Công vụ 5: "Bước chân của Hội Thánh đầu tiên"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Chúa là Đức Chúa Trời hay làm phép lạ, đă tỏ cho biết quyền năng Chúa giữa các dân." Thi Thiên 77:14

Công vụ 5: "Bước chân của Hội Thánh đầu tiên"

 

Đọc Công vụ: 5: 12- 16

 

Câu hỏi:

 

1/ Chúa ban quyền phép chỉ cho sứ đồ hay cho mọi người?
Chúa có mục đích gì?

 

2/ Hội thánh đầu tiên nhóm họp và rao giảng tại đâu?
Vì sao?

 

3/ Điều gì khiến dân chúng khắp nơi kéo đến gặp các sứ đồ?
Vì sao họ ca ngợi Chúa và tin nhận Chúa mà không tôn vinh các sứ đồ?

 

          "Bước chân của Hội Thánh đầu tiên"

 

*** Giai đoạn chuyển tiếp: câu 12-16

" Bấy giờ, có nhiều phép lạ dấu kỳ được làm ra trong dân bởi tay các sứ đồ; và các môn đồ đều hiệp một lòng nhóm nhau dưới hiên cửa Sa-lô-môn. 13 Dầu vậy, chẳng một kẻ nào khác dám nhập bọn với môn đồ, nhưng dân chúng thì cả tiếng ngợi khen. 14 Số những người tin Chúa cùng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm, 15 đến nỗi người ta đem kẻ bịnh để ngoài đường, cho nằm trên giường nhỏ hoặc trên chõng, để khi Phi-e-rơ đi ngang qua, bóng của người ít nữa cũng che được một vài người. 16 Dân sự ở các thành lân cận cũng lũ lượt kéo tới thành Giê-ru-sa-lem, đem đến những người đau ốm và kẻ bị tà ma khuấy hại, thì hết thảy đều được chữa lành. "

 

**Dấu kỳ, phép lạ bởi tay các sứ đồ: Chúng ta còn nhớ trong Công vụ 4: 29-30 Hội Thánh có cầu xin Chúa ban cho các sứ đồ quyền phép:

"Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ, 30 giơ tay Ngài ra, để nhờ danh Đầy tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Jêsus, mà làm những phép chữa lành bịnh, phép lạ và dấu kỳ."

  Lời cầu xin của Hội thánh đã được Chúa đáp lời, và vẫn còn tiếp tục cho đến sau nầy. Hình như Chúa chỉ cho các sứ đồ quyền phép rộng rãi, qua danh Chúa Giê su. Chúng ta không được cho biết cụ thể những dấu hiệu và phép lạ này là gì. Có lẽ giống như những gì chúng ta thấy ở những nơi khác trong Công vụ và trong các sách Phúc âm – Chữa lành, giải cứu khỏi quyền lực của ma quỷ, những phước lành khác thường.


 Ở đây, Đức Chúa Trời đã chọn thực hiện những công việc kỳ diệu này thông qua bàn tay của các sứ đồ, chứ không phải chủ yếu thông qua những người khác. Đức Chúa Trời có mục đích khi thực hiện điều đó.

          Cũng như trong Hội thánh, không phải ai tin nhận Chúa đều có thể thi thố phép lạ.

 

** " hiệp một lòng nhóm nhau dưới hiên cửa Sa-lô-môn"


Hiên cửa Sa lô môn dẫn đến một khu phức hợp, là khu dành cho tất cả mọi người. Hiên Solomon là một hàng cột có mái che, trên bức tường phía đông của Đền Núi. Đây là nơi người Do Thái lẫn người ngoại có thể tự do tham gia vào các hoạt động thờ phượng, giảng dạy và truyền giáo cộng đồng. Những khu khác, nếu dành riêng cho người Do Thái, đều có bảng cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử tử.


Vào thời kỳ đầu của Hội thánh Đấng Christ, Đền thờ Jerusalem vẫn là nơi thờ phượng quan trọng đối với người Do Thái, bao gồm cả những người theo đạo Thiên chúa đầu tiên. Họ coi mình là một phần của Do Thái giáo, với niềm tin bổ sung vào Chúa Giê su là Đấng cứu thế.


  Các sứ đồ đã sử dụng hiên của Sa lô môn như một diễn đàn, để chia sẻ thông điệp Phúc âm với người Do Thái, công bố sự chết, sự chôn, sự phục sinh và thẩm quyền của Chúa Jesus Christ.


  Khi Cơ đốc giáo phát triển và bắt đầu khác biệt với Do Thái giáo, những người theo đạo Cơ đốc đầu tiên dần dần rời xa Đền thờ, và hướng tới việc thành lập những nơi thờ phượng riêng của họ, chẳng hạn như nhà thờ tại gia. Chúa cũng cho phép sự bắt bớ xảy ra để người theo đạo Đấng Christ hình thành những điểm nhóm của mình.

 

** "Tất cả mọi người đều đồng lòng, hiệp một"


  Đây là một bằng chứng về quyền phép của Đức Thánh Linh được đầy dẫy trên mỗi tín đồ. Hội thánh hiệp một là yếu tố cần thiết, nhưng cũng là điều khó thực hiện nhất, nếu không có quyền phép từ Chúa. Trái tim ích kỷ và tâm trí cố chấp của chúng ta có thể khó di chuyển hơn bất kỳ ngọn núi nào.

