Công vụ 4:"Nên vâng lời loài người hơn Đức Chúa Trời chăng?"
" Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài." Ê phê sô 6:10
Công vụ 4: " Nên vâng lời loài người hơn Đức Chúa Trời chăng?"
Câu hỏi:
1/ Hội đồng bảo hai sứ đồ điều gì mà Phi e rơ và Giăng trả lời:
" có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? "
Hội đồng đã nghe theo Chúa hay nghe theo người ta?
2/ Khi hai sứ đồ trở về, họ làm chứng về gì?
Hội thánh đã cùng nhau hiệp ý cầu xin điều chi?
3/ Chúa có trả lời họ không?
Tại sao Chúa đẹp lòng về lời cầu xin đó?
4/ Tại sao họ xin được dạn dĩ, mà Chúa lại cho Đầy dẫy Thánh Linh?
5/ Ở thời điểm của Hội thánh đầu tiên, cầu xin được dạn dĩ là một lời cầu xin được đánh giá thế nào?
6/ Điều gì khiến mọi người tự nguyện chia sẽ tài vật của mình để cung cấp theo nhu cầu của Hội thánh?
Hội thánh được chúc phước ra sao?
" Có nên vâng lời loài người hơn Đức Chúa Trời chăng?"
** Phi e rơ và Giăng trả lời, họ chỉ nghe theo Chúa. Câu 19 - 22
"Nhưng Phi-e-rơ và Giăng trả lời rằng: Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? 20 Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe. 21 Vậy, họ lại ngăm dọa hai người nữa, rồi tha ra, không tìm phương bắt tội, vì cớ dân chúng, bởi ai nấy đều ngợi khen Đức Chúa Trời về việc đã xảy ra. 22 Vả, người đã nhờ phép lạ cho được chữa bịnh đó, là người đã hơn bốn mươi tuổi."
Trước khi Chúa Giê su về Trời, Ngài căn dặn các môn đồ trong Công vụ 1: 8
" Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất."
Khi Đức Thánh Linh giáng xuống, Ngài ban quyền phép để người ta đi ra làm chứng, một công việc mà Chúa Giê su giao phó cho môn đồ ngày xưa, cũng như cho môn đồ ngày nay. Làm chứng về Chúa Giê su để khắp đất biết được Tin lành cứu rỗi là bổn phận của người theo Chúa.
Khi nghe các bậc cầm quyền Giê ru sa lem tuyên bố, là họ không được nhân danh Chúa Giê su mà rao giảng nữa, thì Phi e rơ và Giăng xác định, họ sẽ không nghe lời các quan, nhưng chỉ tuân theo mệnh lệnh của Chúa mà thôi.
" Về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe."
Trước một phiên toà, điều mà các thẩm phán cần nghe là lời nói từ các nhân chứng - Trước mặt Đức Chúa Trời, điều mà dân Chúa cần làm là vâng lời Chúa.
Phi e rơ và Giăng khẳng định, họ là nhân chứng, họ chỉ nói những gì họ thấy và nghe.
Những điều mà họ nghe thấy cũng lại có nhiều nhân chứng khác nữa, trong đó có cả những người trong Hội đồng.
Các bậc cầm quyền thấy không thể bẻ bác hai môn đồ, họ cũng không muốn khuấy động, làm trái ý dân chúng, vì dân chúng đang nhiệt liệt ngợi khen Đức Chúa Trời qua danh Chúa Giê su, đã làm cho người què hơn bốn mươi năm, đứng dậy và đi như người bình thường.
Trái với hai môn đồ, các nhà lãnh đạo Do Thái hoàn toàn không bị lay chuyển, run sợ trước một phép lạ hiển nhiên đến từ Chúa, nhưng họ có e ngại dư luận và dân chúng, nên thả Phi e rơ và Giăng ra. Điều này chứng tỏ họ quan tâm đến phản ứng con người, hơn là sứ điệp của Đức Chúa Trời.
Đáng ngạc nhiên về sự can đảm của hai môn đồ, dám lên án và kháng cự cả toà Công luận, nhưng họ chỉ bị hăm doạ rồi được thả về.
