứ đồ đều phải ra làm việc, điều nầy nhắc nhở chúng ta, nếu chúng ta được Chúa giao phó điều gì, chúng ta phải xử dụng nó, dù ở trong hoàn cảnh nào.
*** Thiên sứ của Chúa mở cửa khám cho sứ đồ ra: câu 19 & 20
"Nhưng đang ban đêm, có một thiên sứ của Chúa mở cửa khám cho sứ đồ ra, và dặn rằng: 20 Đi đi, hãy chường mặt nơi đền thờ, mà rao giảng cho dân chúng mọi lời nầy của sự sống."
Dường như đối với Chúa, cửa ngục và lính canh không có tác dụng gì cả, Chúa sai Thiên sứ đến mở cửa ngục cách dễ dàng. Rất nhiều lần trong kinh thánh, Chúa dùng Thiên sứ để sai khiến, và cũng để phục vụ con cái Chúa. Sách Hê bơ rơ 1: 14 chép:
"Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?"
Những người theo Chúa, tin Chúa, đều là những người sẽ hưởng được sự cứu rỗi, lúc cần, Đức Chúa Trời sẽ dùng Thiên sứ để giúp sức cho chúng ta.
Kinh Thánh còn nói rõ, thân phận của Thiên sứ thấp hơn loài người và cấm chúng ta thờ lạy Thiên sứ. Nếu ai tôn vinh Thiên sứ là rất sai trật.
Có một điều lý thú ở đây, vì người Sa đu sê không tin có Thiên sứ, họ cũng không tin vào sự sống lại và cũng không tin có Thần linh (Thánh Linh), bây giờ Chúa sai Thiên sứ xuống mở cửa ngục, trước mắt họ. Hãy xem Công vụ 23: 6_10
"Phao-lô biết trong bọn họ phần thì người Sa-đu-sê, phần thì người Pha-ri-si, bèn kêu lên trước tòa công luận rằng: Hỡi anh em, tôi là người Pha-ri-si, con của dòng Pha-ri-si. Ấy là vì sự trông cậy của chúng ta và sự sống lại của những kẻ chết mà tôi phải chịu xử đoán. 7 Người vừa nói xong như vậy, thì sự cãi lẫy nổi lên giữa người Pha-ri-si với người Sa-đu-sê, và hội đồng chia phe ra. 8 Vì chưng người Sa-đu-sê quyết rằng không có sự sống lại, cũng không có thiên sứ, thần chi hết, còn người Pha-ri-si lại nhận cả hai điều tin ấy. 9 Tiếng kêu la lớn liền dậy lên. Có mấy thầy thông giáo về dòng Pha-ri-si đứng dậy cãi lẫy cùng kẻ khác rằng: Chúng ta chẳng thấy trong người nầy có điều ác gì. Nào ai biết chẳng phải thần hoặc thiên sứ đã nói cùng người? 10 Vì sự rối loạn càng thêm, quản cơ e Phao-lô bị chúng phân thây chăng, nên truyền quân kéo xuống, đặng cướp người ra khỏi giữa đám họ và đem về trong đồn."
Cho tới bây giờ, chúng ta có thể hiểu được lý do vì sao có sự khác biệt trong sự hiểu biết về Kinh Thánh giữa phái Pha ri si và Sa đu sê, đó là sự dẫn dắt của Thánh Linh trong sự hiểu biết lời Chúa. Ai tìm cầu Chúa thật lòng, Chúa sẽ cho họ hiểu được những điều mầu nhiệm của Ngài.
Không tin vào Thần linh, thì không chấp nhận được Thánh Linh.
Không tin vào sự sống lại, thì không thể tin Chúa Giê su.
Không tin vào Thiên sứ, thì cũng không tin vào lời Kinh Thánh.
**Thiên sứ cứu các sứ đồ ra với mục đích là họ phải tiếp tục rao giảng, và trở lại chỗ đứng khi trước của họ.
Chúa không giải thoát họ chủ yếu vì sự an toàn hay thoải mái của họ. Họ được giải thoát vì một lý do; và sau đó họ không phải lúc nào họ cũng được giải cứu.
Lịch sử cho thấy đôi khi Chúa giải cứu bằng phép lạ, đôi khi thì không. Điều nầy cần được những cơ đốc nhân nhận thấy qua nhiều câu chuyện, là các thiên sứ kỳ diệu không phải lúc nào cũng giải cứu họ. Tất cả 11 sứ đồ (trừ Giăng) cùng với Phao Lô và Lu ca cuối đời đều chết đau đớn mà không được giải cứu, mặc dù trước đó, nhiều lần họ được Chúa giải cứu.