 Những người theo đạo Chúa Giê su ở đó với một sự đồng lòng, nhất trí trong giáo lý, trong sự thờ phượng và trong kỷ luật; không có sự bất mãn hay lằm bằm về cái chết của Ana nia và Sa phi ra. Đồng lòng loại bỏ những kẻ giả hình trong Hội Thánh, khiến những tín hữu sẽ chân thành gắn bó chặt chẽ hơn với nhau, để thi hành chức vụ truyền bá phúc âm.

** "Dầu vậy, chẳng một kẻ nào khác dám nhập bọn với môn đồ"


  Có lẽ đây là mục đích của Đức Thánh Linh, Chúa chỉ dành cho các sứ đồ mà Chúa chọn lựa có được quyền phép lớn, những người khác, dù được đầy dẫy Thánh Linh, dù nói được tiếng mới, nhưng Chúa làm cho họ thấy sự tôn trọng người lãnh đạo, những sứ đồ được Chúa chọn lựa, Ngài ban cho họ thẩm quyền đại diện Chúa, hành xử trong Hội Thánh.

  Người khác không dám đứng vào hàng ngũ lãnh đạo vì sự tôn trọng các sứ đồ, cũng vì họ tự thấy mình khó thoả đáp được những tiêu chuẩn khắc khe mà các sứ đồ đã có. Một Hội Thánh mới thành lập, còn non trẻ, cần có một ban lãnh đạo hiệp nhất, thông hiểu lời Chúa và nhất là phải làm gương trong mọi phương diện.

 

** "Số những người tin Chúa cùng ngày càng thêm lên"

 

  Tác giả Lu ca muốn ghi lại điểm nầy, để cho chúng ta thấy, sự thanh tẩy Hội thánh qua câu chuyện của A na nia và Sa phi ra đã không làm cho Hội Thánh ngừng phát triển, Chúa vẫn đem người vào Hội Thánh và danh Ngài được truyền ra, lan rộng cả trong những vùng lân cận.

  Do những phép lạ chữa bệnh và đuổi quỷ, mà rất đông người tìm đến, họ tin đến nỗi, cho rằng dù được cái bóng của sứ đồ Phi e rơ phủ qua thì họ cũng được chữa lành. Kinh thánh không nói rõ cho chúng ta biết, cái bóng có tác dụng hay không, nhưng Kinh thánh đang nhấn mạnh đến đức tin mạnh mẽ của dân chúng.

  Sứ đồ Phi e rơ hành động qua danh Chúa Giê su, nên ai tin qua danh ấy đều được chữa lành. Phi e rơ đã không đề cao chính mình, nhưng đề cao danh Chúa Giê su, và kết quả là người ta ngợi khen Chúa và tin nhận Chúa. Chúng ta học được bài học khiêm nhường của Phi e rơ, dường như trước mắt mọi người, ông rất được tôn trọng, nhưng ông vẫn làm công việc mà Chúa tin tưởng và giao phó cho ông là làm vinh hiển danh Chúa Giê su.

 

** Nam nữ đều đông lắm:


  Hội thánh gia tăng về số lượng cả nam và nữ. Người tin Chúa được thêm vào Hội của Chúa Giê su, được kết hợp với Ngài, cũng là được kết hợp với thân thể huyền bí của Ngài, mà không có gì có thể tách biệt và cắt đứt các tín hữu ra khỏi Đấng Christ.


Nhiều người đã được đưa đến với Chúa, nhưng luôn luôn vẫn còn chỗ cho những người khác được thêm vào. Kinh thánh cho chúng ta biết, Hội Thánh sẽ được bổ sung số người liên tục, và vẫn sẽ được thực hiện cho đến khi sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời được hoàn thành và số lượng những người được chọn được hoàn thành. Khi đó đạo của Chúa Giê su sẽ được rao giảng trên khắp cùng trái đất.

  Chúng ta lưu ý đến sự cải đạo của cả nam và nữ, người nữ được chú ý nhiều hơn, so với thông thường trong nhà thờ Do Thái. Chúng ta không thấy người nam phải cắt bì, cũng không bắt buộc người mới tin Chúa phải tham dự các lễ trọng thể của Do Thái. Dần dần, những khác biệt giữa cũ và mới càng rõ nét hơn, tuy nhiên, trong những chương sau, có nhiều ý kiến về sự cắt bì, và sự tranh cãi gay gắt đã được kinh Thánh ghi lại như một chứng tích mà các Hội Thánh đầu tiên đã trải qua.

  Dù vậy, mọi sự đều có sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, Hội Thánh được thêm lên theo số lượng, và cũng được chỉnh sửa để phù hợp với một chương mới theo đạo Đấng Christ. Những điều nầy xảy ra,đã được Chúa Giê su dạy rằng, rượu mới phải cần bình mới mà đựng, hay miếng vá mới sẽ làm chằn rách cái áo cũ là như vậy.