Khi mọi chuyện đã kết thúc, do sự dạn dĩ của hai môn đồ, hãy xem Chúa đã làm gì?
** Thêm 2.000 người tin Chúa Giêsu
- Phi-e-rơ được đầy dẫy Đức Thánh Linh
- Phi-e-rơ có cơ hội rao giảng cho những người lãnh đạo Do Thái
- Những kẻ thù nghịch với Tin lành đã thấy một sự chữa lành kỳ diệu
- Kẻ thù của Chúa Giêsu bị bối rối
- Phi-e-rơ và Giăng tăng thêm dạn dĩ để nói về Chúa Giê-su
-Một cuộc đời tàn tật hơn bốn mươi năm được chữa lành,
- Đức Chúa Trời được tôn vinh.
** Lời cầu xin của toàn thể Hội Thánh: được làm chứng cách dạn dĩ; câu 23-31
"Khi chúng đã tha ra, hai người đến cùng anh em mình, thuật lại mọi điều các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đã nói. 24 Mọi người nghe đoạn, thì một lòng cất tiếng lên cầu Đức Chúa Trời rằng: Lạy Chúa, là Đấng dựng nên trời, đất, biển, cùng muôn vật trong đó, 25 và đã dùng Đức Thánh Linh, phán bởi miệng tổ phụ chúng tôi, tức là đầy tớ Ngài, là vua Đa-vít, rằng: Vì sao các dân nổi giận, Lại vì sao các nước lập mưu vô ích? 26 Các vua trên mặt đất dấy lên, Các quan hiệp lại, Mà nghịch cùng Chúa và Đấng chịu xức dầu của Ngài. 27 Vả, Hê-rốt và Bô-xơ Phi-lát, với các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ thánh Ngài là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã xức dầu cho, 28 để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước. 29 Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ, 30 giơ tay Ngài ra, để nhờ danh Đầy tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Jêsus, mà làm những phép chữa lành bịnh, phép lạ và dấu kỳ. 31 Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ."
** Phi e rơ và Giăng làm chứng về sự dạn dĩ của mình trước Hội thánh:
Nếu chúng ta đọc trở lại những đoạn Kinh thánh, tả về tâm trạng các môn đồ, trước khi Đức Thánh Linh giáng lâm, chúng ta thấy có sự khác biệt rất rõ, các môn đồ không còn ở trong phòng đóng kín cửa và sợ hãi, nhưng họ bây giờ đang được huấn luyện để trở thành những người chiến sĩ của Tin lành.
Phi e rơ và Giăng là hai người đã nghe theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, tự phô mình ra ngay tại tổng hành dinh của kẻ thù nghịch, mà không hỏi:
"Chúa ơi, sao Ngài lại dẫn con vào nơi nguy hiểm thế này?"
Hơn thế nữa, hai ông đã được Chúa dùng, để làm chứng về Chúa Giê su cho bậc cầm quyền, và còn được dùng để làm chứng minh về sự dạn dĩ khi đi ra làm chứng nhân cho Chúa. Khi họ kể lại câu chuyện của họ trước Hội Đồng thì cả Hội thánh cảm động mà cầu xin được dạn dĩ như họ.
** Lời cầu xin đầu tiên của Hội Thánh -Xin được dạn dĩ.
Có lẽ, trong khi Phi e rơ và Giăng ra đi, cả Hội Thánh đều rất hồi hộp, không biết họ có bị kết tội rồi bị giết như Chúa Giê su hay không? Nhưng khi hai ông được trở về, thuật lại những điều đã xảy ra, mọi người đều mừng rỡ, lớn tiếng ca ngợi Đức Chúa Trời.
**Hội thánh ca tụng Đấng Tạo hoá:
Đức Thánh Linh trong Hội Thánh khiến họ ca tụng Đức Chúa Trời, là Đấng dựng nên trời đất. Ngài có quyền năng trên mọi lãnh vực, và Ngài có quyền giải cứu.