Điều này nhắc nhở chúng ta nên tin cậy Chúa về những điều kỳ diệu của Ngài; nhưng cũng phải biết rằng Ngài cũng có mục đích, cả khi Ngài không giải cứu bằng bàn tay kỳ diệu. Giống như các sứ đồ ở đây, họ được giải thoát vì mục đích rao giảng lời sự sống –chứ không chỉ để sống cho chính mình.
** Các Sứ đồ bị phát hiện được thoát khỏi ngục và trở lại chỗ cũ: câu 21-15
" Sứ đồ nghe bấy nhiêu lời, vừa lúc rạng ngày, vào đền thờ, khởi sự dạy dỗ. Nhưng thầy cả thượng phẩm và những kẻ ở với người đến thình lình, nhóm tòa công luận và hết thảy trưởng lão của dân Y-sơ-ra-ên lại, sai người vào khám đặng điệu các sứ đồ đến. 22 Các kẻ sai đến khám, không thấy sứ đồ tại đó, bèn trở về trình 23 rằng: chúng tôi thấy khám đóng kĩ, lính canh đứng ngoài trước cửa; nhưng lúc mở ra chẳng thấy một người nào ở trong. 24 Quan coi đền thờ và các thầy tế lễ cả nghe vậy, đều bức tức về việc các sứ đồ và về manh mối của việc ấy. 25 Nhưng có người thoạt đến, báo với họ rằng: Kìa, những người mà các quan đã bỏ tù, nay đang ở trong đền thờ dạy dỗ dân sự!"
Các sứ đồ vào đền thờ lúc sáng sớm và giảng dạy: Đây là sự vâng lời táo bạo đáng chú ý, Thiên sứ của Chúa bảo họ phải tiếp tục công việc giảng dạy công khai của mình nơi công cộng.
Chúa muốn họ tiếp tục đem lời Chúa cho những người dân thường đang kéo nhau đến đền thờ. Tình yêu của Chúa lúc nào cũng hướng đến những người đang tìm kiếm Ngài. Chúa luôn tạo cơ hội để người ta có thể nghe được Tin Lành.
Thêm một lần nữa, các bậc cầm quyền Sa đu sê ngạc nhiên, không biết tại sao những người họ giam giữ lại có thể thoát ra dễ dàng, và dường như không khiếp sợ, mà vẫn tiếp tục rao giảng về Chúa Giê su.
**Các sứ đồ bị bắt trở lại: câu 26 -28
" Kế đó, quan coi đền thờ với các kẻ sai cùng đi đến nơi bắt và dẫn các sứ đồ đi nhưng không dùng cách dữ tợn, vì sợ bị dân chúng ném đá; 27 và khi điệu các sứ đồ đi rồi, thì đem đến tòa công luận. Thầy cả thượng phẩm tra hỏi các sứ đồ, rằng: 28 Chúng ta đã cấm ngặt các ngươi, không cho lấy danh đó mà dạy dỗ, song các ngươi lại làm cho thành Giê-ru-sa-lem đầy dẫy đạo giáo mình. Vậy, các ngươi muốn khiến máu người ấy đổ lại trên chúng ta sao!"
Những điều xảy ra ở trên, được Đức Chúa Trời cho Lu ca chép lại theo cách Chúa nhìn thấy hết những điều người ta suy nghĩ trong lòng. Quan coi đền thờ sợ dân chúng hơn là sợ Chúa.
Tất cả bọn họ đều đã biết Chúa cứu các sứ đồ ra cách kỳ diệu, họ không hề rúng động khi biết Chúa đang hành động để bảo vệ người của mình, họ vẫn dùng quyền lực bắt các sứ đồ trở lại, nhưng họ không muốn cho dân chúng biết, vì sợ bị ném đá.
Bậc cầm quyền đã sợ dân chúng hơn kính sợ Đức Chúa Trời. Trong khi các sứ đồ bị bắt, nhưng họ không hề muốn kích động dân chúng, để dùng dân chúng cứu mình, các sứ đồ biết rằng Chúa sẽ có cách trong tình huống của họ.
Một lần nữa, họ bị đem ra Hội đồng vì tội giảng dạy, làm dân chúng tin theo Đạo Chúa Giê su.
Quan cai đền thờ đã nói ra điều họ lo ngại là đã giết Chúa Giê su, nếu bây giờ, nếu mọi người tin Chúa Giê su, thì xem như hành động giết Chúa Giê su là một tội ác mà họ phải lãnh.
Đó là điều mấu chốt mà bậc cầm quyền Giê ru sa lem muốn theo đuổi và tận diệt. Các sứ đồ lần nầy vẫn được Chúa cứu bằng chính cánh tay loài người, người ấy tên là Ga ma li ên, là thầy của Phao lô, nhưng không được hoàn toàn may mắn như lần trước, các sứ đồ đều bị đánh đòn rồi mới được tha về. Dù vậy, Kinh thánh chép, họ hoan hỉ vì " được" khổ nhục vì danh Chúa.