** Hội thánh nhận biết kẻ thù nghịch của Chúa là ai?
Đức Thánh Linh dùng lời tiên tri trong Thi thiên 2, chỉ ra rằng Tin lành sẽ bị quyền lực thế gian chống nghịch:
" Nhân sao các ngoại bang náo loạn? Và những dân tộc toan mưu chước hư không? 2 Các vua thế gian nổi dậy, Các quan trưởng bàn nghị cùng nhau Nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài, mà rằng: 3 Chúng ta hãy bẻ lòi tói của hai Người, Và quăng xa ta xiềng xích của họ. 4 Đấng ngự trên trời sẽ cười, Chúa sẽ nhạo báng chúng nó."
Trong Thi thiên 2 Chúa cũng có hứa :
" Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, Và các đầu cùng đất làm của cải. vãi 9 Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm. "
Thi Thiên 2 đã bày tỏ lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời và sự chiến thắng của Ngài. Tuy có thế lực chống đối nhưng Chúa có thể khống chế nó, và ban cho Hội Thánh làm cơ nghiệp.
Bấy giờ, sau khi nghe lời chứng của Phi e rơ và Giăng, thể nào mà hai ông được một sự dạn dĩ phi thường để rao giảng, cả Hội thánh được hưng phấn, họ đồng một lòng, hiệp một ý, mà cầu xin sự dạn dĩ đó được đến với mình, để mình cũng có thể đi ra dũng cảm như thế.
Các học giả có nêu lên một chi tiết khiến chúng ta lưu ý rằng, Kinh Thánh chép, có nhiều người cầu nguyện, nhưng chỉ có một tiếng nói, được dùng theo số ít: " they raised their voice to God with one accord and said:"
Nhiều người, nhưng chỉ có một tiếng nói, chứng tỏ, cả Hội thánh đều hiệp một, và có trật tự. Thật tốt đẹp biết bao, khi trong Hội thánh không có phe phái, người muốn thứ nầy, kẻ khác muốn thứ kia, đây là lần thứ hai mà Hội Thánh đầu tiên đồng một lòng, hiệp một ý để cầu nguyện, sau khi xin Đức Thánh linh được ban xuống.
**** Hội thánh cầu xin được thêm quyền năng và sự táo bạo, dạn dĩ:
Mọi người cầu xin được ban dạn dĩ như Phi e rơ và Giăng, để đi ra làm chứng mà không sợ hãi. Với tình hình lúc đó, lời cầu xin nầy quả thật là một sự táo bạo và rất can đảm - Vì thế điều đó được Chúa đẹp lòng và ban cho, Kinh thánh chép:
"Nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ."
Hội Thánh đầu tiên được Chúa cho Đầy dẫy Thánh Linh làm cho người ta dạn dĩ, mạnh mẽ, đứng lên và rao giảng như một chiến sĩ cho Chúa.
Nếu chúng ta thấy cảnh bị đẩy té nhào như không có sức lực, thậm chí giảy dụa, rồi đứng lên ói mữa mà tâm trí lơ lững, thì không phải là đầy dẫy Thánh Linh để được dạn dĩ.
Đó là một cảnh rất trái ngược, mà con dân Chúa phải nhận ra - Sách Công vụ là sách được hà hơi để chép về Đức Thánh Linh, chưa bao giờ có những cảnh như thế.
Quả thật, Hội thánh cần nhận ra công tác của mình là gì, và cùng nhau hiệp ý mà cầu nguyện - Lời cầu xin của Hội Thánh cho nhu cầu thiết yếu, sẽ được Chúa trả lời.
Ở đây, chúng ta nhận thấy đầy dẫy Thánh linh, phát xuất từ ý muốn Chúa ban, cho tấm lòng tận tụy với công việc Chúa. Đức Thánh Linh tự hành động theo ý Ngài, không cần thủ tục, cũng không cần ai giúp sức. Phần chúng ta cứ cầu xin, mục đích làm ích lợi cho Chúa, qua đó Chúa được tôn vinh chứ không phải mình được tôn vinh.
Hội thánh xin được dạn dĩ, Chúa cho họ đầy dẫy Thánh Linh - Hai điều nầy liên quan nhau- Chính Đức Thánh Linh làm cho người ta được dạn dĩ khi ra làm chứng -Dạn dĩ không hổ thẹn khi Tin lành bị châm biếm - Dạn dĩ làm chứng khi bị bắt bớ - Dạn dĩ nói về Chúa khi người ta thờ ơ - Dạn dĩ đến những nơi xa lạ để nơi đó được nghe về Tin lành - Dạn dĩ đi ra khi không có đủ điều kiện về vật chất.
Có rất nhiều sự dạn dĩ mà người rao giảng Tin lành phải đối mặt. Đức Thánh Linh sẽ đối đầu, sẽ khiến lòng họ tin tưởng nơi quyền năng, sự giúp sức của Ngài, và luôn cả sự thuyết phục trong lòng cả người nói lẫn người nghe, để hạt giống được gieo ra không luống nhưng, đem về kết quả làm con gặt vui mừng.
Đức Thánh Linh là mấu chốt không thể thiếu cho người muốn làm chứng về Chúa.
Đầy dẫy Thánh Linh làm cho người ra đi gặt hái được kết quả mong muốn.
Sứ đồ Phao lô dùng lời trong Ê phê sô 6:12 & 13 nhắc nhở các chiến sĩ Tin lành rằng:
" Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy. 13 Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng."
và trong câu 18:
" Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ. "
** Hội Thánh được trả lời trong sự hài lòng của chúa:
Kinh Thánh chép, có một trận động đất, như một biểu tượng độc đáo, thể hiện sự hài lòng của Chúa về lời cầu nguyện. Sự hiện diện của Đức Thánh Linh uy nghiêm đến mức được thể hiện một cách tuyệt vời, làm cho những bức tường chết cũng rung động, mọi thứ đều cảm nhận được sức mạnh của Thần Khí Sự Sống.
Sau ngày lễ Ngũ tuần, mọi người trong Hội thánh được kinh nghiệm thế nào là đầy dẫy Đức Thánh Linh để được dạn dĩ, sự dạn dĩ của các Tín đồ trong Hội thánh đầu tiên là món quà từ Chúa, họ nhận được qua lời cầu nguyện. Đó không phải là điều mà họ cố gắng tự mình thực hiện cho mình.
** Hội Thánh đầu tiên chia sẽ vật chất để sống cùng nhau: câu 32 -37
"Vả, người tin theo đông lắm, cứ một lòng một ý cùng nhau. Chẳng ai kể của mình là của riêng; nhưng kể mọi vật là của chung cho nhau. 33 Các sứ đồ lại lấy quyền phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ; và hết thảy đều được phước lớn. 34 Vì trong tín đồ không ai thiếu thốn cả, bởi những người có ruộng hay nhà, đều bán đi, bán được bao nhiêu tiền cũng đem đến 35 đặt dưới chân các sứ đồ; rồi tùy theo sự cần dùng của mỗi người mà phát cho. 36 Vậy có Giô-sép mà các sứ đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là con trai của sự yên ủi, về họ Lê-vi, quê hương tại Chíp-rơ, 37 có một đám ruộng, bán đi, đem tiền đặt nơi chân các sứ đồ."
Chia sẽ tài vật, là bằng chứng tuyệt vời về công việc của Đức Thánh Linh giữa các tín hữu trong Hội thánh đầu tiên. Vì Đức Thánh linh hành động trong lòng mỗi người, nên họ coi việc chia sẽ các nhu cầu vật chất, cho anh chị em cùng đức tin trong Hội Thánh, quan trọng hơn tài sản, đồ vật.
Các thành viên trong Hội Thánh Chúa kết hợp với nhau, sống cùng một cộng đồng với nhau, chia sẽ mọi thứ, trong một mục đích cao đẹp, không ai bị ép uổng, nhưng là tự nguyện.
Đỉnh cao của sự đoàn kết là sống chung và chia sẽ mọi thứ cho nhau. Chính Đức Thánh Linh hành động trong mỗi người, làm cho nó được hoàn hảo. Chủ nghĩa cộng sản cũng bắt chước hình ảnh nầy nhưng thất bại vì nó bị cưỡng ép, chứ không phát xuất từ trái tim, từ tấm lòng. Cách sống đại đồng như trong Hội thánh đầu tiên được gọi là " Koinonia"'(κοινωνία), tiếng Hê bơ rơ gọi là "Chabar" và người ta nói chế độ cộng sản không phải là "Koinonia" vì chế độ đó nói rằng: "Cái gì của bạn là của tôi; tôi sẽ lấy nó.’
nhưng "Koinonia" thì có nghĩa ngược lại: "Cái gì của tôi là của bạn, tôi sẽ chia sẻ nó.’”
Đức Thánh Linh làm cho mọi người nhận biết, mọi thứ mình có do Chúa ban, khi đưa ra cho anh em mình, họ lại được ban phước thêm nữa, nguồn cung cấp từ Chúa không hề ngừng.
Đức tin từ Chúa sâu sắc như vậy nên họ mới có thể chia sẽ mọi thứ mà không câu nệ.
Trong tiếng Hy lạp, ở đây, không phải mọi người đều bán hết tài sản mình ngay lập tức, nhưng họ sẽ đưa ra không do dự, khi Chúa cho họ biết anh em trong Hội thánh có nhu cầu.
Cũng nên biết, từ sau khi Lễ Ngũ Tuần, đã có rất nhiều người tin Chúa, và nhiều người trong số họ đến từ những miền đất xa xôi. Họ không có nhà ở hay công việc làm cố định, ở Giê ru sa lem hay trong xứ Giu đê, họ cần ở lại Giê ru sa lem để tìm hiểu thêm về Chúa Giêsu và đang được môn đệ hoá, họ cần sự hỗ trợ đặc biệt từ cộng đồng con cái Chúa ở trong Hội thánh.
Chúng ta nhìn thấy Hội thánh đầu tiên đang làm gì?
Họ có quá nhiều việc để làm, thờ phượng Chúa, học lời Ngài, huấn luyện nhân sự, đi ra làm chứng, và còn dâng luôn của cải để nuôi dưỡng các tín hữu ở xa.
Kinh thánh chép, các sứ đồ được Chúa trang bị quyền phép rất lớn, để tiếp tục rao giảng về sự phục sinh của Chúa Giê su - Mọi người trong Hội thánh đều được phước, gặt hái nhiều kết quả. Ban cho rời rộng mà không ai thiếu thốn.
Điều nầy vẫn còn trên Hội Thánh chúng ta ngày nay, con cái Chúa vẫn còn chia sẻ vật chất cho anh chị em mình trong Hội thánh, góp chung, ăn uống dư đầy mà không ai vì thế mà thiếu thốn, trái lại, Chúa ban phước để con cái Chúa được thực hiện điều nầy trong Hội Thánh và cả trong cộng đồng mình đang ở.
Có một người đàn ông được nêu tên ở đây, anh tên là Giô sép (Joses) nhưng cũng được gọi là Barnabas, là người nổi tiếng hào phóng; anh ấy được đặt tên Ba na ba, nghĩa là “Con trai của sự khích lệ”. Kinh thánh đã chép tên của anh ở đây, chắc rồi, anh cũng sẽ được Chúa ghi vào sổ trên nước Trời.
Trong đoạn kinh thánh sau cùng, Chúa cho chúng ta thấy được một mô hình Hội thánh phước hạnh - Một hội thánh đặt mục tiêu là rao giảng Tin lành, cầu xin sự dạn dĩ để được ra làm chứng trong thử thách - Hiệp một trong sự cầu nguyện- Sống đoàn kết và chia sẽ.
Kết quả là Hội thánh được Chúa ban đầy ân sủng, các sứ đồ được quyền phép rất lớn và tất cả mọi người đều được phước hạnh. Nhiều người vẫn được thêm vào Hội thánh.